5 thg 11, 2016

"CẬY THẦN PHẢI NỂ CÂY ĐA"

Cây đa có miểu thờ bên trong ở Quảng Bình
Ảnh: Báo Đời sống & pháp luật
HOÀNG TUẤN CÔNG

Các nhà biên soạn từ điển giải thích câu tục ngữ này như sau:
- Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Cậy thần phải nể cây đa (cây đa ở bên cạnh miếu thờ thần) Ý nói: Đã phải nhờ vả người nào thì lại phải lo lót những kẻ tay chân của người ấy. Đó là cái tục gây nhiều điều tiêu cực”.


-Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Vị thần, ai vị cây đa: Người ta e nể là e nể vị thần (thờ trong đền), chứ mấy ai thèm e nể tới cái gốc đa xoè tán bên trên. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: Người ta e nể là e nể cái uy quyền, chứ có mấy ai thèm e nể kẻ nắm giữ nó. Dị bản: “Vị thần phải nể cây đa: (Đã e nể) vị thần (thờ trong đền) tất cũng phải e nể cả cái gốc đa (xoè tán bên trên). Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: Đã e nể cái uy quyền tất cũng phải e nể cả kẻ đang nắm giữ nó”.

- “Từ điển thành ngữ - tục ngữ - điển tích Việt Nam” (Nhóm biên soạn Lê Văn Đức) giảng: “Vị thần, ai vị cây đa [thành ngữ]. Vì tôn trọng ông thần, người ta không dám động đến cây đa trồng trước miếu, chớ nào phải tôn trọng cây đa// (bóng) Người ta sở dĩ nể nang những kẻ tay sai của nhà quan là vì sợ quyền thế ông quan chớ nào phải sợ những kẻ tay sai ấy. Như thành ngữ Vị thần mới nể cây đa”.

-“Tục ngữ lược giải” (Lê Văn Hoè): “Vị thần ai vị cây đa: Ở nước ta ở những đền chùa miếu mạo thờ Thần, Phật thường hay có trồng những cây đa. Người ta tôn trọng không dám động-chạm đến những cây đa đó, không phải sợ gì cây đa đâu, mà sợ cái oai linh của ông thần. Những người tôi tớ nhà quyền quý thấy người ngoài vị nể mình, thường tưởng lầm rằng người ta sợ mình, có biết đâu rằng người ta vị nể mình là vì người ta sợ nhà quyền quý”.
Theo chúng tôi, cách hiểu về nghĩa đen của các nhà biên soạn từ điển có điểm chưa chính xác:
Trong thực tế, dân gian kiêng xâm phạm tất cả những gì liên quan (hoặc thuộc) đền chùa, miếu mạo, thần phật... Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể “cây đa” ở đây không hẳn là “cây đa ở bên cạnh miếu thờ thần” (quan điểm của GS Nguyễn Lân); cây đa “xoè tán bên trên” ngôi đền (Nguyễn Đức Dương), hay “cây đa trồng trước miếu” (Lê Văn Đức) mà là thần trú ngụ trong chính cây đa.
Cúng thần cây
Ảnh:St

Dân gian quan niệm quỉ thần, ma quái là những linh hồn phiêu diêu vô định, nên chúng phải lấy thân cây to để nhập hồn, làm chỗ nương tựa thay cho thể xác. Bởi thần nằm ở trong chính cây đa, nên cây đa cũng trở thành “thiêng”, đáng “nể”. Thế nên còn có câu “Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa”, nghĩa là thần nương tựa vào cây đa, nhờ thân cây đa mà gửi linh hồn; cây đa lại dựa vào cái thế có thần thiêng trú ngụ để trở thành).

“Cây đa” chỉ loài cây có tên khoa học là Ficus elastica Roxb, nhưng dân gian cũng gọi chung tất cả các loại cổ thụ. Thế nên có câu“Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Nghĩa là những loại cổ thụ như đa, gạo, đề...nói chung đều có ma quỉ trú ngụ, nên phải dè chừng, đề phòng, tránh xa... “Cú cáo” ở đây cũng là hiện thân của ma quỉ hay hoạt động về đêm khuya vắng vẻ.

 Trong thực tế, dân gian thường kiêng chặt phá cây đa, cho dù có đền miếu thờ bên cạnh hay sự tích nào liên quan đến cây đa đó không. Thậm chí, những loại cây lâu năm trên rừng cũng dễ thành “tinh”. Bởi vậy, khi dùng gỗ rừng để làm nhà, để yên tâm, gia chủ thường làm lễ “phần sài (đốt củi) để trừ “mộc tinh”. Thầy phù thuỷ dùng các que hương đã châm lửa làm tên, lắp vào cung bắn lên cột kèo, xà nhà... để trừ “mộc tinh”, ngõ hầu khi vào ở, gia chủ không còn bị “mộc chận” (“mộc tinh” đè trong giấc ngủ) nữa. 

Sách “Văn hoá, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt” (NXB Thuận Hoá - 2010), Học giả Pháp Leopold Cadiere đã dành hơn 50 trang để khảo cứu, ghi chép về tục “thờ cây” của người Việt. Ví dụ, mục Cây được xem như cây có ma”, Leopold Cadiere viết như sau: “Trong mọi trường hợp được trích kể trên đây, là những cây không ai dám đốn ngã, chặt phá, cũng chẳng dám chặt cành, đó là những cây mà ta không thể được phép khiếm nhã, ngay cả những trò chơi vô tình, mà không bị thần nổi giận gây nhiều điều phiền nhiễu”.

Tục thờ cây, “kính sợ” cây không chỉ có ở người Việt. “Từ điển vô thần luận” (NXB Phương Đông - 2006), mục “Ma quỷ trên cây (Wood-Goblin)” giảng: “Trong những tín ngưỡng dân gian thời kỳ trước Thiên Chúa giáo, nhiều người mê tín rằng cây có chứa những linh hồn. Thiên Chúa ra đời và phổ biến cũng không loại bỏ được mê tín này, vì yêu tinh hay ma quỷ trên cây gắn liền với cuộc sống trồng trọt, cày cấy và săn bắn”.

Cũng cần nói  thêm, về nghĩa bóng lời giải thích nôm na của GS Nguyễn Lân không phải cách làm của từ điển; trong khi Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương lại đi quá xa khi giải nghĩa bóng không ăn nhập gì với nghĩa đen: “Đã e nể cái uy quyền tất cũng phải e nể cả kẻ đang nắm giữ nó”, và "Người ta e nể là e nể cái uy quyền, chứ có mấy ai thèm e nể kẻ nắm giữ nó".

Theo chúng tôi, cách giải nghĩa khái quát của Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung) sau đây là đúng: “Vị thần phải nể cây đa [Sợ thần phải nể cây đa; Vị thần ai vị cây đa; Vị thần mới nể cây đa] (vị: vì; cây đa là nơi thờ thần, nơi thần trú ngụ, theo mê tín). Do kính sợ người có quyền lực mà phải nể kẻ có liên quan”.

Hoàng Tuấn Công/10/2016



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét