11 thg 10, 2020

SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT HÁN” (Kỳ 2B)

Sai sót bắt đầu từ bản in 
của NXB Khoa học XH-1999
          HOÀNG TUẤN CÔNG

Kỳ 2B: Thu thập nhiều dị bản thành ngữ tục ngữ Việt thiếu chính xác; nhiều dị bản không tồn tại trong cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán.

(Phần B)

35-“sợ run cầy sấy”.

Chính xác phải là “run như cầy sấy”, cho thêm “sợ” vào là thừa, trong khi lại thiếu “như” - một yếu tố rất đặc trưng trong kết cấu của thành ngữ biểu thị mức độ cao, sử dụng để so sánh với cái tiêu biểu được nêu ra sau đó.[K].


36-“tam thập lục kế, tẩu vi thượng kế 三十六計走為上計”.

Đây chỉ là bản phiên âm tục ngữ Hán, bởi người Việt thường nói “tam thập lục kế tẩu vi thượng sách” chứ không nói “tam thập lục kế, tẩu vi thượng kế”. Cách nói của người Việt có nhịp điệu, đăng đối, phong phú về từ ngữ hơn. Điều quan trọng nữa là không nên bỗng dưng đặt lại lời ăn tiếng nói của dân gian. Nếu mỗi người biên soạn từ điển tuỳ tiện theo một kiểu, thì thành ngữ tục ngữ sẽ loạn.[K].

37-“tam thập lục sách, tẩu vi thượng sách 三十六策走為上策”.

          Mục này lặp lại lỗi ở mục 31, tức lấy nguyên xi bản phiên âm tục ngữ Hán để áp cho Việt, trong khi người Việt không nói như vậy. Chúng tôi sẽ có riêng một mục để thống kê và phân tích lỗi nhầm lẫn thành ngữ, tục ngữ Hán phiên âm Hán Việt, với thành ngữ Việt gốc Hán.[K].

38-“tháo dạ đổ vạ cho váy”.

          Chỉ có “tháo dạ đổ vạ cho chè”, không có dị bản “đổ vạ cho váy”. Vì “chè” là thứ ăn vào bụng (mới có cớ để “đổ vạ”). Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung): “tháo dạ đổ vạ cho chè: [Người không khoẻ, vu ma làm ốm; Tháo dạ đổ vạ cho rươi] Ngđ: Mất vệ sinh, bị bệnh lại đổ tại thức ăn. Ngb: Làm ăn kém cỏi lại đổ lỗi cho người khác, đổ tại hoàn cảnh khách quan”.[K].



39-“thâm nghiêm cùng cốc 深嚴窮谷”.

          Thành ngữ Việt gốc Hán chỉ có “深山窮谷” (thâm sơn cùng cốc = núi sâu hang cùng); thành ngữ Hán, ngoài “深山窮谷” (thâm sơn cùng cốc), “深山幽谷” (thâm sơn u cốc = núi sâu hang vắng), còn có “深山長谷” (thâm sơn trường cốc = núi sâu hang thẳm). Hán ngữ đại từ điển giải thích: “thâm sơn cùng cốc: vùng núi xa xôi, cách trở với thế giới bên ngoài, ít có dấu vết con người lui tới.” [深山窮谷: 與山外距離遠,人跡罕至的山嶺, 山谷]. Dù Việt hay Hán, chúng tôi chưa thấy tài liệu sách vở nào ghi nhận “深嚴窮谷” (thâm nghiêm cùng cốc = hang cùng thâm nghiêm). Giả sử NVK sưu tầm trong một tài liệu nào đó, thì “thâm nghiêm cùng cốc” (và nhiều dị bản “lạ” khác) cũng không thể là bản đại diện cho cả hai phía Việt Hán.

Lỗi này từng xuất hiện trong hai cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông” (2003) và “Từ điển tiếng Việt” (2018) của đồng tác giả GS. TS. Nguyễn Văn Khang.[K].



40-“thế gian được vợ hỏng chồng 彩鳳隨 ”.

        Mục này NVK cho rằng, “thế gian được vợ hỏng chồng” trong tiếng Việt, đồng nghĩa với “thái phượng tuỳ kê” trong tiếng Hán. Tuy nhiên, mục này có 3 điểm cần trao đổi:

Với tiếng Việt, nên đưa ra bản chuẩn: “thế gian được vợ mất chồng”. Được- mất tạo thành hai thái cực, chặt chẽ mà có nhịp điệu, một kiểu cụ thể hoá của nhận thức “được cái này mất cái kia”.

Với tiếng Hán, bản chính phải là “彩鳳隨鴉” (thái phượng tuỳ nha = phượng hoàng đi với quạ đen), chứ không phải “彩鳳隨 ” (thái phượng tuỳ = phượng hoàng đi với ), như NVK thu thập. Phải là phượng hoàng đi với quạ đen, mới tạo nên sự chênh lệch theo lối thậm xưng của dân gian; còn phượng hoàng đi với gà, tuy cũng chênh lệch, nhưng chưa bị đẩy đến tột cùng của hai thái cực đẹp >< xấu đối lập, tương phản nhau. Tiếng Hán có thành ngữ “獨鶴雞群” (độc hạc kê quần = hạc đứng giữa bầy gà). Theo đây, con “gà” có được dùng để so sánh với “hạc”, nhưng với hàm ý so sánh về phẩm chất: người tài năng, xuất chúng sống giữa những kẻ tầm thường, nhỏ mọn.

Thế gian được vợ mất chồng”, trong tiếng Việt, không đồng nghĩa với “thái phượng tuỳ nha” trong tiếng Hán. Bởi “Thế gian được vợ mất chồng”, ý dân gian muốn nói: rất ít cặp vợ chồng cả hai đều hoàn hảo (chủ yếu nói về phẩm chất, tính cách), mà thường vợ chồng bù trừ khiếm khuyết cho nhau. Bởi vậy hãy xem sự khôn khéo – vụng về, được - mất này là chuyện thường. Trong khi “彩鳳隨鴉” (thái phượng tuỳ nha - phượng hoàng đi với quạ đen) trong tiếng Hán được Hán ngữ đại từ điển giảng là “ví cô gái đẹp lấy phải người chồng thô tục.” [淑女嫁鄙男].

Như vậy  phượng hoàng đi với quạ đenHán, đồng nghĩa với “cú đậu cành mai” (dị bản: hoài cành mai cho cú đậu) hoặc “hoài hồng ngâm cho chuột vọc” (dị bản: hoài hạt ngọc cho ngâu vầy) Việt, chứ không đồng nghĩa với “Thế gian được vợ hỏng chồng” như NVK chỉ dẫn.

41-“trâu lấm vẩy bùn (/quanh)”.

    Trâu lấm vẩy bùn”, hay “trâu lấm vẩy quanh” đều không đúng. Thậm chí dị bản thứ hai (“vẩy quanh”) đi ngược lại ý dân gian.

Nghĩa đen: Con trâu thích đầm mình trong bùn nước. Khi lên bờ, theo tập tính xua đuổi ruồi muỗi, cái đuôi trâu cứ vẩy qua vẩy lại, đập vào hông bên này, vắt sang hông bên kia, khiến bùn đất văng tứ tung, làm bẩn hết thảy những gì nó đi qua. Từ sự quan sát ấy, dân gian đặt nên câu tục ngữ. Theo đây, phải là “trâu lấm vẩy càn” (vẩy càn = vẩy bậy), mới có nghĩa bóng: kẻ có khuyết điểm, lỗi lầm thường tìm cách bôi nhọ, đổ bừa cho người xung quanh.[K].



42-“trèo non lặn biển 梯山航海”.

          Phải là “trèo non vượt biển” mới khó khăn, vì biển rộng vô bờ. Trong khi “lặn biển” không khó hơn lặn ao, lặn sông là bao, vì biển có chỗ nông sờ.

-Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “trèo non vượt biển [trèo non vượt bể] • Leo qua núi và vượt qua biển; ý nói gian-nan vất vả”.

Ngay như trong tiếng Hán, thành ngữ “梯山航海” (thê sơn hàng hải) mà NVK đối chiếu, thì (hàng) ở đây cũng có nghĩa là “vượt”, chứ không phải “lặn”:

-Hán ngữ đại từ điển: “thê sơn hàng hải: leo núi, qua biển, nói hành trình trèo non vượt biển xa xôi vất vả”; [梯山航海: 登山渡海; 謂長途跋]; dị bản “hàng hải thê sơn: vượt qua biển lớn, leo qua núi cao. Nói hành trình xa xôi và trải qua nhiều khó khăn” [航海梯山: 渡過大海,攀越高山.謂經艱遠的途程].

Như vậy, trong hai cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông” (2003) và “Từ điển tiếng Việt” (2018) GS. TS. Nguyễn Văn Khang từng hướng dẫn viết “trèo đèo lội suối” thành “trèo đèo lặn suối”, đến cuốn sách này, ông lại đưa ra dị bản kì dị “trèo non lặn biển”, thay cho “trèo non vượt biển”. Chúng tôi đã cố công tra cứu nhưng không thể biết tác giả từ điển căn cứ theo tài liệu sách vở nào.[K].



43-“tu binh mãi mã 修兵買馬”.

“Tu binh” 修兵 không phải không có nghĩa. Ví dụ: “Sử ký – Trọng Ni đệ tử liệt truyện”: “Tử Cống nói: “tu sửa binh khí, cho quân lính nghỉ ngơi, chờ cơ hội” [史記仲尼弟子列傳: “子貢 : ‘修兵休卒以待之]. Tuy nhiên, trong cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán, thường dùng “chiêu binh mãi mã”, chứ không dùng “tu binh mãi mã”. Phải là “chiêu binh, mãi mã” mới có nghĩa: tổ chức hoặc gây dựng lực lượng. Theo đây, “chiêu binh” là tuyển mộ binh sĩ, đối với “mãi mã” là mua ngựa chiến, có thể hiểu là xây dựng lực lượng hoàn toàn mới. Còn “tu binh hưu tốt” lại có nghĩa chỉnh đốn, nuôi dưỡng lực lượng đã sẵn có. Hán ngữ đại từ điển phân biệt nghĩa của “tu binh” và “chiêu binh” như sau:

-“tu binh: tu sửa binh khí” [修兵: 修整兵器].

-“chiêu binh: 1. kêu gọi gia nhập quân đội; 2. thời xưa chiêu mộ người tham gia quân đội”. [招兵: 1. 召來軍隊; 2. 舊時招募人來當兵].

          -Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê - Vietlex): “chiêu binh mãi mã 招兵買馬 1 [cũ] chiêu mộ binh lính, mua ngựa chiến để chuẩn bị chiến tranh. chiêu binh mãi mã chờ ngày xuất quân. 2 [kng] tập hợp lực lượng, vây cánh để tranh giành quyền lực”.

-Hán ngữ đại từ điển: “chiêu binh mãi mã: 1. chiêu mộ binh sĩ, mua sắm chiến mã, nói tổ chức vũ trang, tăng cường binh lực; 2. tổ chức hoặc tăng cường nhân lực”. [招兵買馬: 1. 招募士兵, 購置戰馬; 謂組織武裝, 擴充兵力; 2. 組織或擴充人力].

Lỗi bỏ bản chính, lựa chọn dị bản lạ hoặc ít dùng này từng xuất hiện trong hai cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” đồng tác giả GS.TS. Nguyễn Văn  Khang.[K].

44-“trùng hợp tình cờ 不謀而合”.

          Mục này, NVK cho rằng, “trùng hợp tình cờ” tiếng Việt, đồng nghĩa với “不謀而合” (bất mưu nhi hợp) trong tiếng Hán.

          Tuy nhiên, tiếng Việt không có thành ngữ nào theo lối nôm na “trùng hợp tình cờ”, mà chỉ có “không hẹn mà gặp”:

-Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung): “chẳng hẹn mà gặp, chẳng rắp mà nên [Không hẹn mà gặp, không rắp mà nên] (rắp: có ý định từ trước). Ngẫu nhiên, ngoài sự sắp đặt của con người”.

Theo đây, “không hẹn mà gặp” trong tiếng Việt đồng nghĩa với 不謀而合” (bất mưu nhi hợp) Hán:

-Hán ngữ đại từ điển: “bất mưu nhi hợp: không qua bàn thảo, thương lượng mà vẫn có chung nhận thức, nhất trí.” [不謀而合: 沒有經過商量而見解一致].[K].

45- “voi đua ngựa cũng đua: 吠形吠聲”.

          Mục này NVK cho rằng “voi đua ngựa cũng đua” trong tiếng Việt, đồng nghĩa với “吠形吠聲” (phệ hình phệ thanh) tiếng Hán. Tuy nhiên, có hai điểm cần trao đổi:

          Tiếng Việt không có thành ngữ voi đua ngựa cũng đua”, mà chỉ có “voi đú chó đú lợn sề cũng hộc” (dị bản: voi đú, chó đú, chuột chù cũng nhảy cẫng; Voi đú, khỉ đú, chuột chù cũng chạy quanh; Voi rú, lợn sề cũng hộc; Ngựa lồng cóc cũng lồng). Theo đây, tất cả các con vật “đú” theo voi, ngựa, đều thấp kém hơn một trời một vực. Trong khi “voi đua ngựa cũng đua” đâu có gì bất thường, kệch cỡm? Ngược lại “ngựa” mà “đua” với voi thì sẽ thắng voi.

Tiếng Việtvoi đú, chó đú, chuột chù cũng nhảy cẫng” nghĩa là đua đòi, bắt chước một cách lố bịch, kệch cỡm, không hợp khả năng của mình; trong khi Hán: “吠形吠聲” (phệ hình phệ thanh), lại có nghĩa phụ hoạ, a dua theo người khác mà không biết phân biệt thật giả:

Hán ngữ đại từ điển giảng: “phệ hình phệ thanh: 1-“Tiềm phu luận - Hiền nan” (Vương Phù – Hán) viết: “Ngạn ngữ có câu: ‘phệ hình phệ thanh’ (một con chó sủa hình, trăm con chó sủa tiếng), đó là cái bệnh hùa theo ở đời, xưa nay vẫn vậy. Ta chán ngán sự đời không phân biệt được thật giả’. Về sau ‘sủa hình sủa tiếng’ hoặc “sủa bóng sủa tiếng” ý chỉ không biết suy xét phân biệt thật giả, mà chỉ phụ hoạ theo một cách mù quáng.” [吠形吠聲: 1. 漢王符潛夫論賢難”: “諺曰: ‘一犬吠形, 百犬吠聲’, 世之疾此, 固久矣哉!吾傷世之不察真偽之情也.” 後遂以吠形吠聲吠影吠聲不察真偽, 盲目附和].



46-“vơ bèo vặt tép

          Chính xác phải là “vơ bèo gạt tép”. “” và “gạt” ở đây đều chỉ hành động việc làm không có sự chọn lựa, đem lại kết quả à uôm, xô bồ. “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê, bản Vietlex): “vơ bèo gạt tép • [kng] ví trường hợp không lựa chọn kĩ, hoặc quá vội vàng mà vơ cả những thứ nhỏ mọn, không có giá trị [thường dùng trong trường hợp lựa chọn chồng hoặc vợ]. tuyển sinh theo kiểu vơ bèo gạt tép ~ “Cúc ngày xưa đùng đùng đem trả trầu cau Thành, đã tưởng lấy được đám khác khá hơn, ai ngờ vơ bèo gạt tép làm lẽ ông Ba Chương.” (Dương Hướng)”.

Chúng tôi xin tạm dừng ở con số 46 mục có sai sót. Trong số 46 mục, thì có nhiều mục (như 15, 18, 28, 32, 33, 41, 42) mỗi mục phạm nhiều lỗi; hoặc có những mục sai cả bên tiếng Việt lẫn tiếng Hán (như 5, 7, 9, 10, 12, 15, 40, 41, 44).  Theo đây đã có tổng số chừng hơn 60 lỗi thu thập và đối chiếu các đơn vị thành ngữ tục ngữ Việt Hán không đồng nghĩa; thu thập, đối chiếu các dị bản thành ngữ tục ngữ Việt thiếu chính xác, hoặc không tồn tại trong cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán.

Mời độc giả đón đọc kỳ tới “Lỗi chính tả và lỗi văn bản trong từ điển của Nguyễn Văn Khang”.

                                      HTC/9/2020

(còn tiếp)

 

 

1 nhận xét:

  1. Trong dân ta vẫn nói "vơ bèo vạt tép", chỉ thấy mỗi từ điển Hoàng Phê nói "vơ bèo gạt tép", chưa rõ thu thập ở vùng nào. Trong sách Tướng có nói "chân đi vạt tép, dáng đi vặn xà", bảo rằng thế là tướng kém. Trong nghề y cũng nói "chân đi vạt tép". Chữ "vạt" có khi nói nhầm thành "vặt".
    Nhân đây, có xem qua bài về hòn đá ở Thanh Hóa của anh, chúng tôi xin có chút ý kiến như sau: Dùng đá để trấn yểm là thuật của Đạo Sỹ, thày Phù Thủy. Các tông sư Địa Lý bên Tàu phần nhiều là Đạo Sỹ, những thuật trong Địa Lý là thuật của Đạo Giáo. Khi viết cũng có nhiều cách. Nếu như câu "Thái Sơn thạch tại thử, Quỷ Thần bất cảm đương" được bỏ bớt đi một số chữ, do nhiều lý do, nhưng vẫn hiểu theo nghĩa toàn câu, thì nhiều trường hợp không khó lý giải.

    Trả lờiXóa