HOÀNG TUẤN PHỔ
Cầu Quan ngày nay |
Theo lời chỉ dẫn của ông chủ,
đường về ấp Nhân Lý chẳng bao xa. Nhưng làng quê xưa đất Tổ của tôi sao hoàn toàn
khác với trí tưởng tượng của tôi! Nó giống như một làng mới tái lập sau trận địch
càn quét lớn! Thì ra đây là vùng địch chiếm đóng và làng tôi là một làng cách mạng,
dân quân du kích hoạt động ác liệt chống giặc, sẵn sàng hy sinh tất cả!
Ôi, sự thật vẫn là sự thật…Đúng như người ta nói đây là ấp Nhân Lý.
Ở
Thanh Hoá có nhiều ấp. Riêng vùng huyện tôi đã có mấy ấp: Ấp làng Tiền, ấp Xa
Thư, ấp Câu Đồng, ấp Cổ Duệ, ấp Đào Lâm, ấp Bái Vàng…Tất cả đều không phải là
làng, phần nhiều ở bên cạnh làng nào đó, nhân tên làng đặt hoặc gọi tên ấp. Ấp
là địa điểm cư trú của những người nơi khác đến ở khai hoang hay làm tá điền cấy
rẽ nộp tô cho điền chủ. Ví như ấp làng Tiền ở cạnh Tiền Thôn, do Tôn thất Ưng
Dinh Tổng đốc Thanh Hoá sở hữu; ấp Cổ Duệ ở bên thôn Cổ Duệ, trước của đại điền
chủ Nguyễn Hữu Ngọc, sau bán cho điền chủ Hàn Tiệp. Về quản lý hành chính, các ấp
ấy đều thuộc chính quyền địa phương. Vậy ấp Nhân Lý thì sao? Tên này chắc cũng
do địa danh Nhân Lý mà ra. Gần đây hẳn là có một làng Nhân Lý?
Ở ấp Nhân Lý không nhà nào nhận tôi là anh em. Phải chăng họ
thấy tôi từ phương xa tới, hình dạng bé nhỏ, gầy gò, quần áo tồi tàn, đi cái xe
đạp cũ rích, nên không muốn nhận anh em, sợ phải nuôi cơm, rồi ra có thể còn
vay mượn, nhờ vả nữa, lôi thôi? Tôi hỏi
làng Nhân Lý ở đâu, ai cũng lắc đầu, nói vùng này không có làng Nhân Lý. Dân ấp
là người nhiều nơi họp lại, họ cũng không hiểu vì sao đặt tên Nhân Lý, bởi đa số
đâu có được học hành chữ nghĩa!
Hầu như nhà nào tôi cũng đến. Các ông già tôi đều gặp,
quanh đi quẩn lại mất đứt một buổi chiều, chẳng mang lại kết quả gì! Tôi hoàn
toàn thất vọng, bây giờ biết đi đâu về đâu, khi bóng hoàng hôn đang tới gần?
Thôi đành quay trở về Kẻ Sặt. Nơi này từng là trấn lỵ huyện Cẩm Giàng, chỗ Pháp
đặt Đại lý hành chính tỉnh Hải Dương, chắc trong phố chợ có người hiểu biết do
từng trải hoặc học hành hay làm công việc thời cũ…
Nhận ra tôi từ xa, ông chủ quán vẫy gọi. Tôi vừa xuống xe
trước quán, ông chủ đã tươi cười:
-Thấy cậu tôi biết ngay không được việc. Không phải tôi muốn
bán hàng cho khách đâu. Số là u nó đi chơi thăm bà con từ chiều qua chưa về, cậu
trở lại đây với tôi cho vui, hàng quán giường chiếu chăn màn sạch sẽ, cơm nước
xong, đánh một giấc là quên tất cả. Mà “nhất dạ sinh bá kế”, biết đâu đêm nay
chúng ta sẽ tìm ra lối thoát thì hay quá!
-Vâng, xin ông chủ làm ơn giúp cho.
Chủ quán xuống bếp thổi cơm. Ngồi ở bàn nước nhìn xuống bếp
củi cháy bùng bùng, tôi nghĩ ngợi xa gần, tự nhiên đâm ra so sánh. Thiên hạ thật
lắm người tốt, quá tốt, còn quê mình sao nhiều kẻ xấu và ác đến thế? Tôi nhớ lời
mẹ tôi: “Chạy trời không khỏi nắng!”. Không, mình hy vọng sẽ tìm thấy một khoảng
trời khác đầy nắng xuân ấm áp, ấy là đất Tổ quê xưa…Ngay trên đường “chạy trời”,
mấy ngày hôm nay mình đã được chứng minh trời mỗi ngày lại mát mẻ hơn…Suy nghĩ
linh tinh một lúc, tôi chợt nhớ mình quên chưa hỏi ông quán, tại sao hàng cơm
ông chỉ trụ được ở Cầu Quan đúng 3 năm, mà Thanh Hoá còn nhiều nơi rộn rịp có
tiếng thời bấy giờ như: Cầu Bố, Rừng Thông, Hậu Hiền, Cầu Kè, Tứ Trụ, Cốc Thuận…?
Ông chủ quán bưng mâm cơm ra, hai cái bát, hai đôi đũa, có
cả chai rượu, thức ăn giống ban trưa, thiếu cái đầu cá chép rán. Tôi chưa kịp
nói gì, ông đã giải thích:
-Quán mở suốt cả buổi sáng, may được cậu làm khách đầu
tiên, chiều nay có mấy ông trong phố đến uống rượu, họ rước cho cái thủ cụ Lý
ngư đi thưởng trăng. Cái tang cá rán để cách đêm đến ngày mai mất ngon, bây giờ
anh em ta phải cho nó “vọng nguyệt” luôn thể. Mà bữa cơm này tôi thết đãi cậu
xem như đầu năm mới, cậu đến chơi thăm tôi, chúc mừng năm mới làm ăn tiến tới,
cùng xơi chén rượu nhạt với tôi cho vui. Ấy là cái số ông trời xui khiến tôi vất
vả chạy đi chạy về, nếu trụ được ở Cầu Quan thì bây giờ đã là dân Thanh như cậu…
Ông quán rót rượu ra chén, tôi đưa tay ngăn lại từ chối.
Nhưng trước sự hồ hởi nhiệt tình của ông, tôi đành khẽ chạm môi vào chén nhấp
thử một chút. Tôi nói:
-Cháu cũng đang định hỏi ông tại sao một nơi tốt đất cao nền
như Cầu Quan mà lại không đóng đô được?
Ông chủ uống một ngụm rượu, khà một tiếng. Chắc loại rượu
ngon thơm cay lắm. Ông chủ xắn ngay đĩa cá rán gắp một miếng chấm nhẹ vào bát
tương Bần rồi đưa lên miệng. Chưa kịp ăn, ông đã dừng lại mời tôi:
-Kìa cậu, xơi đi, cá chép Kẻ Sặt mới rán chấm với tương Bần
Yên Nhân thơm ngon ngọt không kém nước mắm Do Xuyên Ba Làng đâu! Thật là “Duyên
phận phải chiều” phải không cậu? À, Thanh Hoá hình như không phải là đất chèo?
Để tôi uống hết chén rượu cho nổi hứng rồi sẽ hát cho cậu nghe thử.
Tợp một ngụm hết cả chén rượu, ông chủ “khà” một tiếng thật
dài rồi tay cầm đũa gõ vào miệng bát “keng keng leng keng keng…”. Thế là đã
thành tiếng trống chèo nổi lên rộn rã và tiếng hát cô đào chèo cũng cất lên: “Duyên nợ ý a…phải chiều ý ỳ…Chứ đôi ta i I ì
duyên nợ phải chiều í ì, chứ dây tơ hồng vấn vít í I quấn quít a í a quấn qua
quấn quít a a í a sợi í i chỉ điều a khéo xe duyên í í í ỳ ỳ a a a…”
Ông quán dừng lại; “Chà cái giọng vịt đực của tôi vô duyên
quá làm hỏng mất cả làn điệu hay!”
