17 thg 6, 2023

“THỦ PHÁP” NÀY LÀ “THỦ PHÁP” NÀO?

Các luật sư bào chữa cho bà Lê Thị Dung
trong phiên toà phúc thẩm.  
Ảnh: Hải Đăng, báo Lao động

-Độc giả ĐCLH gửi TCTP:

 Nếu được, nhờ anh xem xét mấy chữ “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” trên dòng băng rôn. Có vẻ như ai đó mới bịa ra chứ chưa chắc đã có trong văn bản cổ. Xét về sự đăng đối của các từ ngữ, có vẻ ngờ ngợ. Xét về ý tứ cũng ngờ ngợ. Tất cả đều công hết thì tình người, quyền con người ở đâu? Nếu xưa không có, nay mới nghĩ ra thì sao không dùng luôn tiếng Việt bây giờ cho dễ hiểu?”.

-Bạn đọc LHH lại thắc mắc: “Chí công vô tư thì tôi nghe nhiều rồi. Nhưng “phụng công, thủ pháp” thì lần đầu tôi nghe, và không hiểu nghĩa là gì. Đặc biệt là “thủ pháp”, lâu nay tôi chỉ hiểu có nghĩa là biện pháp, hay cách thức nào đó. Nhờ anh giải nghĩa giúp”.

Xin được trả lời như sau:

1-   Có phải là “mới bịa ra”?

Có lẽ độc giả ĐCLH không chú ý tới dòng chữ nhỏ trong ngoặc đơn, phía dưới câu “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”. Theo đây, câu này là “Trích thư của Hồ Chủ Tịch gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc tháng 2 năm 1948”.

2 - “Có vẻ ngờ ngợ”, và “ngờ ngợ”

Độc giả ĐCLH “có vẻ ngờ ngợ”, và “ngờ ngợ” là có cơ sở. Bởi “Phụng công thủ pháp”“Chí công vô tư” vốn là hai câu thành ngữ độc lập, không phải là một câu hoàn chỉnh với hai vế đăng đối. Sở dĩ trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc, Hồ Chủ Tịch đã dẫn “phụng công, thủ pháp”, lại còn thêm cả “chí công vô tư”, có lẽ muốn dùng câu sau để triển khai, nhấn mạnh, bổ sung thêm ý của câu trước. Nay người ta trích ra, biến thành một câu khẩu hiệu, nên ta cảm thấy có vẻ trúc trắc; ý tứ, ngôn từ trùng lặp (đặc biệt là lặp hai chữ “công”) cũng là điều dễ hiểu.

Về thắc mắc “Tất cả đều công hết thì tình người, quyền con người ở đâu?”. Xin phán đoán rằng, ở đây dụng ý của Hồ Chủ Tịch đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Bởi thế, “tất cả đều công hết” là có cái lí của nó. Mặt khác, về cơ bản thì thượng tôn pháp luật, không vi phạm quyền con người; ngược lại, trong thực tế, phần lớn những vụ việc vì không thượng tôn pháp luật, nên quyền con người mới bị chà đạp. Vụ Toà án huyện Hưng Nguyên - Nghệ An xử bà Lê Thị Dung là một ví dụ điển hình.

3-Nghĩa của “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư

-“Phụng công thủ pháp奉公守法, nguyên gốc là câu “Phụng công như pháp 奉公如法, xuất xứ từ Sử kí (Liêm Phả, Lận Tương Như liệt truyện); đại để, việc liên quan đến tố tụng, xét xử (hay việc công nói chung) thì phải tuân thủ theo pháp luật. Chữ “phụng trong “phụng công” có nghĩa là phụng hành, tuân theo; “phụng công” có nghĩa là tuân theo phép công.

Đáng chú ý, trong bài “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, báo Công lý đã hiểu chữ “phụng” trong “phụng công” nghĩa là tôn thờ, nên đưa ra lời giải thích: “phụng công” nghĩa là tôn thờ lẽ công bằng, tôn thờ công lý…” (congly.vn, ngày 13/4/2012). Cách giải thích này không chính xác.

Trở lại với “phụng công thủ pháp”.

Hán ngữ đại từ điển dẫn Sử ký, có câu “Phụng công như pháp, tắc thượng hạ bình, thượng hạ bình tắc quốc cường […] - 奉公如法則上下平,上下平則国” , nghĩa là “Phụng công như pháp” thì trên dưới yên ổn; trên dưới yên ổn, thì nước mạnh [...].

Hán ngữ đại từ điển cũng trích vở hí kịch Bình phong hậu, của Âu Dương Dư Thiến 歐陽予倩 (1889 - 1962), trong đó có câu “Hội trưởng có mặt hay không có mặt, họ đều là những vị “phụng công thủ pháp”, một li cũng không dám tuỳ tiện” [nguyên văn: 會長在與不在, 他們各位都是奉公守法, 絲毫不苟的].

Theo đây, chúng ta hiểu “phụng công thủ pháp”, thượng tôn pháp luật, người thực thi không bị tác động hay chịu ảnh hưởng của bởi bất cứ điều gì.

-Còn câu Chí công vô tư 至公無私, vốn trong sách Trung kinh, chương Thiên địa thần minh (忠經天地神明) của ông Mã Dung 馬融(79—166thời Đông Hán: “Trung giả, trung dã, chí công vô tư - 忠者,中也, 至公無私 (Trung chính là không thiên lệch, chí công vô tư). Hiểu theo nghĩa hẹp (lĩnh vực pháp luật) thì câu này có nghĩa là hết sức trung chính, công bằng, không thiên lệch; hiểu theo nghĩa rộng, là hết lòng vì việc chung, không vì quyền lợi riêng.

4- “Thủ pháp” này là “thủ pháp” nào?

Với câu hỏi của độc giả LHH.

Quả tình, hiện nay trong tiếng Việt, “thủ pháp” 手法 thường được hiểu với nghĩa như từ điển của Hoàng Phê giảng là “cách thức để thực hiện một ý định, một mục đích cụ thể nào đó. thủ pháp nhân hoá trong thơ ~ gây cười bằng thủ pháp chơi chữ. Đn: biện pháp, phương pháp”. Ở đây, chữ thủ (nghĩa gốc là cái tay), có nghĩa là kĩ thuật, kĩ xảo

Còn thủ pháp 守法 trong “Phụng công thủ pháp” 奉公守法, chữ thủ lại có nghĩa gốc là bảo vệ, giữ gìn; ở đây được hiểu là tuân thủ, tuân theo; thủ pháp 守法 là giữ và làm đúng theo pháp luật.

Trong Hán tự, với những trường hợp đồng âm, như thủ pháp 手法 (cách thức) và thủ pháp 守法 (tuân theo luật pháp) đã có tự hình để phân biệt. Trong khi với chữ quốc ngữ, phải cần đến ngữ cảnh. Và đôi khi ngay cả căn cứ vào ngữ cảnh, cũng xảy ra những điều hết sức mỉa mai.

Ví dụ, “thủ pháp”, ngoài nghĩa là biện pháp, phương pháp (viết với tự hình 手法); tuân theo pháp luật (viết với tự hình 守法), thì thủ pháp 手法 còn một nghĩa nữa là mưu mô, thủ đoạn, ngón đòn, trò gian trá; đối nhân xử thế một cách không chính đáng, mà Hán điển đã giảng và chú tiếng Anh là “trick” [ nguyên văn 手法: 权术; 待人世的不正当方法 trick]

Những gì đã và đang xảy ra trong vụ án bà Lê Thị Dung, khiến người ta đặt ra câu hỏi, vậy Toà án huyện Hưng Nguyên đã hiểu “thủ pháp” viết bằng hai chữ 守法 (tuân theo luật pháp),hay thủ pháp 手法, hiểu theo nghĩa âm mưu, thủ đoạn, ngón đòn, trò gian trá; đối nhân xử thế một cách không chính đáng?

Hoàng Tuấn Công/6/2023

 

 

 

 


1 nhận xét:

  1. Trong vụ án bà Dung, rõ ràng kẻ làm quan tận dụng tối đa quyền và luật định để trả thù. Trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai, người ta cố tạo ra bằng chứng loạn luân, còn vụ Hồ Duy Hải, người ta mua luôn dao ngoài chợ về làm vật chứng gây án.
    Vậy “Phụng công thủ pháp” là một thứ đặc quyền cho kẻ làm quan. Cái khung của luật pháp không là trị để làm gương hay giữ gìn phép nước mà là trị để diệt mà giữ gìn cái thế của kẻ cầm quyền.
    —-
    Một lần, tôi được kể lại rằng, em một người bạn trúng tuyển vào đại học công an phải ra tận Hà nội học. Hết một học kỳ đã bỏ học vì lý do sau: mặc dù người ta nói giai cấp công nông là nòng cốt của đảng, nhưng trong trường người ta dạy rằng hai giai cấp này phải bị trị vì họ dốt nát và cứng đầu không thể giáo dục được cho nên chính họ là bộ phận cho bất ổn của chế độ. Nghe như vậy, người bạn này thấy chính cha mẹ ông bà mình bị liệt vào thành phần “bất ổn “ nên bất mãn mà bỏ học.
    Từ đó hiểu ra câu “Đảng ta là đảng cầm quyền” là một thủ pháp.

    Trả lờiXóa