5 thg 11, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 13)

Cây trôi đình Đoài
Ảnh: TC
            HOÀNG TUẤN PHỔ


Đêm nằm trằn trọc thao thức không ngủ được, tôi nhớ lại hôm bố tôi bị bắt, dắt đi bằng sợi dây thừng, tôi lo sợ sẽ đến lượt mình. Bây giờ, nỗi sợ ấy đã xảy ra: Tôi cũng đã thành một con vật, nay buộc, mai trói, dắt đi hết nơi này đến nơi khác! Có thể đêm mai ai đó nhảy đến đấm đá cái thằng nhỏ nhất, làm chức to nhất là tôi. Chắc chắn tôi chết mất! Làm thế nào? Thôi đành chịu chứ biết làm sao? Lúc sau, tôi cố hết sức bình tĩnh tự nhủ: Lo sợ cũng không được!

            Biết tôi vẫn trằn trọc, mẹ tôi thở dài bảo: “Đành liều nhắm mắt đưa chưn, lo nghĩ đến mấy cũng không được!”. Tôi “Vâng”, cố nhắm mắt lại ngủ, nhưng lòng vẫn thức, cứ tỉnh như sáo. Lâu dần, mệt mỏi quá, tôi thiếp đi lúc nào không biết...

            Chiều hôm sau, anh Lưỡng đến truyền lệnh ông Khai: “Nấu cơm ăn sớm để lên xã!” Tôi vừa cố nuốt cho xong bát cơm chát đắng đã thấy anh Lưỡng từ ngoài ngõ đi vào. Qua mấy lần rồi mà không quen được, cứ thấy bóng ông Khai, anh Lưỡng từ đằng xa, trống ngực tôi đã đánh lớn hơn trống làng! Hôm nào cũng bị trói và giải đi thế này mình chết mất, không chết cũng phát điên! Thà mình có tội tình gì cho cam!

            Tôi lại bị trói quặt hai tay ra đằng sau. Tôi được biết có nhiều cách trói tuỳ theo tội nặng nhẹ. Nhẹ nhất: Trói phạm nhân vào cánh tay dắt đi. Thứ hai: Trói hai cổ tay với nhau. Thứ ba, cách thông thường nhất: Trói  hai cổ tay ra sau lưng. Thứ tư: Trói hai cánh khuỷu, vẫn còn có thể giơ hai bàn tay ra phía trước bụng. Thứ năm: Trói giật cánh khỉ: Hai khuỷu tay bị trói chặt vào nhau, hai cánh tay không cử động được. Thứ sáu: Trói ru-lô: Trói lăn dây thừng từ cổ tay đến khuỷu tay (Sau hai cánh tay bị liệt nếu nếu thêm hình thức treo ngược lên); Thứ bảy: Trói ngón tay. Hai ngón tay cái trói chặt vào nhau rồi treo lên; Thứ tám: Lột trần truồng hai người trói úp lưng dong đường (áp dụng cho trai gái thông dâm); Thứ chín: Trói vào đuôi ngựa cho ngựa phi. Thứ mười: trói và bè chuối cho trôi sông!

            Có thể người áp giải hoặc giam giữ áp dụng thêm một số hình thức nữa đau đớn hơn hoặc để làm nhục. Ví dụ: Bố tôi bị trói giật cánh khỉ còn thêm cùm quặt hai cổ tay ra sau lưng. Người giải “phát huy sáng kiến” buộc dây vào cổ kéo đi. Phải chăng đây là cách theo ngôn ngữ dân gian gọi tên “trói cổ”, “lôi cổ”?

            Anh Lưỡng thường áo dụng với tôi: “Trói quặt cổ tay hoặc cánh tay ra sau lưng. Đây là hai cách tương đối nhẹ nhàng trong số 10 hình phạt kể trên (Sau này, tôi xem ảnh anh hùng Hoàng Lệ Kha và Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường cũng bị trói hai cánh tay quặt ra sau lưng kiểu như tôi).

            Anh Lưỡng giải tôi lên xóm trại làng Trinh Xá, trói vào cây cột nhà anh Bảng. Nhà anh Bảng nghèo, bố mất sớm, mẹ anh nuôi mấy đứa con khôn lớn. Anh Xuân con trai đầu đi công nhân chiếu bóng. Anh Bảng con thứ, lấy chị Tiệu xóm tôi. Cả nhà hiền lành phúc hậu. Tại nhà anh Bảng có một người con gái đang bị trói vào cột nhà. Cô gái hơn tôi độ ba bốn tuổi. Hai mẹ con anh Bảng đang làm vườn. Trong nhà vắng vẻ, chị ấy hỏi tôi: “Anh có phải...?” Có lẽ chị đoán chừng nên ngập ngừng dở câu. Tôi trả lời: “Phải, tôi là con ông Đản Thuỳ”. Chị tự giới thiệu: “Tôi ở làng Chào, con ông Bổng. Thày tôi vô Phật  giáo, nhưng chỉ biết “Nam mô Phật”, chữ nhất là một không biết! Họ định bắt thày tôi, nhưng thày tôi đang bị ốm, nên họ bắt tôi ra đấu. Tôi không biết chi, họ biểu tôi ngoan cố, rồi trói giải lên xã. Đầu tiên giam ở trại Chào, sau giải sang trại Nguyễn!”

            Tôi biết trại Nguyễn là xóm trại làng Nguyễn, trại Chào tức xóm trại của Chào Thôn.

            Chị Bổng kể tiếp: “Ở trại Chào, anh Xương, anh Hợp con ông Chánh Chào cũng đều bị bắt trước tôi năm sáu bữa, bị họ đánh cho đau lắm!” Tôi hỏi: “Chị có bị đánh không?” Chị đáp: “Có phải mấy cái tát nảy đom đóm mắt!” Tôi thở dài đáp: “Có lẽ họ thấy tôi gầy nhỏ nên cũng không nỡ đánh, chỉ cho ăn vài cái tát vào mặt thôi! Dù sao chúng ta cũng phải cám ơn họ!”

            Tôi liếc nhìn chị Bổng, thấy mặt chị hình như hơi bị sưng. Nhưng không phải. Đó là do gò má chị hơi cao, hai mắt khóc sưng húp, cái khăn chít đầu sổ tung, tóc xoã loà xoà nên trông chị già trước tuổi. Chị cũng nhìn tôi, khoé mắt đỏ hoe chứa đầy sự cảm thông cùng chung cảnh ngộ. (Khi trời đất bão yên sóng lặng, chị Bổng lấy chồng xã Quảng Văn, thỉnh thoảng cắp nón qua ngõ nhà tôi...)

            Không còn gì để nói nữa, tôi và chị Bổng ngồi im lặng, mặt nhăn nhăn nhó nhó vừa đau vừa tê vì cái dây thừng trói. Để tự an ủi mình, tôi ngẫm lại lời kệ bố tôi đọc trước đây, mỗi lần thỉnh chuông: “Khổ hải vạn trùng ba! (Bể khổ sóng muôn trùng). Cho nên người ta xuất gia tu hành. Nhưng đi tu rồi cũng không thoát khổ. Nghe nói trong đấu tranh chính trị có nhiều ông sư bị bắt như kẻ trần gian, bị kết tội “mồm miệng nam mô, bụng bồ dao găm!” Chả biết đúng hay sai. Như mình đúng hay sai? Bắt tội mình liên quan Phật giáo là đúng, nhưng bảo mình làm phản động thì sai! Tôi biết mình là ai hơn ai hết. Tuy vậy, làm thế nào để chứng minh? Không có cách gì cả!

            Chiều tối, anh Lưỡng giải tôi về trong làng Nguyễn, vào nhà nào đó, cũng nhà tranh vách đất như nhà anh Bảng. Một lát, ông Khai ở đâu đó về, bảo anh Lưỡng mở trói cho tôi, rồi anh được lệnh về, vì đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng sáng sớm mai phải đến đây. Ông Khai mượn chủ nhà ngọn đèn chai. Tôi nhận ra trong ba gian nhà tre có một phụ nữ từ góc tối bước ra: Chị Phương! Chị là cô hàng xén xinh nhất chợ Nguyễn! Dáng người thanh thanh, da trắng hồng, mặt mày không nét nào đáng chê. Gái quê như chị là hiếm lắm. Đàn ông ai cũng ước ao. Nhưng chị đã sớm hứa hôn với một thanh niên trong làng, đang đi bộ đội xa, chưa thể về cưới. Ông Khai lấy trong bao da khẩu súng lục giơ lên: “Phải ở đây chờ tau. Đứa mô bỏ trốn tau bắn bể sọ cái!”

            Tôi rất sợ súng đạn, thoạt đầu nhìn khẩu súng tối hôm ông Khai đến nhà tôi đã phát khiếp. Vốn tính nhút nhát, sợ ma, sợ cả người...như ông Khai!

            Ông Khai, Trần Ngọc Khai đáng sợ nhất! Ở xã tôi, một xã đông tới 12 làng, ông Xã đội trưởng kiêm Trưởng công an an xã là thống soái to chức và quyền hành hơn cả Chủ tịch xã Lê Quang Lời, muốn bắt ai thì bắt, muốn tha ai cũng được. Tất nhiên ông phải có cấp trên chỉ huy, nhưng là vị nào, tôi không biết. Quan xa, bản nhan gần. Ông Khai và ông Lời chưa trực tiếp đánh ai, nhưng sự thực các ông đã đánh tất cả những ai đã bị đánh bằng bàn tay quần chúng! Ba đêm hò hét, chửi bới của ông Lời chính là phát súng đại bác mở màn phát động quần chúng đấu tranh tiêu diệt tận gốc rễ bọn phản động và thổi lên ngọn lửa căm thù bùng cháy, thiêu đốt hàng trăm sinh mệnh chính trị của hàng trăm con người lương thiện làng tôi. Một người mắc tội phản động, cả gia đình lớn nhỏ, già trẻ, thậm chí cả kẻ thân thuộc quen biết đều mắc tội liên quan. Nặng thì “khắc chữ” vào mặt, nhẹ nhất, cũng phải đeo cái biển ghi rõ “phản động” đeo ở trước ngực. Đó là cách nói hình tượng. Thực tế, bia miệng đáng sợ hơn bia đá...Tôi sợ cái tiếng xấu phản động của gia đình tôi sẽ giống như vết chàm đen di truyền lí lịch đến nghìn năm...

            Ông Khai đi đâu đó bên hàng xóm đã trở về. Ông nói như ra lệnh: “Có một cái giường vừa bằng chạng đái, không đủ tau gác chưn. Bay ra bốc rác ngoài sưn vô mà trải ổ. Mùa đông được nằm ổ sướng bằng tiên!”.

            Lát sau cái ổ rác đã trải xong. Ông khai kéo chiếc chiếu lác đàn vừa ngắn vừa hẹp xuống trải lên phía trên rác. Ông “Hừ!” một tiếng rồi truyền lệnh tiếp: “Phải nằm kiểu úp thìa mới đủ!”. Dường như chị Phương đã biết ý đồ ông Khai từ trước, vội nói: “Tôi nằm trong, anh Phổ nằm giữa, anh Khai nằm ngoài...” Tôi cũng chợt nhận ra ông Khai đưa tôi đến đây chỉ để làm màn che cho hành vi đồi bại của ông. Nếu không đạt được lòng mong muốn thú vật, nó thù mình thì chết dễ như chơi! Bất giác tôi từ chối: “Để ông Khai nằm giữa, tôi nằm ngoài cùng, đêm ngủ tôi hay cựa lắm!” Ông Khai vui hẳn lên: “Đúng! Tau phải nằm giữa để còn canh giữ cả hai đứa!”

            Không có cách nào khác, chị Phương buộc phải nằm ghé mép chiếu phía trong, úp mặt vào vách đất. Tôi cũng nằm ghé mép chiếu ngoài, khoảng giữa rộng nhất dành ông Khai. Ông cởi thắt lưng bao da, lấy khẩu súng lục gối xuống đầu giường, đưa mắt nhìn tôi, có lẽ ý muốn bảo tôi: “Đừng có sờ mó vào nó, nó cướp cò thì chết cả lũ!” (Về sau, người ta nói với tôi đó là khẩu súng đã hỏng, ông Khai xin của Huyện đội để ra oai với thiên hạ!).


            Tôi cố gắng nằm in lặng quay mặt ra ngoài như đã bắt đầu ngủ vô tư. Sự thực, tôi không nghĩ về thân phận mình mà lo thay cho chị Phương! Đêm nay chị sẽ đối phó ra sao trước miệng hùm răng sói? Tình cảnh chị đúng là “Phẩm tiên rơi xuống tay hèn!”. Tôi cảm thấy thương và lo cho chị. Nhưng bản thân tôi lúc này cũng đang trong cảnh cá chậu chim lồng, ốc chưa lo nổi mình, thương rêu sao được?

(còn nữa)

                                                          HTP/10/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét