HOÀNG TUẤN CÔNG
Kỳ 2: Thu thập nhiều dị bản
thành ngữ tục ngữ Việt thiếu chính xác; nhiều dị bản không tồn tại trong cả tiếng
Việt lẫn tiếng Hán.
(Phần A)
Thành ngữ tục ngữ thường tồn tại
nhiều dị bản. Bởi vậy, để lựa chọn được bản chính xác, người biên soạn từ điển
cần dựa vào nhiều căn cứ. Ví dụ căn cứ vào từ điển, kho ngữ liệu hoặc công
trình sưu tầm tuyển chọn có uy tín của người đi trước; căn cứ kết cấu, ngữ
nghĩa của từng từ; căn cứ kiến văn nghe đọc trên sách báo và trong đời sống để
xác định bản nào là bản chính. Trong đó, từ điển và kho ngữ liệu là hai nguồn
tham khảo quan trọng nhất. Tuy nhiên, dường như nhiều khi tác giả Nguyễn Văn
Khang (NVK) đã lựa chọn các bản
thành ngữ tục ngữ đại diện cho cả hai phía Việt
và Hán theo cảm tính, huy động theo
trí nhớ. Bởi vậy, “Từ điển thành ngữ tục
ngữ Việt – Hán” thu thập nhiều dị bản không tiêu biểu, “dị bản lạ”, thiếu
chính xác, không thấy bất cứ cuốn từ điển nào ghi nhận. Sau đây là một số dẫn
chứng (Chúng tôi đánh số tiếp theo kì trước
để tiện chú dẫn khi cần thiết. Với những mục chỉ sai ở phía thành ngữ tục ngữ Việt, thì chúng tôi lược bỏ phần đối
chiếu với thành ngữ tục ngữ Hán. Nếu
tất cả các cuốn từ điển chúng tôi có trong tay đều không ghi nhận dị bản như NVK đưa ra, sẽ được đánh kí hiệu [K] cuối mỗi mục trao đổi):
16-“đầu không chăn đít không khố”.
Ở bản in năm 1998
(NXB Khoa học Xã Hội), thấy viết là “đầu
không khăn, đít không khố”. Không
hiểu sao đến bản in năm 2008 (NXB Văn hoá Sài Gòn), NVK lại chữa thành “đầu không
chăn…” rất kỳ dị. “Khăn” và “khố”
là hai thứ trang phục tối thiểu của người đàn ông Việt xưa kia. Bởi vậy “khăn
khố” được hiểu là quần áo trang phục nói chung. “Đầu không khăn đít không khố” là cách nói thậm xưng của dân
gian, chế giễu, ám chỉ người nào (thường vì vội vàng hoặc hốt hoảng) mà không kịp
ăn mặc tề chỉnh, khiến tình trạng lôi thôi lếch thếch đập vào mắt người khác. [K].
17-“ếch ngồi (/nằm) đáy giếng 坐井觀天”.
Tiếng Việt chỉ có “ếch
ngồi đáy giếng”, không có dị bản “ếch
nằm đáy giếng”. “Ngồi” ở đây không những tả thực tư thế của loài ếch nhái, mà còn ám
chỉ cuộc sống bó hẹp trong một phạm vi nhất định, giống như con ếch khi bị sa
chân xuống giếng, chỉ biết ngồi một chỗ, bó gối mà ngóng nhìn lên bầu trời. Vả
lại, nguyên văn bản trong tiếng Hán “坐井觀天” (toạ tỉnh quan thiên)
thì “toạ” 坐 cũng có nghĩa là “ngồi” chứ
không phải “nằm”. [K].
18-“gà hơn
(/ghét) nhau tiếng gáy”.
Tiếng Việt chỉ có “con gà tức nhau tiếng gáy” hoặc “gà tức nhau tiếng gáy”. “Tức” ở đây là tức khí, muốn tranh hơn thua. Chúng tôi không thấy sách vở nào ghi nhận hai
dị bản “gà hơn nhau tiếng gáy” hay “gà
ghét nhau tiếng gáy” như NVK thu thập.
Bản in 1999 và 2008 đều giống nhau |
Về nghĩa đen, gà trống có tập
tính đua tranh bằng tiếng gáy, thể hiện dáng điệu hùng dũng, khoe bộ cánh sặc sỡ
để bảo vệ lãnh địa và quyến rũ gà mái. Bởi vậy, khi một con gáy lên, lập tức
hàng loạt con khác gáy theo, cảm tưởng có sự tức khí, ganh đua (“tức nhau”) ngấm ngầm. Con nào cũng muốn
tiếng gáy của mình to hơn, vang hơn. Từ
điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung): “gà tức nhau tiếng gáy [Con gà tức nhau tiếng gáy] Tâm lí thích
ganh đua, chơi trội, không chịu được khi thấy người khác hơn mình”. Trong
khi “gà hơn nhau tiếng gáy” lại có nghĩa sự hơn thua, xấu tốt của một
con gà được đánh giá qua tiếng gáy; còn “gà
ghét nhau tiếng gáy” chỉ dừng lại
ở nghĩa: những con gà thường không ưa
nhau, ghen ghét nhau vì tiếng gáy
(“ghét” ở đây đồng nghĩa với “ghét” trong “trâu buộc ghét trâu ăn”).[K].
Sai sót xuất hiện ngay từ bản in lần đầu năm 1999 |
19-“gái đĩ già mồm, (kẻ trộm cắn răng)”.
Chỉ có tục ngữ “gái
đĩ già mồm, kẻ trộm lắm gan”, không
có “kẻ
trộm cắn răng”. “Lắm gan” ở đây được hiểu là to gan, không biết sợ là gì.[K].
20-“hồn bay
phách lạc”.
Theo lối nói thông
tục “hồn bay phách lạc” không sai, nhưng nên dùng bản chính “hồn xiêu
phách lạc” được nhiều từ điển ghi nhận. Theo đây, tiếng Việt có từ “xiêu
lạc” mà “Việt Nam tự điển”
(Lê Văn Đức) giảng là: “Lạc-loài nơi xa lạ: Không biết nó xiêu-lạc
nơi nào”. “Xiêu” ở đây đối với
“lạc”, tức là sợ đến mức hồn thì xiêu,
phách thì lạc đi phương trời nào
không biết. Thế nên dị bản của “hồn xiêu
phách lạc” là “hồn lạc phách xiêu”.
Đây là kết cấu thường thấy trong thành ngữ tiếng Việt, đó là tách hai yếu tố cấu
tạo từ trong một từ ghép đẳng lập ra để tạo nên một thành ngữ: sưng sỉa = mặt sưng mày sỉa; xác xơ = nghèo xác nghèo xơ; bác xác bác xơ…
Từ điển Hoàng Phê (Vietlex):
“hồn xiêu phách lạc • sợ hãi đến mức mất hết cả
tinh thần, hồn vía. Đn: phách lạc hồn
xiêu”.[K].
21-“không có trâu bắt ngựa đi cày 無牛狗拖犁”
Mục này NVK cho rằng, thành ngữ “không
có trâu bắt ngựa đi cày” trong tiếng Việt đồng nghĩa “無牛狗拖犁” (vô ngưu cẩu đà lê = không có
trâu bắt chó kéo cày) tiếng Hán.
Tuy nhiên, tiếng Việt không có thành ngữ “không có trâu bắt ngựa đi cày”. Chính
xác phải là “không có trâu bắt bò đi đẫm”
(dị bản không có chó bắt mèo ăn cứt).
Thành ngữ này liên quan đến đồng chiêm
trũng, và ruộng trâu quần (một tập
quán canh tác lúa nước cổ xưa của nhiều dân tộc như Thái, Tày, Mường...) Theo
đó, “bắt bò đi đẫm” chỉ việc bắt con
bò đi cày bừa, “quần” ở chân ruộng lầy thụt, không hợp với sức vóc của nó, nên
con bò “cày ruộng”, “quần ruộng”, mà giống như ngụp lặn, đẫm mình trong bùn nước.
Nếu “không có trâu bắt ngựa đi cày”, thì đây cũng không phải điều gì quá
tệ hại, bởi nhiều dân tộc trên thế giới vẫn cày bừa bằng ngựa. Không rõ căn cứ
vào đâu NVK lại đưa ra dị bản lạ “không có
trâu bắt ngựa đi cày”, trong khi ngoài bản “không có trâu bắt bò đi đẫm”, thì tiếng Việt còn có “trâu không có, bắt chó đi cày” hoàn toàn
tương ứng với “vô ngưu cẩu đà lê” (không có trâu bắt chó đi cày) trong tiếng Hán.[K].
22-“kị (kì)
hổ nan hạ 騎虎難下 ≈ cưỡi lên lưng hổ; cưỡi hổ khó
xuống”.
Tục ngữ Việt gốc Hán chỉ có “kị
hổ nan hạ” (kị hổ = cưỡi hổ),
không có “kì hổ nan hạ”. Lỗi này từng
xuất hiện trong hai cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông”
(2003) và “Từ điển tiếng Việt” (2018) của đồng tác giả GS. TS. Nguyễn Văn
Khang.[K].
23-“ngọng hay nói què thích (hay) đi”.
Nên chọn bản chính “điếc hay ngóng, ngọng hay nói” (dị bản “người câm hay nói, thầy bói hay nhòm/dòm”)
thể hiện sự chặt chẽ trong kết cấu, tạo nhịp điệu của dân gian.[K].
24-“người làm
không bực bằng người chực nồi”.
Chính xác phải là
“Người đi không bực bằng người chực nồi cơm”. “Đi” ở đây là vắng nhà, đi đâu
đó chưa về, khiến người ở nhà phải
sốt ruột nhấp nhổm đợi cơm, thì mới “bực”.[K].
25-“no cơm ấm cật dậm dật trong lòng (/tay chân/tứ bề)”.
Chính xác phải là “no cơm ấm cật dậm dật mọi nơi” (dị bản: No cơm ấm cật, dậm dật mọi nơi/Đói rách tả
tơi, khắp nơi không động).
26-“núp bóng cây tùng 大樹底下好乘涼”.
Chính xác là “núp bóng tùng quân”, vì “tùng” 松 là cây tùng, “quân” 筠 là cây trúc nhỏ; phải là “tùng quân” 松筠 mới có nghĩa là cây tùng và cây trúc. “Tùng quân” là từ
trong văn chương chỉ cây cao bóng cả, tượng trưng cho người quân tử, vốn trong
“Kinh
lễ”:
-Hán ngữ đại từ điển: “tùng
quân: cây tùng và cây trúc. “Lễ kí
– Lễ khí” có đoạn: “Với mỗi người,
lễ ấy giống như cây trúc quân tử có cật cứng, như loài tùng bách có lõi bền. Nhờ
có hai điều cốt yếu ấy mà trong thiên hạ, tùng trúc tứ thời không rụng lá thay
cành”. Về sau lấy “tùng quân” để ví với
tiết tháo kiên trinh”. [松筠:松樹和竹子.“禮記‧禮器”:“其在人也,如竹箭之有筠也,如松柏之有心也.二者居天下之大端矣,故貫四時而不改柯易葉.”後因以“松筠”喻節操堅貞].
-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): “tùng-quân • Cây thông, cây trúc.
Nói chung là những cây cao bóng cả. Nghĩa
bóng: Nói người có thế-lực che chở cho kẻ yếu-hèn <> Nghìn tầm nhờ bóng tùng-quân, Tuyết sương
che chở cho thân cát-đằng (K)”.
27-“ốc chẳng (/không) thể
mang nổi mình ốc (lại còn mang cọc cho
rêu)”.
Không hiểu tại sao NVK lại đưa cụm từ “lại còn mang cọc cho rêu” vào ngoặc đơn.
Nếu NVK xem “ốc chẳng (/không) thể mang nổi mình ốc” là một dị bản, thì “dị bản”
này không có nghĩa. Mặt khác, bản chính xác phải là “ốc chẳng mang nổi mình ốc,
lại còn làm cọc cho rêu”. Nghĩa đen: Cả
rêu và ốc đều bám vào cọc. Riêng ốc di chuyển rất nặng nề khó khăn, ấy vậy mà
trên thân (vỏ) của nó lại thấy đầy rêu bám, tựa như ốc lo thân ốc chưa nổi mà lại
còn làm cọc cho rêu bám vậy.
28-“ôn nghèo nhớ khổ”.
Nên lựa chọn bản “ôn nghèo kể khổ”. Phải là “kể khổ” (mang tính chất kể lể)
thì trong buổi hàn huyên, trà dư tửu hậu, bạn bè mới nghe được những khó khăn vất
vả thuở hàn vi; còn “nhớ khổ” có khi
chỉ là hồi tưởng trong lòng.[K].
29-“phải ai tại nấy”.
Bản chính xác là “phải ai tai nấy” (dị bản phải ai nấy chịu). “Tai” đây là tai hoạ; “tai nấy” là tai hoạ người
ấy/nấy phải chịu:
-Việt
Nam tự điển (Khai trí Tiến đức): “tai
• 1 Cái hoạ nạn bất thình-lình sẩy đến <> Trời ra tai. Mắc tai, mắc nạn. Vạ gió, tai
bay. Văn-liệu: Phải ai tai nấy
(T-ng)”.[K]
Cả hai bản in 1999 và 2008 đều viết "tại nấy" |
30-“quan ở xa quản nha thì gần”.
Chính xác phải là “quan thì
xa, bản nha thì gần”, dị bản “quan xa nha gần” “quan
thời xa nha thời gần”. “Quan” được hiểu là quan trên, cấp trên; “nha” hay “bản
nha” là nha lại sở tại, nha môn địa phương: cấp trên quang minh chính đại
không biết đến, trong khi kẻ gần dân hơn cả lại sách nhiễu dân. Thế nên còn có
câu “quan tha, nha bắt”: thoát được sự
sách nhiễu của quan trên, thì lại chịu sự o ép của nha lại địa phương.
31-“quan tham ô lại 貪官污吏 ≈ tham ô quan lại”.
Bản Hán “貪官污吏” (tham quan ô lại) đúng, nhưng cả hai bản Việt đều sai. Theo đây, chỉ có “tham quan ô lại”, không có “quan
tham ô lại”, càng không có “biến thể” nào gọi là “tham ô quan lại” như NVK hướng dẫn. [K].
32-“quảng cáo rùm beng 大吹大擂”.
Mục này NVK cho rằng “quảng cáo rùm beng” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “大吹大擂” (đại xuy đại lôi) trong tiếng Hán.
Tuy nhiên, mục này có hai điểm cần trao đổi:
-Tiếng Việt không có thành ngữ nào gọi là “quảng cáo rùm beng”.
-Căn cứ cách giảng của Hán ngữ đại từ điển: “đại
xuy đại lôi: 1. đánh trống và tấu
nhạc lên cùng một lúc; 2. quảng cáo phô trương ầm ĩ”, thì thành ngữ Hán này tương đương với “khua chiêng gõ mõ”, hoặc “khua chiêng gióng trống” trong tiếng Việt.
Như vậy, “quảng cáo rùm beng” không phải là thành
ngữ Việt, mà chỉ là nội dung dịch từ
“đại xuy đại lôi” trong tiếng Hán (chúng tôi sẽ dành riêng một mục để
nói về những cái sai do lấy phần dịch nghĩa thành ngữ tục ngữ Hán để ấn vào vị trí thành ngữ tục ngữ Việt của soạn giả NVK).[K].
33-“rành rành trước mắt”.
Tiếng Việt chỉ có “rành rành như canh nấu hẹ”, không có “rành rành trước mắt” (đây
là tổ hợp từ tự do, hoặc quán ngữ, không phải thành ngữ).[K].
34-“rồng uốn
hổ ngồi 龍蟠虎踞”.
Thành ngữ Việt chỉ
có “rồng cuộn hổ ngồi”, không có “rồng
uốn hổ ngồi”. Bản thân chữ “bàn” 蟠/盤 trong “龍蟠虎踞”/“龍盤虎踞” (long bàn hổ cứ) của tiếng Hán
mà NVK so sánh, có nghĩa là “cuộn”, chứ không phải “uốn”. “Long bàn” 龍蟠 (rồng cuộn) chỉ thế ẩn tàng, đối với “hổ cứ” 虎踞 (hổ ngồi) chỉ uy dũng mà
không lộ tướng, nói lên vẻ hiểm yếu, hùng vĩ của thế đất đế vương.[K].
Phần A của Kỳ 2 “Thu thập nhiều dị bản thành ngữ tục ngữ Việt thiếu chính xác; nhiều dị
bản không tồn tại trong cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán”, chúng tôi xin tạm dừng
tại đây. Mời bạn đọc đón đọc Phần B
trong số báo tiếp theo.
HTC/9/2020
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét