Núi Nưa nhìn từ xã Tân Ninh Ảnh: Quốc Anh (Báo SK&ĐS) |
HOÀNG TUẤN PHỔ
I-MIỀN NÚI NƯA
Các sách sử ký không chép rõ Bà Triệu
người huyện nào. Nhưng khi chính sử thiếu sót thì dã sử giá trị như sự bổ khuyết
cho lịch sử. Mọi truyền thuyết, ca dao dân gian đều khẳng định Bà Triệu quê ở
huyện Nông Cống, miền núi Nưa. Tuy nhiên, vài ba chục năm gần đây, mấy quyển sử
thuộc loại tài liệu chính thống lại công bố huyện Quân Yên (tức huyện Yên Định
nay) mới là quê hương Bà Triệu. Với người học sử, được mở rộng tầm nhìn, thêm một
quan điểm lý thú. Song, với người đọc sử, vấn đề trở nên rắc rối, vì quan điểm
mới chưa đủ sức bác bỏ quan điểm cũ, một cách nhìn nhận truyền thống lâu đời đã
in sâu vào nếp cảm nghĩ của họ qua nhiều thế hệ.
Tài liệu thành văn sớm nhất ghi chép về
cuộc khởi nghĩa do Bà Triệu lãnh đạo là sách Nam Việt chí, Giao Châu ký
(thế kỷ IV, V) rồi đến Thái bình hoàn vũ
ký (thế kỷ X) đều của Trung Quốc, chỉ nói đại khái “Trong núi quận Cửu Chân
có người con gái họ Triệu họp quân đánh cướp các quận huyện…”. Các bộ sử lớn nước
ta: Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục đều dựa
theo tài liệu Trung Quốc, ghi vắn tắt vài câu.
Hẳn là những tập “truyền thuyết sử” của
nước ta: Ngoại sử ký của Đỗ Thiện, Báo Cực truyện…, và những thần tích
trong điển thờ là cơ sở tài liệu để Lê Thánh tông viết bài thơ Vịnh Bà Triệu (thế kỷ XV):
Cao một
trượng cả mười vừng,
Bỏ tóc
ngang lưng vú chấm sừng.
Họp
chúng rừng xanh oai náo nức,
Cưỡi đầu
voi trắng tiếng vang lừng…
Hình ảnh Bà Triệu có những chi tiết khác với tài liệu
Trung Quốc như: Cao một trượng, cả mười vừng,
cưỡi đầu voi trắng,…
Khoảng thế kỷ XVII xuất hiện tác phẩm
sử ca Thiên Nam ngữ lục, trong đó tác
giả dành riêng hơn một trăm câu thơ lục bát kể chuyện Bà Triệu. Nhưng cũng như
thơ Lê Thánh tông, không hề nói đến làng quê Bà Triệu. Phải tới thế kỷ XVIII,
Chư Cát Thị “Tân đính hiệu bình” cuốn sách cổ Việt điện u linh, bổ sung truyện Lệ Hải Bà vương ký, thời điểm biên soạn năm Giáp ngọ (1774) mới cho
biết Bà Triệu người đất Trung Sơn, quận Cửu Chân. Năm 1904, Vương Duy Trinh
trong sách Thanh Hóa kỷ thắng, rồi
sau đó Le Breton trong quyển Những danh
nhân Thanh Hóa, đặc biệt là tác phẩm Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, đều
khẳng định huyện Nông Cống là quê hương Bà Triệu Ẩu. Năm 1971, bộ Lịch sử Việt Nam của ủy ban Khoa học xã
hội Việt Nam biên soạn, tập I, trang 109 (NXB Khoa học xã hội) viết về Bà Triệu
cũng nói rằng quê quán Triệu Thị Trinh ở miền núi Nưa, tỉnh Thanh Hóa. “Năm 19
tuổi, người con gái đầy khí phách kiên cường ấy đã cùng anh tập hợp những nghĩa
sĩ trên đỉnh núi Nưa, mài gươm, luyện võ, chuẩn bị khởi nghĩa. Nhân dân khắp vùng nô nức hưởng ứng công
cuộc cứu nước của Bà Triệu”.
Tam quan đền Nưa Ảnh: Quốc Anh |
“Miền núi Nưa” tức miền đất huyện Nông
Cống cũ. Núi Nưa tên chữ là Na Sơn. Nguyễn Trãi trong sách Dư địa chí viết về tỉnh Thanh Hóa, nêu lên hai ngọn núi tiêu biểu
“Na Sơn, Tùng Sơn” thì Na Sơn là quê hương Triệu Thị Trinh, Tùng Sơn nơi Bà Triệu
hy sinh. (Và con sông tiêu biểu là Lương Giang, quê hương Lê Lợi). Núi Nưa phát
nguyên từ huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) kéo dài suốt huyện Nông Cống cũ, dài gần
20km, đỉnh cao nhất 538m, diện tích 55km2, như dải trường thành chắn
giữ phía trời tây. (Từ khi thành lập huyện mới Triệu Sơn trên cơ sở phần đất phía
bắc huyện Nông Cống và phía đông nam huyện Thọ Xuân thì quá nửa núi Nưa thuộc đất
Triệu Sơn). Đây là loại núi đất xen lẫn đá, trong lòng chứa nhiều quặng khoáng
sản, cây cối mọc tươi tốt, um tùm thành đại ngàn. Rừng nguyên sinh nhiều cây
cho gỗ quý:
Em đà
thuận lấy anh chưa
Để anh
đốn gỗ rừng Nưa làm nhà?
(Hát Ghẹo)
Nhưng loại
cây cho gỗ quý: sến, táu, chò, dổi, dẻ,…từ
lâu đã không còn. Rừng cây tái sinh mọc lúp súp, xanh rì một màu. Núi Nưa cũng
có nhiều nứa, nên người ta cho rằng tên núi Nưa chính là từ núi Nứa phát âm chệch
mà thành. Thảm động vật núi Nưa rất phong phú, tầng cao: khỉ, vượn,…, tầng giữa:
chim chóc,…, tầng thấp: gà rừng, chim công,… Dưới tán cây: hươu, nai, lợn lòi,
chó, hổ,…, trong hang hốc, bụi rậm: cày, cáo, trăn, rắn… Loài tre nứa khá đông
đúc: tre luồng, tre gai, tre đực, tre vầu, tre dang, trúc cần câu, trúc mai cần…,
nứa tép, nứa trầu, nứa tạp, nứa trường, nứa hóp,… Loài dây leo: chão nằn, chạc
chìu, rọ, lòi tiền… Sườn núi nhiều khe, nước chảy róc rách, hai bờ mọc khoai
môn, ráy dại, tàu bay, lá dong,… Đó là xứ sở của vạn vật, cũng là nguồn sống của
muôn loài. Chân núi Nưa mở ra thung lũng mênh mông đồng cỏ, bái tranh bạt ngàn,
mùa mưa nước ngập trắng băng, mùa khô hiện ra ngòi, lạch, hón, mau, hồ ngang dọc, chằng chịt. Đồng cỏ,
bái tranh là đất lành hấp dẫn lũ hươu, nai kéo đàn tới ăn cỏ, cũng để hiến cho
hổ, sói những bữa tiệc trong đêm. Mau
thường trải dài dầy lớp cỏ dưới đáy, chân người lội không lún. Có những mau dài
nước ngập quá thắt lưng soi bóng ngọn đông (đỉnh núi) cao chót vót:
Lên Nưa
khổ nhất trèo đông,
Vô rừng
ngại nhất cởi truồng lội mau.
(Ca dao dân gian)
Hón, khe, mau, hồ đều nhiều cá. Cá gáy
lớn nhất bằng quạt mo. Nhỏ nhất là cá mầm mầm trông như cái rễ cây chuối hột,
thịt trắng, xương mềm, ngọt thơm. Đó là
đặc sản núi Nưa. Đặc biệt giống cá triều
đẩu, mình dài thon thon như cá quả, trên đầu có nét hình chữ triện, ban đêm
nổi lên ăn hướng về phía sao Bắc đẩu…
Truyền thuyết về Bà Triệu ở dọc dài
phía đông dãy núi Nưa khá đậm đặc, dường như đâu đâu cũng in dấu chân Nường
Trinh: Bái Đa (thi chạy bắt chim đa đa), bái Bò (thi vác con bò mộng), đồng Bắt Voi (trị voi trắng một ngà), v.v… Ở huyện Nông Cống cũng như các huyện lân cận
Tĩnh Gia, Quảng Xương, Đông Sơn…từ xa xưa, bà mẹ nào ru con mà chẳng cất tiếng
hát:
Con ơi,
con ngủ cho lành,
Để mẹ
gánh nước rửa bành Ông Voi.
Muốn
coi lên núi mà coi,
Coi Bà
Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng...
Ở Nông Cống phổ biến tục kiêng gọi
“bà”, “mẹ”. Theo các cụ xưa truyền lại: tiếng “bà” dành riêng để tôn xưng Bà
Triệu, mọi phụ nữ khác, dù già cả đến đâu cũng chỉ gọi là “mụ”. (Vì tục thờ thần
mẫu Dương Doanh Công Nữ, người Nông Cống đổi tiếng “mẹ” gọi là “chị”, thay từ
“chị” là “ả”). Tục truyền làng Cổ Định xưa kia có đền thờ Bà Triệu. Trong làng
có ông Doãn Nổ đem trai tráng theo ông Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, bị quân Minh
đốt phá đền tan tành. Kháng chiến thắng lợi, dân phiêu tán hồi cư, dựng lại xóm
làng, khôi phục đền miếu, rước Bà Triệu thờ trong chùa gọi là Phật Bà vì Bà
linh thiêng phù hộ dân làng thoát nạn giặc Ngô. Cũng có thuyết nói phủ Na vốn
là đền Na thờ Bà Triệu. Sau đạo Mẫu thịnh hành, Tín ngưỡng Bà chúa Liễu dần dần
làm lu mờ tục thờ Bà Triệu và đền vị nữ lưu kiệt xuất hóa thành phủ nàng công
chúa tiên.
Lối lên Am Tiên Ảnh: Quốc Anh |
Ở vùng Nưa, huyện Nông Cống trước kia
lưu hành một bài đồng dao kèm theo trò chơi của trẻ em như sau:
"Này cò,
này cấu
Này đấu,
này thưng
Lưng sào,
cánh ná
Này lá, này
lao
Nghe lạnh
ông gióng
Nghe cồng
bà rao
Nghe voi ông rống
Chong chóng
mà về.
Ê hê! Chạy!"
(Cách chơi: Một em bé ngồi cái chìa ngửa
bàn tay ra, để những em khác, mỗi em đặt một ngón tay trỏ vào đó. Em ngồi cái,
miệng hát, tay chỉ vào từng ngón tay, mỗi cái chỉ tương ứng một từ trong bài.
Hát gần hết bài đến tiếng “chạy!”, em nắm tay lại thật nhanh, em nào không rút
ngón tay ra kịp, bị bắt phạt bằng cách phải bịt mắt để đi tìm các bạn).
Bài đồng dao này lần đầu công bố trong
hội thảo “Cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu”,
từ ngày 17 – 19 tháng 11 năm 1971 (Kỷ yếu Hội thảo do Ty Văn hóa Thanh Hóa xuất
bản 1972(1). Gần đây nhóm Hoàng Anh Nhàn – Lê Huy Trâm biên soạn
sách Địa chí huyện Nông Cống, căn cứ
tài liệu sưu tầm điền dã, khẳng định đó là một trò chơi dân gian của trẻ em ở
vùng Nông Cống xưa (NXB Khoa học xã hội, 1998). Nó dường như, nếu không phản
ánh gián tiếp cuộc khởi nghĩa năm 248 của Bà Triệu và anh là Triệu Quốc Đạt,
cũng ít nhiều nhắc nhớ lại những truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa Bà
Triệu. Đó là các chi tiết: voi, cồng,
ông, bà, cò, cấu, đấu, thưng, sào, ná, lá, lao, lạnh (tức lệnh).
Này cò
này cấu:
Cò và cấu là tên hai loại dao: dao cò, dao cấu. Ở vùng Nông Cống (và Triệu
Sơn, Đông Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia…) trước kia phổ biến loại dao cò và dao cấu.
Dao cò: cán rất dài, lưỡi cong, đầu mũi nhọn đánh cong khum khum, hình
dáng dài nghêu ngao giống cổ con cò. Tục truyền với con dao này, Bà Triệu bắt sống
tướng giặc Ngô (móc vào cổ áo hoặc thắt lưng) dễ như trở bàn tay, và chém đầu
chúng chẳng khác phạt củ chuối, do đó, nhà nào có con dao cò, ma quỷ không dám
bén mảng tới. Dao cò với lưỡi bằng sắt, cán bằng tre, thường dựng bên cạnh giường
thờ ông vải, không phải là dụng cụ làm việc hàng ngày. Khi có đám cưới, người
ta đem vôi bôi vào chỗ lưỡi han rỉ, trao cho ông chủ hôn vác lên vai hoặc cầm
tay chống như chống gậy, dẫn đầu đám rước dâu để trấn áp lũ ma quỷ. Dao cấu: lưỡi tương tự lưỡi dao cò. Chỉ
khác lưỡi dao cấu ngắn, khoằm ít hơn. Đây là loại dao thông dụng của bà con miền
núi Nưa chuyên dùng chặt nứa đốn củi trong rừng. Tác dụng dao cấu đặc biệt ở chỗ:
nếu nhát chém không ngọt thì cái mũi khoằm của dao dứt đứt luôn và khi chẳng
may đụng phải vật rắn như đá, gạch,…đã có mũi dao khoằm đỡ, lưỡi dao không bị sứt
mẻ. Nhân dân ở một số huyện trong tỉnh không có nghề rừng, những người làm nghề
đan lát, nghề thợ tre,…cũng ưa dùng dao cấu, vì dao cấu không thể chặt ẩu, muốn
chặt vật gì cũng phải có thớt kê cẩn thận, tránh lưỡi dao bị sứt mẻ. Phải
chăng, quần chúng gia nhập nghĩa quân, mang theo con dao cấu chặt củi nứa của
mình và khi lâm trận họ sử dụng như một thứ vũ khí chiến đấu?
Này đấu
này thưng? Đấu và thưng có lẽ là hai dụng cụ đo lường cổ
xưa của người nông dân. Đấu nhỏ hơn
thưng. Thưng ngoài Bắc gọi là thùng. Ở
huyện Tĩnh Gia và đồng bằng Bắc bộ nhiều nơi cũng dùng đấu nhưng nhỏ, chỉ tương
đương khoảng từ 2 đến 3kg thóc. Đấu ở Nông Cống, Quảng Xương…chừng 8kg. Thưng lớn
hơn, ước 10 – 11kg thóc. Thành ngữ Thanh Hóa “lừa thưng tráo đấu” phản ánh mánh khóe gian lận, bóc lột của con
buôn và địa chủ. Đấu và thưng ở đây hẳn là muốn nói đến chuyện lương thực quần
chúng đóng góp nuôi nghĩa quân? (Ngoài đấu và thưng, còn đơn vị đo lường thúng, trọng lượng gấp đôi thưng hoặc đấu,
tùy theo loại thúng to, thúng nhỏ).
Lưng
sào cánh ná:
Sào có thể là cây sào bằng loại tre nhỏ đặc ruột, chắc thịt dùng chống thuyền. Sào cũng có thể là giáo sào, một thứ vũ khí thô sơ trong dân gian rất cổ, thông dụng của
các gia đình nông thôn xưa dùng để chống trộm cướp. Giáo sào làm bằng tre gai đực hay tre đá loại nhỏ thân, chắc ruột,
cứng thịt, thẳng gióng, dài như cây sào, phía ngọn vót nhọn ở chỗ mắt tre, hơ
qua lửa cho săn mũi (bịt sắt tác dụng đâm mạnh hơn, tốt hơn không bịt sắt).
Giáo sào, có thể gọi là vũ khí đánh tầm vừa, dùng đâm, hoặc lao hay ném. Cánh ná là cánh nỏ. Người Việt nói chung
quen dùng nỏ. Bà con miền núi Nưa trước kia hầu như nhà nào cũng có nỏ, thân bằng
gỗ mun, gỗ thị, cánh bằng loại tre đặc biệt, tên gọi trúc mai cần. Gỗ thị, gỗ thị nhẹ vừa tầm tay, thớ mịn, thịt rắn,
phơi nắng không bị nứt, vênh. Trúc mai cần cứng mà dẻo, dẻo mà cứng, độ uốn mềm,
sức bật mạnh, sau khi uốn cong, cởi dây ra, cánh vẫn thẳng tắp. Cánh dài, đầu
phình, thân vót, kéo cánh đặt tên, giống con chim đang bay nên gọi cánh ná. Người
ta dùng nỏ để săn bắn, ngoài chim thú nhỏ còn hạ được cả thú lớn, dữ, nếu tẩm
thuốc độc vào mũi tên. Những mũi tên đồng phát hiện thấy trong di chỉ văn hóa
Đông Sơn, có lẽ cắm vào đầu tên loại tre vầu đặt lên cánh nỏ để bắn, vì người
Việt Nam nói chung, miền núi Nưa nói riêng, phổ biến dùng nỏ thành thạo hơn
dùng cung. (Truyền thuyết nỏ thần An Dương Vương).
Này lá
này lao:
Lá có lẽ là loại mác cổ giống hình
cái lá, lưỡi mỏng, có sống (gờ nổi ở giữa), hay một thứ dao găm cổ. Bà con Mường,
cả người Kinh ở miền núi Nưa xưa kia, mỗi khi vào rừng thường đeo dao nắp bên hông. Bởi lưỡi dao đút gọn
vào cái bao bằng gỗ nên gọi là dao nắp. Dao nắp rất quan trọng đối với người đi
rừng, một thứ “vũ khí tùy thân”, lắm công dụng: cắt dây, chém cành, đào củ, chống
thú dữ,… Nếu chẳng may bị lạc rừng, người đi rừng có con dao nắp như có lá bùa
hộ mệnh, khả năng sống nhiều ngày trong rừng trước khi tìm thấy lối ra. Có một
giống cỏ nước lá to bản, hình thuôn, mũi lá nhọn vót, gọi là “rau mác”, phải
chăng nó giống hình lưỡi mác, một thứ khí giới thời cổ mà người Thanh Hóa xưa
thường dùng trong khi đi săn, cả trong chiến trận? Lao: là mũi lao hoặc cây lao. Mũi tên bằng sắt hay đồng dài chừng
20 – 30cm cắm trên cái cán tre chắc, vừa cầm tay, phóng vào con thú. Cây lao bằng
nứa cây, to vừa chét tay, vót nhọn một đầu cũng để phóng vào con thú. Cây lao
ra đời chắc sớm hơn mũi lao vì nó thô sơ hơn. Thành ngữ “Đâm lao phải theo lao” nghĩa đen nói về cách săn bắt thời cổ xưa.
Khi mũi lao, cây lao phóng trúng, cắm sâu vào da thịt con thú, nó mang theo cả
cây lao, mũi lao chạy trốn, người đi săn phải đuổi theo không kể lối mòn, bụi rậm, gai góc, đá sắc,…mới
mong tóm bắt được nó (Thường người ta dùng chó rượt đuổi trước). ở miền núi Nưa
hiện còn một số phường săn “cải thiện” dùng mũi lao để săn thú, bắt cá. Mũi lao
cải tiến có đến năm, sáu mũi cắm vào đầu cái cán bằng gỗ, đánh khâu sắt, phóng
xuống nước (mau, hồ, khe, hón) để bắt loại cá chép lớn. Loại lao một mũi, cán
dài đến 3 – 4m gọi là nọc để chọc,
đâm chuột, cá, thú trong hang hốc, bụi rậm.
Tóm lại: dao có, dao cấu, mũi lá, mũi lao, giáo sào, cánh nỏ đều là công cụ
lao động sản xuất và săn bắn từ cổ xưa được lưu truyền, phát huy tác dụng qua
nhiều thời đại. Vì chính quyền phong kiến cấm người dân không được sử dụng vũ
khí nên họ thường dùng những công cụ thô sơ ấy để chống trộm cướp, và tham gia
các cuộc khởi nghĩa nông dân suốt trong hàng ngàn năm phong kiến thống trị.
Nghe cồng
bà rao, nghe lệnh ông gióng (gióng: đánh lên). Ở
Thanh Hóa phổ biến câu thành ngữ: “Lạnh
ông cồng bà” và “Lạnh ông không bằng
cồng bà”. Có nhiều cách giải thích:
- Thời cổ xưa, làm chủ cuộc săn bắn là
phụ nữ. Người phụ nữ trực tiếp tham gia những cuộc săn bắn. Mở đầu cuộc săn phải
tế thần rừng do người phụ nữ đứng đầu bộ tộc, bản làng đứng chủ tế. Nữ chủ tế
xin được phép thần rừng, thay mặt thần rừng đánh cồng ban hiệu lệnh, trưởng phường săn là một người đàn ông mới dám
đánh lạnh đưa quân vào rừng. Những cuộc
đi săn tập thể huy động cả trăm người trong làng bản bao gồm trẻ, già, trai,
gái, đều nhất nhất tuân theo lệnh của trước hết bà đầu bộ tộc, bản làng, sau đó
là trưởng phường săn.
- Bà Triệu cùng anh Triệu Quốc Đạt khởi
nghĩa chống giặc Ngô. Trong hiệu lệnh, Bà Triệu dùng cồng, ông Đạt dùng lạnh.
Bởi kỷ luật chủ tướng nghiêm minh hơn nên tiếng cồng của Bà Triệu như có sức thần
điều khiển quân sĩ vâng theo răm rắp khi luyện tập cũng như lúc chiến trận. Do
đó, quân địch nghe tiếng cồng bao giờ
cũng sợ hơn tiếng lạnh (lệnh).
- Đàn ông làm chủ cái nhà, đàn bà làm
chủ cái buồng . Làm chủ cái buồng tức làm chủ kinh tế, tiền tài, cho nên tiếng
nói của vợ có hiệu lực hơn ông chồng.
- Đàn ông thường giấu vợ làm những
chuyện sai trái: chè rượu, cờ bạc, trai gái,…nên hay sợ vợ, vợ chỉ cần thét một
tiếng là run cầm cấp.v.v…
Vì bài đồng dao còn nối theo: “Nghe
voi rông rống – Chong chóng mà về - Ê hê!
Chạy!” thì đây có vẻ như là một trò chơi liên quan tới cuộc khởi nghĩa Bà
Triệu.
Nhân dân kể sau khi Bà Triệu hy sinh ở
Tùng Sơn (Hậu Lộc) một tỳ tướng của bà đã đem chiếc cồng quân lệnh cất giấu
trong hốc cây khu rừng già núi Nưa. Không ai còn có thể trông thấy nó nữa,
nhưng hồn tiếng cồng của Bà Triệu đã nhập vào tiếng cồng phường săn núi Nưa, trở
nên bất diệt.
Nếu núi Nưa làm ranh giới phía tây huyện
Nông Cống thì núi Hoàng Nghiêu ở phía đông huyện, cắm cái mốc phân cách với huyện
Đông Sơn. Hoàng Nghiêu là dãy núi đá vôi, vân đá nhiều màu đẹp, lấp loáng khi
ánh bình minh lên, và sáng tươi lúc nắng chiều hôm. Hoàng Giang, con sông ngăn
cách Nông Cống với Đông Sơn chia đôi núi, phía Nông Cống là Hoàng Sơn, phía
Đông Sơn là Nghiêu Sơn. Hoàng Nghiêu thiên hình vạn trạng, tầng tầng lớp lớp nhấp
nhô, đỉnh cao nhất chỉ có 276m. cũng đủ sông nước hữu tình, đáng gọi núi non kỳ
vĩ. Bên Nông Cống, núi quây vòng các làng cổ: Bằng Tộc, Thái Biềng, Nham Cát, Hồi
Cù, Yên Mỗ,… Phía Đông Sơn, núi cận kề những xóm thôn xưa lặng lẽ: Kẻ Vàng, Bái
Rạp, Sơn Lương,… Nhiều ngọn núi có tên và không ít hòn to, hòn nhỏ không tên,
hoặc quên tên, người địa phương chỉ còn nhớ được: Mũi Bạc, Hang Hầm, Đông Cũ, Thung Giếng, Thung Thuyền, Thung Táo, Động
Đốt Than, núi Nghè, Thung Dài, Đá bạc, Ba Bò, Thung Quýt, Hang Vàng, Hang Kham,
núi Cấm, núi Am, Hang Hến,… Khoảng năm 1415, tướng quân Nguyễn Chích người
làng Vạn Lộc, huyện Đông Sơn, đã xây dựng căn cứ địa Hoàng Nghiêu, chống đánh
quân Minh, sau một thời gian mới về theo Lê Lợi. Những Thung Thuyền, Thung Giếng,
Thung Táo,…mang dâu tích nghĩa quân thời Nguyễn Chích. Cũng có một số di vật
phát lộ đồ đồng: tên đồng, mác đồng,…chưa được xác định niên đại. ở đây nhiều lớp
văn hóa chồng chất. Lớp văn hóa cổ cho thấy một nhóm người Đông Sơn hoặc tiền
Đông Sơn đã cư trú ở đây, trong những hang động núi Hoàng, cấy trồng trên những
cánh đồng “Thung”, và xuống sông mò hến, loại hến vỏ vàng, ruột vàng, đặc sản Hoàng Giang, tàn tích còn lưu lại
trong Hang Hến.
Núi Hoàng Sơn như bức bình phong của
núi Nưa, cùng sông Hoàng vây lấy một khoảng đất nay thuộc các xã Tân Phúc, Tân
Khang, Tân Ninh, Trung Thành, Trung Chính… “thắt đáy lưng ong” ở giữa và nở
phình ra hai phía bắc – nam. Đó là miền núi Nưa. Xuyên qua miền núi Nưa, một
dòng sông đào nhà Lê, bắt nguồn từ vùng đồi núi xã Thọ Tiến, huyện Thọ Xuân, chảy
qua các xóm làng đến hết huyện Nông Cống, gặp sông Hoàng ở ngã ba Vua Bà. Sông
từ đầu nguồn là một cái khe hón sâu, hai bờ cao hẳm, tên Hầm Hầm, có lẽ do lòng
dốc, dòng quanh, đá chắn, nước chảy mạnh, vẻ dữ tợn. Sông qua địa phận nào thường
mang tên địa phận ấy. Ví dụ: Nhơm, Lan Khê, Cổ Định, Ngẳn, Lai, Nhiển, Cầu
Quan, Tế Độ,… Tên ghi trong sách vở là Lãng Giang (không phải Lãn Giang). Từ
“Lãng” là sóng nước, bởi dòng sông quanh co lại hứng nước của núi Nưa, ngàn Nưa
dài dằng dặc, nên lúc nào cũng cuồn cuộn chảy.
Ngàn Nưa Ảnh: Tân Ninh Blog |
Miền núi Nưa với ngàn Nưa hùng vĩ, những
dãy đồi bát úp mang tên rất đẹp như Cửu Noãn sơn (chín hòn núi quả trứng), những
ngọn núi đá vôi nhấp nhô, tầng tầng lớp lớp của Hoàng Nghiêu Sơn, với sông
Lãng, sông Hoàng xuyên giữa những thung lũng tốt tươi, bên cạnh những cánh đồng
màu mỡ, từ xa xưa đã giữ vị trí chiến lược trọng yếu về kinh tế, quân sự…của quận
Cửu Chân rồi Thanh Hoa, Thanh Hóa. Họ Trịnh chọn đất lập nghiệp ở chạ Kẻ Nưa, tức
Cổ Na sau đổi Cổ Định, trước thuộc huyện Nông Cống, nay thuộc huyện Triệu Sơn.
Gia phả họ Trịnh bắt đầu chép từ khởi tổ Trịnh Huân tướng phò tá An Dương Vương
(trước Công nguyên), sau lan tỏa ra các nơi: Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc,.v.v…
Thế kỷ III, năm 248, anh em Bà Triệu khởi nghĩa núi Nưa chống giặc Đông Ngô. Cuối
đời Tùy (thế kỷ VIII), Lê Hữu, con Thái thú quận Cửu Chân Lê Ngọc, xây dựng căn
cứ địa ở huyện Nông Cống, chống quân xâm lược nhà Đường,.v.v… Trong thời kỳ cận
hiện đại, núi Hoàng Sơn là căn cứ Cần vương chống Pháp của Bang Vân, là nơi sơ
tán an toàn của Kho bạc nhà nước, Viện Kháng Nhiễm, ga tàu hỏa Yên Thái trong
những năm giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc,…
Thời phong kiến, huyện Nông Cống với sản
lượng thóc gạo miền núi Nưa nổi tiếng là kho vựa lương thực của Thanh Hóa. Nhiều
câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao dân gian đã ghi nhận điều đó:
- Nghệ
Yên Thành (Nghệ An)
Thanh
Nông Cống (Thanh Hóa).
- Nông
Cống sống về cơm,
Đông
Sơn sống về mồ mả.
- Cơm
Nông Cống, cá Quảng Xương,
Văn
chương Hoằng Hóa.
- Được
mùa Nông Cống sống mọi nơi,
Mất mùa
Nông Cống tả tơi khắp chốn.
(Hoặc
“Mất mùa Nông Cống mọi nơi thất bát”)
- Muốn
ăn lang lấy chồng Ngọc Sơn,
Muốn ăn
cơm lấy chồng Nông Cống.
- Nông
Cống lắm lọ,
Hoằng
Hóa lắm chữ. v.v…
Bản thân người núi Nưa cũng tự hào về
đất quê mình:
- Hết củn
(củi) đã có núi Nưa,
Hết cấu
(gạo) đã có chợ Chùa Cầu Quan.
- Lọ (lúa) chợ Nưa vừa cho vừa bán
Anh tiếc
công em sớm nắng chiều mưa,
Mang về
chợ Ngẳn nên sưa mối hàng…
(Chợ Nưa: làng Cổ Định, xã Tân Ninh,
huyện Triệu Sơn;
Chợ Ngẳn: làng Ngẳn cũ, xã Tân Khang,
huyện Nông Cống;
Chợ Chùa Cầu Quan xưa, xã Trung Chính,
huyện Nông Cống.)
Miền núi Nưa không chỉ sản xuất lắm
thóc nhiều gạo mà còn có riêng một “mễ sở” chuyên cấy trồng thứ lúa gạo ngon để
cung cấp cho triều đình nhà Lê. Nơi ấy sau là thôn Mễ Sở gần chân núi Nưa, nay
thuộc xã Tân Khang.
(Kỳ tới "NHỮNG NGƯỜI KHỔNG LỒ")
HTP (Trích từ "Những làng cổ tiêu biểu xứ Thanh-Hoàng Tuấn Phổ-NXB Dân trí-2010)
Chú thích:
(1)-Xem bài của Hoàng Tuấn Phổ
(1)-Xem bài của Hoàng Tuấn Phổ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét