18 thg 12, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 33)

 

      HOÀNG TUẤN PHỔ


       Tôi phóng một mạch qua cầu Gián Khuất, Phủ Lý, rồi đến Hà Nội. Đất Kinh Kỳ nổi tiếng “Hà Nội băm sáu phố phường” có khác. Phố nào cũng đông đúc, phường nào cũng nhộn nhịp. Tôi không dám dừng lại Hà Nội, hỏi thăm ngay đường lên Bắc Ninh.

Cầu Long Biên! Chao ôi! Cây cầu sao mà to và dài đến thế! Cứ mù mù mịt mịt xa thăm thẳm, có lẽ nó dài “nhất thế giới” chăng? Tôi qua Gia Lâm, lên thị xã Bắc Ninh. Một chặng đường ngắn thôi nhưng rất kỳ lạ. Mặt đường nhựa láng bóng, đen nhánh, nhẵn thín, thứ giấy ngoại thượng hạng buôn lậu còn kém xa! Đời tôi chưa thấy con đường giao thông hay phố xá nào đẹp đến vậy. Nhưng, ngược lại đến bất ngờ, tôi rất ngạc nhiên khi thấy thị xã một tỉnh như Bắc Ninh lừng lẫy trong lịch sử Việt Nam lại ngắn và hẹp như một con phố chợ Cầu Quan Thanh Hoá thời kháng chiến.

Đây là trấn Kinh Bắc, quê hương của hai bà Chúa khét tiếng: Thứ nhất Ỷ Lan Nguyên phi, vợ vua Lý Thánh tông, thủ phạm vụ giết Hoàng hậu Thượng dương bằng hình thức chặt chân tay, khoét hai mắt, ném vào chuồng lợn! Thứ hai Quý phi Đặng Thị Huệ, vợ yêu Chúa Trịnh Sâm, một tiếng cười đủ làm triều đình nhà Lê nghiêng ngửa, một giọt nước mắt đã cuốn trôi cả cơ đồ họ Trịnh! Bà Chúa Chè (Đặng Thị Huệ người làng Chè, Bắc Ninh) còn có đứa em trai xưng là Cậu Trời, ra đường hễ gặp con gái đẹp là bắt hiếp ngay giữa thanh thiên bạch nhật, mặc dù trong nhà Đặng Mậu Lân đã có  hàng trăm người vợ trẻ nhan sắc mĩ miều!

          Trời đã chiều tà. Tôi chọn một quán hàng có ông già hai chòm râu bạc phơ đang ngồi nhìn ra đường phố mỗi lúc một thêm thưa vắng dần. Tôi lễ phép hỏi: “Thưa cụ, đầu xuân năm mới, hàng ta đã mở cửa chưa ạ?

          Cụ già cười, hàm răng phô ra còn nguyên vẹn: “À hàng thì chưa, nhưng cửa từ mùng một Tết Nguyên đán ngày nào cũng mở”.

          Tôi đoán cụ già này vui tính tất dễ tính, thưa ngay vào chuyện cần thiết: “Dạ thưa cụ, cháu muốn đêm nay xin được phép ngủ nghỉ nhờ…”

          Ông lão hỏi: “Cậu người Thanh  Hoá phải không?”.

          Tôi hơi ngạc nhiên: “Dạ, sao cụ biết ạ?”

          Ông già đáp: “Hồi kháng chiến, tôi ở Thanh Hoá mãi. Dân tản cư mà. Tiếng Thanh Hoá nói nặng, khó nghe, nhưng mà nặng tình nặng nghĩa, giúp đỡ đồng bào tản cư hết lòng! Có ai đi đâu đội được cả cửa nhà đi đâu? Cho nên mới có câu “Sẩy nhà ra thất nghiệp”. Chín năm kháng chiến có ít đâu, mà tôi thấy người Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, có ai thất nghiệp đâu, vì được cái xứ - ông khách tha lỗi - nói cứ như “dùi đục chấm nước cáy”, nhưng lại có tấm lòng vàng, sẻ cơm nhường áo, san cửa chia nhà, thương người như thể thương thân…”.

          Tôi nói: “Vâng, xin cảm ơn những lời khen ngợi tốt đẹp của cụ!”.

          Cụ già mời tôi uống nước. Nước chè nụ vối rót ra từ ấm tích ủ trong giỏ bọc nệm rơm để giữ nhiệt, mùi thơm nhẹ, uống vào hơi đắng chát một chút, nhưng vị ngọt thấm thía dần, lưu lại mãi trong đầu môi cuống lưỡi, rất xứng với tên chén trà xuân đầu năm mới nơi đất khách.

          Tôi ngập ngừng một chút rồi thưa thật với cụ già: “Chả dám giấu gì cụ. Nhà cháu ở trong Thanh gặp cảnh ngộ khó khăn, nên hỏi thăm đường tìm về đất Tổ quê xưa nhờ anh em họ hàng giúp đỡ…”

          Cụ già gật đầu: “Tôi cũng nghe nói trong Thanh vài năm nay mùa màng thất bát, lại thêm cái nạn dịch đấu, đấm cái gì đó ghê gớm lắm!...Thế cậu tìm về tỉnh nào?”

          Tôi đáp: “Dạ, cụ Tổ cháu vì đói khát chạy vào Thanh kiếm ăn, đến cháu đời thứ 6. Nay cháu lại cũng bởi đói khát tìm về quê xưa kiếm sống. Quê cháu ở thôn Nhân Lý, phủ Mỹ Hào, huyện Đông Yên, tỉnh Bắc Ninh”.

          Cụ già chống tay dáng nghĩ ngợi. Một lát, cụ thong thả nói: “Thế thì cậu nhớ nhầm rồi! Xưa kia tỉnh Bắc Ninh có phủ Mỹ Hào, ngày nay bỏ phủ, chỉ còn huyện. Huyện Yên Mỹ thuộc tỉnh Hưng Yên. Thôi bây giờ trời tối rồi, cậu nghỉ lại đây, tôi nấu cơm ăn, sáng mai trở xuống Gia Lâm, theo đường 5 đến Bần Yên Nhân hỏi thăm huyện Yên Mỹ, làng Nhân Lý…Các cháu tôi về quê ăn Tết cả, còn mình tôi ở lại trông nhà. Cậu ở đây với tôi, chúng ta tối nay uống nước nụ chè vối nói chuyện với nhau cho vui. Tôi sẽ đun nước ủ tích chè mới…”

          Tôi thưa: “Vâng, còn gì bằng…Đầu xuân năm mới xuất hành vào ngày mùng Ba Tết mà gặp toàn chuyện hay!”.

          Chủ nhà vào bếp thổi cơm. Tôi dắt xe vào nhà. Giữa nhà treo ngọn đèn quang sáng quắc. Nhà hàng vừa bán cơm, vừa cho khách trọ ban đêm nên 3 gian khá rộng. Lại còn nhà bếp nữa. Một mình ông già trông nhà không khỏi cảnh trống trải, vắng vẻ. Tính cụ lại vui, hay cười, thích nói chuyện…Mình được ở với cụ có bầu có bạn. Chứ đêm nào cũng ở nơi như Quán Cháo Đồng Giao, đêm nghe gió núi, nghĩ nỗi đường xa thêm mù mịt não nề. Giấc ngủ tuy chết mê chết mệt nhưng vẫn lẫn cả cơn chập chà chập chờn ác mộng, những hùm beo ma quỷ hiện hình vây bắt moi gan uống máu mình…!

          Đã lâu lắm, bốn, năm năm chứ ít đâu, tôi mới được ăn một bữa thịnh soạn, đúng hơn là bữa cỗ Tết có đủ bánh chưng, thịt đông, giò lụa, chả quế…Riêng món bánh chưng đã đặc biệt. Bánh gói rất dày, gạo nếp cái, chỉ có hai phần gạo, một phần nhân đậu xanh nhuyễn vào một lớp thịt ba chỉ trải ở giữa, ăn với giò lụa hoặc chả quế tuỳ thích. Nhưng vẫn thiếu mật. Với tôi, bánh chưng phải chấm mật, thứ mật đặc chợ Đầm (Thọ Xuân) hay Bà Bùi (Hà Trung) thắng với gừng. Bắc Ninh ít đất trồng mía, hay phong tục ở đây không ăn bánh chưng chấm mật?

          Chủ nhà cũng đem ra một be rượu, nhưng tôi xin cụ miễn thứ vì tính tôi không thích món tửu món tăm. Cụ chủ nhà cũng không ưa khề khà tay đũa tay chén, nên bữa ăn - bữa cỗ Tết - ăn xong chóng vánh. Tôi dọn mâm cùng với cụ và xắn tay áo sẵn sàng thực hiện “lời dạy” “Làm trai rửa bát quét nhà…” Cụ chủ gạt tay tôi: Cứ để đó. Sáng mai cháu nào về thăm ông, tất nó phải thu dọn bếp núc”.

          Rồi cụ nhờ tôi bê giỏ ấm nước.

          Một già một trẻ ngồi đối ẩm bên chén nước chè nụ vối. Chà! Ấm mới ủ nước mới có khác. Hương vị vừa thơm vừa ngọt. Thanh Hoá sẵn cây vối vườn, nhân dân hay uống lá, ít dùng nụ. Nói chung dân Thanh vẫn thích chè xanh hơn, nhất là chè xanh Yên Lược.

          -Cháu xin phép hỏi cụ, làng quê cụ ở đâu ạ?

          -Làng Trang Liệt, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, gần ngay đây thôi. Chắc cậu là người có học hành chữ nghĩa? Cậu học Nam sử thì biết đời Trần, lão cũng họ Trần, nhưng không phải dòng dõi mà có chút dây mơ rễ má với họ Trần thôi!

          -Vâng, cháu cũng có được cắp sách đi học, rất thích môn sử nên có biết qua lịch sử đời nhà Trần anh hùng lắm, ba lần đánh thắng quân Nguyên bên Tàu xâm lược!

          Cụ già vỗ đùi đánh đét, vuốt chòm râu bạc:

          -Đúng, đúng! Nhưng tôi không muốn nhắc lại chuyện ấy. Sử sách nói nhiều rồi. Tôi thích kể chuyện làng tôi, một làng lớn bằng một xã, có những hai cái đình đồ sộ, một cái Bảng môn cũng rất to đẹp, vốn xưa là điền trang thái ấp của Hoài Đức vương Trần Bà Liệt. Cái tên Trang Liệt là có nguồn gốc lịch sử ấy!

          Tôi rất thú vị, đôi mắt sáng lên, đầu óc tỉnh như sáo. Dường như tôi quên hết mọi sự mệt nhọc đường trường, tê chân còm lưng đạp xe rong ruổi một mạch suốt từ quán Cháo Đồng Giao đến thị xã Bắc Ninh này, đến nỗi ngồi trên xe chân còn đạp được, chứ xuống đất đi bộ thì không lê bước nổi!

          -Vâng, cháu thích nghe chuyện cụ kể lắm. Được như thế còn gì quý bằng!

          Cụ già chọc cái lông cánh gà trống thiến thông nõ điếu bát, tay nạp điếu thuốc lào, tay châm đóm từ ngọn hoa kỳ đốm lửa hãm leo lét chỉ bằng hạt đỗ, miệng ngậm xe, thọt má rít một hơi dài rồi thở ra làn khói xanh lơ mùi hăng hắc. Cụ nuốt dư vị khói thuốc đánh ực như nuốt hết vào gan ruột cái tinh tuý thơm ngon của thứ được nhà nho dân dã ca ngợi là “quốc hồn quốc tuý”. Chiêu một ngụm chè nụ vối mới ủ, cụ khoan khoái nói:

          -Vào Thanh, tôi khoái nhất món thuốc lào Thượng Đình, nhưng phải đúng Thượng Đình chính hiệu, nó hơi nặng, nhưng đầm, ngọt khói, hút vào say lơ mơ, hơn đứt cái tang thuốc lào Tiên Lãng, ngon nhưng nhẹ quá, chỉ hợp với những tay hút chơi chơi thôi!

          -Vâng thưa cụ, cháu  không biết hút thuốc lào là gì, nhưng cũng nghe người ta nói vậy.

          Tôi không muốn cuộc trò chuyện tình cờ mà vô cùng thú vị này bị lan man từ cò sang măng, nhưng không dám nhắc ông già đang say sưa hương vị thuốc lào Thượng Đình – sản phẩm của làng Thượng Đình xã Quảng Định cùng huyện Quảng Xương, cách xã tôi hai xã. Tuy nhiên, tâm trí cụ chủ không đến nỗi kém minh mẫn, chuyện nọ xọ chuyện kia. Cụ ngồi im lặng như để tận hưởng vị điếu thuốc lào ngon hay muốn nhớ lại cặn kẽ câu chuyện lịch sử làng quê rất đáng tự hào của mình đã cách nay gần thiên niên kỷ:

          -Đền làng tôi thờ đức thánh Bà Liệt – Hoài Đức vương Trần Bà Liệt! Lão chẳng hiểu sao tên huý của ngài lại là Bà Liệt, một cái tên kỳ quặc rất khó hiểu, nói vô phép Đức thánh, xin ngài xá tội kẻ phàm tục! Trong đền thờ cũng có bàn thờ đặt thánh vị ngài Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản 17 tuổi cầm quân đánh giặc Nguyên, cờ đề 6 chữ “Phá cường tặc báo hoàng ân”. Hổ phụ sinh hổ tử, ngài là con trai Đức thánh Bà Liệt, con trai chính cống chứ không phải là lập lờ dưới ánh trăng mờ tỏ! Cậu có biết thế nào là lập lờ dưới ánh trăng mờ tỏ không? Hay lắm! Thần kỳ lắm!

(còn tiếp)                                          HTP/2019

2 nhận xét:

  1. Truyện của cụ hấp dẫn quá. Cháu ngóng từng chương. Mong cụ HTP sức khỏe dồi dào, viết nhiều hơn nữa.

    Trả lờiXóa