21 thg 6, 2020

TỪ “GẬY GỘC”, “GẬY GẠC”… ĐẾN “GHẾ GỐC”

"Gậy" và "gộc" - hung khí trong vụ án
dùng "gậy gộc", vỏ chai cố ý gây thương tích
cho người dân ở Văn Giang (2012) [*]
                Ảnh: Vietnamnet

HOÀNG TUẤN CÔNG

Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học – Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập và giải nghĩa:
-“GẬY GỘC dt. Đoạn tre, song, gỗ được coi như là một thứ vũ khí để đánh; gậy (nói khái quát). “Đám tuần lại vác gậy gộc xô ra cổng đình dẹp đường” (Nguyễn Đình Thi)”.
-“GẬY GẠC dt. (id.). Như gậy gộc. “Người chạy qua suối, với gậy gạc, nhảy như cào cào, trước một cái khung đại bác nghễu nghện” (Nguyễn Huy Tưởng)”.

          Có lẽ các nhà biên soạn cho rằng “gộc” chỉ là yếu tố láy âm của “gậy”. Tuy nhiên, “gậy gộc” là từ ghép đẳng lập. Theo đây, cả hai yếu tố cấu tạo từ đều có nghĩa độc lập: “gậy” là đoạn tre, gỗ, sắt dùng làm vũ khí, hoặc công cụ (VD: Thù này tích để còn lâu/Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què-cd); “gộc” là phần gốc rễ hoặc một khúc ngắn gồ ghề, xù xì của thân cây sau khi đã chặt (VD: Cái gộc này mà nấu bánh chưng thì cháy đượm phải biết):
          -Đại Nam Quấc âm tự vị giảng: “gộc: cây củi có khúc đẩn mà lớn” (“khúc đẩn” ở đây nghĩa là khúc ngắn mà cong queo).
 -Từ điển tiếng Việt (Vietlex): “gậy • d. đoạn tre, gỗ, v.v. tròn, cầm vừa tay, thường dùng chống khi đi hoặc để đánh: chân yếu phải chống gậy”; “ gộc I d. phần gốc và rễ còn lại của cây đã già cỗi sau khi bị chặt đi: gộc tre ~ củi gộc”.
-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): “gậy • Đoạn tre hay gỗ dùng để chống, để đánh <> Cha chết thì con chống gậy tre, Mẹ chết thì con chống gậy vông. Gậy của phu tuần.”; “gộc I Củ tre <> Đánh gộc tre. Guốc làm bằng gộc tre. Có nơi gọi gộc là gốc”.
Nếu như “gậy” là một thứ vũ khí, dụng cụ tuy thô sơ nhưng đã qua công đoạn chọn lựa, gia công khá chuyên dụng, thì “gộc” lại hoàn toàn tự nhiên, thường to hơn "gậy" và hầu như không qua khâu chế tác, được sử dụng một cách tạm bợ, “ngẫu hứng” để kê chặt, hoặc đánh, đập thay cho gậy trong tình huống khẩn cấp. Bởi là từ ghép đẳng lập nên “gậy gộc” mang nghĩa khái quát, chỉ các loại gậy và vũ khí thô sơ dùng để đánh đập nói chung.
Thu thập và giải thích của "Từ điển từ láy tiếng Việt"
Ảnh: HTC

Tương tự như “gậy gộc”, “gậy gạc” cũng là từ ghép đẳng lập: “gạc” là đoạn cành cây phân nhánh, lúc bí có thể dùng làm vũ khí thay cho "gậy". “Gạc” trong “gậy gạc” chính là “gạc” trong “gạc hươu” – loài thú sừng có nhánh giống như gạc/chạc cây:
 -“Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “gạc • d. 1 [id] như chạc: gạc cây. 2 sừng già phân nhánh của hươu, nai: gạc hươu”.
-“Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên): “gạc • d. 1 Chỗ một cành cây tách ra thành hai cành nhỏ hơn. 2 Sừng hươu nai”.
Gạc/chạc cây có thể dùng làm vũ khí thô sơ thay cho gậy
Ảnh: ST

Cùng mục chữ cái “G”, “Từ điển từ láy tiếng Việt” còn ghi nhận từ “gai gốc”:
-“GAI GỐC dt. (và tt.). (id.) Như gai góc, “Một trăm phương thà tránh đường gai gốc, Trăm tuổi cho tròn phận tóc da” (Nguyễn Đình Chiểu)”.
Tuy nhiên, “gai gốc” cũng là từ ghép đẳng lập: “gai” là phần cứng nhọn, đâm ra từ thân cành của một số loài cây, hoặc chỉ chung loài cây bụi có cành lá, hoặc gai nhọn sắc (VD: Bà chúa phải gai bằng thuyền chài sổ ruột);gốc” đây là "gốc cây"-phần còn sót lại trong quá trình khai thác cây cối, hoặc phát nương, đốt rừng làm rẫy (VD: Vấp phải cái gốc cây; Đào gốc bạch đàn lên để trồng lứa mới). Cùng với “gai”, “gốc” cây to nhỏ lởm chởm chọc lên mặt đất chẳng khác nào những cái gai nhọn sắc khổng lồ, gây khó khăn trở ngại rất lớn đối với bước chân người đi. Bởi thế, “gai gốc” được dùng để chỉ những khó khăn trở ngại.
Cùng với "gai", những gốc cây đủ loại to nhỏ còn sót lại trên mặt đất
luôn là khó khăn trở ngại đối với bước chân người đi.
Ảnh: ST
Đại Nam Quấc âm tự vị, mục “GAI” ghi nhận: “gai gốc: Chỗ nhiều gai, đầy những gai”; mục “GỐC” ghi nhận: “gai gốc: Tiếng đôi chỉ nghĩa là gai, hoặc là vật có nhiều gai”. Trong khi ở cả hai mục “GAI” và “GÓC”, đều không tìm thấy ghi nhận “gai góc”.
Một số cuốn từ điển biên soạn vào nửa đầu và nửa cuối thế kỷ XX hãy còn ghi nhận “gai gốc” như:
-“Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến đức): “gai gốc • Trở ngại khó-khăn <> Đường đi gai-gốc.”. 
-“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “gai gốc • dt. gai và gốc cây • (B) Trở-lực, chướng-ngại, sự cản-trở khó-khăn: Việc đầy gai gốc; Phát gai gốc muốn thông đàng cả, Vén ngút mây thấy quả trời cao (CD)”.
Điều này cho thấy, “gai góc” chỉ là biến thể của “gai gốc”. Về sau, hai từ này cùng song song tồn tại, rồi “gai góc” trở nên phổ biến hơn và dần dần thay thế cho “gai gốc”.[**]
Trở lại với từ “gậy gộc”. Đúng như lời giảng của Việt Nam tự điển: “có nơi gọi gộc là gốc”. Ở Thanh Hoá, “gộc” còn được hiểu như “gốc”. Sau khi khai thác, thì phần “gộc” cây đào lên còn gọi là “gốc”. "Gốc" là củi, nhưng là khúc củi to quá cỡ, khó chẻ, khó bổ, thường chỉ dùng để nấu bánh chưng dịp tết nhất. Phần “gốc”, “gộc” cây này thô sơ mà đa năng. Có khi làm con kê chặt đẽo, kê đít ngồi thái rau, băm bèo cho lợn, rồi đến bữa “đá” lại làm “ghế” ngồi ăn cơm. 
Trong hồi ký "Chạy trời không khỏi nắng", Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ mô tả bữa ăn của một nhà nông xứ Thanh như sau: 
"Gia đình ông Hẩy mang tiếng ăn hoang nên nghèo. Thực ra nhà ông không hề hoang phí. Bữa ăn toàn dùng loại cá rẻ tiền: Cua, ốc, tôm tép, cá mại, cá sắt, diếc đèn, rô dăm,...còn cá lớn dành bán chợ để mua khoai, gạo. Nhà những năm miệng ăn, đến bữa rào rào chẳng khác nào tằm ăn rỗi. Riêng ông Hẩy mỗi bữa độ một bát cơm, nhưng lại uống cả chai ba rượu. Ông chê rượu chợ lạt, tự cất lấy rượu ngon để uống cho vừa miệng. Đến bữa một mình ông riêng một mâm, cái mâm gỗ cóc gậm, chuột khoét quanh rìa nham nhở, đặt chính giữa giường, còn vợ con ngồi dưới bếp lấy sàng kê làm mâm, ghế ngồi là gốc tre, gốc gỗ, hoặc đánh bệt ngay dưới đất. Ai cũng cần cơm khoai, rau no cái bụng, quan trọng gì chỗ ngồi!".

Thế nên từ ghép đẳng lập ghế gốc (cũng rất dễ bị nhận lầm là từ láy), chỉ ghế nói chung, hoặc chỉ ghế với hàm ý chê, như “ghế với chả gốc!” (ghế chẳng ra ghế, ghế mà như gốc). 
Bàn ghế được chế tác từ "gộc"/"gốc" cây đời mới
                                   Ảnh: ST

Như vậy, các từ “gậy gộc”, “gậy gạc”,gai gốc”, mà “Từ điển từ láy tiếng Việt” thu thập, hay “ghế gốc” (một từ chưa được cuốn từ điển tiếng Việt nào ghi nhận) đều là từ hợp nghĩa, hiện tượng “láy” chỉ là ngẫu nhiên.

                                                            HTC/6/2020

[*] Nguyên chú của báo Vietnamnet: “Hung khí được người dân cho biết là của nhóm người lạ mặt gồm gậy gộc, vỏ chai bia. Bên cạnh là mũ bảo hiểm của người dân bị đập vỡ”.
[**] Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức đã chính xác khi cho rằng, “gai gốc” là “gai và gốc cây” nghĩa bóng chỉ "Trở-lực, chướng-ngại, sự cản-trở khó-khăn"; Tuy nhiên, theo chúng tôi Lê Văn Đức lại máy móc khi cho rằng “gai góc” là “gai và góc nhọn” nghĩa bóng chỉ sựKhắt-khe, sâu-sắc, hay kiếm chuyện làm khó: Tính người gai góc; Ăn-nói gai góc”. Vì nếu như "góc" và "cạnh" có thể hợp nghĩa thành "góc cạnh" (cũng dùng để chỉ tính cách hoặc phong cách gây ấn tượng mạnh); "chông" và "gai" có thể hợp thành "chông gai", thì "gai" "góc nhọn" rất khó hợp nghĩa với nhau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét