20 thg 12, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 35)


          HOÀNG TUẤN PHỔ 


    Trở lại con đường đẹp nhất miền Bắc: Gia Lâm-Bắc Ninh, Bắc Ninh-Gia Lâm. Tôi dừng lại một quán hàng mượn cớ uống nước để hỏi thăm đường.

Hàng này bán bánh trôi nước. Không phải chiếc bánh mà viên bánh  còn nguyên màu bột trắng toát. Quê tôi ngày Tết có loại bánh rán tròn lớn hơn bánh trôi một chút, lúc mới nặn cũng màu bột trắng, lăn hạt vừng bên ngoài đem rán chín bằng mỡ lợn rồi tẩm mật thành sắc đỏ nâu đẹp. Và trong nhà tôi, hồi lên sáu lên bảy, tôi còn thấy một cái môi đan rất khéo, thưa, bằng nan vầu gác trên giàn bếp. Bà tôi nói đó là cái vợt dùng để vớt bánh trôi nước. Bà tôi còn giải thích: nhà ta vốn xưa quê ngoài Bắc, đầu năm làm bánh trôi nước, nên không quên tục cũ. Nhưng khoảng mấy chục năm nay không làm nữa, vì xung quanh không có ai, chỉ một mình nhà ta thì “cầy” (kỳ) quá!

          À thì ra bánh trôi là thế này đây! Chắc giá cũng không đắt quá, tôi mua một đĩa. Khách ngồi hàng rất đông. Tôi cốt vào hàng quán đông người, ăn chút lót dạ, để hỏi thăm làng cũ quê xưa. Thấy tôi lóng ngóng tay cầm đũa vẻ chưa quen món bánh trôi, một ông trạc ngoài 50, cất tiếng ngâm nho nhỏ, đùi rung tít:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son!

Thơ ai như thơ Hồ Xuân Hương? Tôi cắn thử một viên bánh trôi. Ngoài chỉ có bột chín bao quanh, cái nhân là một cục đường nâu đỏ giống đường phên Thanh Hoá. À ngon, ngon và ngọt, bột dẻo thơm kết hợp đường ngọt thắc nên ngon. Ăn bánh trôi nghe thơ Bánh trôi, bánh càng ngon ngọt thơm, thơ càng hay tuyệt, đơn giản mà sâu sắc!

          Ăn xong đĩa bánh trôi, tôi trả tiền, cố nán lại với chén nước để hỏi đường về huyện Đông Yên. Không ai trả lời tôi. Họ đang bận việc của họ.

Người ngâm thơ Bánh trôi hỏi tôi: “Cậu ở Thanh Hoá phải không? Đầu xuân năm mới xuất hành đi xa mà phải hỏi thăm đường thì không nên đâu, phải không anh bạn trẻ?”

Tôi đáp: “Dạ vâng thưa ông!”

          Tôi nghĩ tại sao đi đến đâu người ta cũng nhận ra mình là dân Thanh Hoá? Phải chăng tại vì cái giọng mình nặng trình trịch, phát âm không chuẩn xác nhiều từ ngữ? Đúng như lời cụ Thanh Bắc Ninh: tiếng nặng nhưng tình không nhẹ, sợ gì thiên hạ chê cười. Nhà mình đã sáu đời ở Thanh Hoá, mồ mả tổ tiên cũng chôn cất trên đất Thanh, tại những nơi tên gọi nôm na mà thân thiết: Đồng Cồn, Bái Ràn, Nhà Hinh, Đồng Cạn, Mả Yểng,…Đó là những mảnh đất, chính các cụ lúc sống đã đổ mồ hôi sôi nước mắt! Đã hai trăm năm tổ tiên không bị người Thanh Hoá đuổi đi, đến đời cha con mình cớ sao lại bị người Thanh Hoá không đuổi mà chẳng khác đuổi đi, phải cách ly hẳn môi trường xã hội, mặc cho đói nghèo khốn khổ? Giá như mình có phép thần tiên, đi đâu, đội luôn cả nhà cửa cơ nghiệp và mồ mả tổ tiên ông bà đến luôn nơi đó!

          -Cậu nghĩ gì về đất tổ quê xưa mà ghê gớm thế? Cái gì còn thì vẫn còn, cái gì đã mất thì để cho nó mất. Ở đây hai ngôi mộ của “Chồng nguyên soái vợ tướng quân” quê quán Thanh Hoá, đã gần hai ngàn năm vẫn còn đó, người đời và chính dân Gia Lâm này thường lui tới thắp hương và đọc thơ. Vậy mà tôi chưa nghe nói đến ai từ Thanh Hoá ra thăm viếng cả!

          Tôi hơi  giật mình về câu hỏi, lời nói của ông khách ngồi hàng khi nãy ngâm thơ Bánh trôi nước.

          -Vâng, thưa ông, cháu quả là con trẻ cạn nghĩ vô tình. Nếu ông vui lòng cho nghe lời thơ đề vịnh về hai ngôi mộ ấy thì hay quá!

          Bỗng ông đổi ý:

          -Mà thôi! Tôi chưa già mà lẩm cẩm mất rồi! Cậu đang tìm đường về quê Tổ đầu xuân năm mới mà tôi giữ cậu lại đây để nghe tôi nói chuyện thơ với thẩn thì vô duyên quá! Nói như các cụ “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, rồi ra gặp gỡ còn nhiều, cậu đi tìm đi cho được việc! À mà bây giờ cậu xuôi xuống đường Năm, qua Bần Yên Nhân, đi một mạch hỏi thăm về Kẻ Sặt, dưới ấy có ấp Nhân Lý, chứ vùng trên này làm gì có làng Nhân Lý. Mà xưa là ấp nay là làng, thế gian biến đổi như đèn cù “quay tít lại vòng quanh”, đành cứ đi đến nơi đến chốn xem sao. Chao ôi! Đã cách nay đến hai trăm năm rồi cơ mà!

          Tôi đứng lên chào ông khách hay chuyện, dắt con ngựa sắt già lại bon bon trên đường Năm, đầu óc bận rộn với những tên Nhân Lý, Bần Yên Nhân, Kẻ Sặt…

          Bần Yên Nhân không ra phố cũng không ra chợ, ở ngay cạnh đường Năm, chuyên sản xuất tương. Tương Bần ngon nổi tiếng. Rất nhiều thùng gỗ lớn cùng với chum bố bày la liệt, phơi ngoài trời, bên trên đội nón lá che mưa nắng. Họ vừa sản xuất tương vừa bán buôn và bán lẻ cho khách xa gần.

          Chẳng còn cách nào khác, tôi lại thẳng đường Năm rẽ lối về Kẻ Sặt.

Kẻ Sặt! Địa danh rất nôm na này là tên một lỵ trấn huyện của tỉnh Hải Dương nổi tiếng, đất quê Mạc Đăng Dung, từ anh dân chài trở thành ông vua mở ra triều đại nhà Mạc, làm cho nhà Lê suýt bị tuyệt diệt! Phong cảnh Kẻ Sặt chợ búa, phố xá buồn tênh! Phải chăng nó còn dấu vết đau thương của cuộc chiến tranh quá lâu dài tiếp sau 80 năm đô hộ?

          Tôi vào một hàng nghỉ ăn trưa, biển đề “Quán cơm Kẻ Sặt”. Không dám gọi gì nhiều, chỉ hạng xoàng dưa mắm. Chủ quán cho biết mới mở hàng mùng sáu hôm nay, chưa chuẩn bị được các món nấu, chỉ có thịt đông và cá rán. Tất cả không phải món ăn ngày Tết còn lại mà mới phát hoả mờ sáng nay. Thịt đông là món thông dụng nhà nào ngày Tết chẳng có. Cá chép mới rán rất đặc biệt vì đây là cá chép sông Kẻ Sặt chảy ra sông Thái Bình. Mùa mưa nước lớn, cá chép từ sông Thái Bình bơi ngược nước lên sông Kẻ Sặt nhiều mồi ngon, rồi ở lại sinh sống đến mùa xuân năm sau, con đực gặp con cái cùng “vật tổ” rồi đẻ trứng tại bờ cỏ ven sông…

          Tôi rất thích được nghe những điều như vậy để mở mang kiến văn, không thể không nói lời khen ông chủ quán hiểu biết cặn kẽ về món ăn ngon quê mình. Ông cao hứng:

          -Tôi chưa được đi nhiều nơi, nhưng chắc chắn nơi chốn nào cũng có món ngon và kém ngon tuỳ theo khẩu vị. Thí dụ: Cá chép mau Nưa, có con to bằng cái quạt mo mà chỉ dùng để ướp muối ăn dần. Nổi tiếng ở Thanh Hoá là cá mè sông Mực loại bằng bàn tay xoè, rán, om, gỏi đều ngon. Sông Mực là một nhánh của sông Ghép. Trời mưa rào, cá mè cũng bơi ngược nước, gặp khúc sông sẵn mồi thì ở lại lâu dài…

          Tôi ngạc nhiên:

          -Làm thế nào ông chủ quán hiểu Thanh Hoá tường tận đến thế?

          -À, hồi kháng chiến, tôi tản cư vào Thanh mấy năm. Tôi ở phố Cầu Quan. Nghề của tôi là mở hàng cơm, đi đến đâu phải tìm hiểu nguồn thức ăn nơi đó, nên biết mau Nưa, sông Mực…Nơi đây xa biển, cá biển bán ở chợ Thượng là cá kho nồi, khách ăn không mộ, phải tìm nguồn cá nước ngọt để chế biến các món ăn. Tôi hay mua cá quả nấu kho, để lâu vẫn ngon, làm thức ăn mặn…Vợ chồng tôi ở Cầu Quan với hai thằng bé được đúng 3 năm thì phải tính chuyện hồi cư, còn hai con đã lớn tướng đòi ở lại theo người ta đi buôn bè. Ừ thì chúng nó có ý thức lập nghiệp sớm thế cũng hay, chẳng biết làm ăn thế nào mà Tết năm nay không thấy về. Nghe nói trong Thanh mấy năm nay mùa màng thất bát, nông suy bách nghệ bại, liệu chúng nó có chèo chống nổi không.

Đầu bếp nước ngoài đang chế biến cá mè sông Mực
Ảnh và chú thích: congtydulichmienbac


          Chủ quán nâng ra một mâm cơm, không có rau muống, thay bằng đậu phụ rán chấm tương, đĩa thịt đông và hai đĩa cá rán, loại cá chép tai trâu cắt đôi. Tôi không hiểu tại sao những hai đĩa cá rán đủ cả đầu đuôi. Chưa kịp hỏi thì ông quán đã giải thích:

          -Tuỳ cậu muốn xơi đầu hay đuôi do sở thích! Đàn ông nhiều người thích ăn đầu, “nam thủ nữ vĩ”. Chú mèo tóm được gã chuột, bao giờ cũng nhai rau ráu ngay cái đầu trước. Chính cái đầu mới ngon và bổ cho nên mèo ta khoẻ mạnh và thông minh. Loại cá chép sông Kẻ Sặt cỡ tai trâu này là ngon nhất, đầu hay đuôi đều thú vị cả!

          Tôi tự biết mình nên ăn món gì, do cái túi tiền lép kẹp của mình quyết định. Đã chén đậu rán chấm tương là “sang” rồi, còn dám cá rán, thịt lợn nấu đông nữa sao?! Nhưng trước nhiệt tình giới thiệu món ăn của ông chủ quán, tôi đành thú thật:

          -Chả dám giấu gì ông chủ, cháu ở trong Thanh mới ra, vì hoàn cảnh khó khăn, tìm đường về quê, lộ phí eo hẹp, nên chỉ mong được dưa muối qua bữa là tốt lắm rồi!

          Chủ quán tròn xoe mắt, cặp lông mày “nét mác” rướn lên:

          -Chết nỗi! Cậu là người Thanh Hoá thật à? Vậy mà tôi dám ba hoa chích choè mãi! Vậy quê quán cậu ở đâu tận Hải Dương này?

          -Vâng, cụ Tổ cháu quê làng Nhân Lý vào Thanh kiếm sống đến đời cháu là thứ sáu, gia phả chẳng may bị mất, chỉ nhớ quê làng Nhân Lý, huyện hay phủ Mỹ Hào, tỉnh Bắc Ninh. Cháu lên Bắc Ninh, không tìm thấy, nghe nói gần Kẻ Sặt, tỉnh Hải Dương, có ấp Nhân Lý…

          Chủ quán cười:

          -Tưởng ở đâu xa, chứ Kẻ Sặt là đây, mà ấp Nhân Lý cũng gần đây thôi. Cậu cứ thong thả cơm nước rồi nghỉ ngơi, chiều tôi sẽ vẽ đường cho cậu. Có con thiên lý  mã, chẳng cần phải phi, cứ bon bon nước kiệu, chốc lát đến nơi. Cậu xơi cơm đi nhé, đừng lo chuyện tiền bạc. Cơm hàng cháo chợ ai nhỡ mới ăn. Tôi đã ở Thanh Hoá những ba năm, mà “một đêm nằm bằng năm ở”, cậu khỏi lo chuyện tiền bạc.

          Ông chủ quán xuống bếp, có lẽ để tôi ăn uống được tự nhiên hoặc có việc đun nấu gì đó. Lúc ông trở lên, tôi đã ăn cơm xong.

          Chủ quán ngạc nhiên:

          -Ơ kìa! Sao cậu khách sáo thế? Cơm ít mà thức ăn…

          Tôi cười đáp lễ:

          -Dạ, tạng cháu vốn như thế, đâu dám khách sáo…

          Tôi đứng lên, rửa ráy qua loa tí chút, uống chén nước rồi lên giường nằm nghỉ ngơi. Sự thực tôi rất mệt. Vì đạp xe mấy ngày liền đã quá sức. Đến nỗi trên đường đi, ngồi trên yên xe còn đạp được, xuống dắt bộ thì đôi chân gần như bị tê liệt. Tôi đánh một giấc lúc nào không biết, khi thức dậy đã hai giờ chiều.

(còn tiếp)                                             HTP/2019

 

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét