HOÀNG TUẤN PHỔ
(Hồi ký viết lúc hoàng hôn)
Tôi học không hào hứng lắm. Các môn
Toán, Lý, Hoá đều không thích, chỉ ham môn Văn, thứ đến môn Sử. Vì thế, tới nay
tôi không còn nhớ tên các thầy giáo. Riêng thầy Lê Như Ứng dạy văn, tôi không
quên, mặc dù không phục bằng thầy Trần Thanh Địch, Nguyễn Trác. Khi thầy Ứng
giảng bài "Chơi chùa Quán Sứ"
của Hồ Xuân Hương, tôi đã dám cãi lại thầy. Hành vi vô lễ này chả biết thế nào
lại biến thành cuộc tranh luận với chủ đề Duy tâm hay duy vật suốt gần một giờ
giữa tôi và thấy giáo. Cả lớp chỉ biết lẳng lặng ngồi nghe. Sắp hết tiết học
thầy giáo Lê Như Ứng bảo tôi: "Anh
có biết nhưng chưa biết đến nơi đến chốn, để hôm nào tôi sẽ đưa thêm tài liệu
anh xem!". Nhưng sau đó, tôi không nhận được tài liệu gì của thầy Ứng!
Bây giờ không nhớ rõ mình đã cãi lại
thầy giáo dạy văn Lê Như Ứng những gì, có lẽ không tránh khỏi những lời cãi
sai, vì mình chỉ là con ếch ngồi đáy giếng thơi, con dơi ở trong lỗ cột hổng.
Tuy nhiên, bạn học trong lớp lại hoan nghênh tôi, cổ vũ tôi. Tôi biết mình phải
cố gắng học thêm nhiều, nhiều lắm, nhưng thực tình tôi thấy bài học thô tục
quá, sao thầy lại chọn bài thơ này?
Gia đình tôi bị quy thành phần phú
nông với một mẫu năm sào ruộng, trong đó mất hai sào Cồn Hỏng bên rìa đồng Bèo,
bông lúa xấu như bông may (cỏ may)! Ruộng này thuộc loại chân chua. Nhìn gốc
lúa đám nào cũng vàng khè, nước đóng màu gạch cua, đủ biết nó bị chua phèn
nặng. Mẹ tôi đi tìm mua mãi mới được mấy chục cân vôi, ném tung ra ruộng. Thế
mà chất chua cũng đỡ ít nhiều, chỉ có cỏ cứt nhán (gián) chết sắp lượt. Cần
nhiều vôi hơn nữa nhưng lò vôi trên Nhồi không dám đốt lò, vì sợ tàu bay Pháp
bắn đạn "rốc kết", hoặc ném bom. Ngày bào cũng thấy "bà
già" của nó bay ù ù trên đầu, không thám thính thì làm gì?
Nói ruộng nhiều, nhưng thu hoạch kém,
phải chắt chiu lắm mới tạm đủ ăn, sao gọi là giàu được? Ừ, mình không
"phú" nhưng chính quyền bảo mình "phú" là mong điều tốt
lành cho mình cũng chẳng sao. Nào ngờ sau cái việc "nâng lên thành phần
phú nông", là cái vụ "đánh thuế nông nghiệp theo khả năng", rồi
đến cuộc "Đấu tranh chính trị" trời sầu đất thảm!
"Đánh thuế theo khả năng" là
thế nào? Những nhà có ruộng, ai cũng nghĩ tuỳ theo khả năng, mà mình có nhiều
đóng nhiều, có ít đóng ít. Nhưng bất ngờ như bị một búa ông thiên lôi giáng
xuống giữa đình đầu: Trong nhà tôi chỉ còn ba tạ thóc mà mức thuế phải đóng
"Mười lăm tạ!". Một con số giết người, ghê gớm, kinh khủng! Không
thấy nhân dân được họp hành gì. Mức thuế từ trên trời giáng xuống này căn cứ
vào đâu gọi là "khả năng"? Thì ra chỉ do Lê Quang Lời, Lê Quang Cán
lúc bấy giờ làm cán bộ xã thôn, nắm quyền sinh sát "dựng lên"
"bộ thuế" theo ý muốn riêng mình! Gia đình tôi biết kêu ai, kêu ai,
ai biết mà kêu? Đành cúi đầu nhận bản án chết đói! Trong lúc ấy, bố tôi làm gì?
Ông chỉ biết nhìn vào hai bồ thuốc, kiếm
đủ mỗi ngày hai cút rượu, mượn "tửu binh giải phá thành sầu"! Nửa đêm
tỉnh dậy, ông hát vang nhà! Bố tôi có giọng hát rất hay, cũng yêu thơ ca. Tính
ôn thích giao du, khi xuống Cầu Nhân giải thơ tiên do ông tiên Xa Thư giáng
bút, lúc lên phủ Thanh Lâm (Thanh Hoá) làm cung văn. Đêm khuya thanh vắng trong
cảnh nhà khốn khổ, nghe tiếng hát chầu văn của người chồng, người cha bất lực,
lại cảm thấy đời mình còn le lói hy vọng:
"Gió thổi rung cây
Trên đồi ngàn gió thổi rung cây
Dưới khe con cá lặn, đàn chim bay về ngàn
Chim bay về đến đền Hàn,
Sòng Sơn, Phố Cát lại sang Phủ Giầy..."
Mẹ tôi dốc ngược đít bồ, vét nhẵn như
chùi cả chum lẫn vại. Con bò để đi cày, đi bừa cũng phải bán, nộp tiền thay
thóc, theo quy định của hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu hay Diêm vương ở làng tôi. Tiếp
đến là những đồ đạc: Mâm, nồi, giường, tủ,...đều phải đội nón ra đi để cứu giúp
chủ nhà! Cuối cùng vẫn bị thiếu năm tạ thóc!
Có "trát quan" đòi! Mẹ tôi
đến nhà ông Lê Quang Cán, gặp cả ông Lê Quang Lời đang ở đó, tay lăm lăm cái
bút như đang cầm con dao nhọn, xem lại những con số thuế của các gia đình. Mẹ
tôi ngồi bệt xuống đất, chắp tay vái lấy vái để rồi bật lên khóc nức nở...Bà mẹ
Quang Cán ở dưới bếp nghe tiếng khóc, chạy lên mắng: "Nhà mợ định ăn vạ ở nhà tôi chắc?" Quang Cán liền bảo mẹ: "Thôi, việc của cách mạng, bà biết chi mà bàn vô?" (Mẹ
Cán có anh em xa với nhà tôi, nên gọi mẹ tôi là mợ, và chính Cán cũng là
"con bán khoán" ở Tĩnh thờ nhà tôi). Trong khi mẹ Cán trở xuống bếp,
Quang Lời nói: "Cách mạng khoan hồng
tạm tha cho nhà chị. Chúng tôi đáng lý phải gõ vô đầu chồng nhà chị...". Mẹ
tôi gạt nước mắt, khom lưng cúi gục đầu lạy chào hai ông ra về, bên tai như còn
vẳng nghe mấy tiếng "khoan hồng tạm tha"! Muôn vàn đội ơn hai vị
"quan làng"!
Mẹ tôi tấm tức kể lại chuyện xin giảm
bớt thuế, rồi vội vàng cắp mủng chạy về bên ngoại.
Ông bà ngoại tôi ở làng Quần Lực, tục
gọi làng Cồn, cách làng tôi hai quãng đồng (đồng Phần Tiền, đồng Mả Mụa) và một
quãng đường vắng vẻ, phải đi qua hai chỗ mà người yếu bóng vía như tôi thường
bị rùng mình: Cây đa chùa Cồn và cây móc lách nghè Cồn. Năm học lớp đệ nhất
Hoài Văn, tôi trọ học ở nhà ông Trình hai tháng rồi đi với mấy người anh em
cuốc bộ thường xuyên về quê ngoại. Làng nhỏ, dân ít, sống quây quần thành đông
vui, có hai tiểu chi giang lượn qua, nước chảy trong vắt, phong cảnh đôi chút
nên thơ.
Ông ngoại tôi người phúc hậu, tính
hiền lành, năm 1916 đi lính sang Pháp đánh nhau với quân xâm lăng trong Thế
giới chiến tranh lần thứ nhất. Ngoại tôi đi lính đợt đầu. Một bài vè sưu tầm ở
Quảng Xá (Thành phố Thanh Hoá) kể chuyện:
"Nhớ năm Duy Tân thập niên
Kén binh sang Tây hơn nghìn
Mười ba phủ huyện, đi trình thật đông
Kén rồi nhốt ở Hoàng cung
Rạng ngày mười tám đưa chân lên tàu
Vợ con kêu khóc âu sầu
Bây chừ thấy mặt, mai sau có
về?!..."
Ông ngoại tôi được về đợt 1919-1920,
vì phải đi đường tàu thuỷ chậm hơn rùa. Khi mới sang, Tây phát cho một cái ba
lô, vài bộ quần áo, một khẩu súng trường, một cái xẻng. Học mấy tháng thì biết
bắn súng. Ăn toàn bánh mì đen mổ bụng rắc muối bột sẵn bên trong, kèm theo
bi-đông nước lã. Hễ đánh thắng, Tây thưởng, được ăn bánh bì "pa-tê",
uống nước chè Tây. Khi ra trận, Tây bắt đào "tăng-xê" để ngồi nấp bên
trong, chừng mươi phút lại nhô đầu lên bắn một phát, bấm cò xong phải thụp ngay
xuống, nếu chậm rất dễ bị vỡ sọ. Có cái mũ sắt nhưng luồng đạn mạnh cũng bị
thủng. Ông ngoại nói, ông ngồi rụt cổ lại dưới "tăng-xê", cứ nghe đạn
nó bay vèo vèo trên đầu cũng đã sợ thấy ông bà!
Năm 1941, ông ngoại tôi được triều
đình tặng bằng Cửu phẩm (võ giai), đúng dịp kén lính sang Tây bảo vệ mẫu quốc
trong Đại thế chiến thứ hai! Từ nay, ông ngoại tôi được dân làng gọi là ông
Cửu, ra đình mỗi khi làng làm cỗ tế thần cứ bàn nhất mà ngồi. Dĩ nhiên trước
hết phải khao vọng làng thì làng mới công nhận.
Bà ngoại tôi hay ốm, do các dì tôi
phải chăm sóc thuốc thang, cơm cháo quanh năm, kinh tế trong nhà chỉ tạm đủ ăn.
Ông bà ngoại tôi sinh 5 người con gái liền. Dì cả lấy Mụ Hào, tức Bửu Hào, dòng
Tôn Thất nhà Nguyễn, nhưng vì ít chữ, phải đi quản lý ấp làng Tiền (nay thuộc
xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương) cho Thượng Dinh (hàm Thượng thư), tên chính
Tôn Thất Ưng Dinh-Tổng đốc Thanh Hoá. Người thứ hai là mẹ tôi. Người thứ ba lấy
chồng Bến Cốc (Thị xã Thanh Hoá cũ). Ông chồng mặt rỗ xấu xí, to béo ục ịch,
gia đình làm nghề buôn luồng, nghe nói giàu có lắm, nhưng coi khinh dì tôi đồ quê
mùa, chậm chạp. Người thư tư muộn chồng. Người thứ năm đã trưởng thành, xinh
xắn nhất nhà mà chưa thấy ai hỏi. Hai dì tôi ưa làm dáng, váy dài đến mắt cá
chân, hai dải khăn thắt lưng buông thả quá đầu gối, yếm trắng cổ xuây, khuyên
bạc, khuyên vàng trên tai sáng lấp loáng...Miệng đời thường chê hai dì tôi lười
nhác, quanh quẩn ở nhà, chẳng mấy khi ra đến ngoài đồng ruộng.
Nhà nuôi được một con lợn to để dành
bán lấy tiền nộp thuế điền thổ (ông ngoại tôi được miễn thuế đinh, vì đi lính
Tây). Được bằng Cửu phẩm, ông ngoại tôi kéo ngay con lợn trong chuồng ra, nhờ
anh em trong họ làm cỗ mời làng. Ăn uống rình rịch ba ngày. Ngày thứ ba dỡ rạp,
suýt phải dỡ luôn cả nhà. Bà ngoại tôi đâm ốm nặng, không có tiền cắt thuốc. Dì
cả, chồng làm quản ấp, kinh tế gia đình dư dật. Tất cả đều trông chờ sự giúp đỡ
của dì.
Mấy tháng sau, ông ngoại tôi xin Tây
cho làm đại lý muối ở làng Vồm, có bến Giàng tiện đường buôn bán. Nhưng ông
ngoại không biết kinh doanh, phải thuê người
giúp việc, bị họ tìm cách ăn bớt. Muối bán ra, mua về, sổ sách lèm nhèm,
tẩy xoá lung tung, lời lãi chẳng được mấy đồng. Chiếc cân bàn Tây nó sản xuất khá chính xác, chỉ cần kê
miếng bã trầu, bị sai số hàng tạ muối. Hè năm 1943, ông ngoại gọi mẹ tôi lên
Vồm trông nhà, trông hàng giúp để cụ đi Quảng Nam chơi thăm họ hàng.
Trong thời gian ở đại lý muối của ông
ngoại, tôi thấy họ còn cố ý kê lệch bàn cân, hoặc đặt bàn cân chỗ đất không
bằng phẳng. Họ bán ra nhiều, ghi sổ ít là thường. Có hoá đơn nhưng xuất, lưu,
con số khác nhau. Mẹ tôi nóng ruột chờ ông ngoại, đứng ngồi không yên.
Ông ngoại tôi đi mãi tới gần hai tuần
lễ mới về. Cụ thuỷ tổ họ Lê Trọng của ông ngoại vốn người Quảng Nam, làm võ quan
triều Lê Cảnh Hưng, chức Phó Vệ uý. Cụ về xã Văn Trinh tuyển lính, lấy người
con gái thôn Quần Lực làm vợ, được hai con trai. Đời Lê Chiêu Thống, vua đi
theo quân Mãn Thanh, Tây Sơn làm chủ Bắc Hà. Lúc này, cụ đã được thăng lên Vệ
uý, phải trốn vào Thanh Hoá, rồi về quê vợ chia con, đứa nhỏ để lại, đứa lớn
ngồi một đầu thúng, bên kia là đồ đạc, gánh chạy miết ngày đêm nhằm hướng quê
nội Quảng Nam. Hai đứa bé ấy, nay đã thành tổ hai chi họ: Anh ở Quảng Nam, em ở
Thanh Hoá.
(còn nữa)
HTP/8/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét