4 thg 11, 2016

GIÁP DƯƠNG XÁ (Phần 3 - BÀ CHÚA HẾN)

Sông Mã

Ảnh ST chỉ mang tính minh hoạ
      HOÀNG TUẤN PHỔ

Đất Kẻ Dàng tạo địa thế cho trấn Dương Xá thành nơi đô hội của trấn. Dương Xá tạo điều kiện cho Kẻ Dàng trở nên một vùng sầm uất bậc nhất “ba phủ Thanh Hoa”(1). Dương Xá - Kẻ Dàng nhanh chóng lớn mạnh, phình ra quá cỡ, phải đẻ thêm làng Dàng thứ hai: Dàng Hến. Dàng Bến là Dương Xá cũ, tấp nập trên bến dưới thuyền, chợ búa bán mua trăm thức. Sản vật địa phương có “Cót làng Dàng, tranh làng Đại Khối”. (Tranh lá lợp nhà). Cam Dàng, một giống cam chanh ngon nổi tiếng,.v.v…(2)

Dàng Hến thời Lê Trung hưng cũng gọi tên Dương Xá, triều Nguyễn đổi là Thanh Dương. Từ “Hến” gợi lên hình ảnh một cồn hến, một bãi hến hoang hóa vẫy gọi những gia đình từ Dương Xá như ong san bọng kéo tới mở trại, dựng làng. Khúc sông này thích hợp cho loài hến sinh sôi, lôi cuốn người Dương Xá cũng vốn sinh ra từ sông nước, tới cư ngụ, hay chính người Dương Xá có biệt tài bắt hến quen sống hòa mình vào thiên nhiên sông nước? Nhưng Dàng Hến tiếp tục truyền thống Cồn Hến hàng nghìn năm trước vẫn lấy nông làm gốc. Mặc dầu vậy, Dàng Hến đã trót đa mang cái nghề mò hến, khó thoát khỏi kiếp hến nổi chìm nơi bùn nước!

Triều đình nghe tiếng hến sông Dàng ngon, bắt tiến dâng vua. Và hến Dàng ngon thật, vua ăn thấy thích. Thế là từ đó, tai họa bỗng dưng từ trên trời cao giáng xuống đầu dân làng Dàng Hến: Lệ cung tiến hến! Hến tiến dâng vua dĩ nhiên không đơn giản như hến hàng, hến chợ. Phải chọn những con lớn nhất, vỏ sạch trơn không vết sần sùi, ruột béo trắng, sinh sống ở chỗ luồng nước sạch. Khi vận chuyển hến tới Kinh đô phải mang theo cát và nước sông Dàng, để hến vẫn được sống trong môi trường quen thuộc. Đồ đựng chuyên dùng là những thúng mủng sơn then mới tinh để con vật khỏi bị uế tạp. Hễ đến vụ hến, cả làng Dàng Hến mất ăn mất ngủ. Trống lý trưởng thúc như trống hộ đê. Mõ làng khua như mõ cá lành canh. Lo bắt được hến ngon, lo chọn sao đủ số, lo vận chuyển hến đi, lo hến không bị chết dọc đường, không con nào bị hao gầy,… Phải tuyển hạng đinh tráng còn trai tơ tinh khiết để vận chuyển hến, đúng hơn để rước hến như lễ vật tam sinh dâng cúng thần linh. Cùng đi áp tải có chức sắc làng xã, quan phủ huyện, tỉnh và một số lính hộ tống. Đi thuyền đỡ vất vả nhưng chậm, hến chết nhiều, thối lây ra, không khéo đổ mất cả thùng! Đành đi bằng hai vai, thay nhau gánh vã mà chạy, kiểu chạy lắp xắp, lúp xúp của người buôn cá rổi. Trèo đèo lội suối, vượt sông…không thể tính hết nỗi khổ chồng chất dọc đường nghìn dặm! Vào đến Kinh đô nhà vua, các chàng trai đất Dàng đều “trớt cổ sổ lông”! Đúng là của một đồng công một nén, mà có lẽ phải mười nén, một trăm nén mới xứng công! 
Viên quan coi ngự thiện ra xem xét nhận hến tiến, gật đầu cho là được, rồi còn phải chờ hến nấu canh dâng lên vua. Sau khi ngự thiện xong, ngài khẩu dụ rằng nước trong có ánh biêng biếc, vị ngọt thanh không hắc…đúng thật hến Dàng, đoàn cung tiến mới thở phào, như cất đi tảng núi đá đè lên ngực. Nhưng cái nhọc lúc này mới thật ngấm sâu, thân xác rã rời, tâm hồn mệt mỏi cực độ, họ thất thểu ra về chẳng khác đoàn quân thua trận, mặc dù có thể cất cao đầu chiến thắng. Trong khi ấy, ở quê nhà Dàng Hến, cả làng vẫn như đang ngồi trên đống lửa! Một lần, nhà vua đi thuyền qua bến sông Dàng, nhân tiện ngược dòng ngắm cảnh đẹp đôi bờ, trông thấy trong đám người lặn ngụp ngoi ngóp mò hến dưới sông, có một cô gái rất xinh đẹp, đem lòng yêu thích. Cô gái nhà nghèo nhất làng Dàng Hến, lấy ngay tên Hến đặt cho con mình. Cô Hến suốt ngày lặn ngòi ngoi nước dưới sông mò hến bán lấy tiền đong gạo, thế mà mái tóc mượt dài đen như gỗ mun, da dẻ trắng nõn như trứng gà bóc. Hến và một chàng trai cũng con nhà nghèo trong làng hết lòng thương yêu nhau, nhưng chưa biết làm sao kiếm nổi tiền cheo cưới. Tất nhiên nhà vua không càn đếm xỉa tới điều đó. Cô Hến phải theo hầu thuyền ngự về Kinh đô ngay và sau đó được đổi tên Ngọc Hiến cho xứng với người đẹp để bổ sung vào hàng phi tần đã đông tới kể trăm của nhà vua.

Chẳng ai rõ nơi hậu cung thâm nghiêm, cô Hến có được nhà vua sủng ái không, chỉ biết năm tháng đi qua nhiều lắm, vị hoàng đế ấy lúc gần chết, muốn ban ơn cho một số phi tần đã hết lòng hầu hạ quân vương mà không con cái, trong đó có Ngọc Hiến. Vua bảo Ngọc Hiến muốn lấy bao nhiêu vàng bạc ngài cũng ban cho. Ngọc Hiến tâu xin hai điều: một là xin nhà vua gia ơn miễn cho làng Dàng lệ tiến hến; hai là xin nhà vua cho được về quê hương sống trọn đời. Nhà vua gật đầu phê chuẩn cả hai điều, và ban thêm cho Ngọc Hiến một số vàng bạc.

Từ đó làng Dàng Hến thoát khỏi lệ dâng tiến hến muôn vàn khổ ải. Cô Hến trở về quê sống trong tình thương yêu của dân làng, vì lúc ấy cha mẹ cô đã qua đời. Cô đem số vàng bạc vua ban cộng với tiền bán tư trang cung hiến cho làng xây dựng đình chùa để cầu phúc và cứu giúp người nghèo khổ.

Người bạn tình vẫn khăng khăng chờ Hến cho đến tận bây giờ. Cô rất thương cảm, nói: “Tôi đã trót phải lấy vua nên không thể lấy ai được nữa! Chẳng qua do cái phúc phận tôi mỏng quá, mà duyên số anh lại nhiều vất vả. Anh không nên vì tôi mà bỏ phí mất đời mình!”. Rồi cô bỏ tiền của cưới vợ, làm nhà cho anh. Anh có vợ rồi có con, gia đình hạnh phúc. Riêng mình cô Hiến…

Nhân dân làng Dàng Hến rất quý trọng Hến. Họ tôn gọi Hến là bà chúa, nhưng không cần biết nhà vua đã đổi tên chữ rất đẹp từ lâu, cứ gọi bằng cái tên mộc mạc cha mẹ cô đã đặt cho là cô Hến – Bà chúa Hến.(3)

Năm Quý Hợi (1803), vua Gia Long nhân ngự giá ra Bắc thành (Thăng Long), ghé vào trấn lỵ Dương Xá bên bờ sông Mã, thấy thành trấn vị trí kém vững chắc, sai cận thần xem đất ở  đồng ruộng xã Thọ Hạc, tìm được địa thế tốt đẹp, có thể giữ yên muôn đời. Năm sau (1804), nhà vua hạ chiếu sai trấn quan dời dựng trấn thành về Thọ Hạc. Đường đi từ cửa Tả thành Thọ Hạc đến điếm Định Hương (Đình Hương) rồi đến cầu Dương Xá được mở mang thuận tiện.

          Cầu này dài 64 thước ta, tương đương 25m (tây). Nhà cửa hai bên cầu dẫn tới trấn thành cũ, vốn rất đông đúc. Từ khi dời chuyển thành đi, phố xá mới dần dần thưa thớt. Cách cầu 2.568 thước ta (1027m) là chợ Dương Xá tức chợ Dàng, ngoài lều quán san sát để họp chợ còn có quán xá để khách bộ hành nghỉ chân, trước khi xuống đò ngang sang sông đến bến Trinh Sơn (bến Triêng) rồi tiếp tục lữ hành đường thiên lý ra Thăng Long. Dòng sông khúc này rộng 1360 thước (544m), nước sâu 328 thước (13,1m), mùa lụt sông rộng đến 3.544 thước (1.417m), sâu 482 thước (19,3m)(4). Như vậy, bến sông Dàng, bình thường, không ai có thể bơi lội, mùa mưa lũ, cực kỳ nguy hiểm, nước chảy như tên bắn, mang theo vô số cây rừng, nguồn lợi củi và gỗ đáng kể của người Dương Xá.

Hàng ngày Dương Xá ít nhất phải có từ 2 đến 3 chiếc đò chở khách qua lại như con thoi, và cũng từng ấy chiếc đò dọc ngược xuôi những miền quê trù phú:

Vui sao là bến đò Dàng,
Khi ngược phố Giáng khi sang bến Đầm…

Đến Thiệu Dương – Kẻ Dàng, khách du khảo dễ dàng vào đền Dương Đình Nghệ thắp nén hương tưởng niệm vị anh hùng dân tộc, lên chùa Vồm(5) chiêm bái tượng đá ông Vồm khổng lồ cõng núi cày sông nhưng không ai tìm thấy miếu Bà chúa Hến, người con gái tuyệt sắc, một biểu tượng cho vẻ đẹp làng quê Dàng Bến – Dàng Hến. Không đền, không tượng nhưng Hến mãi mãi sống, mãi mãi treo tấm gương nhân nghĩa, thủy chung cao đẹp trên bầu trời thu sông Mã:

MÃ GIANG THU NGUYỆT
(Chữ Hán)
Thao thao yên thủy Mã Giang thu,
Nguyệt ánh dương tâm bất dữ lưu.
Nan đắc nhân tâm tự minh nguyệt,
Thần quang đắc lập tự tinh đầu.
NHỮ BÁ SĨ
(Lê Văn Đình phiên âm)

Dịch thơ:
TRĂNG THU SÔNG MÃ
Sông Mã thu về khói nước trôi,
Dòng xuôi khó cuốn bóng trăng xuôi.
Lòng người mấy kẻ như trăng ấy,
Đứng giữa muôn sao tỏa ánh ngời.
(HOÀNG TUẤN PHỔ)

Mùa thu, mùa mưa lũ. Con ngựa sông Mã mùa thu phóng nước đại lao đi như tên bắn, gặp ghềnh thác, nó chồm lên hung dữ, sóng nước tung bờm ghê rợn. Thế mà nó không cuốn nổi một vầng trăng, vầng trăng thanh mảnh in bóng giữa dòng sâu thẳm, nhỏ bé trong mênh mông sóng nước, sóng nước chỉ làm cho nó tỏa ánh vàng tươi vằng vặc giữa muôn ngàn vì sao ngời sáng.

(còn nữa)
                                                            HTP

(1) Thời Hậu Lê trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa) dưới trấn chia ba phủ: Hà Trung, Tĩnh Gia, Thiệu Thiên thuộc miền đồng bằng và phủ Thanh Đô gồm 4 châu, 1 huyện thuộc miền núi. Các phủ: Trường Yên, Thiên Quan thuộc Thanh Hoa ngoại trấn, sau là tỉnh Ninh Bình.
(2) Thời kháng chiến chống Pháp, nữ sĩ Hằng Phương có lần mua cam Dàng biếu Hồ Chủ tịch.
(3) Theo tài liệu của Nguyễn Hữu Chúc, Nhà xuất bản Thanh Hóa.
(4) Lê Quang Định: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Nhà xuất bản Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.
(5) Xem truyện Ông Nưa - Ông Vồm ở bài “Làng quê Bà Triệu”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét