Ảnh minh hoạ; ST |
Cả hai cuốn sách Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông (Nguyễn Văn Khang – NXB Khoa học Xã hội - 2003) và Từ điển chính tả tiếng Việt (Nguyễn Văn Khang – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 2018), đều hướng dẫn phải viết sán lạn mới đúng.
Cụ thể, ở mục SÁN, tác giả từ điển chính tả viết
như sau: “sán: sán lạn, sán lợn.
→ không viết: xán”. Chúng ta hiểu rằng, sở dĩ từ điển chính
tả đặt hai từ “sán lạn” và “sán lợn” trong cùng một mục SÁN, là có ý
tạo nên sự liên tưởng để độc giả dễ ghi nhớ, rằng, chữ sán trong “sán lạn” cùng
một cách viết với chữ sán trong “sán lợn”. Ngoài ra, tác giả từ điển sợ độc
giả “viết nhầm” “sán lạn” thành “xán
lạn”, “sán lợn” thành “xán lợn”, nên
còn cẩn thận lưu ý thêm một lần nữa, là “không
viết: xán”!
Tuy nhiên, trong tiếng Việt
không có từ nào gọi là “sán lạn”;
Theo đây, phải viết xán trong xán lạn 燦爛 mới đúng.
Xán lạn là từ Việt gốc Hán, thuộc loại
ghép đẳng lập, mà nghĩa lịch đại của từng yếu tố được hiểu như sau: xán 燦 có nghĩa là tươi sáng, rực rỡ, chói lọi; mà lạn 爛 cũng có nghĩa là rực rỡ, tươi sáng.
Hán ngữ đại từ
điển, giảng nghĩa của từng yếu tố
như sau:
-“xán 燦: vẻ sáng sủa; tươi đẹp; vẻ tươi
sáng, diễm lệ” [明亮貌; 鮮艷貌;鮮明貌]
-“lạn 爛: sáng tỏ; sáng sủa; sắc thái
mỹ lệ.” [光明;明亮; 色彩絢麗]
Xét phép cấu tạo chữ Hán, thì
đây là loại chữ hình thanh. Cụ thể, cả
hai chữ xán 燦 và lạn 爛 đều có bộ hoả 火 (lửa) chỉ nghĩa (biểu ý ánh sáng), còn xan 粲 và lan 闌 chỉ thanh (tức âm đọc). Trong khi sán
với tự hình 疝 (bộ nạch 疒biểu ý bệnh tật; bộ san 山 biểu thanh → sán) trong từ sán lợn, lại chỉ nhóm giun kí sinh thân dẹt ở người, động vật, hoặc
chỉ bệnh sa đì, bệnh thoát vị bẹn, bệnh sưng hòn dái.
Từ xán lạn 燦爛 được
Hán ngữ đại từ điển giảng
4 nghĩa, trong đó có hai nghĩa được dùng trong tiếng Việt là: “1. vẻ rực rỡ, tươi đẹp” [1.明亮貌;鮮明貌], và “4. hình dung sự việc hoặc sự nghiệp huy hoàng; tốt đẹp” [4.形容事情或事業輝煌;美好].
Hầu hết các cuốn từ điển tiếng
Việt chúng tôi có trong tay như Việt Nam tự điển (Hội khai trí Tiến đức – 1931); Việt
Nam tự điển (Lê Văn Đức – 1974); Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên
- 1968)…đều ghi nhận cách viết xán lạn,
chứ không phải sán lạn. Cá biệt có cuốn
Việt
Nam tân tự điển (Thanh Nghị) ghi nhận và lấy ví dụ: “sáng-lạng
• tt. Rực-rỡ <> Tương-lai sáng lạng”.
Đáng chú ý, Từ điển
tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên-Trung tâm Từ điển học Vietlex – Bản có
chú chữ Hán cho những từ Hán Việt - NXB Đà Nẵng, 2016), đã giảng nghĩa và lấy
ví dụ như sau:
“xán lạn • 燦爛 t. rực rỡ, chói lọi. tiền đồ xán lạn ~ Một luồng
tư tưởng lạc quan như vụt thổi vào tâm hồn nàng những sự sung sướng bồng bột,
không cội rễ. Nàng thấy tương lai hiện ra với đủ các trạng thái xán lạn. (Khái Hưng)”.
Dù không chuyên về chính tả,
nhưng Từ điển tiếng Việt của Trung
tâm Từ điển học Vietlex đã có thêm chỉ dẫn: “nên nói và viết
là xán lạn, không nên dùng sáng lạn (sai khá phổ
biến)”.
Trong thực tế, XÁN LẠN và sán lạn, sáng lạn, sáng lạng là những cách phát âm và cách viết na ná như nhau, nên khi đặt bút, nếu
người viết không ngưng lại chút ít để cân nhắc, thì rất dễ nhầm lẫn. Mặt khác,
trong cảm thức ngôn ngữ của người Việt, XÁN LẠN là trường hợp mà cả hai yếu tố cấu tạo
từ đều chưa được Việt hoá, và không có khả năng độc lập trong hành chức. Bởi vậy,
sự ghi nhận về cách viết chuẩn chính tả thông qua hiểu nghĩa từ nguyên là rất hạn
chế. Điều này chính là nguyên nhân xảy ra hiện tượng “Việt hoá”, “Nôm hoá” cách
phát âm XÁN thành sáng, gợi sự liên
tưởng tới nghĩa của từ, là sáng sủa, tươi
đẹp. Cách viết “sáng lạn” tuy không sai về nghĩa của từng yếu tố cấu tạo từ,
nhưng xét về từ nguyên và chuẩn chính tả, thì nó lại không ổn.
Như vậy, trong 4 cách viết
cùng tồn tại trong thực tế: XÁN LẠN, sán
lạn, sáng lạn, sáng lạng, thì chỉ có một cách viết chuẩn và chính xác xét
theo nghĩa từ nguyên, được số đông thừa nhận, và hầu hết các cuốn từ điển tiếng
Việt ghi nhận, đó là XÁN LẠN. Và, việc cả
hai cuốn sách Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông và
Từ điển chính tả tiếng Việt (sách đã dẫn) hướng dẫn viết sán lạn thay cho XÁN LẠN; xếp xán lạn và sán lợn cùng
chung một mục từ bắt đầu bằng chữ S là sai hoàn toàn.
HTC/2023
Thật tuyệt vời, cám ơn nhiều !
Trả lờiXóaCách kiến giải thấu đáo
Trả lờiXóaDùng "sáng lạn" tân cổ giao duyên chắc cũng tốt, vì ai cũng hiểu liền và ko sai nghĩa (cổ)gốc.
Trả lờiXóaThật tuyệt vời cụ ạ!
Trả lờiXóaNhà dọn vườn đầy tâm huyết ! Xin cảm ơn !
Trả lờiXóaTuyệt vời
Trả lờiXóaCảm ơn anh Hoàng Tuấn Công.
Trả lờiXóaXin cảm ơn tác giả.
Trả lờiXóaLứa chúng tôi học từ Vỡ lòng tới hết Cấp III ở ngoài Bắc (thập niên 60-70 ), Thầy dạy là "xán lạn". Học sau ĐH, trên ĐH ở trong Nam Thầy cũng dạy là "xán lạn".
Mình không biết chữ Hán, nhưng trong các sách đọc từ hồi nhỏ đều thấy viết XÁN LẠN.
Trả lờiXóaXin cảm ơn tác giả Hoàng Tuấn Công
Trả lờiXóaVTV=VUA TIN VỊT=VUA TIẾNG VIỆT rồi.
Trả lờiXóa