Đền thờ Dương đình Nghệ ở làng Dương Xá Ảnh: ST |
HOÀNG TUẤN PHỔ
Dương Xá là tên chữ, chữ “Dương” chuyển
từ tên nôm cổ: Ràng hay Dàng, tùy theo cách phát âm rung lưỡi
(R) hoặc cong lưỡi (D). Từ miền ngược đổ xuôi, sông Mã gặp sông Lương tại nơi
thuộc giang phận làng Dàng thành tên ngã ba Dàng. Từ ngã ba Dàng trở xuống đáng
lẽ vẫn là sông Lường tức sông Lương thì người ta gọi nhầm sông Mã, lâu ngày hóa
quen, cũng như sông Sũ (tên nôm sông Lương) biến ra sông Chu. Một bài thơ khuyết
danh nôm cổ tả phong cảnh xứ Dàng:
Núi Hoa
Phong gió trong như quạt,
Nước
sông Lường bóng ngoạt như gương.
Đất dinh
cơ trông thể như dường,
Khí
thiêng đông đúc trời Dương dịu dàng.
Theo
cách nhìn phong thủy học, Dương Xá là đất dinh cơ họ Dương lấy núi Ngũ Hoa đằng
đông làm trấn sơn, sông Lường như cánh tay ngai ôm bọc phía sau, các núi Bàn A,
Bằng Trình làm hộ sơn. Vây quanh Dương Xá, chầu vào Dương Xá nhiều núi non kỳ lạ
mang tên những con vật thiêng: núi Voi,
núi Ngựa, núi Rùa, núi Mèo,… Đây là chốn “địa linh” tạo hóa dành riêng cho
người hào kiệt và hào kiệt tất nhận ra nơi anh hùng dụng võ: Dương Đình Nghệ,
Dương Thị Như Ngọc, Dương Tam Kha, Ngô Quyền… với hàng ngàn tráng sĩ xuất thân
từ lò võ đất Dàng.
Trung Quốc cai trị nước ta suốt từ Tần, Hán đến
Ngụy, Tề, Chu. Nhà Tùy dấy nghiệp năm 581, mới được 20 năm đã bắt đầu suy yếu.
Lý Uyên nổi quân đánh phá khắp nơi. Quân Lương Túc tiến sang Giao Châu, đánh
vào tận Cửu Chân. Thứ sử Lê Ngọc bỏ quận trị Tư Phố trống trải, lui vào phía
trong là Đồng Pho xây thành đắp lũy tính kế lâu dài, giao vùng đất phía bắc cho
con trai cả Ích Từ công bảo vệ. Tương truyền tổ tiên họ Dương vì có công tham
gia dẹp giặc Lương Tiêu được ban phong từ núi Kim Ngưu đến núi Hoàng Ngưu, có
quyền khai phá đất đai, mở mang trại ấp, phò tá Ích Từ công, Trung Quốc công.
Khoảng năm 621, Tham Xung tá quốc, con trai út Lê Ngọc, bị tử trận ở Đường
Nang, Nường Ba nữ tướng Dương Doanh công nữ, từ mặt trận Hoan Châu về cứu em
không kịp, nhảy xuống sông tự tận. Họ Lê mất, vùng đất họ Dương được ban phong
chỉ còn trên danh nghĩa. Đất nước quê hương lại sống trong lầm than đen tối dưới
ách đô hộ nhà Đường. Họ Dương vẫn đứng đầu hương ấp Dương Xá, được quyền khai
khẩn đất hoang, để chính quyền đô hộ thu khoản thuế tăng thêm và nặng hơn.
Thời Mạt Đường, quan lại cai trị Giao Châu nhiều
kẻ ăn chơi xa xỉ, bóc lột tham tàn, trộm cướp nổi lên như ong. Hương ấp Dương
Xá ở gần sông lớn thành nơi đầu sóng ngọn gió, thường xuyên bị giặc cướp đông
hàng trăm người, ban đêm giong thuyền buồm tới cướp của giết người. Phủ đô hộ
Giao Châu bất lực trước tình hình ấy, đành cho các hương ấp được tổ chức hương
binh để tự bảo vệ lấy hương ấp mình. Họ Dương truyền đến Dương Đình Nghệ là
trang hào kiệt từ lâu vẫn ngầm nuôi chí lớn đánh đuổi quan lại phương Bắc, gặp cơ
hội lập đội hương binh, chiêu mộ trai tráng khắp nơi, được hàng nghìn người khỏe
mạnh, mở lò võ Dương Xá đêm đêm luyện tập võ nghệ, nấp dưới danh nghĩa con nuôi
để che mắt bọn quan lại cai trị.
Những năm cuối thế kỷ IX, họ Khúc ở Hồng Châu
(nay thuộc Hải Dương) nổi lên, thế lực rất mạnh. Nhân lúc An Nam Tiết độ sứ Chu
Toàn Dục ốm chết, nhà Đường chưa kịp cử người sang thay, hào trưởng Khúc Thừa Dụ
đem quân chiếm lấy thành Đại La, tự xưng Tiết độ sứ và xin nhận mệnh lệnh với
nhà Đường. Vua Đường đang lo đối phó với nhà Nam Hán, buộc phải công nhận và
ban chức tước cho Khúc Thừa Dụ. Mới được một năm (906 – 907) Khúc Thừa Dụ mất,
trao binh quyền cho con là Khúc Hạo. Khúc Hạo biết tiếng Dương Đình Nghệ mời ra
làm tướng, giao cho cai quản miền Hoan - Ái. Từ một nghìn “con nuôi”, Dương
Đình Nghệ nhanh chóng phát triển lên đến ba nghìn người. Ban ngày họ vẫn cày cuốc
làm đồng áng như dân thường, đêm về mới luyện tập võ nghệ. Chính quyền họ Khúc
đổi hương làm giáp, trên giáp là cấp huyện, hương ấp Dương Xá thành giáp Dương
Xá. Giáp Dương Xá lúc này đã mở rộng địa giới khá rộng, tương đương một huyện.
Khi Dương Đình Nghệ ra làm tướng cho Khúc Hạo
thì Lê Lương, người sau này làm giáp trưởng giáp Bối Lý, còn nhỏ. Nhưng Lê
Lương thuộc dòng dõi Lê Ngọc được nhân dân rất mến mộ. Từ hàng trăm năm trước họ
đã lập đền thờ Lê Ngọc, Ích Thừa công, Trung Quốc công ở các làng: Đồng Pho, Thạch
Khê, Y Xá… Đến lúc Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn đầu độc, anh em, con cháu
nhà họ Dương chia rẽ bè phái, thế lực trở nên yếu kém tạo đà cho Lê Lương nổi
lên gây dựng lại cơ nghiệp tổ tiên, hễ nơi nào có đền thờ Lê Ngọc, Ích Thừa,
Trung Quốc, đều là đất đai họ Lê. Giáp Dương Xá trước bao trùm cả huyện Đông
Cương (thời Trần đổi Đông Sơn), nay chia đôi: phía nam là giáp Bối Lý, phía bắc
là giáp Dương Xá. Rồi trong lúc họ Dương cùng họ Ngô (con cháu Ngô Quyền) lao
vào cuộc chiến “tranh bá đồ vương”, họ Lê ở Bối Lý ra sức phát triển kinh tế,
chẳng mấy chốc trở nên giàu có nhất Ái Châu.
Thời Lý – Trần, những giáp lớn như Dương Xá, Bối
Lý (huyện Đông Sơn), Yên Duyên, Ngọc Sơn (Quảng Xương) đều gọi là hương. Thời Hậu
Lê, bỏ hương chia xã. Đến thời Nguyễn, dấu tích đất Dương Xá của Dương Đình Nghệ
còn thấy ở nhiều xã phía bắc huyện Đông Sơn, kéo sang một số nơi thuộc huyện
Thiệu Hóa, huyện Triệu Sơn… Hiện nay, làng Dàng – Dương Xá thuộc xã Thiệu
Dương, vẫn còn bảo lưu nhiều di tích trên mảnh đất cụ khởi tổ nhà họ Dương đến
đây bổ nhát cuốc khai phá đầu tiên trên khúc đuôi con rồng núi Đông Sơn 99
khúc.
Thực ra, trước họ Dương, đất Long Vĩ - Đuôi Rồng
đã rực rỡ thời kỳ đồng thau của nền văn minh Đông Sơn được cả thế giới ngưỡng mộ.
Dương Xá - Thiệu Dương nằm ở trung tâm khu vực
lịch sử rộng lớn, cũng là một vùng nước
non kỳ thú. Bấy giờ là thế toàn
tân (một vạn năm trở lại đây) của Kỷ
đệ tứ. Địa mạo nhiều lồi lõm tạo ra sự phong phú cho cảnh vật. Trong vùng đất
không rộng, bên cạnh sông ngòi, có đồng cỏ, hồ đầm, đồng lầy, bái cao, đồi gò,
núi non…điều kiện tự nhiên thuận lợi để muôn loài vạn vật sinh tụ và phát triển.
Thiên nhiên tươi đẹp giàu có hấp dẫn con người tối cổ thời kỳ tiền Hùng Vương
và thời đại Hùng Vương đến quần cư trên miền đất sông Lương, bấy giờ chưa nối
dòng sông Mã. Họ ở trong những hang động núi Tún, núi Voi,…dựng lều trại trên
những núi Rùa, núi Đông Lĩnh, gò Chân Tiên,…xuống sông, suối, ao, đầm bắt cá,
lên rừng hái rau quả, đào củ, ra bái săn bẫy hươu nai, lợn lòi, cày, cáo… Phong
phú đáng kể là những cánh đồng sâu trũng: ngoài ốc, cua, tôm, cá…còn lúa hoang,
lúa rài, nơi mở hội của các loài chim nước, nhỏ từ le le, cốc, cò,… lớn như: diệc
xám, ngỗng trời, dang dang…
Đó là nguồn thức ăn quý báu, dồi dào vô tận đối
với người Dương Xá - Thiệu Dương, Chân Tiên - Đông Khối thời đại Hùng Vương dựng
nước vĩ đại. Đó cũng là nguồn sống tạo hóa dành riêng cho lớp “người vượn” thời
kỳ trước Hùng Vương mà địa chỉ núi Đọ muôn thuở còn vang danh.
Từ làng Dương Xá đi ra, trên cánh đồng kề bên
đường, năm 1960, cán bộ khảo cổ phát hiện một di chỉ có tầng văn hóa vừa rộng,
vừa sâu, bề mặt khoảng 50.000m2. Trong phạm vi di tích đã khai quật
10.800m2 nổi bật lên 38 bộ xương người còn khá tốt so với những bộ
xương tìm thấy ở những di chỉ khác. Những bộ xương người đó được chôn kèm theo
nhiều di vật loại hình phong phú: vũ khí bằng đồng, gương đồng, ấm đồng, tiền đồng,
kiếm sắt, đồ đá mài, hoa tai, vòng đeo tay, chuỗi hạt, đồ gốm,.v.v… Đặc biệt,
có một chiếc đũa bằng đồng, một hiện vật độc đáo, chưa từng phát hiện thấy ở bất
cứ di chỉ khảo cổ nào trên miền Bắc nước ta.(2)
Ba mươi tám bộ xương người là tập hợp cá thể
quan trọng và đủ lớn để nhà chuyên môn dựng lại ngôi làng Dương Xá cuối thời đại
Hùng Vương, một xã hội Hùng Vương thu nhỏ. Dương Xá thời ấy thuộc xã hội đã bắt
đầu phân chia giai cấp: đại để có hai tầng lớp chính: tầng lớp trên là quý tộc
tướng lĩnh, tầng lớp dưới là nhân dân lao động. Những bộ xương kèm đồ tùy táng
quý giá bên mình, cho biết họ lúc sống là những quý tộc tướng lĩnh, đàn ông cổ
tay, cổ chân đeo vòng đồng, tiếng kêu leng reng theo nhịp bước. Tay phải họ cầm
cây dáo đồng sắc nhọn, vai trái đeo cây cung với những mũi tên đồng cánh én,
lưng dắt rìu đồng hoặc lưỡi dao găm đồng. Họ dáng đầy oai vệ với cái đầu bờm xờm
tóc râu, cất lên kiêu hãnh… Đàn bà trang điểm công phu, chải tóc, đeo vòng tai,
chuỗi hạt, tóc búi lên đỉnh đầu lấy khăn bao lại, áo, yếm, váy đủ bộ, thêm chiếc
khăn dài lượt thượt… Họ ngắm nghía khuôn mặt quý phái của mình trong chiếc
gương đồng lớn đánh bóng sáng loáng, ăn trầu, nói chuyện phiếm cho hết thời
gian…
Những bộ xương chôn dưới lớp đất sâu hơn có thể
là dân lao động cùng với nô lệ chôn theo. Vật tùy táng bên cạnh họ là con dao,
cái búa, lưỡi liềm, lưỡi cày, là những dụng cụ lao động và những đồ gốm dùng để
đựng, và đun nấu. Trong một hố đất sâu 70cm, nhà khảo cổ tìm được một xương đầu
trâu cùng dấu vết tro than, di cốt của trâu nhà. Đó là bằng chứng chăn nuôi gia
súc của người.
Dương Xá hai ngàn
năm trước (hoặc hơn); họ đã chăn nuôi được đại gia súc (trâu, bò) tất yếu tiểu
gia súc phổ biến và có phần phát triển. Người ta có thể ngờ cái xương đầu trâu ấy
là di cốt con trâu hiến tế. Nhưng còn lưỡi cày đồng? Để làm gì nếu không phải để
cày trâu? Chắc chắn người Dương Xá bấy giờ không còn là mới học làm ruộng mà đã
biết nghề nông. Việc này hết sức quan trọng.
.......
Năm 937, Dương Đình Nghệ bị ám sát bởi tên cận
thần Kiều Công Tiễn phản bội. Tương truyền lúc Dương Tiết độ sứ qua đời, một
ngôi sao trên trời sa xuống Kẻ Dàng, đến nay còn lại một cái hồ, dân làng gọi
là hồ Sao Xỉa tức hồ Sao Sa. Có câu thơ ca ngợi:
Non Đoài trông thể mày nga,
Nguyệt Hồ
phương Mão ngoại sao sa tục truyền.
Non Đoài là dãy núi trùng điệp đằng tây, từ
ngàn Nưa kéo đến. Phía đông Dương Xá là cụm núi Ngũ Hoa:
Núi Hoa
Phong gió trong như quạt,
Nước
sông Lường bóng ngoạt như gương.
Đất dinh
cơ trông thể như dường,
Khí
thiêng đông đúc trời Dương dịu dàng.
Ngũ Hoa hay Hoa phong gọi đầy đủ là Ngũ Hoa
phong, một khóm núi từ năm cái vây cuối lưng con rồng dựng lên thành năm bông
hoa đón gió. Mỗi bông hoa lại có dáng một nàng tiên đang đứng múa.
Từ “gió trong” nghe hơi lạ mà hay. Ta thường chỉ
nghe nói “gió mát”, nhưng ở vùng đồi quang núi trọc, các thứ gió: gió lốc, gió
xoáy, gió cuốn, gió lộng, gió thốc, gió quẩn, gió nồm, gió phơn, gió đông,…thường
làm tung cát bụi, làm vẩn đục bầu không khí trong lành. Cho nên, phải là “gió
trong”, mà bên trong “gió trong”, đã bao hàm gió mát, thứ gió mát trong suốt
như lọc, không chút bụi bặm. Do sự cấu tạo, sắp đặt của năm ngọn núi theo cách
đặc biệt, mọi thứ gió đi qua Ngũ Hoa phong đều được lọc hết bụi bặm trở thành
“gió trong” thổi mát “như quạt”. Từ “gió trong” cùng với “bóng ngoạt như gương”
cũng là hai hình ảnh đẹp: “thanh phong”, “minh nguyệt” thường đi đôi với nhau để
tả cảnh trăng trong gió mát.
Thực ra, mấy câu thơ trên hàm ý địa lý phong thủy
của Dương Xá, người xưa xem Ngũ Hoa phong như là “trấn sơn”, khác nào bức “bình
phong” thiên tạo, vừa đón mọi thứ gió từ phương xa thổi tới vừa làm bình ổn gió
để dương cơ họ Dương bốn mùa trong lành mát mẻ.
Núi Con
Mèo cũng là một “trấn sơn” bảo vệ Dương Xá:
VỊNH THANH HÓA MIÊU TỬ SƠN
(Chữ Hán)
Hổ cứ
giang biên tráng địa duy,
Kiền
thai khôn dựng kỷ đa thì?
Lăng tằng thạch cốt lăng sương dội,
Ẩn ước
đài mao liễm lộ phì.
Phong động
nộ hào kình án thiếp,
Nguyệt
minh cố ảnh điểu kinh phi.
Võng
Xuyên nhược hữu truyền thần thủ,
Miêu nhập
đan thanh diệc nhất kỳ.
CAO BÁ QUÁT
(1808 – 1854)
Dịch thơ:
VỊNH NÚI CON MÈO Ở THANH HÓA
Bài I
Ngồi chặn
bên sông dáng hổ già,
Trời
thai đất nghén tự bao giờ.
Gồ ghề cốt
đá làn sương dội,
Ấp ảnh
lông rêu hạt móc sa.
Tiếng
gió như gào kình sợ khiếp,
Sáng
trăng rõ bóng chim bay xa.
Võng
Xuyên ví có tay tài vẽ,
Vẽ bức
tranh này chẳng lạ a?
HOÀNG TẠO dịch
(Thơ chữ Hán Cao Bá Quát
NXB Văn học – 1976)
Bài II
Như hùm
chồm chỗm trấn bên sông,
Đất nở
trời sinh khéo lạ lùng!
Cốt đá
phơi sương to lớn xác,
Lông rêu
thấm móc mượt mà lông.
Gầm gừ
mượn gió, kình nem nép,
Mờ tỏ nhờ
trăng, cú hãi hùng.
Truyền thần
thợ giỏi nhờ ai đó,
Vẽ bức
tranh này, thú vị không?
(HOÀNG TUẤN PHỔ dịch)
Giữ vị trí “hộ sơn” cho Dương Xá là núi
Tiên–Sơn. Núi này tên chính là Hộ Sơn, Tĩnh Vương Trịnh Sâm lên chơi thấy phong
cảnh đẹp mới đổi tên Tiên Sơn. Vương Duy Trinh trong sách Thanh Hóa kỷ thắng vẫn gọi là
Hộ Sơn và chép rằng: “Núi ấy hình thế Bàn A Sơn, mạch tới địa diện xã
Dương Xá thì đột khởi”. Như vậy, về sơn long, địa mạch của Dương Xá còn quan hệ tới cả Bàn A – Bằng Trình.
Phía trước Dương Xá, một trái núi giống hình
con voi phủ phục làm “tiền án” cho đất “dinh cơ”. Núi tên chữ “Tượng Sơn”, tên
nôm “Núi Voi”. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, đây là nơi chế tạo dụng cụ sản
xuất bằng đá thuộc thời kỳ ĐỒ ĐÁ MỚI cách đây hàng vạn năm trước. Nó góp phần chứng
minh cư dân Lạc Việt ở Dương Xá đã trải qua quá trình phát triển liên tục từ thời
đại đồ đá sang đồ đồng, trên lưu vực sông Chu – sông Mã.(4)
Xa xa phía sau Dương Xá là núi Trịnh làm “hậu
chẩm” người xưa đặt tên núi Kim Ngưu, tượng hình “tê ngưu vọng nguyệt”: tê giác
ngắm trăng(5). Tại đây phát lộ một di chỉ mũi tên đồng dày đặc khiến
người ta nghĩ đến nhiều khả năng có thể là một công xưởng sản xuất, hay một kho
tàng lưu trữ, nó cũng giống như một bãi chiến trường trong cuộc chiến tranh
Hùng – Thục hoặc trận đánh quyết tử với quân Mã Viện thời Hai Bà Trưng.
(còn nữa)
HTP (trích từ "Những làng cổ tiêu biểu xứ
Thanh"-Hoàng Tuấn Phổ-NXB Dân trí-2000)
Chú thích:
- (1) Đặng Phong: Kinh tế thời Nguyên thủy ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
- (2) (3) (4)Tài liệu khảo cổ của Vụ Bảo tồn –
Bảo tàng.
- (5) Tê
ngưu: Con tê giác. Loại thú ở rừng giống trâu, sừng mọc trên mũi. Nhưng có khi
người ta cũng dùng chữ tê ngưu nghĩa
là con trâu để phân biệt với hoàng ngưu
là con bò. Hoặc chữ tê ngưu còn được
hiểu là trâu rừng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét