19 thg 12, 2020

SAO LẠI XẾP "TRANG TRẢI" VÀO "TỪ LÁY"?

                 HOÀNG TUẤN CÔNG 

Trang thóc
Ảnh: ST

       

         “Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành Chủ biên) thu thập và giải thích:

TRANG TRẢI đgt. Thu xếp để trả cho hết, cho xong (các khoản nợ nần). “Trông vào mấy sào mía để bán đi trang trải nợ nần” (Nam Cao)”.

                  Không biết lý do cụ thể nào khiến Nhóm biên soạn Từ điển từ láy tiếng Việt xếp “trang trải” vào từ láy. Tuy nhiên, sách “Hình thái học trong từ láy tiếng Việt (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội), tác giả Phan Ngọc đã “lấy các dẫn chứng về từ láy” trong “Từ điển từ láy tiếng Việt” của Nhóm Hoàng Văn Hành và phân tích như sau: “Trang trải (+ 0): “Trang” tuy không xuất hiện độc lập, nhưng có nghĩa trang hoàng, trang điểm, nên là chính tố. “Trải” ở đây là láy của “trang” để nhấn mạnh: Ông ta cậy vào mấy sào ruộng để trang trải nợ nần (giải quyết xong xuôi nợ). “Trải” trong trải chiếu, trải rộng là đồng âm.” (Ký hiệu “+” của Phan Ngọc chỉ yếu tố có nghĩa; và kí hiệu “0” chỉ yếu tố láy - HTC).

          Với Phan Ngọc, theo chúng tôi, ông đã sai khi cho rằng, “trang” ở đây "không xuất hiện độc lập" và có nghĩa là "trang hoàng, trang điểm".

     “Trang hoàng” 裝潢 là từ Việt gốc Hán, vốn có nghĩa là nhuộm giấy, hoặc thiếp sơn lên bức thư hoạ, bức vẽ, sau được dùng với nghĩa trang sức, tô điểm, làm cho đẹp; trong khi "trang" trong "trang trải" lại có nghĩa là dàn đều, khoả  ra cho đều khắp, lấp đầy vào những chỗ khuyết thiếu. Mặt khác, không phải trải” trong trải chiếu, trải rộng” chỉ là “đồng âm” như Phan Ngọc viết, mà còn là đồng nghĩa với “trải” trong “trang trải”.

Cụ thể: “trang trải” là từ ghép đẳng lập: “trang” nghĩa là san, dàn đều ra (như trang đất; trang thóc); “trải” nghĩa là giải/rải ra, mở rộng, dăng rộng ra trên bề mặt (như trải chiếu). “Trang trải” nghĩa là trải rộng, rải khắp, dàn đều ra bề mặt, sao cho đều, không còn thiếu khuyết chỗ nào.

Sau đây là nghĩa của “trang” và “trải” khi hành chức độc lập, được từ điển ghi nhận:

-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí): “trangI Trộn cho đều hay đàn cho phẳng <> Trang đất. Trang thóc. Trang cỗ bài. Nghĩa bóng. Dàn xếp cho xong <>Trang xong món nợ”; “trải • Dăng ra <>Trải chiếu. Trải đệm”.

-Việt Nam tân tự-điển (Thanh Nghị): “trang1 dt. Trộn cho đều hay bang ra cho bằng <> Trang đất. Ngb. Sắp-đặt cho xong <> Trang xong công nợ.”trải • đt. Dăng ra <> Trải chiếu”.

-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “trang • đt. Bừa ra, cào ra cho đều, cho bằng mặ: Trang thóc ra cho mau khô.trải • Lót (lát), rải và cán bằng mặt: Đường trải đá rồi trải lên một lớp nhựa”.

Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) còn dành riêng cho “trang nợ” một mục: “trang nợ • đt. Trang-trải nợ-nần, trả hết nợ hoặc trừ cấn đâu đó xong xuôi, hết mắc nợ nữa”.

Những dẫn chứng trên đây cho thấy sự độc lập trong hành chức của “trang” (VD: "trang nợ"; "trang xong công nợ") và "trải" (VD: "trải nhựa"; "trải chiếu"). Cả "trang" và "trải" đều có nghĩa gần giống nhau, đó dàn ra, làm cho đều khắp, và khi hợp nghĩa, được hiểu theo nghĩa mà Từ điển từ láy tiếng Việt đã giảng. Theo đây, chúng ta có thể thẳng thừng bác bỏ kết luận “trang” "không xuất hiện độc lập", và trải” ở đây là láy của “trang” để nhấn mạnh" của Phan Ngọc.

Vì sao “trang trải” lại được dùng để chỉ “Thu xếp để trả cho hết, cho xong (các khoản nợ nần)”?

Trong cuộc sống, người ta phải chi dùng cho rất nhiều khoản. Nào tiền ăn, tiền mặc, tiền thuốc thang, đám hiếu đám hỉ, tiền học hành cho con cái,... Các khoản chi tiêu này chẳng khác nào những khoảng trống, hay lỗ hổng, phải dùng đồng tiền để trang, để trải/giải ra, rải đều, bù lấp... "Trải" cũng có nghĩa như "rải" (VD: "trải nhựa" = "rải nhựa"). Bởi thế, Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) mới giảng: "rải • đt. Rắc tung (chất khô) đều ra khắp một khoảng rộng : Rải thóc gà ăn, rải cám nhử dử) cá. • (B) Phân bủa ra nhiều nơi: Rải tiền cho thiên-hạ ăn, rải tiền mua chức". Theo đây, cả "trang" và "trải/rải" đều dùng với nghĩa là chi dùng, phân bổ đồng tiền. Trong cấu trúc đẳng lập, nghĩa bóng, nghĩa rộng của “trang trải” được dùng để chỉ sự chi tiêu, chi dùng đáp ứng các nhu cầu bức thiết trong cuộc sống nói chung, không riêng gì chuyện trang trải nợ nần. Ví dụ: “69% công nhân may không đủ tiền trang trải nhu cầu sinh hoạt.” (Báo Lao Động/2019); “Lương công nhân may không đủ trang trải cuộc sống.” (Báo Dân Sinh/2019).

Như vậy, Nhóm biên soạn “Từ điển từ láy tiếng Việt” và tác giả “Hình thái học trong từ láy tiếng Việt” đã sai khi đưa “trang trải” vào danh sách từ láy tiếng Việt với ý một trong hai yếu tố cấu tạo từ "trang" hoặc "trải" không có khả năng độc lập trong hành chức.

                                                   HTC


 

 

1 nhận xét:


  1. Trang 庄/莊: Nhà cái (đánh bạc), nhà gửi tiền (cho vay tiền) (như nhà bank bây giờ)

    (Tiền trang: 錢庄 Nhà gởi tiền thời xưa);

    Trái/Trải 債: Nợ, món nợ
    (Trải là âm Mân Ngữ Phúc Châu)

    Trang Trái 庄債: Món nợ vay

    Hai Le (fb)

    Trả lờiXóa