HOÀNG TUẤN CÔNGChích nhọt bằng kim đá.
Bệnh nhân bị giữ chặt trong sự đau đớn.
Tranh minh hoạ: Trung Quốc
Có lẽ hầu hết chúng ta đều hiểu và dùng đúng từ châm biếm. Như tranh châm biếm, lời thơ châm biếm, châm biếm sâu cay… Tuy nhiên,
vì sao lại gọi là châm biếm? Do đâu châm biếm lại thường đi với sâu cay?
1-Châm biếm là gì?
Châm biếm vốn chỉ một phép chữa bệnh, châm bằng kim đá, mà người xưa gọi là biêm 砭, châm biêm 針砭 (cũng viết 鍼砭), hay biêm thuật 砭术,…
Hán ngữ đại từ điển giảng châm biêm 針砭, là “dùng đá châm mà chế thành kim đá để chữa bệnh. Châm cứu (châm và cứu ở huyệt vị-HTC) trị bệnh
cũng gọi là châm biêm”.(1)
Hán Việt tự điển (Thiều
Chửu): “biêm • 砭 Cái kim bằng đá. Ngày xưa có một khoa chữa
bệnh, dùng kim đá tiêm vào da thịt gọi là biêm. Nay mượn dùng làm lời nói bóng về sự khuyên ngăn điều lầm
lỗi nhau, như châm biêm 針砭 can
ngăn”.
Như vậy, chữ biếm chính
là biến âm của biêm 砭 mà ra; còn châm 針 (danh từ) chỉ cái kim; khi ở vị trí của động từ, châm có nghĩa là châm, chích, lể…
2-Mài đá nên kim?
Theo cảm thức của chúng ta hiện nay, cái kim châm cứu tất phải mảnh và nhọn, nhỏ hơn cái kim khâu vá; và châm là dùng kim để chích vào các huyệt
vị. Tuy nhiên, thật khó có thể tưởng tượng một cái kim (kể cả loại to như kim
vá bì), mà lại được chế ra từ đá, bởi đá cứng mà giòn. Khi mài, giữ sao cho đá
khỏi gãy/vỡ đã là khó, nói chi đến chuyện dùng cái kim đá ấy để châm?
Vậy, không lẽ kim đá chỉ
là chuyện hư truyền?
Thực ra, xưa kia, châm 針 không hẳn là loại giống như
cái kim châm cứu ngày nay. Theo Hán ngữ đại từ điển (giảng nghĩa 1
và 2), thì chúng ta hiểu, châm thạch 針石 (kim đá), là dụng cụ hình giống như cái kim.(2)
Một số loại biêm thạch thời cổ đại Trung Quốc Ảnh: ST |
Còn theo cách giảng của Hán điển, thì đá châm mà người xưa dùng để trị bệnh có hai loại: thạch phiến 石片 (mảnh đá), và thạch châm 石针 (kim đá).(3) Theo đây, kim đá có thể to hoặc nhỏ, có thể hình tròn (thạch châm) hoặc dẹt (thạch
phiến).
Tuy nhiên, với một cái kim đá to bằng ngón tay, hay chiếc đũa; hoặc
mỏng bẹt như miếng đá sắc cạnh, thì
người ta châm vào huyệt vị ra sao, chữa bệnh như thế nào?
3-Châm mà không hẳn là châm
Phép châm bằng kim đá của
người xưa, mà chúng ta đang nói đến ở đây thực chất là lể, chích mụn nhọt.
Hán ngữ đại từ điển giảng hai chữ biêm thạch 砭石 (đá châm) là: “thời cổ đại dùng kim đá để trị ung thư, tiêu trừ nung huyết”.(4) Sách này dẫn Tố vấn
(tức Hoàng Đế nội kinh tố vấn), viết:
“bệnh ấy đều là ung dương, thích hợp với dùng kim đá mà trị”.(5)
Chúng ta chú ý các từ ung
thư 癰疽, ung dương 癰瘍, và nung huyết 膿血 trong nguyên văn chữ Hán:
- Ung thư 癰疽 chỉ chung các loại nhọt,
trong đó loại sưng đỏ là ung, không
sưng đỏ là thư.
- Ung dương 癰瘍 cũng chỉ các loại bệnh ung nhọt nói chung, bao gồm 4 chủng: ung 癰, thư 疽, đinh 疔, tiết 癤. Trong đó đinh 疔 (hay đanh) chính là loại nhọt
độc, có ngòi trắng, hình như cái đinh, mà chúng ta thường gọi là mụn đầu đinh/đầu đanh.
- Nung huyết 膿血 là hỗn hợp máu và mủ sinh ra từ mụn nhọn.
Nhọt đầu đinh. Minh hoạ các loại kim bằng đá và bằng trúc dùng để chích lể ung nhọt thời cổ đại của Trung Quốc Nguồn: Trung Quốc |
Như vậy, phép châm biêm
của người xưa, hiểu một cách đơn giản là dùng vật nhọn bằng đá, hình giống như cái kim, hay miếng đá sắc nhọn
để lể, chích, loại trừ máu mủ ở mụn nhọt,
chứ không phải là cái kim thông thường; cũng không phải là châm, chích vào huyệt vị như châm
biêm sau này.
4-Thạch phiến của Tàu, và mảnh
sành của Ta
Thư tịch cổ Trung Quốc cho biết, loại đá dùng để làm kim châm, chích, lể trông giống như ngọc, có nhiều ở các núi Cao
Thị 高氏, Phù Lệ 鳧麗. Và, phép trị bệnh này được ghi nhận sớm nhất trong Tố vấn.(6)
Hán điển thì cho rằng, tại Trung Quốc, liệu pháp châm biêm của người xưa,
“hiện đã thất truyền”.
Kim đá chữa bệnh hình cái liềm Nguồn: Trung Quốc |
Với người Việt, những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, hãy còn có người
dùng mảnh sành, mảnh đá xanh (loại đá vôi) mài sắc nhọn, hoặc gai để lể, chích mụn nhọt
thay cho dao kéo. Bởi dân gian cho rằng sành/đá
tính lành, trong khi sắt tính “độc” (làm vết thương thêm sưng tấy, tạo mủ…),
nên chích lể mụn nhọt phải “kị thiết”.
Đáng chú ý, phép kị thiết
có được Nam sử (Vương Tăng Nho
truyện) chép: “Thị lang Toàn Nguyên
Khởi muốn chú giải Tố vấn, hỏi về biêm thạch, Tăng Nho đáp: “cổ nhân chỉ dùng đá để châm, quyết không
dùng sắt”.(7)
Như vậy, do “kị thiết” nên y học dân gian lựa chọn dụng cụ bằng đá để thay thế cho con dao mổ hay cái kim bằng sắt, tiểu phẫu mụn
nhọt, mà cả Ta và Tàu đều áp dụng. Tuy nhiên, có vẻ như ở Tàu, phép chữa bệnh
này chuyên sâu hơn.
5-Từ châm biếm đến sâu cay
Vì sao châm biếm phải đi
với sâu cay, mà sâu cay lại thường đi với châm
biếm? Dù sâu cay đồng nghĩa với chua cay, cay chua, nhưng người ta ít
nói châm biếm chua cay, mà là châm biếm sâu cay?
Trong tiếng Việt, cay (tính từ) với nghĩa là vị nóng, tê xót miệng lưỡi, thường được
ghép với một thành tố đẳng lập, cũng chỉ về vị/chất,
để tạo ra một từ mới, như: cay đắng/đắng
cay; chua cay/cay chua; cay độc… Cách tạo từ này tương tự như: chua chát; đắng chát; hôi tanh; mặn nồng...
Thế nhưng, sâu cay lại là trường hợp
mà xét kiểu ghép đẳng lập, thì cấu tạo của nó hơi bất thường: sâu chỉ về khoảng cách, có thể đo được, trong khi cay lại chỉ về vị/chất, phải
dùng vị giác mới cảm nhận ra.
Vậy cay trong sâu cay còn có nghĩa là gì?
Câu trả lời: cay ở
đây là danh từ, chứ không phải tính từ. Ví dụ phần nhọn cắm vào chuôi, cán của một số dụng cụ như dao, liềm, đục…thì gọi là cay.
Liềm nông cay là phần cay cắm vào cán ngắn,
không sâu, dễ tuột. Liềm lỏng cay, hoặc
liềm truột cay (tiếng Thanh Hoá) là
phần cắm vào cán bị lỏng, cay liềm bị
tuột ra khỏi cán.
Trong thực tế, cay còn
có nghĩa rộng hơn. Ví như phần đầu của hạt ngô cắm lút vào trong lõi của nó,
cũng được gọi là cay. Ví dụ: Ngô giống tốt phải là loại bắp to, dài, lõi
nhỏ, hạt sâu cay. Ngô càng sâu cay
thì hạt càng dài, cho năng suất sản lượng càng cao (Chưa thấy bất kì cuốn từ điển tiếng Việt nào chúng tôi có trong tay thu
thập, ghi nhận nghĩa này).
Trở lại với chuyện chích lể
ung nhọt.
Sách Y tông kim tạc, mục đinh
sang chú rằng “nhọt đầu đinh, hình nó
giống như cái đinh, gốc nó ăn sâu vào da thịt”.(8)
Sách Tả truyện có câu “mỹ sấn
bất như ác thạch” [美疢不如惡石], Dương Bá Tuấn chú giải: “ác thạch, tức lấy đá làm kim, khi châm thường đau đớn.” [惡石,以石為鍼,刺之常苦痛].
Chích nhọt bằng kim đá trong sự chịu đựng đau đớn của bệnh nhân Nguồn tranh minh hoạ: Trung Quốc |
Quả thực, trong các loại ung nhọt, thì sợ nhất là loại đầu đinh, ngòi nó dài, ăn sâu vào da thịt.
Nếu chích lể “sống” vào tận gốc sâu của
ung nhọt, trong điều
kiện không có thuốc gây tê, thì đau đớn vô cùng. Nhưng nếu chỉ chích lể nông, thì nó tiếp tục mưng mủ, sưng tấy, ăn không ngon, ngủ không
yên, đau nhức đến phát sốt.
Thế
nên, Tô Thức mới viết: “Không chịu được vị
đắng của thuốc và vết đau của kim đá, một khi bệnh đã nhập vào cốt tuỷ, thì sợ
rằng sự đắng cay không dừng lại ở vị đắng của thuốc, mà sự đau đớn cũng không dừng
lại ở vết đau của đá châm.”(9)
Và Tố vấn mới khuyến rằng: “Khi
chữa trị ung nhọt, cần chích chỗ bị ung thũng. Quan sát xem cái nhọt to hay nhỏ
để xác định độ nông sâu của kim
chích. Khi chích lể ung thũng lớn, thì cốt cho nó chảy hết máu mủ; với ung
thũng nhỏ, thì phải chích cho sâu, đến
tận chỗ bị bệnh mới thôi”.(10)
Đến đây, chúng ta đã có thể hiểu, cay trong sâu cay là phần
đầu của mũi kim đá đâm vào u nhọt để chích lể; sâu cay là chỉ độ sâu của kim
khi biếm vào khối u nhọt. Châm biếm càng sâu cay (mũi kim chích vào da thịt càng sâu), thì bệnh nhân càng đau đớn. Đây chính là lý do tại sao trong
tiếng Việt, sâu cay đồng nghĩa với đau đớn. Và sâu cay vốn là từ ghép chính phụ, chỉ độ sâu của mũi kim; sau này sâu và cay được hiểu như hai thành tố đẳng lập, hợp nghĩa với nhau để chỉ sự
mạnh mẽ, quyết liệt, hay đau đớn nói chung.
Người xưa có câu thuốc đắng
đã tật. Châm biếm vốn chỉ một phép điều trị ung nhọt, phải châm, lể, chích thật sâu cay thì mới khỏi bệnh. Thế nên sau này,
biếm, hay châm biếm ám chỉ một
cách chữa bệnh theo nghĩa bóng: dùng nghệ thuật ngôn từ, hội hoạ… để châm, biếm thật sâu cay, chữa trị những căn bệnh vô hình, những thói hư tật xấu
trên đời, khiến cho đối tượng phải đau đớn
mà sửa chữa. Và đây chính là lý do khiến từ sâu
cay thường đi với châm biếm, mà châm biếm lại phải gắn với sâu cay mới gọi là “đắt”.
HTC/4/2023
Chú thích:
1- Nguyên văn Hán ngữ đại từ điển: “dụng biêm thạch chế thành đích thạch châm.
Diệc vị châm cứu trị bệnh - 用砭石製成的石針. 亦謂針灸治病”.
2- Cụ thể, Hán ngữ đại từ điển giảng
một số nghĩa đáng chú ý của chữ châm 針 như sau: “1.đặc chỉ y học
Trung Quốc dùng dụng cụ hình cái kim
để chích vào các huyệt vị mà chữa bệnh, tham khảo từ “châm thạch 針石” [特指中醫用以刺穴位以治病之針狀器械.參見 “針石”]. 2. dùng kim hoặc vật giống như kim để chích. [用針或針狀物刺]; 3.đặc chỉ y học Trung Quốc
dùng kim châm vào các huyệt vị để trị liệu [特指中醫以針刺穴位以 治療].
3- Nguyên văn Hán
điển: “biêm thạch: cổ đại trị bệnh
trung đích thạch châm, thạch phiến - 砭石: 古代治病中的石针,
石片”.
4- Hán ngữ đại từ điển: “cổ đại dụng dĩ trị ung thư,
trừ nung huyết đích thạch châm -
古代用以治癰疽, 除膿血的石針”.
5- Nguyên văn Tố vấn: “kỳ bệnh giai vi ung dương, kỳ
trị nghi biêm thạch” [其病皆為癰瘍,其治宜砭石”.
6- Dẫn theo
Hán
ngữ đại từ điển, nguyên văn: “Nam sử - Vương Tăng Nho truyện: Thị lang Toàn Vương Khởi dục chú
“Tố Vấn”, phỏng dĩ biêm thạch, Tăng Nho đáp viết: Cổ nhân đương dĩ thạch vi
châm, tất bất dụng thiết - 南史‧王僧孺傳”: “侍郎 全元起 欲注 “素問”, 訪以砭石. 僧孺 答曰: 古人當以石為針, 必不用鐵”.
7- Còn một thứ đá dùng làm kim chữa
bệnh nữa gọi là “Tứ tân biêm thạch”,
hoặc “Tứ tân phù thạch”, sản ở bến
sông Tứ (thuộc tỉnh Sơn Đông –Trung Quốc). Đầu kim hình tròn, hoặc dẹt, dùng để
châm, nhấn day, cạo vào huyệt vị, thay
cho ngón tay. Khi châm thì hơ phần đầu kim đá lên ngọn lửa cho nóng, sau đó chấm
vào nước gừng, hay nước ngải cứu, rồi ấn vào huyệt để chữa các bệnh phong thấp,
hàn, nhiệt…thông kinh lạc…
8- Dẫn theo Hán ngữ đại từ điển, nguyên văn: “Cái đinh giả, như đinh đinh chi trạng, kì hình tiểu, kì căn thâm -蓋疔者, 如丁釘之狀, 其形小,其根深,隨處可生” .
9- Dẫn theo Hán ngữ đại từ điển, nguyên
văn: 不忍藥石之苦,針砭之傷,一旦流而入於骨髓,則愚恐其苦之不止於藥石, 而傷之不止於針砭也”.
10- Nguyên văn: “trị hủ thũng giả thích hủ thượng, thị ung tiểu đại thâm thiển thích,
thích đại giả đa huyết, tiểu giả thâm chi, tất đoan châm vi cố chỉ治腐腫者刺腐上,視癰小大深淺刺,刺大者多血,小者深之,必端內鍼為故止”.
Cảm ơn anh Công rất nhiều!
Trả lờiXóaHay quá. Phân tích rất sâu - cay và mạch lạc
Trả lờiXóaCảm ơn nhà Nông học rất nhiều
Trả lờiXóaĐã được hiểu tường tận ý nghĩa của châm biếm sâu cay. Cảm ơn anh.
Trả lờiXóaHãy quá. Cảm ơn tác giả Hoàng Tuấn Công
Trả lờiXóaCảm ơn tác giả nhiều. Đọc các bài viết của anh thật bổ ích và được mở rộng tầm mắt.
Trả lờiXóaNếu anh htc soan cuốn Từ điển thì thật có ích cho đời.Bài nào anh phân tích rất cặn kẻ.Cám ơn anh.
Trả lờiXóa