22 thg 12, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 37)

 

Lăng mộ vợ chồng Đào Kỳ - Phương Dung
Ảnh: St
               HOÀNG TUẤN PHỔ

       Ông  chủ quán Kẻ Sặt đưa tôi đến gõ cửa cụ giáo già về hưu, nhà ở cuối phố.

Nhà cụ giáo kín cổng cao tường, trong ngoài vắng vẻ. Đầu xuân chắc trẻ già đi chơi cả, ở nhà còn mình cụ đang ngồi xem một quyển sách to dày cộp. Cụ giáo gấp sách, buông kính đứng lên đón chúng tôi như bạn bè thân quý. Chúng tôi cúi đầu lễ phép chắp tay kính chào thầy giáo. Cụ giáo đáp lễ chúng tôi cũng bằng động tác y hệt đầy vẻ khách sáo mà trong Thanh đã từ lâu không thấy ai còn làm như vậy. Có lẽ cụ giáo vốn được đào tạo như vậy trong lò luyện đức luyện tài dưới chế độ cũ trước 1945, một kiểu thi lễ đã bị phê phán là phong kiến!

            Cụ giáo kéo ghế mời chúng tôi ngồi chơi xơi nước. Trong khi chờ đợi cụ giáo làm các nghi thức tráng chén và rót nước từ trong ấm giỏ, thong dong, phiền phức khiến tôi càng thêm sốt ruột. Tôi liếc mắt nhìn thấy trên bìa sách dày cộp có nhan đề “Văn đàn bảo giám”. Sách này tôi cũng đã thấy ở hiệu sách Cầu Quan hồi học trường Na Sơn, vì không đủ tiền mua nên chỉ dám lướt qua, chờ bạn bè có thì hỏi mượn hoặc nếu xin được tiền của bố mẹ mua sau. Rồi tôi cũng mua được một quyển. 

            Ông chủ quán trình bày sự việc của tôi với cụ giáo. Cụ giáo cười:

            -Được, xin mời hai vị thong thả xơi nước đã!

            Chiều lòng cụ giáo, chúng tôi nâng chén cho phải phép vì vừa mới uống xong ở nhà. Cụ giáo hỏi tôi:

            -Thế ai vẽ đường cho ông xuống tận Kẻ Sặt này?

            Một thằng oắt con như tôi mà được gọi bằng “ông”, tôi thấy ngượng quá!

            -Dạ, thưa thầy, con chỉ mới 20 tuổi, xin thầy gọi là “cháu” đã là vinh hạnh lắm rồi ạ!

            -Xem cậu, tôi đoán có lẽ sống ở vùng tự do cậu cũng được ăn học nhiều. Thế cậu học đến lớp mấy rồi?

            -Dạ, thưa thầy, đúng con có được học, nhưng ít lắm ạ! Con xin nhờ thầy dạy bảo thêm ạ!

            Cụ giáo cười:

            -Tôi không dám!

            Im lặng một lúc, cụ giáo nói tiếp:

            -Cậu đến Gia Lâm là gần đến nơi cậu cần đến. Cậu tới Bần Yên Nhân thì Nhân Lý đã ở trước mắt rồi! Nhưng không phải ông khách ngồi hàng với cậu không biết gì đâu. Ông ấy nói rằng ở Gia Lâm có đền thờ và hai ngôi mộ người Thanh Hoá, đông khách hành hương bốn phương, riêng dân Thanh Hoá thì hình như ít ai chú ý tới, là rất đúng! Tôi đã dạy ở đó gần 10 năm, tôi biết rõ.

            Cụ giáo uống một chén nước, cũng loại chè nụ vối như ông già “Thanh” thị xã Bắc Ninh, rồi thong thả kể:

            -Cậu hẳn là biết huyện Nông Cống? Xưa kia, gọi là trang Nông Cống. Ở đây có nhân vật Đào Kỳ - một viên tướng kỳ tài phò tá Trưng Vương khởi nghĩa chống quân nhà Hán. Mẹ Đào Kỳ nghèo  khổ, sống bằng nghề te tép. Đêm sáng trăng, có đạo quân hành binh qua đường, một người lính bế xốc lấy cô gái vào bãi cỏ dưới gốc cây kè…Sau đó anh vội vã chạy theo đội ngũ. Đủ chín tháng mười ngày hoài thai, trong khi vươn cao tay hái quả đào chín, người phụ nữ ấy đẻ rơi một thằng bé bên gốc cây đào …Do đó, người mẹ đặt tên đứa bé ấy là Kè (gốc Kè) và lấy Đào làm họ, vì không biết cha nó là ai, sau thành tên chữ Đào Kỳ.

            Mẹ mất sớm, Đào Kỳ lang thang, phiêu bạt, ở đâu có sông nước thì dừng lại nơi đó mò bắt cá đổi lấy bữa ăn. Khi đến trang Đông Ngàn (Bắc Ninh), Đào Kỳ thấy mến cảnh dừng chân bên bờ Cối Giang. Khúc sông này  lắm tôm nhiều cá, dễ kiếm ăn. Đào Kỳ dựng một túp lều vịt trên bờ sông để tạm trú qua ngày.

            Chàng Kỳ có biệt tài bắt cá. Ai cần mua cá gì, to hay nhỏ thì chàng mới nhảy ùm xuống sông lặn một cái mất tăm. Chốc lát chàng ngoi lên khỏi mặt nước, hai tay nắm hai đầu con cá. Những hôm trời mưa gió, chàng Kỳ bắt cá mang vào làng đổi gạo muối. Trong làng có một phú ông tính thích ăn thịt ba ba. Phú ông bảo Kỳ chỉ cần con to bằng cái vung, chàng bắt ngay đem tới. Bữa có tiệc tùng, ông thử bảo chàng bắt con to bằng cái rá, chàng cũng tóm cổ dưới vực đúng một con cỡ như vậy xách đến cho ông.

            Nhà phú ông chỉ sinh hạ được một đứa con gái nhan sắc xinh đẹp, nhưng không ham việc canh cửi mà thích luyện tập võ nghệ. Chiều ý con, ông mời thầy dạy võ và mở hẳn một lớp học ngay tại nhà mình. Học đến môn đánh thuỷ, phú ông phải nhờ Đào Kỳ giúp dạy cho cách bơi lặn, nhịn thở lâu dưới nước sâu. Đào Kỳ cũng xin được học các môn võ nghệ khác. Ba năm sau, chàng trở thành tay võ nghệ cao cường nhất trong lớp học. Phú ông muốn cho chàng ở rể, nàng Phương Dung con gái ông mến tài Kỳ cũng ưng thuận.

            Bấy giờ nhà Hán đô hộ nước ta, bóc lột tàn khốc, cai trị bạo ngược, nhân dân căm giận, khắp nơi rục rịch nổi dậy. Hai Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị chiêu mộ quân sĩ, họp binh khởi nghĩa. Hai vợ chồng Đào Kỳ - Phương Dung cũng đem người đến Phong Châu tụ nghĩa. Đánh đuổi được quân nhà Hán, Hai Bà Trưng xưng vương làm vua nước Nam, phong Đào Kỳ làm Nguyên soái, Phương Dung làm Tướng quân, sai trấn thủ thành Cổ Loa, vốn trước của An Dương Vương Thục Phán (thuộc vùng Gia Lâm). Hai vợ chồng chiêu mộ dân mở mang thêm nhiều trại, ấp…

            Năm 43, quân Đông Hán kéo sang tiến đánh Phong Châu rồi tàn phá vùng Gia Lâm. Đào Kỳ và Phương Dung quân ít, lực yếu vẫn quyết tử chống lại Mã Viện, bảo vệ thành Cổ Loa đến phút cuối cùng. Nhân dân Gia Lâm vô cùng thương tiếc, chôn cất hai vợ chồng thành hai nấm mộ song song. Họ lại lập đền thờ hai vợ chồng để bốn mùa hương khói tưởng nhớ công lao.

            Một tác giả thời Lê đề thơ viếng mộ Đào Kỳ-Phương Dung:

            Sinh vi lương tướng tử vị thần

            Vạn cổ cương thường hệ thử thân

            Loa địa song đôi thu nguyệt ảnh

            Anh hùng liệt nữ tưởng quân phần

            (Sống là tướng giỏi chết thần thiêng

            Muôn thuở trung trinh tiếng vẫn truyền

            Trăng tỏ thành Loa đôi nấm mộ

            Anh hùng nữ kiệt khéo nên duyên)

              phía nam làng Lộc Hà vùng  Gia Lâm (Mai Lâm xưa) còn một tấm bia đá ghi sự tích Đào Tướng quân, tạo tác niên hiệu Thuận Thiên (Lịch sử Việt Nam có hai triều vua đặt niên hiệu này: Lý Thái Tổ (1010), Lê Thái Tổ (1428).

            Cụ giáo kể chuyện lịch sử gần 2000 năm trước rất tường tận và hấp dẫn khiến cả tôi và ông quán say sưa, thích thú đến nỗi quên mất mục đích chính là hỏi thăm làng Nhân Lý quê tôi đã thất lạc hai thế kỷ rồi!

            Chúng tôi khâm phục trí nhớ và hiểu biết sâu rộng của cụ, không ngừng xuýt xoa khen ngợi. Cụ giáo khiêm tốn cứ một “không dám” hai “không dám” nhận lời khen của chúng tôi, tự cho rằng mình chỉ nhớ đâu nói đó, làm món quà xuân năm mới đãi khách cho vui.

            Kể xong chuyện Đào Kỳ người Thanh Hoá và Phương Dung nàng dâu xứ Thanh, lúc này cụ giáo nói tiếp việc tôi hỏi đường về quê Tổ xa đời:

            -Chim nhớ tổ, người nhớ tông. Bất cứ vì lý do gì cậu,…cậu gì nhỉ -(tôi xưng tên họ)-cậu cũng là người đáng khen ngợi. Cậu lên Bắc Ninh, xuống Gia Lâm lại sang Kẻ Sặt hỏi làng Nhân Lý. Ở Hải Dương này, không kể ấp Nhân Lý, có 3 làng Nhân Lý lâu đời: một làng ở huyện Vĩnh Lại, một làng ở huyện Thanh Lâm, một làng ở huyện Thủ Đường, liệu phải mấy tuần cậu Phổ mới tìm cho thấy?

Nhưng cậu đừng vội thất vọng!

 Tôi biết chắc có một làng Nhân Lý ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Tên huyện Yên Mỹ cũng không xa xưa lắm. Nguyên trước là huyện Đường Hào, vì kiêng huý tên vua Đồng Khánh nên đổi phủ thành Mỹ Hào, lại chia thành 2 huyện Mỹ Hào, Đông Yên, lại đổi Mỹ Hào, trước thuộc tỉnh Bắc Ninh, sau cắt sang tỉnh Hưng Yên, lôi thôi rắc rối lắm! Tôi cũng chỉ nhớ chừng chừng vậy thôi. Nhưng tôi biết đích xác làng Nhân Lý cậu đang cần tìm, nó ở bên cạnh huyện lỵ Yên Mỹ, đi tắt qua làng Lá sang rất gần…

(còn tiếp) HTP

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét