23 thg 12, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 38)

Mái ngói nhà thờ họ Hoàng
ở làng Nhân Lý-Yên Mỹ-Hưng Yên

Ảnh: HTC

         HOÀNG TUẤN PHỔ

Cụ giáo nói tiếp:

-Tôi đã ngồi dạy trường Tiểu học huyện lỵ, có một học trò tên Hoàng Xuân Giao học lực thường nhưng hạnh kiểm rất tốt. Một hôm ông thân sinh cậu Giao mời tôi sang chơi nhà. Nhà ông giàu có, những 30 mẫu ruộng, nhà ông anh gọi là ông Tiên Vợi - Tiên chỉ làng Nhân Lý còn giàu có hơn, ruộng đất những hơn 80 mẫu! Tôi nhớ trong bữa rượu, ông Tiên Vợi có kể họ Hoàng ở đất ấy đông, chiếm hơn nửa làng nên làng bầu ông làm Tiên chỉ, điều mà ông không muốn. Họ Hoàng Nhân Lý có những 5 chi, anh em ông Tiên Vợi thuộc chi thứ 4, nhưng nhiều người lại bảo chi thứ 3. Ông là kẻ hậu sinh chẳng rõ thế nào. Đáng lẽ họ còn đông hơn nữa, bởi Hoàng tộc có một chi thất lạc…

Cụ giáo ngừng lời nhấp giọng ngụm nước. Rồi chợt nhớ ra:

-Mải nói chuyện xưa chuyện nay, tôi quên khuấy mất!

Cụ giáo đứng lên mở tủ lấy ra gói thuốc lá còn nguyên:

-Ngày xuân uống chè nên hút điếu thuốc cho thêm vui. Trước Tết có một học trò cũ biếu thầy mấy gói Lucky. Tôi không hay hút thuốc lá thuốc lào, chỉ để dành tiếp khách. Loại thuốc này hút thú vị lắm, trong người cảm thấy mơ mơ màng màng, lâng lâng nhẹ nhõm như bay lên mây…

Cụ giáo bóc gói thuốc. Tôi xin phép thầy giáo miễn thứ cho kẻ quê mùa không biết hút thuốc lá. Ông quán cũng cáo lỗi bởi chỉ quen hút thuốc lào. Cụ giáo lịch sự:

-Ngày xuân làm hai vị mất vui. Nhà tôi không ai dùng thuốc lào nên chẳng sắm điếu đóm gì cả.

Cụ giáo trở lại câu chuyện chính:

-Cậu Phổ ạ! Sáng mai cậu thong thả lên đường 5, trở lại Bần Yên Nhân, nhưng chưa đến Bần Yên Nhân cậu nhớ dừng lại rẽ ở Phố Nối, đi không đến một ki-lô-mét là huyện lỵ Yên Mỹ có đường phố kề chợ búa, hỏi về Nhân Lý, đấy chắc là làng cũ quê xưa của cậu…

Chúng tôi cảm ơn cụ giáo. Tôi xin lỗi đã làm mất thì giờ của thầy đang xem dở quyển sách hay! Cụ giáo hỏi:

-Thì ra cậu cũng đã xem “Văn đàn bảo giám”? Tôi đoán không sai, nghe lời nói, tôi biết cậu là người có học thức! Tôi nói có gì lầm lỗi, cậu bỏ quá cho!

Tôi thưa lại:

-Con không dám hỗn phép đâu ạ. Xin đội ơn thầy giáo!

Tôi cúi đầu khom lưng vái chào cụ giáo, xin phép về quán trọ. Cụ giáo cũng kính chào lại và tiễn hai chúng tôi ra tận cổng rồi khép nhẹ hai cánh cửa lại.

Đêm ấy, tôi ngủ một giấc ngon từ lúc đặt lưng xuống giường cho đến sáng bạc canh.

Tôi thanh toán tiền cơm tiền trọ và hết sức cảm ơn sự giúp đỡ chí tình của ông chủ quán.

Tôi tìm được làng Nhân Lý không khó khăn gì. Về đường rẽ, chỉ hơi rắc rối ngờ ngợ một chút. Đó là khi hỏi tên Phố Nối, mọi người ai cũng chỉ dẫn về Phố “Lối”, rồi đến cả tên làng tôi mọi người cũng gọi là Nhân “Ný” chứ không phải Nhân “Lý”. Thì ra đây là phát âm địa phương quê tôi: N thành L và ngược lại!

Chưa vội ngắm nhìn phong cảnh quê hương. Theo chỉ dẫn của bà con người làng, tôi vào thẳng nhà ông Tiên Vợi.

Đúng là một gia đình giàu có!

Địa phương tôi, làng Văn Đoài, xã Quảng Hoà, huyện Quảng Xương, tôi chưa thấy một gia đình nào giàu sang như thế! Thế nhưng lạ thay, bên trong nhà rỗng tuếch! Thì ra thời Pháp tạm chiếm, địch lấy nhà bác Tiên Vợi làm đồn bốt, bắc súng lên tầng hai kiểm soát cả mấy xã quanh huyện lỵ. Chúng vứt hết đồ đạc gia đình, đuổi người nhà đi sơ tán nên hoà bình trở về chỉ còn cái xác nhà không!

Ông bác Tiên Vợi và gia đình rất vui mừng gặp được người họ hàng thân thích lưu lạc vào Thanh Hoá đã 6 đời, nay mới tìm được về đất Tổ quê Cha, làng Nhân Lý, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Bác Tiên Vợi: Tiên là chức Tiên chỉ làng, Vợi là tên cô gái đầu lòng đã mất. Sau đó đẻ cô gái thứ hai, đặt tên thật xấu để dễ nuôi: cái Múc! Lớn lên mới đổi Múc thành Phúc. Bác Tiên Vợi lấy thêm bà hai, sinh anh Quán và cô Nhẫn. Anh Quán đã cưới vợ, một cô gái làng Châu Xá, nét mặt xinh tươi, da dẻ hồng hào, vóc dáng đậm, tôi ít thấy chị và không biết tên.

Bác Tiên Vợi tên thật là Hoàng Xuân Tống, thời kháng chiến chống Pháp vào Thanh Hoá tham gia kháng chiến, hoà bình mới về.

Tôi đến nhà bác Tống vào sáng mùng bảy Tết. Theo lệ cổ truyền, mùng bảy là Tết hạ nêu. Dựng nêu chiều Ba mươi tháng Chạp, hạ nêu sáng ngày mùng bảy tháng Giêng, đúng bảy ngày kết thúc Tết nguyên đán. Ở Thanh Hoá do bom đạn, máy bay máy bò, không còn nhà nào dám dựng nêu. Hưng Yên là vùng địch chiếm đóng cũng súng bắn đì đòm ngày đêm, cây nêu tất phải lui vào quá khứ. Bây giờ đã bình yên. Nhưng ở đây đã hết không khí Tết từ mùng hai, mùng ba. Bà Hai bác Tống vẫn đi làm đồng áng cùng chị con dâu, vợ anh Quán. Cô Phúc, cô Nhẫn đang ngồi tựa lưng vào tường tập khâu nón. Nghề làm nón do bác ông học được trong Thanh Hoá. Chỉ có anh Quán đi học trung cấp gì đó ở Hà Nội, ít khi về.

            Bữa cơm trưa hôm ấy, tôi ăn cơm với bác ông ở phòng trên, còn bà Cả, bà Hai, con gái, con dâu dọn mâm dưới nhà ngang. Khi uống nước, bác Tống  hỏi tôi tình hình gia đình, anh em trong Thanh. Tôi thưa chuyện vắn tắt:

            -Thưa bác, họ hàng trong Thanh nói chung đều nghèo cả. Nhà cháu, cha mẹ hiếm hoi chỉ sinh được mỗi một mình cháu, cũng được ăn học tử tế, nhưng gia đình sa sút, từ chỗ vài mẫu ruộng chỉ còn dăm ba sào. Nước nông giang canh tác không có vì Pháp phá hỏng đập Bái Thượng. Cháu học hành dở dang, nghề nghiệp không có, chả lẽ cả nhà dắt nhau đi ăn mày và…! Thày mẹ cháu bảo cháu thử tìm đường về Bắc, làng quê xưa, trước thăm anh em họ hàng, sau nhờ các bác, các cô giúp đỡ cho việc làm, việc chi cũng được, miễn kiếm được miếng cơm chín ăn, chờ trời đất tan mây lặng gió rồi sẽ liệu sau…

            Tính bác Tống lành, im lặng một lát, rồi cho người mời bác Biển đến nói chuyện.

            Bác Biển cũng con người hiền lành, lấy đến 3 vợ mà không có con cái gì. Bà Ba mới cưới trong năm, con gái mười tám khá xinh xắn nhưng nhà quá nghèo, người làng Lá, bên cạnh phố huyện Yên Mỹ, thuộc xã Trai Trang. Bác Biển hồi kháng chiến làm Thôn đội trưởng du kích hoạt động ở ngay trong lòng địch. Nay bác Biển làm Thôn đội trưởng làng Nhân Lý.

Bác Biển hỏi tôi:

-Chú có giấy tờ gì không?

Tôi đưa ra một mảnh giấy gấp tư, nội dung là giấy giới thiệu đi buôn cói Nga Sơn, có dấu và chữ ký của Uỷ ban Kháng chiến Hành chính xã. Ngoài ra tôi không còn giấy tờ gì cả, từ văn bằng, chứng chỉ đến sơ yếu lý lịch. Tôi trình bày thực tình: Nhân dân đấu tranh chính trị đốt cháy hết cả! Bác Bác biển không hiểu đấu tranh chính trị là gì, chỉ nói:

            -Trời đất loạn lạc sinh lắm chuyện lạ. Để tôi bàn với ông Cự chủ tịch xã, xem ý tứ ông ấy ra sao.

            Bác Tống bảo:

            -Gì thì gì cũng anh em lá lành đùm bọc lá rách thôi!

            Ông Cự là bạn thân với bác Biển, lập sơ yếu lý lịch cho tôi là người Nhân Lý, Thanh Long, chạy loạn đã lâu, nay mới tìm được đường về quê. Nhờ sơ yếu lý lịch do xã lập ra, gồm sinh quán, trú quán, học lực, tên cha, tên mẹ…đúng như sự thật, chỉ có thành phần gia đình, và vấn đề đấu tranh chính trị thì bỏ qua, tôi được bố trí làm giáo viên lớp Ba, Trường Phổ thông Dân lập cấp I, xã Thanh Long, lương hàng tháng 24kg gạo (Hiệu trưởng là giáo viên lớp 4 được 30kg gạo). Toàn tỉnh Hưng Yên và cả Hải Dương thuộc vùng mới giải phóng đều như vậy. Chủ trương cấp trên chưa tổ chức trường quốc lập.

            Chỗ ở, các bác bố trí cho tôi trú tại nhà thờ chếch Tây Nam trông ra ao làng rộng mênh mông, hè thoáng mát, đông ấm áp. Trông coi nhà thờ chỉ có bà cụ Khối, mẹ đẻ bác Súc trưởng họ. Đun nấu, ăn cơm dưới gian bếp nhỏ. Hai chái nhà thờ kê giường cho cụ Khối và tôi.

            Ban ngày một buổi tôi đi bộ qua cầu tre sông Lực Điền, lên Thượng Tại dạy học lớp Ba trường dân lập đặt tại nhà dân. Buối tối, người trong làng, trong họ đến học lớp bình dân do tôi dạy. Học phí cũng là gạo, ai muốn đóng bao nhiêu cũng được. Cộng cả gạo dạy trường dân lập và lớp bình dân được khoảng 30-35kg/tháng, tôi giao cả cho bà cụ Khối. Có lẽ sinh hoạt ăn uống cộng thêm nước nôi, dầu đèn, xà phòng…cũng tạm đủ, khỏi phải lo vất vả ngược xuôi.

           Ngoài thời giờ dạy học, tôi quanh quẩn trong nhà thờ, không đến chơi nhà ai, cũng không có báo chí gì để xem, sách vở gì để đọc. Đôi lúc nghĩ xa nghĩ gần, thấy thực tại đầy lo âu và tương lai thì mờ mịt. Ở quê Thanh, tôi còn cha mẹ, chú thím, nhất là người chú mới ra tù, đang ốm đau thập tử nhất sinh trong cảnh đói nghèo,  không nơi nương tựa, trái lại, ai cũng khinh ghét. Chúng tôi cứ như cái gai trong mắt họ!...

Dù lo âu, nghĩ xa nghĩ gần là vậy, nhưng lúc này tôi cũng không thể ngờ rằng, sau khoảng râm mát ngắn ngủi của chặng đường “chạy nắng”, “trời đất loạn lạc” lại sắp nổi cơn thịnh nộ.

Tôi lại bị cuốn vào cuộc Cải cách ruộng đất “long trời...”, tận mắt chứng kiến cảnh đầu rơi máu chảy ngay tại chính nơi quê Cha đất Tổ…

 (còn tiếp) HTP

           


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét