20 thg 1, 2024

“RÂU” HAY “DÂU”, “CẮM CẰM” HAY “CHĂN TẰM”?

 

Minh họạ Ô đầu bach, mã sinh giác
                     Tranh: ST
   HOÀNG TUẤN CÔNG
     

Độc giả Trần Trọng Nghĩa hỏi: “Bài Chữ và nghĩa: cái phi lý có lý (PGS.TS. Phạm Văn Tình - Báo VHTT – 22/11/2023) viết:

Gần đây, trên một tờ báo điện tử (theo tìm hiểu của tôi đó là VTC) có đưa các câu hỏi trắc nghiệm, yêu cầu độc giả lựa chọn một đáp án (được coi là đúng) cho những biến thể thành ngữ (thường là 2). Thí dụ, câu hỏi: “Theo bạn, đâu mới là thành ngữ đúng: 1. râu ông nọ cắm cằm bà kia; 2. dâu ông nọ chăn tằm bà kia”.

Sau khi giải nghĩa thành ngữ, tác giả phân tích:

“Ngữ nghĩa như thế hẳn không có gì để bàn cãi. Cái mà nhiều người cho rằng không ổn là chuyện “râu của một ông nào đó lại đem cắm vào cằm một bà nào đó”. Quả là vô lí và điều này không thể có trong hiện thực. Râu là “lông cứng chỉ mọc ở cằm đàn ông”, đàn bà không bao giờ có. Vì vậy, chuyện nhổ râu “chàng” đem cắm vào mặt “nàng” là không thực tế. Câu này đúng ra phải là “dâu ông nọ chăn tằm bà kia” mới hợp lí (dâu nhà ông này không dùng nuôi tằm nhà mình lại đem cho một bà khác nuôi tằm của bà ấy)”.

 “…kết hợp đó có thể có ngay từ khi hình thành, cũng có khi bị "tam sao thất bản" trong quá trình sử dụng và bây giờ thành một tổ hợp cố định, "đóng đinh" qua thời gian. Vì vậy, chúng ta đừng cố gò những câu này thành một biến thể do ta cho là hợp lý.

“…Cái phi lý dùng đã quen sẽ được cộng đồng chấp nhận và trở thành có lý. Ta có thể tìm hiểu ngọn ngành xuất xứ để hiểu cho thấu đáo chứ không phải vì thế mà bắt phải thay đổi”.

Vậy xin chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa cho biết, có phải do “tam sao thất bản” mà “Dâu ông nọ chăn tằm bà kia” đã trở thành  Râu ông nọ cắm cằm bà kia” không? Và trong trường hợp này thì phải chăng “Cái phi lý dùng đã quen sẽ được cộng đồng chấp nhận và trở thành có lý”?

Trả lời:

Trong thực tế có khá nhiều câu thành ngữ mà do nhiều người không hiểu, hoặc chưa xác định được nghĩa đen, nên cũng chưa biết được đâu là bản gốc, đâu là biến thể, hoặc do “tam sao thất bản” mà thành. Ví dụ: Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm, Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm, Vắng chủ nhà gà vọc niêu cơm; hay Vênh váo như bố vợ phải đấm, Vênh váo như bố vợ cậu ấm, Vênh váo như khố rợ phải lấm,… Bởi vậy, qua thời gian, những dị bản này cùng tồn tại và được sử dụng như nhau. Tuy nhiên, với trường hợp Râu ông nọ cắm cằm bà kia, và Dâu ông nọ chăn tằm bà kia, lại là chuyện khác.

Râu ông nọ cắm cằm bà kia” là lối nói có chủ ý của dân gian, đem một sự việc, hiện tượng không bao giờ diễn ra, hoặc không được phép diễn ra trong thực tế, để ví von, mỉa mai, châm biếm việc chắp vá, gán ghép bộ phận của cái này vào một cái khác một cách khập khiễng, hoàn toàn không phù hợp (gần nghĩa với câu Ngô đầu Sở vĩ/ Sở vĩ Ngô đầu-楚尾 = Đầu Ngô mình Sở).

Một ví dụ điển hình. Bài viết 'Râu ông nọ cắm cằm bà kia' ở triển lãm tư liệu lịch sử trên báo Thanh Niên (15/9/2020) cho biết: “…hình ảnh Ngô Gia Tự - một trong những cán bộ tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ (1930) lại không phải là đồng chí Ngô Gia Tự. Ảnh chân dung được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đem trưng bày lại là Dương Hạc Đính, người đã khai báo để mật thám Pháp bắt Ngô Gia Tự tại Sài Gòn cuối năm 1930”.

Theo đó, tên tuổi của Ngô Gia Tự lẽ thường phải đi với chân dung Ngô Gia Tự, nhưng người ta đã làm một việc phi lí, không chấp nhận được, đó là gắn vào chân dung một người khác. Việc làm này đáng chê, đáng cười chẳng khác nào chuyện đem râu của một người đàn ông, để gắn/cắm vào cằm của một người đàn bà nào đó vậy. Theo đây, “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” là lối nói ngoa dụ, ví von hài hước, châm biếm rất đắt của dân gian. Lối nói này tương tự thành ngữ Hán Ô đầu bạch, mã sinh giác - 烏頭白馬生角 (Quạ đen đầu trắng, ngựa mọc sừng). Trong thực tế, đầu con quạ đen không thể biến thành trắng, còn ngựa thì không thể mọc sừng. Bởi vậy, dân gian đã dùng chính chân lí đó để ví với những điều phi lí, điều không bao giờ có trong thực tế; chỉ việc nào đó không thể thực hiện được. 

Do không hiểu ý đồ và phương pháp sáng tác của dân gian, ai đó đã cho rằng “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” là chuyện “phi lí”, nên suy diễn, phỏng đoán rằng, thành ngữ này là do nghe lầm, nói nhầm từ “Dâu ông nọ chăn tằm bà kia” mà thành. Tuy nhiên, nếu câu này được hiểu “dâu nhà ông này không dùng nuôi tằm nhà mình lại đem cho một bà khác nuôi tằm của bà ấy”, như tác giả PVT diễn giải, thì điều này có nghĩa: “ông này” đã tự nguyện lấy dâu của “nhà mình” để “đem cho một bà khác”, hoặc “trộm dâu của vợ" đem cho “bà hàng xóm”(?!). Bằng không, Dâu ông nọ chăn tằm bà kia” chỉ có thể được hiểu là: có một kẻ thứ ba nào đó nghịch ngợm, “chơi xỏ”, lấy dâu của nhà “ông này” đem cho tằm nhà “bà kia” ăn mà thôi.

Tuy nhiên, bất cứ từ ngữ, hay thành ngữ tục ngữ nào cũng đều có đời sống của nó. Nghĩa là thành ngữ tục ngữ ấy phải được, hoặc từng được cộng đồng sử dụng. Trong khi không có bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào mà chúng tôi có trong tay thu thập bản “Dâu ông nọ chăn tằm bà kia”. Mặt khác, theo thông tin mà Trung tâm Từ điển học Vietlex  (do GS Hoàng Phê sáng lập) chia sẻ với chúng tôi, thì trong kho ngữ liệu của Trung tâm cũng không có bất cứ ngữ cảnh nào chứa đựng câu “Dâu ông nọ chăn tằm bà kia”.

Như vậy, chúng ta có thể thẳng thừng loại bỏ nguỵ bản “Dâu ông nọ chăn tằm bà kia” - một bản chỉ mới xuất hiện gần đây, và không hề có trong đời sống ngôn ngữ, hay bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào thu thập - để sử dụng bản duy nhất đúng, đó là “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”(*).

                                       Hoàng Tuấn Công/20/1/2024

 

Chú thích:

(*) Một điều rất hài hước là trong bài “Giải thích thành ngữ “Râu ông nọ cắm cằm bà kia…” (VOH – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM) tác giả Nguyễn Thị Cúc viết:

 Râu ông nọ cắm cằm bà kia” là một biến thể của câu “RÂU ông nọ chăn tằm bà kia”. Mặc dù là biến thể nhưng thành ngữ  “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” lại mang ý nghĩa khác với câu gốc hoàn toàn. Ý nghĩa của câu “RÂU ông nọ chăn tằm bà kia” nhằm phê phán người lợi dụng hoặc chiếm dụng những thứ thuộc về người khác để phục vụ cho lợi ích cá nhân của mình”(!).

Theo đây, có tới hai lần tác giả bài viết đã đem “RÂU ông nọ chăn tằm bà kia” - một ví dụ điển hình cho chuyện đem “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”! Mặt khác, như chúng tôi đã nói ở trên, “bà kia” hoàn toàn vô can trong chuyện “Dâu ông nọ chăn tằm bà kia”.

 

 

 

 

3 nhận xét:

  1. Phản biện thuyết phục.

    Trả lờiXóa
  2. Hoàn toàn đồng ý. Nhưng xin HTC có ý kiến về một trường hợp khác: "Vụng chèo khéo chống" hay "Vụng chèo khéo trống"?

    Trả lờiXóa