Tôi vỗ tay tán thưởng: “Hay hay, hay lắm! Giá ông chủ cho
nghe thêm…”
Ông quán lắc đầu xua tay: “Tiếc quá! Không có con mẹ đào
chèo nào ở đây…”
Rồi như người chợt tỉnh cơn say, ông quán cười phá lên: “Rõ
chán mớ đời, đang chuyện nọi lại xọ chuyện kia! À hình như cậu đang hỏi tôi
chuyện gì phải không?”
Tôi mỉm cười để hưởng ứng tiếng cười yêu đời của chủ quán:
-Vâng, cháu muốn biết vì lý do gì ông chủ chỉ ở Cầu Quan được
đúng ba năm? Ông nói chuyện hay quá, làm cháu cũng đang say…
Chủ quán xới cơm cho tôi và không quên gắp tảng to cá rán
lưng dày u thịt đắp lên bát tôi. Một bát cơm cá đầy ụ lên thế này nâng lên sẽ
lút mồm lút mũi thì ăn sao được? Tôi trả lại tảng cá vào đĩa, xắn lấy một lát
nhỏ chấm với mắm tương, vừa ăn vừa khen:
-Chà ngon quá! Đúng là “duyện nợ phải chiều”….Cá mè sông Mực
quả là khó sánh…
Tôi hiểu ông quán biết tôi là người Thanh Hoá nên có vẻ đắn
đo khi nhắc lại chuyện Cầu Quan. Thật vậy, ông vừa gật đầu vừa nói chậm rãi:
-Tôi không dám ngoa ngôn chút nào. Đất Cầu Quan vui lắm,
trên bộ dưới thuyền, có sông có chợ, hàng hoá bán mua tấp nập, phố xá đông vui,
Nam Định, Hải Phòng vào, Nghệ An, Hà Tĩnh ra…Hiệu sách, hiệu thuốc, hiệu phở…toàn
hàng cao cấp cả! Tôi mở quán cơm ở đây là cò đậu nơi đất tốt, nào ngờ ế ẩm lắm,
suốt ngày ngồi đuổi ruồi!
Ông quán bỗng ngừng lại giây lát rồi nói tiếp:
-Vì
tôi bán cơm đâu có nhằm gì người Cầu Quan. Mà trông vào khách qua lại làm ăn từ
Quảng Xương, Tĩnh Gia, Đông Sơn, Nông Cống, Thị xã…thì sao? Đất Thanh Hoá nổi
tiếng tiền rừng bạc bể, người Thanh Hoá cần cù, mến khách, nhưng…hơi hà tiện,
nói xin lỗi cậu, hễ đi đâu, làm gì xa xa một chút, họ thế nào cũng kè kè mo cơm
nắm với quả cà nén, thì chỉ có hàng nước chè xanh mới mong kiếm chác được năm
ba xu một hào!
Nói xong, ông quán lại cười hà hà vui vẻ, rồi không quên gắp
miếng cá rán lúc nãy lên bát cơm tôi:
-Nào! Chỉ tôi với cậu, hai anh em mình phải xơi thật lực kỳ
hết nồi cơm và các thức ăn này, kẻo thừa để đến mai thì thiu, mà đổ đi thì phí!
Tính tôi ăn ít và ăn nhạt, chỉ hai sét bát cơm và tảng cá
rán là đủ no rồi. Nhưng tôi không nói chuyện ăn uống mà vừa ăn vừa ngẫm nghĩ những
điều nhận xét rất đúng của ông quán về người Thanh Hoá. Từ đời ông bà nội tôi,
tôi đã thấy các cụ sinh hoạt rất hà tiện. Chuyện siêng năng tôi đã kể ở việc
làm chiếu. Chuyện ăn uống thì nước mắm cáy thối, cà muối nén lâu dưới vại bị
lũn cũng ăn tất. Đến chuyện tuần tiết, giỗ chạp, ông bà tôi cũng không bao giờ
linh động nơi lỏng tay tí chút. Ngày giỗ các cụ hoặc tết mùng năm, rằm tháng bảy
hay khách khứa gần xa, cỗ bàn thường có ba món chủ lực: Thịt lợn luộc, cá rán,
cá kho. Nhà tôi có một con dao phay cán dài, to bản, lưỡi mỏng, sắc như nước chỉ
dùng để thái chuối cho lợn và thái thịt luộc. Mười miếng thịt lợn luộc thái ra
đều nhau cả mười. Mỏng đến mức bày dàn kín đĩa mà thấy được cả những hoa văn
phía dưới.
Cá mè để rán đánh dưới ao trước vườn. Ao rộng nhưng rợp
bóng cây, cá thả chậm lớn, con to nhất chỉ bằng lưỡi dao bầu, cắt đôi chia hai
đĩa. Cá kho, loại cá chuối (quả) thường bằng cán liềm hoặc lớn hơn một chút, bà
nội tôi mua ngoài chợ về, làm thịt, chặt mõm, khía chéo, để cả con lấy dây lạt
giang buộc khoanh lại xếp vào nồi, mỗi lượt rắc đều ít muối, lá gừng cho thơm,
lá nổ cho vàng, kho thật kỹ hai lần rồi đậy ngửa vung cho thoáng, treo quang rọ
lên rất cao. Cách ba ngày bà nội tôi bắc ghế trèo lên lấy nồi cá xuống thăm xem
thế nào và hâm lại. Giống cá chuối càng kho kỹ càng chắc, để lâu cả tháng ăn vẫn
thơm ngon…
Đó là nếp sống “tằn tiện” lâu đời của gia đình tôi để từ lớp
nghèo khổ vươn lên “thường thường bậc trung” và không bị rơi tụt xuống thân phận
được bữa trưa lo bữa tối. Hoàn đúng như lời nhận xét của ông chủ quán về người
Thanh Hoá. Gia đình tôi nuôi trâu bò,
còn cây rơm to vẫn để dành khi mưa gió, lúc nông nhàn, lên tận Yên Thượng núi
Nưa cắt cỏ từ sáng sớm đến chiều tà mới
về, trưa giở mo cơm nắm ra ăn rồi vục tay múc nước khe uống!
Chủ quán vui tính, hay chuyện, hàng sẵn cơm rượu nhưng
không say sưa quá đà. Ông cũng là người cơ chỉ làm ăn và có vẻ con nhà gia
giáo. Uống đến chén rượu thứ ba, ông dừng lại úp sấp cái chén xuống, nói: “Nam
nhi bất quá tam bôi tửu”, rồi xới cơm ăn. Ông lại gắp thịt đông lên bát tôi, ấn
đũa xuống, bắt phải ăn kỳ được. Chợt nhận ra chén rượu của tôi vẫn đầy nguyên,
ông cười: “Các cụ xưa đã dạy “Tửu bất khả khuyến”, cậu đã không thích men cay,
tôi cũng không dám ép nài, để tôi đổ lại vào chai kẻo phí!”
Chúng tôi ngồi trầm ngâm bên ấm nước. Ông quán cầm điếu cày
rít một hơi thật dài, từ từ nhả khói thành những vòng tròn chữ o đẹp mắt. Ông
nói:
-Bánh
tráng vừng Cầu Quan ngon lắm. Kẻ Sặt tôi cũng có bánh đa đường giòn tan ăn rất
thú, tiếc rằng ngày Tết, hàng họ chưa ai làm!
Bỗng
ông vỗ đùi đánh bốp một cái:
-Suýt
nữa tôi quên mất cụ giáo! Ở phố tôi có cụ giáo già về hưu, từng dạy học nhiều
nơi, lại hay xem sách, tại sao đến giờ tôi mới nhớ ra nhỉ?
(còn tiếp) HTP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét