22 thg 10, 2016

"THEO VOI HÍT BÃ MÍA"

HOÀNG TUẤN CÔNG
          
Trong bài thơ có tên “Theo voi ăn bã mía” (cũng là dị bản của tục ngữ “Theo voi hít bã mía”) Tản Đà viết:

“Ăn mía theo voi tiếng đến giờ 
Vì chi miếng bã để trò dơ 
Rón chân những chực khi vòi nhả 
Rát lưỡi đành xơi cái ngọt thừa...


Cứ theo cách chế giễu của Tản Đà, thì khi ăn mía, voi cũng hít lấy nước ngọt rồi nhả bã như người. Thế nên kẻ “Theo voi ăn bã  mía” mới chầu chực, đợi cái vòi nhả “miếng bã”, rồi “xơi cái ngọt thừa” đến “rát lưỡi”! Đây không chỉ là ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ, mà còn là cách giải thích của các nhà biên soạn từ điển:

- “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Theo voi ăn bã mía (Đừng theo) chân giống voi (để chực kiếm chác mà phí công vì sẽ chẳng) nhận được gì ngoài mấy mẩu bã mía”.

- “Thành ngữ tục ngữ lược giải” (Nguyễn Trần Trụ): “Theo voi hít bã mía: Theo voi định để ăn mía, nhưng chỉ được voi nhả bã mía ra cho mà hít. Chê người hay xu phụ kẻ thế lực to mà rút cục chẳng được lợi lộc gì cả”.


- “Tục ngữ lược giải” (Lê Văn Hoè): “Theo voi hít bã mía: Voi hay ăn mía, có người đi theo voi, định để ăn mía với voi, nhưng chỉ được voi nhả cho bã mía mà hít. Người ta thường mượn câu này để chê người hay xu-phụ kẻ thế-lực to, mà rút cục chẳng được lợi  lộc chi cả”.

- “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (GS. Nguyễn Lân): Theo voi hít bã mía (Voi ăn mía nhả bã) Chê kẻ hùa theo người khác để mong được hưởng ơn thừa”.

Như vậy, có sự thống nhất khá cao về cách hiểu, trong đó từ điển của GS. Nguyễn Lân chú rõ ràng nhất: “Voi ăn mía nhả bã”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, ở đây có sự nhầm lẫn trong cách hiểu nghĩa đen câu tục ngữ.

Mía luôn hấp dẫn đối với voi
Ảnh: ST
Theo “Từ điển Bách khoa Nông nghiệp”, để cung cấp năng lượng cho cơ thể khổng lồ của mình, mỗi ngày một con voi trưởng thành ăn tới 300-350kg thức ăn. Hàm răng của voi chẳng khác nào hai cái “thớt” của chiếc cối xay, nghiền nát tất cả các loại cỏ cây... Bởi vậy, với voi thì bó mía chẳng khác nào bó cỏ non mềm, ngọt ngào. Giống như ăn các loại cây cỏ khác, khi ăn mía, nó không “nhả bã” như người, mà dùng vòi cuộn cả cây vào mồm, rồi nhai nuốt cả (chất xơ rất cần thiết cho hệ tiêu hoá của nó). Ngay như trâu bò (và nhiều loại động vật ăn cỏ khác), dù thức ăn dai, cứng đến mấy cũng không bao giờ có chuyện chúng nhai nuốt nước rồi nhả bã.

Vậy, tại sao dân gian lại nói “Theo voi hít bã mía”?

Mía là loại thức ăn ưa thích nhất của voi (quản tượng thường dùng mía để dụ dỗ, thuần dưỡng voi sau những ngày bỏ đói chúng, hoặc làm “phần thưởng” cho những con phải làm việc nặng nhọc). Bởi vậy, hình ảnh con voi thường gắn với thứ thức ăn ưa thích là mía. Trong câu tục ngữ “Theo voi hít bã mía”, dân gian đã liên tưởng cách ăn mía của người với voi để chế giễu kẻ ngộ nhận, ảo tưởng: con voi khổng lồ ăn mía dĩ nhiên lượng bã mía thải ra cũng lắm; theo voi không chỉ dựa dẫm vào sức mạnh của voi, mà còn nhặt nhạnh được lợi lộc rơi vãi của nó.

Phân voi

Ảnh: ST


Tuy nhiên, thâm ý của dân gian không dừng ở đó. 
Voi ăn các loại cây cỏ, nhưng tiêu hoá không hoàn toàn. Trong phân voi vẫn còn nguyên sợi xơ thô, thân bã thực vật. (Người Thái Lan có nghề làm giấy thủ công lấy nguyên liệu đã được “sơ chế” từ phân voi). Từ sự quan sát ấy, ý dân gian muốn ám chỉ kẻ “theo voi hít bã mía”, nhưng “bã mía” chẳng thấy đâu, có chăng chỉ là “bã mía” ở trong đống phân voi mà thôi! Và “hít” ở đây là một kiểu chơi chữ, vừa có nghĩa dùng răng, lưỡi để chắt, ép lấy chút “cái ngọt thừa” của bã mía tươi, vừa ám chỉ “hà hít” đống bã mía đã được “sơ chế” bởi ông voi khổng lồ kia! (Thế nên dị bản “Theo voi hít bã mía” hay hơn “Theo voi ăn bã mía” nhiều!).

Bã thực vật trong phân voi dùng để làm giấy

Ảnh: ST

Cũng cần nói thêm về nghĩa bóng. Dân gian không nói chuyện “hùa theo, a dua”, (cùng một giuộc, cùng phe cánh) như cách hiểu của GS. Nguyễn Lân và Nhóm Vũ Dung, mà là theo đuôi (làm tay sai, cơ hội, nịnh bợ) kẻ có sức mạnh, quyền thế, hòng kiếm chác chút lợi lộc rơi vãi. Tuy nhiên, kẻ tưởng bở, theo đuôi, cơ hội chẳng những không xơ múi được gì, mà có khi còn bị đổ thừa, hứng chịu những hệ luỵ khôn lường.

    Cái thâm thuý của dân gian là vậy.


                                                              Hoàng Tuấn Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét