Hiểu Việt Nam số 1-3/2023 NXB Hội Nhà văn -Tao Đàn |
Chuyên đề "Hiểu Việt Nam" số đầu tiên (3/2023) trích đăng hồi ký "Chạy trời không khỏi nắng" của Hoàng Tuấn Phổ.
Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả TCTP.
Sau đây là đoạn đầu nội dung trích đăng trong HVN.
[…]
Cụ Tổ họ Hoàng tôi, vốn quê tỉnh Hưng Yên. Năm 13 tuổi, cụ mồ côi cha mẹ, không có chỗ nương tựa, phải ở nhờ người cô ruột (họ Hoàng) lấy ông Bùi Quảng, làm quản tượng trong đội Tượng binh nhà Tây Sơn, đóng ở phủ Hiến Nam (nay là Thành phố Hưng Yên). Cụ Tổ ở với cô được hai năm, lệnh triều đình nhà Tây Sơn điều đội Tượng binh vào Thuận Hoá để bảo vệ kinh thành Phú Xuân. Không thể mang theo cụ Tổ tôi, bà cô gửi lại con trai là Bùi Nam làm thủ kho Trấn thành tỉnh Thanh Hoá. Thời gian sau, nhà Tây Sơn bị chúa Nguyễn Ánh đánh bại, vua Quang Toản, Tổng trấn Bắc thành Quang Thuỳ, Tổng trấn Thanh Hoá Quang Bàn đều bị bắt giết. Thủ kho Bùi Nam khiếp sợ trốn chạy về làng Văn Đoài, xã Văn Trinh, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá).
Nhờ tiền của đút lót lý hương, gia đình ông Bùi Nam được giúp đỡ cho cư trú,
nhưng phải đổi họ. Bấy giờ, họ Lê Văn chiếm số đông nhất làng. Cụ tổ họ Lê này
là ông tổ thứ nhất Lê Văn Bìu, người đầu tiên khai phá đồng Bèo, được Chiêu Văn
vương Trần Nhật Duật cho phép lập làng Đoài (về sau mới thêm chữ Văn, thành Văn
Đoài). Ông Bùi Nam đồng ý đổi họ Bùi sang họ Lê, chỉ xin thay chữ lót
"Văn" thành "Danh", tức họ Lê Danh...ngày nay. Còn cụ Tổ
tôi, ông Bùi Nam không thể cưu mang, nên gửi nhờ gia đình ông Trưởng họ Lê
Văn...
Cụ Tổ tôi đức tính hiền lành, siêng năng, chịu khó, khiến ông Trưởng họ Lê Văn
nhà giàu có, con ăn đứa ở đầy cửa cũng phải khen ngợi. Hai năm sau, ông Trưởng
họ Lê Văn bảo ông Tổ tôi: "Sang năm mi 18 tuổi, đến tuổi vô làng, tau sẽ
vô làng cho mi, nhưng mi phải làm con nuôi tau, không còn được nhớ cái tên họ
hàng nghèo nghèo khổ của mi, cũng phải quên cả cái làng khốn khổ mi đã
sinh ra...". Cụ Tổ tôi không bằng lòng. Ông Trưởng họ Lê
nói: "Thôi được, lúc mô mi nghĩ lại, ưng thuận thì bảo tau để kiếm
be rượu, chục trầu ra đình làng là xong. Ở làng ni, ai cũng kính nể tau, Lý trưởng
cũng không dám bày vai ví tau..."
Năm 30 tuổi, cụ Tổ tôi mới lấy vợ. Ông Trưởng họ Lê Văn, thường được dân làng
cung kính gọi là "ông Tộc" (Tộc trưởng) hỏi: "Nội làng
ni ai dám lấy mi?". Cụ Tổ tôi thưa: "Con Thậy..." (Thậy
là thị, tên lót). Ông Tộc nghĩ ngợi giây lát rồi gật đầu.
Cụ Tổ bà hơn cụ
Tổ ông hai tuổi, "gái hơn hai, trai hơn một", được dân gian xem là tốt.
Cụ Tổ bà họ Nguyễn-họ mới đến ngụ cư-gia đình xin cho con gái được làm kẻ ăn
người ở (không công sá) kiếm miếng cơm nhà ông Tộc. Trai quá lứa gặp gái lỡ
thì, kẻ ở đậu gặp người nằm nhờ, ông trời thật khéo xe duyên!
Nhà ông Tộc trưởng
ở đầu làng, trên khu đất rộng thênh thang do chính cụ Tổ Bèo (Bìu) lựa chọn.
Vây bọc chung quanh rất nhiều cồn luỹ. Họ hàng phát triển quây quần ngày càng
đông. Ông Tộc bảo cụ Tổ tôi: "Nhà tau ở đất ni đẹp nhất làng, giờ
thời thế loạn lạc, thấy ông Tộc có máu mặt, tưởng béo mỡ lắm, đứa gian phi mắt
la mày lét dòm ngó, rình mò. Nay cho vợ chồng mi ra ở cồn tre đầu ngõ, nghe thấy
có động đạt chi thì đánh mõ báo hiệu, tau ở trong ni sẽ liệu cách"...
Cụ Tổ tôi được giao tận tay chiếc mõ gốc tre già cực lớn, tiếng kêu to vang chỉ
thua mõ làng; một con dao phát sắc bén (dao này là dụng cụ phát cỏ rậm và rạ
sác ngoài đồng); một cây giáo sào dài bằng tre ngọn vót nhọn bịt sắt. Đó là hai
thứ khí giới, đánh gần có dao phát lia một nhát đứt cổ; đánh xa là cây giáo
sào, nếu khoẻ tay, rèn luyện tốt phóng trúng mục tiêu xa đến năm chục thước
ta...
Cụ Tổ tôi sinh hạ 5 con trai, tất cả đều làm con ăn đứa ở nhà ông trưởng họ Lê,
tất cả đều lập gia đình riêng trong cảnh tôi tớ bần hàn. Do bị đói khát, ốm
đau, bệnh tật, năm người con chết hai còn ba. "Của đau con xót", cụ Tổ
tôi buồn thêm cảnh ngụ cư, bị cả làng khinh bỉ, 60 tuổi vẫn phải đầu đội vai
vác việc quan, việc làng, ai cũng gọi mình là "thằng". Cứ một
"thằng ngụ cư" hai "thằng ngụ cư", mặc dù mình có tên có họ
hẳn hoi! Cụ Tổ nghĩ cách tìm cho con cái một nghề, "nhất nghệ tinh, nhất
thân vinh". Con Cả, cụ cho hầu ông phó mộc, thứ Hai cho theo ông phó may,
thứ Ba cho ở với bác thợ sơn (Những nghề này ba chi họ Hoàng còn truyền nối đến
trước 1945).
Riêng người con Cả được cụ Tổ tôi đặc biệt ưu tiên cho học chữ Nho với thầy đồ trong làng, dẫu đã cao lớn sừng sững mới bắt đầu ê a Tam tự kinh. Nhờ thời gian xách cưa đục hầu điếu đóm ông phó mộc, chú "phó nhỏ" con trai đầu cụ Tổ tôi, bản tính thông minh chăm chỉ, cũng đã học mót thêm được chút ít ở ông Phó cả già vui tính, có cái "sách" gọi là "Tứ tự kinh giắt lưng". Ông thường ngâm nga: "Xuống sác mò cua-chữ nhi là mà, Trèo lên mái nhà-là con ve ve...con ve kêu gia ấy mà!".
Không
có tiền tết lễ thầy đồ, con trai đầu cụ Tổ tôi học hết "Tam tự kinh",
đành phải xin thôi, tiếp tục làm "phó nhỏ" vác đục cưa theo hầu ông
phó cả.
"Hiểu Việt Nam" số 1-3/2023 |
Một lần chùa Tuyết Phong tiểu tu, gọi thợ mộc, con trai đầu cụ Tổ tôi cũng được
đi theo học nghề. Một hôm, ông sư nhà chùa thấy con trai cụ Tổ tôi vừa lau chùi
câu đối trên cột, vừa bập bẹ tập đọc, gật đầu nói: "Muốn học thêm chữ thì ở
lại bản tự làm tiểu quét bệ, thỉnh chuông...".
Về sau mới biết ông sư ấy là Đạo sĩ Pháp Đăng quê ngoài Bắc vào Thanh truyền đạo
ở chùa Tuyết Phong, một trung tâm đạo tràng của đạo Đông. Đạo này kế thừa và
phát triển môn phái Pháp Lục của đạo Lão Việt Nam thời Lý Trần chủ trương Phật-Lão
hoà đồng, sư tăng cũng là đạo sĩ. Đạo sĩ khác sư tăng ở chỗ nhập thế, không xuất
thế, có gia đình, vợ con như người trần tục. Người đắc đạo được gọi là Pháp sư,
đặt pháp danh, lập tĩnh thờ riêng, thờ cả Phật Tổ và Lão Quân. Đạo Đông lại
chia ra hai chi phái: Đạo Nội, Đạo Ngoại. Gia đình tôi suốt 4 đời, cha truyền
con nối, từ kỉnh cố đến ông, bố tôi đều làm pháp sư đạo Nội, thầy pháp kiêm thầy
thuốc. Riêng người chú bố tôi (em trai ông nội tôi) đi theo chi phái Đạo Ngoại,
chủ yếu hành đạo chuyên dùng ấn quyết, bùa chú và các phép thuật khác như: Lội
hoả thang, leo thang dao bầu, xiên lềnh, trún bùa, đánh phản ác,v.v...(Ông chú
chết lúc chưa đến bốn mươi, gia đình bị tuyệt tự). Vấn đề đạo Nội, đạo Ngoại rất
phức tạp, tôi sẽ nói trong những đoạn sau.
Mục đích cụ Tổ tôi như vậy đã thành công. Từ đời kỉnh tôi (chú tiểu chùa Tuyết
Phong) đã được làm thầy: thầy pháp kiêm thầy cúng, nhân dân trong làng ngoài
xã, ai cũng phải gọi là "thầy", mặc dù vẫn là kẻ ngụ cư, làng
có thể đuổi đi bất cứ lúc nào, vì bất cứ lý do gì. Những kẻ xấu bụng đôi khi
hăm doạ, mạt sát, nói ra miệng, còn làng tuyệt đối không, bởi các cụ nhà tôi
luôn luôn tôn trọng lệ làng phép nước, và ai cũng thấy trong làng mình có thầy
pháp, cả thầy thuốc, khi cần có thể mời ngay, rất tiện lợi.
Trên đây là tiểu sử cụ Tổ tôi, mà bố tôi được nghe ông nội tôi kể, ông nội tôi
lại nghe cố nội tôi, ông cố tôi lại nghe ông kỉnh tôi, ông kỉnh tôi được chính
cụ Tổ tôi nói cho biết...
[…]
Gia đình tôi bị
quy thành phần phú nông với một mẫu năm sào ruộng, trong đó mất hai sào Cồn Hỏng
bên rìa đồng Bèo, bông lúa xấu như bông may (cỏ may)! Ruộng này thuộc loại chân
chua. Nhìn gốc lúa đám nào cũng vàng khè, nước đóng màu gạch cua, đủ biết nó bị
chua phèn nặng. Mẹ tôi đi tìm mua mãi mới được mấy chục cân vôi, ném tung ra ruộng.
Thế mà chất chua cũng đỡ ít nhiều, chỉ có cỏ cứt nhán (gián) chết sắp lượt. Cần
nhiều vôi hơn nữa nhưng lò vôi trên Nhồi không dám đốt lò, vì sợ tàu bay Pháp bắn
đạn "rốc kết", hoặc ném bom. Ngày nào cũng thấy "bà già" của
nó bay ù ù trên đầu, không thám thính thì làm gì?
Nói ruộng nhiều, nhưng thu hoạch kém, phải chắt chiu lắm mới tạm đủ ăn, sao gọi
là giàu được? Ừ, mình không "phú" nhưng chính quyền bảo mình
"phú" là mong điều tốt lành cho mình cũng chẳng sao. Nào ngờ sau cái
việc "nâng lên thành phần phú nông", là cái vụ "đánh thuế nông
nghiệp theo khả năng", rồi đến cuộc "Đấu tranh chính trị" trời sầu
đất thảm!
"Đánh thuế theo khả năng" là thế nào? Những nhà có ruộng, ai cũng
nghĩ tuỳ theo khả năng, mà mình có nhiều đóng nhiều, có ít đóng ít. Nhưng bất
ngờ như bị một búa ông thiên lôi giáng xuống giữa đình đầu: Trong nhà tôi chỉ
còn ba tạ thóc mà mức thuế phải đóng "Mười lăm tạ!". Một con số giết
người, ghê gớm, kinh khủng! Không thấy nhân dân được họp hành gì. Mức thuế từ
trên trời giáng xuống này căn cứ vào đâu gọi là "khả năng"? Thì ra chỉ
do Lê Quang Lời, Lê Quang Cán lúc bấy giờ làm cán bộ xã thôn, nắm quyền sinh
sát "dựng lên" "bộ thuế" theo ý muốn riêng mình! Gia đình
tôi biết kêu ai, kêu ai, ai biết mà kêu? Đành cúi đầu nhận bản án chết đói!
Trong lúc ấy, bố tôi làm gì? Ông chỉ biết nhìn vào hai bồ thuốc, kiếm đủ
mỗi ngày hai cút rượu, mượn "tửu binh giải phá thành sầu"! Nửa đêm tỉnh
dậy, ông hát vang nhà! Bố tôi có giọng hát rất hay, cũng yêu thơ ca. Tính ôn
thích giao du, khi xuống Cầu Nhân giải thơ tiên do ông tiên Xa Thư giáng bút,
lúc lên phủ Thanh Lâm (Thanh Hoá) làm cung văn. Đêm khuya thanh vắng trong cảnh
nhà khốn khổ, nghe tiếng hát chầu văn của người chồng, người cha bất lực, lại cảm
thấy đời mình còn le lói hy vọng:
"Gió thổi
rung cây
Trên đồi
ngàn gió thổi rung cây
Dưới khe con
cá lặn, đàn chim bay về ngàn
Chim bay về
đến đền Hàn,
Sòng Sơn, Phố
Cát lại sang Phủ Giầy..."
Mẹ tôi dốc ngược đít bồ, vét nhẵn như chùi cả chum lẫn vại. Con bò để đi cày,
đi bừa cũng phải bán, nộp tiền thay thóc, theo quy định của hai vị Nam Tào, Bắc
Đẩu hay Diêm vương ở làng tôi. Tiếp đến là những đồ đạc: Mâm, nồi, giường, tủ,...đều
phải đội nón ra đi để cứu giúp chủ nhà! Cuối cùng vẫn bị thiếu năm tạ thóc!
Có "trát quan" đòi! Mẹ tôi đến nhà ông Lê Quang Cán, gặp cả ông Lê
Quang Lời đang ở đó, tay lăm lăm cái bút như đang cầm con dao nhọn, xem lại những
con số thuế của các gia đình. Mẹ tôi ngồi bệt xuống đất, chắp tay vái lấy vái để
rồi bật lên khóc nức nở...Bà mẹ Quang Cán ở dưới bếp nghe tiếng khóc, chạy lên
mắng: "Nhà mợ định ăn vạ ở nhà tôi chắc?" Quang Cán liền
bảo mẹ: "Thôi, việc của cách mạng, bà biết chi mà bàn vô?" (Mẹ
Cán có anh em xa với nhà tôi, nên gọi mẹ tôi là mợ, và chính Cán cũng là
"con bán khoán" ở Tĩnh thờ nhà tôi). Trong khi mẹ Cán trở xuống bếp,
Quang Lời nói: "Cách mạng khoan hồng tạm tha cho nhà chị. Chúng
tôi đáng lý phải gõ vô đầu chồng nhà chị...". Mẹ tôi gạt nước mắt,
khom lưng cúi gục đầu lạy chào hai ông ra về, bên tai như còn vẳng nghe mấy tiếng
"khoan hồng tạm tha"! Muôn vàn đội ơn hai vị "quan làng"!
Mẹ tôi tấm tức kể lại chuyện xin giảm bớt thuế, rồi vội vàng cắp mủng chạy về
bên ngoại.
Ông bà ngoại tôi ở làng Quần Lực, tục gọi làng Cồn, cách làng tôi hai quãng đồng
(đồng Phần Tiền, đồng Mả Mụa) và một quãng đường vắng vẻ, phải đi qua hai chỗ
mà người yếu bóng vía như tôi thường bị rùng mình: Cây đa chùa Cồn và cây móc
lách nghè Cồn. Năm học lớp đệ nhất Hoài Văn, tôi trọ học ở nhà ông Trình hai
tháng rồi đi với mấy người anh em cuốc bộ thường xuyên về quê ngoại. Làng nhỏ,
dân ít, sống quây quần thành đông vui, có hai tiểu chi giang lượn qua, nước chảy
trong vắt, phong cảnh đôi chút nên thơ.
Ông ngoại tôi người phúc hậu, tính hiền lành, năm 1916 đi lính sang Pháp đánh
nhau với quân xâm lăng trong Thế giới chiến tranh lần thứ nhất. Ngoại tôi đi
lính đợt đầu. Một bài vè sưu tầm ở Quảng Xá (Thành phố Thanh Hoá) kể chuyện:
"Nhớ
năm Duy Tân thập niên
Kén binh
sang Tây hơn nghìn
Mười ba phủ
huyện, đi trình thật đông
Kén rồi nhốt
ở Hoàng cung
Rạng ngày
mười tám đưa chân lên tàu
Vợ con kêu
khóc âu sầu
Bây chừ thấy
mặt, mai sau có về?!..."
Ông ngoại tôi được về đợt 1919-1920, vì phải đi đường tàu thuỷ chậm hơn rùa.
Khi mới sang, Tây phát cho một cái ba lô, vài bộ quần áo, một khẩu súng trường,
một cái xẻng. Học mấy tháng thì biết bắn súng. Ăn toàn bánh mì đen mổ bụng rắc
muối bột sẵn bên trong, kèm theo bi-đông nước lã. Hễ đánh thắng, Tây thưởng, được
ăn bánh bì "pa-tê", uống nước chè Tây. Khi ra trận, Tây bắt đào
"tăng-xê" để ngồi nấp bên trong, chừng mươi phút lại nhô đầu lên bắn
một phát, bấm cò xong phải thụp ngay xuống, nếu chậm rất dễ bị vỡ sọ. Có cái mũ
sắt nhưng luồng đạn mạnh cũng bị thủng. Ông ngoại nói, ông ngồi rụt cổ lại dưới
"tăng-xê", cứ nghe đạn nó bay vèo vèo trên đầu cũng đã sợ thấy ông
bà!
Năm 1941, ông ngoại tôi được triều đình tặng bằng Cửu phẩm (võ giai), đúng dịp
kén lính sang Tây bảo vệ mẫu quốc trong Đại thế chiến thứ hai! Từ nay, ông ngoại
tôi được dân làng gọi là ông Cửu, ra đình mỗi khi làng làm cỗ tế thần cứ bàn nhất
mà ngồi. Dĩ nhiên trước hết phải khao vọng làng thì làng mới công nhận.
Bà ngoại tôi hay ốm, do các dì tôi phải chăm sóc thuốc thang, cơm cháo quanh
năm, kinh tế trong nhà chỉ tạm đủ ăn. Ông bà ngoại tôi sinh 5 người con gái liền.
Dì cả lấy Mụ Hào, tức Bửu Hào, dòng Tôn Thất nhà Nguyễn, nhưng vì ít chữ, phải
đi quản lý ấp làng Tiền (nay thuộc xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương) cho Thượng
Dinh (hàm Thượng thư), tên chính Tôn Thất Ưng Dinh-Tổng đốc Thanh Hoá. Người thứ
hai là mẹ tôi. Người thứ ba lấy chồng Bến Cốc (Thị xã Thanh Hoá cũ). Ông chồng
mặt rỗ xấu xí, to béo ục ịch, gia đình làm nghề buôn luồng, nghe nói giàu có lắm,
nhưng coi khinh dì tôi đồ quê mùa, chậm chạp. Người thư tư muộn chồng. Người thứ
năm đã trưởng thành, xinh xắn nhất nhà mà chưa thấy ai hỏi. Hai dì tôi ưa làm
dáng, váy dài đến mắt cá chân, hai dải khăn thắt lưng buông thả quá đầu gối, yếm
trắng cổ xuây, khuyên bạc, khuyên vàng trên tai sáng lấp loáng...Miệng đời thường
chê hai dì tôi lười nhác, quanh quẩn ở nhà, chẳng mấy khi ra đến ngoài đồng ruộng.
Nhà nuôi được một con lợn to để dành bán lấy tiền nộp thuế điền thổ (ông ngoại
tôi được miễn thuế đinh, vì đi lính Tây). Được bằng Cửu phẩm, ông ngoại tôi kéo
ngay con lợn trong chuồng ra, nhờ anh em trong họ làm cỗ mời làng. Ăn uống rình
rịch ba ngày. Ngày thứ ba dỡ rạp, suýt phải dỡ luôn cả nhà. Bà ngoại tôi đâm ốm
nặng, không có tiền cắt thuốc. Dì cả, chồng làm quản ấp, kinh tế gia đình dư dật.
Tất cả đều trông chờ sự giúp đỡ của dì.
Mấy tháng sau, ông ngoại tôi xin Tây cho làm đại lý muối ở làng Vồm, có bến
Giàng tiện đường buôn bán. Nhưng ông ngoại không biết kinh doanh, phải thuê người
giúp việc, bị họ tìm cách ăn bớt. Muối bán ra, mua về, sổ sách lèm nhèm, tẩy
xoá lung tung, lời lãi chẳng được mấy đồng. Chiếc cân bàn Tây nó sản xuất
khá chính xác, chỉ cần kê miếng bã trầu, bị sai số hàng tạ muối. Hè năm 1943,
ông ngoại gọi mẹ tôi lên Vồm trông nhà, trông hàng giúp để cụ đi Quảng Nam chơi
thăm họ hàng.
Trong thời gian ở đại lý muối của ông ngoại, tôi thấy họ còn cố ý kê lệch bàn
cân, hoặc đặt bàn cân chỗ đất không bằng phẳng. Họ bán ra nhiều, ghi sổ ít là
thường. Có hoá đơn nhưng xuất, lưu, con số khác nhau. Mẹ tôi nóng ruột chờ ông
ngoại, đứng ngồi không yên.
Ông ngoại tôi đi mãi tới gần hai tuần lễ mới về. Cụ thuỷ tổ họ Lê Trọng của ông
ngoại vốn người Quảng Nam, làm võ quan triều Lê Cảnh Hưng, chức Phó Vệ uý. Cụ về
xã Văn Trinh tuyển lính, lấy người con gái thôn Quần Lực làm vợ, được hai con
trai. Đời Lê Chiêu Thống, vua đi theo quân Mãn Thanh, Tây Sơn làm chủ Bắc Hà.
Lúc này, cụ đã được thăng lên Vệ uý, phải trốn vào Thanh Hoá, rồi về quê vợ
chia con, đứa nhỏ để lại, đứa lớn ngồi một đầu thúng, bên kia là đồ đạc, gánh
chạy miết ngày đêm nhằm hướng quê nội Quảng Nam. Hai đứa bé ấy, nay đã thành tổ
hai chi họ: Anh ở Quảng Nam, em ở Thanh Hoá.
Năm 1944, Nhật đảo
chính Pháp, nó tịch thu cả đại lý muối, nên ông ngoại tôi về nhà với hai bàn
tay trắng. Ở nhà, tài sản ông mua sắm được chỉ có hai cái tủ gỗ đứng, đóng kiểu
Tây, bên trong có cánh cửa rỗng tuếch, trên nóc bày mấy pho tượng bằng sứ:
Trưng Trắc, Trưng Nhị đứng trên bành voi, tay cầm kiếm trỏ thẳng về phía trước,
trông cũng đẹp; Quan Vân Trường râu dài đến rốn, ngồi giữa, Quan Bình, Trương
Bào đứng hầu hai bên với thanh long đao và cây bát xà mâu. Năm lớp đệ nhất trường
Hoài Văn, trưa, tối, tôi cuốc bộ về ở nhà ngoại..."'[1]
Chú thích:
[1] Trích đăng
từ hồi ký Chạy trời không khỏi nắng của
Hoàng Tuấn Phổ - bản thảo gia đình giữ bản quyền. Vì giới hạn dung lượng, HVN
xin giới thiệu một phần cuốn hồi ký, những đoạn lược trích ký hiệu ngoặc
vuông ba chấm […] được thực hiện bởi
HVN. Trong tương lai, hi vọng hồi ký sẽ được xuất bản để bạn đọc có thể thưởng
thức trọn vẹn cuốn sách thú vị này (chú thích của Hiểu Việt Nam).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét