20 thg 11, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 14)

            
Cây kè ở Thanh Hoá
Ảnh: HTC
                HOÀNG TUẤN PHỔ

Không biết ông Khai giở trò ma quỷ gì, làm chị Phương rên rỉ, kêu đau suốt đêm. Sáng thức giấc, tôi thấy chị Phương dậy sớm nhất. Hình như cả đêm chị không nhắm được mắt. Chị nói với ông Khai, giọng thiểu não: “Em bị đau bụng suốt đêm, bây chừ hãy còn đau, xin anh cho phép em về nhà...”

            Ông Khai không giấu được bực bội: “Rõ cái đồ liền bà con gái, trong lúc người ta đang cần lại giở trò đau bộng đau bão!”


            Chị Phương nhăn nhó: “Em đến kỳ đau bụng thật mà!”

            Ông Khai hất hàm khoát tay: “Tạm tha cho về, bữa mô phải đến tiếp tục công việc...khai báo chưa xong!”

            Chị Phương vội vàng ra về, không dám ngoảnh cổ nhìn lại.

            Anh Lưỡng cũng vừa đến. Ông Khai ra lệnh: “Đồng chí đưa thằng Phổ về, tạm thời cho quản thúc tại gia, cấm bước chân  ra khỏi ngõ!”

            Anh Lưỡng ngập ngừng: “Báo cáo thủ trưởng, “đưa” ra răng ạ?”

            Ông Khai đang cáu có vẻ vì chuyện đêm qua: “Răng với chả lợi! Cứ theo luật!"

            Luật gì? Có lẽ là luật bắt trói, giam giữ, đánh người vô tội vạ! Một thứ luật không có văn bản của Thủ trưởng Trần Ngọc Khai, chỉ có nhân viên Lê Quang Lưỡng hiểu được. Anh trói tay tôi lại, theo “nguyên tắc” quặt hai cánh tay ra sau lưng, nhưng không đến nỗi chặt, hẳn vì bữa cơm rượu tối hôm nọ hãy còn hơi men?

            Qua Tết Nguyên đán, không khí đấu tranh chính trị có phần lắng dịu. Dân làng tôi ngày càng trở nên sôi nổi hơn trong việc dân công tiếp tế phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Đợt trước chưa về, đợt sau đã lên đường. Đàn ông, đàn bà, con trai con gái đều nô nức xung phong. Số người được trực tiếp vận tải ra tận chiến trường không nhiều. Phần đông làm nhiệm vụ gánh chuyền cho nhau từng đoạn dài. Đoạn mở đầu từ Quảng Xương lên tận Suối Rút, Cành Nàng (Quan Hoá, Bá Thước). Ngày nghỉ, đêm đi. Mỗi người một đôi bồ nặng trên vai và một chiếc đèn chai xách tay. Đầu không nón mũ, chân không giày dép. Gặp cơm mưa rừng, chỉ một mảnh ni lông dành cho đôi bồ gạo, vì người ướt sẽ khô, gạo ướt không thể khô. Đoàn dân công nối nhau dài vô tận, vui hơn ngày Tết, đông hơn trẩy hội.

            Ở nhà, các cụ ông đan bồ, đẽo đòn gánh không kịp. Làng tôi không trồng nứa, nhưng tre thì nhiều. Nhà nào cũng um tùm, xum xuê bóng mát một vài bụi góc vườn, đầu ngõ. Anh Nậu nhà tôi cũng được đi. Anh là con nhà phản động, nhưng con nuôi. Các gia đình khác, đã thuộc thành phần phản động, con cái liên quan cũng không được đi, hoặc chỉ được đi đoạn đường ngắn, khoảng dăm bảy chục cây số. Người ta đề phòng thành phần xấu đi sẽ đổ bớt gạo trong rừng đi cho nhẹ gánh, thậm chí có thể dùng gương chiếu lên trời làm tín hiệu báo cho tàu bay địch đến ném bom vào đoàn dân công.

            Anh Nậu gánh bồ gạo lên đến Cành Nàng (huyện Bá Thước, chừng hơn 200 cây số) trở về kể chuyện vui lắm. Anh tha hồ “hò”, được hoan nghênh rất nhiều. Ai cũng vừa đi vừa thi nhau hò, quên cả mệt nhọc.  Anh Nậu hết sức kinh ngạc: “Không biết gạo ở mô ra mà lắm rứa!”

            Mẹ tôi nói: “Thì ở trong dân chứ còn ở mô!”

            Tôi chợt nhớ đến số “thuế khả năng” 10 tạ cả thóc cả tiền của nhà mình. Vô cùng to lớn so với khả năng của nhà mình. Bò cày, mâm thau, nồi đồng, giường, tủ...và những tạ thóc, biết bao hạt vàng, hạt ngọc, hạt mồ hôi, hạt nước mắt! Chắc trong số thóc khổng lồ như núi, như non vận tải ra chiến trường có phần đóng góp vô cùng nhỏ bé, chỉ bằng hạt cát của nhà mình?

            Nghe tôi nói vẻ đầy hứng thú, mẹ tôi bảo: “Như rứa cũng đáng. Nhưng không khéo tất cả lại đổ vô mồm thằng Lời, thằng Cán!”.

            Tôi giật thót mình: “Chết! Mẹ nói thế lỡ ra đến  tai các ông ấy!”

            Mẹ tôi điềm nhiên: “Thì tau nói nhỏ ở nhà thôi, ai nghe!”

            Tôi lắc đầu: “Bờ vách có tai, bờ rào có mắt!”

            Tuy nhiên, không khí đấu tranh chính trị ở làng tôi chỉ là bầu trời lặng gió trước cơn bão tiếp tục quật xuống gia đình tôi dữ dội hơn.

            Chủ tịch xã Lê Quang Lời lệnh bắt  tôi giải lên huyện. Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Đỗ Đan Quế phân tích cho tôi hiểu điều hơn lẽ thiệt: “Gia đình anh trước Cách mạng bị phong kiến cường hào chèn ép, đế quốc phế bỏ. Cha anh làm Thư ký Sở Địa chính được dăm năm thì chúng đuổi về. Lại đầu đội vai vác như ai! Tại sao sau Cách mạng, gia đình anh, cụ thể là cha anh, chú anh lại làm phản động chống phá cách mạng, phản quốc hại dân. Bi giờ hối lỗi còn kịp. Cha chú anh khai báo cả rồi! Còn anh, anh biết gì cũng phải thành khẩn!”

            Ông Chủ tịch huyện chỉ nói đúng một nửa - nửa trước Cách mạng - còn sau Cách mạng ông không hiểu. Tôi thưa: “Tôi không biết mình mắc tội gì”. Ông Đỗ Đan Quế nói: “Được, tí nữa toà làm việc, anh sẽ rõ”.

            Xin dừng lại để nói đôi điều.

            Tôi nghe danh Đỗ Đan Quế, Phạm Tiến Năng đã lâu. Các ông ký Nho, giáo Mai, hàn Sây...đến nhà tôi chơi, cùng bố tôi nói chuyện đều tỏ ý kính trọng các bậc tiền bối cách mạng ấy.

            Năm 1992, ông Trịnh Đình Thai, (nguyên Đại uý huyện đội Quảng Xương, sinh năm 1920, đã về hưu) đưa tôi xem một tập Hồi ký của ông. Tôi được biết ông Thai bí mật gia nhập Đảng cộng sản từ trước năm 1945, nhưng vẫn làm lính nguỵ quân, cùng đơn vị với Nguyễn Văn Thiệu (sau làm Tổng thống Việt Nam cộng hoà). Nhà Thiệu nghèo lắm, lại đông anh em, Thiệu phải làm thêm, đêm đêm đánh máy thuê, phương pháp “mười ngón” rất giỏi. Ông Thai có thành tích “50 năm tuổi Đảng”, khai báo mãi không được, vì cái tích đi lính Pháp ấy. Sau phải tốn nhiều công mới xong.

            Về Đỗ Đan Quế, ông Thai nói năm cải cách ruộng đất, không biết đứa nào dựng lên cái tổ chức Quốc dân Đảng do ông Quế làm Bí thư, nên ông bị bắt bỏ tù. Trong trại tù, nhân dịp tết Nguyên đán, tù nhân được phép diễn kịch mua vui. Đề tài, nội dung phải qua ban Giám thị kiểm duyệt. Ông Quế sáng tác vở “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”. Sau Cải cách một thời gian, ông Quế được ra tù, nhưng ốm yếu lắm vì mắc bệnh kiết lị nặng. Chẳng được bao lâu, ông Quế chết. Nhà ông vẫn nghèo như trước. Con cái ít học vì bố bận đi hoạt động cách mạng, lại vướng thành phần phản động do cha làm Bí thư Quốc dân Đảng nên càng khốn khổ. Thành ra những ai kia được đổi đời, riêng nhà họ Đỗ không biết còn khổ đến đời kiếp nào!

            Câu chuyện ông Quế và gia đình ông làm tôi xúc động lặng người đi. Ông Trịnh Đình Thai có lẽ cũng xót cho cảnh ngộ của bạn, vì con cái nhà ông Thai đều thành đạt. Anh con trai đầu là Trịnh Đình Hưng có thời là Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, sau làm Giám đốc Công ty vàng bạc đá quý ở Hà Nội. Dòng họ Trịnh Đình này là dòng dõi Trạng Nguyên Trịnh Huệ, vị Trạng Nguyên cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.

            Ông Thai đối với tôi là người quen biết cùng huyện, có mối quan hệ gắn bó, đã thành đôi bạn vong niên tương đắc. Nhiều lần tôi bàn với ông khôi phục nhà thờ Trạng nguyên Trịnh Huệ, nhưng chưa được. Huyện Quảng Xương từng nhờ tôi tổ chức nội dung Hội thảo Núi Voi, nên tôi biết nguyên nhân chính do hậu duệ Trịnh Quốc Bảo là con nuôi đã bán mất ngôi nhà thờ cổ, chỉ còn lại bức đại tự bằng đá khắc ba chữ “Trạng nguyên từ”, cộng thêm vấn đề đất đai thừa kế, con cái ông Bảo có nhiều ý kiến gây khó khăn.

            Ông Thai từng ngỏ ý muốn tôi tìm cách công bố vở kịch “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài” cho ông Đỗ Đan Quế, nhưng tôi thấy khó. Tôi chỉ gặp ông Quế một lần tại trụ sở sơ tán của UBHCKC huyện Quảng Xương, khi ông đương chức , đương quyền. Khó không phải vì ấn tượng ban đầu không tốt với ông Quế, mà lí do chính là chất lượng kịch bản kém quá. Tôi hiểu tâm sự người viết muốn mượn mối tình chung thuỷ của Chúc Anh Đài đối với Lương Sơn Bá để nói lên tấm lòng mình đối với Đảng, trọn đời thuỷ chung như nhất. Nhưng nội dung vở không phải sơ lược, mà hết sức sơ sài. Hồi ấy tôi làm biên tập tạp chí Văn nghệ Thanh Hoá của Hội văn học Nghệ thuật Thanh Hoá, rất muốn sửa chữa, bổ sung, nâng cao theo đề nghị của ông Thai nhưng không thể được.

            Trở lại câu chuyện. Hôm ấy, sau khi Chủ tịch Đỗ Đan Quế đi khỏi, có hai ông người dong dỏng cao, đeo kính cận, quần áo tươm tất, dáng vẻ trí thức đến. Một ông Thẩm phán Toà án Tỉnh, một ông Thẩm phán Toà án Huyện. Thỉnh thoảng họ trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp. Có lẽ trước đây hai ông học trường Luật. Tuổi tác các vị trong khoảng từ bốn đến năm mươi. Họ vặn hỏi tôi về súng đạn. Tôi trả lời không biết. Vì thực tình tôi chưa từng nghe ai nói về súng đạn.

            Ông Thẩm phán Tỉnh đập bàn quát: “Nói láo! Cha mày và chú mày đã khai nhận có súng đạn mà mày còn dám chối!”.

            Ông Thẩm phán Huyện gườm gườm nhìn tôi: “Phải! Chúng mày chuẩn bị nổi dậy cướp chính quyền cách mạng, tất phải có súng đạn! Nếu không có, sao cha, chú mày lại thú nhận có súng đạn đang cất giấu ở nhà?”

            Tôi lúc ấy ngây thơ và ngu dại, tưởng cha, chú mình đã thú nhận rồi thật, nhưng quả tình mình không biết thì biết trả lời sao! Tôi sợ tái mặt, lúng túng.

            Vị quan Toà tỉnh hạ giọng gợi ý: “Hay là thằng nào đến mang đi rồi?”

            Tôi sợ hãi, lúng túng thật sự, run rẩy, lắp bắp nói: “Tôi không thấy..ai đến, hay là họ đến mà tôi không biết!”

            Ông Thẩm phán Huyện gật đầu một cái: “Thế là mày đã khai nhận có súng đạn nhưng không biết ai đến lấy mất!” Tôi giật nảy mình, càng run sợ không nói nên lời!

            Ông Thẩm phán Tỉnh dỗ: “Cứ nói tên ai đó ra, Toà phán xử rất công minh, sẽ thả cho mày về ngay với mẹ mày!”

            Phải một lúc cố trấn tĩnh, tôi mới nói nổi: “Tôi không nhớ...đã thấy ai...”.

            Ông Thẩm phán Huyện trợn mắt: “Mày nói quẩn nói quanh để đánh lừa Toà hả? Cha con mày muốn chết chung một hốc với hai thằng sư hổ mang Tuệ Quang, Tuệ Chiếu!”. Tôi cúi đầu, nước mắt chảy ra giàn giụa.

            Ông Thẩm phán Tỉnh lại gợi ý: “Thằng nào hay thậm thụt ra vào nhà mày thì đích thị là nó! Hoặc mày khả nghi kẻ nào cũng được! Cứ nói, đừng sợ!”

            Tôi nghĩ không ra ai. Muốn nói bừa một cái tên nào đó cho xong, nhưng đầu óc tôi sao tối tăm mù mịt, không còn biết ai là đồng bọn với Tuệ Quang, Tuệ Chiếu để cung xưng với toà. Tôi mà cũng bị bắt đi tù nữa thì mẹ tôi chết mất!

            Đầu óc tôi bỗng vụt sáng lên một người cũng ở chùa, đầu tóc trọc lóc, mặt mũi xấu xí, có lần đến nhà tôi nói chuyện với bố tôi về sư Tuệ Quang, Tuệ Chiếu. Tuệ Quang tôi mới nghe lần đầu. Còn Tuệ Chiếu tôi đọc báo Đuốc Tuệ cũ (xuất bản vào khoảng 1942, 1943) sở dĩ tôi nhớ được, vì ông sang Lào, nhà vua cho ngồi ngai vàng để thuyết pháp...


            (còn nữa)

                                                  HTP/10/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét