20 thg 8, 2016

"NHỮNG LÀNG CỔ TIÊU BIỂU XỨ THANH", KỲ 1: " VÀI NÉT PHÁC HỌA"

Suối cá Cẩm Lương, Cẩm Thủy
                         Ảnh: ST
HOÀNG TUẤN PHỔ

Thanh Hóa là miền đất tối cổ, một trong những cái nôi của loài người. Thanh Hóa cũng là bộ Cửu Chân thời Hùng Vương, địa bàn trọng yếu của cư dân nước Văn Lang, chủ nhân nền Văn minh sông Mã. Do đó, Thanh Hóa không chỉ có 4.000 năm lịch sử góp phần xứng đáng nhất vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước; Thanh Hóa còn đi qua những chặng đường tiến hóa nhiều vạn năm trước. Từ thuở khai sinh, tính thống nhất của miền đất Tổ quốc này rất cao, như một xứ sở thiêng liêng không thể chia cắt, luôn luôn được bồi đắp suốt chiều dài lịch sử và không ngừng tôi luyện trong ngọn lửa đấu tranh…


Thanh Hóa có hệ thống truyền thuyết “Người khổng lồ”, nơi khác không dễ tìm thấy. Đó là Ải Lậc Cậc của người Thái, Ông Đồng, Ông Nưa, Ông Vồm, Ông Lau, Ông Ầm, Ông Sấm, Ông Bưng, Ông Quảy Núi, Ông Cày Sông, Ông Cõng Đá,…của người Mường, người Việt. Họ không bằng lòng về tất cả các công trình tạo hóa. Với đôi bàn tay kỳ diệu không kém tạo hóa, họ sắp đặt lại mọi thứ, người quảy núi, người cày sông, người bưng đồi, người cõng đá,…tô vẽ bức tranh thiên nhiên thành những đường nét đẹp, những mảnh màu tươi thắm. Đó là ước mơ, cũng là hiện thực: ước mơ thiên nhiên được cải tạo để trở nên hoàn thiện hơn, ngày càng phục vụ con người đắc lực hơn, và hiện thực đã chứng minh là thiên nhiên, tự nhiên không ngừng hoàn thiện do tác động bàn tay con người.
So với Nghệ – Tĩnh và miền Tây Bắc bộ, núi non Thanh Hóa không kéo dài "trường sơn" ngàn dặm mà bị đứt gẫy nhiều đoạn, hình thành địa mạo tương đối phức tạp ở miền thượng du. Đây là “mạch núi sông Mã” thuộc sơn hệ Tây Bắc, bắt nguồn từ phía cực Tây, đi qua đất nước bạn Lào vào Thanh Hóa, đổ dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, nhiều đoạn võng xuống thành đèo hoặc kéo sệt thành thung lũng. Vì cùng sơn hệ Tây Bắc, núi non Thanh Hóa có tuổi từ khoảng 2300 triệu năm đến 2700 triệu năm. Nhưng phải đến cuối Triat cách nay 230 triệu năm, thời kỳ “tạo núi Indôsini” thượng du Thanh Hóa mới trở thành bộ phận lục địa đúng như tên gọi, của khối lục địa nguyên thủy rộng lớn.(1)

Để dễ hình dung người ta theo vị trí và địa chất, chia núi non Thanh Hóa làm 3 miền:
- Phía Bắc từ Mường Lát đến tận bờ biển Nga Sơn, những dãy núi non nối tiếp trùng điệp ngăn cách Thanh Hóa với các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình.
- Phía Tây thuộc địa phận các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, mạch núi cao chót vót với những sườn dốc thoai thoải nhô sang địa phận nước láng giềng Lào.
- Phía Nam mạch núi thấp dần xuống từ Như Xuân, Như Thanh đến Tĩnh Gia, có khe Nước Lạnh, cửa ngõ Thanh Hóa – Nghệ An.
Xuôi về trung du rồi đồng bằng, ven biển, núi non Thanh Hóa thưa dần, thấp dần, hoặc bám theo triền sông để thành duyên nợ nước non, hay nổi vọt lên giữa vùng thôn dã để tô điểm vào bức họa làng quê, và đồng quê thêm mảnh mầu, nét vẻ xinh tươi.
Một khúc sông Mã, đoạn chảy qua Cẩm Thủy
Ảnh: ST 

Dòng sông Mã dài và lớn nhất trên đất Thanh Hóa, bắt nguồn từ Sơn La, Lai Châu, chảy qua nước bạn Lào, tiếp nhận nước sông Chu thành con sông mẹ xuyên suốt hướng tây - đông, gặp biển đông ở hai cửa: Lạch Trường, Lạch Hới. Tổng diện tích lưu vực sông Mã 28.400 km2, trong đó phần lưu vực sông Chu và sông Bưởi cộng vào đến gần 30.000 km2.
Ngoài các sông chính: sông Mã, sông Chu, sông Yên, sông Bạng, sông Hoạt,… Thanh Hóa còn một hệ thống kênh đào gọi là sông đào nhà Lê, bắt đầu khơi nguồn đời Tiền Lê, hoàn chỉnh ở Hậu Lê, phục vụ tưới tiêu và giao thông thủy (chưa kể hệ thống nông giang thời Pháp). Đặc biệt, kênh Than tức kênh Vinh đào từ thời Mã Viện đem quân xâm lược nước ta hồi đầu Công nguyên, nối liền một số sông ngòi ở Thanh Hóa, thành một con đường giao thông thủy huyết mạch, xuyên suốt Ninh Bình – Thanh Hóa – Nghệ An.
So với thượng du và trung du, miền đồng bằng, ven biển Thanh Hóa xuất hiện muộn hơn trong quá trình hình thành. Cách nay khoảng hai vạn năm, mực nước biển Đông khá sâu, tới 120 mét dưới mực nước biển hiện tại. Sau đó, mực nước biển Đông bắt đầu dâng cao dần, qua đợt biển tiến Hô-lô-xen, cách nay khoảng mười hai ngàn năm, sóng cuồn cuộn mênh mông trên miền đất chưa được bồi lấp thành đồng bằng. Và, cách nay chừng ba, bốn ngàn năm, sóng biển Đông còn vỗ vào tận ven đường Quốc lộ 1A. Truyền thuyết Mai An Tiêm với giống dưa hấu nổi tiếng thời Hùng Vương còn trên một đảo hoang ngoài khơi thì bây giờ đã là vùng đất lục địa huyện Nga Sơn trù phú.
Thiên nhiên Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử tạo thiên lập địa phải tính đơn vị thời gian bằng triệu năm rồi vạn năm, hiện dần lên từng lúc, từng nơi những mảng màu nét vẽ tươi xinh, để đất nào cũng thấy nước biếc non xanh. Đại ngàn cây và cỏ phủ kín mặt đất. Rừng núi đá vôi là những bức chạm nổi giang sơn gấm vóc. Hầu như những cây gỗ quý nhất đều sinh ra từ những núi đá vôi, đều sống trên những sườn đá lởm chởm, những vách tai mèo nhọn hoắt. Đó là quế, sến, đinh, trai, lát hoa, vân sam,… Những cánh rừng già tầng thấp, xưa kia có mặt ở khắp nơi. Những rừng lim, giổi, giẻ, sồi, chò chỉ,…còn dấu tích cả miền đồng bằng, bên cạnh nhiều làng quê trù mật. Mỗi khu vực, rừng lại mọc tập trung một giống cây chủ như: lim Như Xuân, luồng Ngọc Lặc, nứa Ngàn Nưa, lát Quan Hóa, sở Hà Trung, tre Quảng Xương, song mây Thọ Xuân,… Và cỏ tranh, cỏ tranh bạt ngàn sơn dã, lãnh địa lý tưởng của hùm beo, vật liệu lợp nhà phổ biến của bà con dân tộc.
Thích nghi với sườn đồi là những khu rừng săng lẻ, hoa thắm sắc, hương thơm dìu dịu, đủ sức hấp dẫn những đàn ong mật từ xa ngàn dặm. Các nhà địa lý học cho rằng: nếu muốn có ấn tượng sâu sắc về cảnh quan đồi gò xen thung lũng xâm thực thì không đâu tiêu biểu bằng miền Tây Thanh Hóa, nơi sông Mã, sông Chu chuyển đoạn từ trung lưu sang hạ lưu của chúng. Hình thái nhiều hình, nhiều vẻ là những đồi gò đơn lẻ, những quả đồi tròn trĩnh, xinh xắn sắp đặt liền nhau như chuỗi ngọc châu, những dãy đồi thấp, sườn dốc thoai thoải, lưng gồ lên hoặc khum khum tựa đàn voi dáng khủng long lang thang trên đồng nội, hay những cụ rùa đá khổng lồ già nua sinh ra từ thuở khai thiên lập địa. Đồi gò trung du cùng những ngọn núi đá vôi “Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao”, góp phần tạo nên những bức tranh có hình khối sinh động, những bức chạm non xanh nước biếc, khảm đầy hoa gấm.
Xuất hiện càng nhiều hơn về phía đồng bằng, những cảnh quan thiên tạo được bàn tay con người tô điểm thêm là bao đền miếu uy nghi, danh lam thắng tích. Đời Lý có chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn, chùa Báo Ân núi An Hoạch, chùa Long Cảm núi Ốc Sơn,… Không ít đền thiêng gắn với danh sơn hoặc soi bóng xuống dòng sông lịch sử: đền Đồng Cổ, đền Bà Triệu, đền Trần Nhật Duật, đền Sòng, đền Hàn, đền Dương Đình Nghệ,… Hầu khắp các miền quê trong tỉnh, hễ có núi non là có động đá thần tiên, như động Bích Đào với chuyện Từ Thức gặp tiên, động Hồ Công với chuyện Phí Trường Phòng luyện bán thuốc tiên, rồi chuyện Tiều phu núi Nưa cưỡi huyền hạc bay lên trời,… Tiêu biểu nhất cho Thanh Hóa là vùng thủy tú sơn kỳ, sông Lường, núi Lam chung đúc nên vị anh hùng dân tộc Lê Lợi… Đất thiêng sinh ra anh hùng, hào kiệt và anh hùng, hào kiệt cùng nhân dân dệt gấm thêu hoa, điểm tô xứ sở quê Thanh thiên tạo hài hòa trong đường nét, sắc màu nhân tạo.
Núi Long (TP Thanh Hóa)
Ảnh: Phương Mai Bog

Theo phân vùng kinh tế, Thanh Hóa chia ba vùng: núi rừng, trung du, đồng bằng–ven biển, cũng là ba khu vực lưu trú của các tộc người: Dao, Mèo, Khơmú, Thái, Mường, Việt,… Do phương thức canh tác nương rẫy hay đồng ruộng, du canh hay định canh, những mái ấm gia đình ra đời trong các cộng đồng cư trú, phản ánh nét đặc trưng của mỗi tộc người.
Người Dao vốn ở Trung Quốc, cư trú trong những làng xóm vùng hồ phía nam, quen làm ruộng nước, ở nhà đất. Vì không chịu nổi ách thống trị phong kiến hơn cả phong kiến, người Dao vượt biên giới Trung Việt, tìm kiếm miền đất hứa phía Nam. Nhưng họ đụng phải người Việt tầng thấp,  người Thái tầng trên, đành hướng lên triền núi cao, nơi khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi. Họ không ở nhà đất vì núi cao sườn dốc. Họ cũng khó dựng làng một nơi, bởi “người phải chạy theo nương”. Nếu len được vào giữa người Thái, người Mường, họ có ruộng để bám, có rừng để theo, họ cũng nên bản, nên chòm.
Anh em với người Dao là người Mèo, bị Đại Hán xếp vào hạng Nam man, rời bỏ quê hương ra đi tìm đường tự do. Nhưng cái giá của tự do quá đắt, người Mèo chỉ có thể tìm thấy ở nơi “giáp trời”. Đó là những đỉnh núi cao chọc thủng mây mờ, chia hai mùa trong năm rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa, mưa thối đất (trung bình 3.000mm); mùa khô như rang khô! Họ sống bằng đốt nương và du canh, “lửa cháy đến đâu người Mèo đến đó” (Tục ngữ Mèo). Với kinh nghiệm dồi dào của cư dân vốn làm ruộng nước, người Mèo sáng tạo ruộng bậc thang, ngay cả ở triền núi cao, cách mặt biển hơn 1.000m. Họ gọi đó là ruộng “leo”, và khi “Ruộng leo người Mèo không phải chạy” (Tục ngữ Mèo), không phải chạy theo nương rẫy du canh. Tuy vậy, dù có điều kiện định canh, họ vẫn không có ý thức định cư. Họ cư trú trong những ngôi nhà đất ít kiên cố, nếu không nói là tạm bợ. Dường như họ luôn luôn nghĩ đến việc ra đi, luôn luôn sẵn sàng gùi, bế ra đi tìm chân trời mới, một chân trời thực sự tự do theo quan niệm, ước mơ của họ.
Người Khơmú từ Lào sang, ở tiếp giáp người Thái. Nhưng trong khi Thái định canh, định cư thì Khơmú du canh, du cư. Họ nói “Xá ăn lửa Thái ăn nước” (Xá là tên khác của Khơmú). “Ăn lửa” là đốt rẫy làm nương, là du canh. “Ăn nước” là làm ruộng nước, là định cư. Họ du canh để thêm hạt lúa nương, thêm quả bầu, quả bí…vào bữa ăn còn nghèo, thiếu. Khi có ruộng để thâm canh, họ vẫn du canh, thích du canh. Họ đã quen với tập quán thích làm “con chim xanh bay ăn rừng này, rừng khác” (Dân ca Khơmú). Bởi thế, người Khơmú “ba năm dời làng, ba tháng dời bản” (Tục ngữ Khơmú).
Nói về làng cổ vùng cao (theo nghĩa tương đối), chỉ có thể tìm thấy ở tộc người Thái, người Mường.
Người Thái từ Tây Bắc di cư vào Thanh Hóa (một bộ phận nhỏ từ Lào sang). Họ có ý thức về kỹ thuật kiến trúc nhà cửa, cả về nghệ thuật kiến trúc của một cộng đồng văn minh lâu đời. Kiến trúc của người Thái theo quy luật đối xứng, Thái Đen lượn tròn mái mềm mại, xinh xắn, Thái Trắng cắt góc mái phô trương, bề thế, hai chái hồi nhô ra mang tính hình tượng đầu và đuôi con rùa theo truyền thuyết của dân tộc mình. Nhà sàn Thái dài nhiều gian, chiếc dầm nhà nối linh hoạt, nếu không có gỗ sến làm dầm thông suốt, phản ánh phương thức sản xuất định canh, tập quán cư trú ổn định. Các huyện người Thái ở đông nhất: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Lang Chánh, Thường Xuân, nhưng rất ít bản làng lớn, do tình hình ruộng đất chật hẹp. Mỗi huyện, tổng thường chỉ có một vài bản lớn được gọi là “chiềng”, do “đạo” thống trị. So với người Mường bản địa, tư thế “chủ nhân ông đất nước” của họ đàng hoàng hơn, mặc dù vấn đề phân chia giai cấp cũng khá nặng nề. Người Thái ở thưa thớt, lẻ tẻ, những nếp nhà sàn lơ thơ như điểm xuyết trên nền cây cỏ xanh thẫm của rừng rú, đồi núi, chỉ nghe tiếng suối róc rách chảy xa xa, dưới bầu trời thấp, ít nắng nhiều sương. Một làng cổ nổi tiếng của người Thái Thanh Hóa: chiềng Vạn, quê hương anh hùng dân tộc Cầm Bá Thước, đường nét cổ xưa cũng chỉ mờ mờ qua màn sương huyền ảo.
Người Mường không ít làng sống tập trung nhiều trên các dải đất cao, hay đồi gò thoai thoải, giữa những thung lũng rộng dài từ lâu đã biến thành đồng lúa mênh mông. Nhiều làng lập dưới chân núi để phòng lũ nguồn thác đổ, hoặc nơi ven suối, bờ sông để tiện lưới chài. Ý thức làng bản của họ rõ nét, tinh thần cộng đồng cư trú của họ đậm đà sắc thái dân tộc. Tập quán canh tác lúa nước không chấp nhận lối sống du canh du cư. Họ nói: “Mất mùa rừng trước mặt, được mùa rừng sau lưng”. Đối với họ, rừng vẫn hết sức quan trọng, nhưng chính họ làm chủ đời sống của rừng, không phải rừng quyết định cuộc sống của họ. Điều này thể hiện trước hết ở sự chăm chút ngôi nhà, chăm sóc cái vườn. Rất ít nhà Thái có vườn tược tử tế, dường như ai cũng nghĩ đã có “vườn rừng” mênh mông vô tận, và biết đâu một ngày nào đó họ lại, chồng cõng gùi, vợ địu con ra đi… Tâm lý “ăn đợ ở thì” không thể phổ biến ở người Mường, vì mối liên kết giữa người với người, người với đất của họ thắm thiết, bền chặt hơn. Không gian cư trú của làng Mường không quá loãng, không quá đặc, nhà nọ gọi một tiếng nhà kia nghe ngay. Những hàng cau thân thẳng tắp, cao vút lên trời, xòe tán lọng che, quây quần chung quanh ngôi nhà sàn một chái là biểu tượng đặc sắc của nhà Mường, làng Mường. Tuy nhiên, người Mường cũng sẵn sàng từ bỏ nơi chôn rau cắt rốn ra đi không hề ngoảnh lại, để trốn tránh thật xa những gì trực tiếp phá hoại hoặc đe dọa cuộc sống của họ, như chiến tranh, dịch bệnh, núi lở, sao băng… Trước năm 1945, Thanh Hóa không hiếm những làng Mường chỉ còn những hàng cau xơ xác, những bến nước buồn tênh, những mái nhà sàn chôn vùi trong mưa gió… Chủ nhân đã ra đi từ lâu, mang theo tất cả những gì đã bao đời xây đắp nên. Những làng cổ xưa nhất, đẹp nhất của họ chỉ còn trong ký ức đầy sương mờ…
Những ngôi làng cổ của người Việt – Mường hay Mường Việt từ thời Hùng Vương với độ tuổi hai, ba ngàn năm, phần lớn nằm dọc ven các con sông, nhiều nhất sông Mã, rồi đến sông Hoàng, Cầu Chày, Mã Bà, Tống Giang, Hoạt Giang,… Những di chỉ còn lại nhiều, di vật phong phú, nhưng qua tài liệu khảo cổ học hiện nay, chỉ có thể bước đầu phác họa một vài ngôi làng cổ thời kỳ cuối văn hóa đồng Đông Sơn, đã phát hiện được ở làng Đông Sơn ven bờ sông Mã khúc Hàm Rồng, xã Thiệu Dương gần làng Giàng sinh quán anh hùng dân tộc Dương Đình Nghệ. Tuy nhiên, nhiều vấn đề rất khó xác định cho một ngôi làng cổ khá xa xôi ấy: diện tích cư trú, diện mạo cộng đồng, số lượng nhân khẩu, tình hình kinh tế, thượng tầng kiến trúc, quan hệ xã hội,v.v…
Nếu tiêu chí cho loại làng cổ trung bình phải có 200 tuổi, Thanh Hóa tính hết đến thé kỷ XVIII, là trên 1.600 đơn vị. Tất nhiên, trong khoảng 200 năm trở lại đây, nhiều làng cổ đã bị xóa sổ vì nhiều lý do, một số làng khác người ta đem chia năm xẻ bảy để lập đơn vị mới, và không ít làng cổ không còn là làng cổ.
Làng cổ người Việt ở Thanh Hóa đều ít nhiều mang dấu vết Mường, đặc biệt về tiếng nói – phương ngữ, cứ như thời xa xưa trên mảnh đất ấy vốn là một  làng Mường. Phương ngữ Mường in đậm vết tích trên miền đồng bằng khá xa về địa lý với vùng cao, đó là các huyện thuần Việt: Nông Cống, Đông Sơn, Thiệu Hóa và mờ nhạt dần ở các huyện miền duyên hải: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, một phần phía tây huyện Nga Sơn, cả phần đất đông nam huyện Hà Trung. Nguyên do dải đất ven biển này trong lịch sử tồn tại và phát triển đã tiếp nhận nhiều luồng di cư từ trong ra, ngoài bắc vào.
Một trong những làng cổ có thể xác định cụ thể, chính xác về lịch sử: làng Sơn Ôi (nay thuộc xã Định Công, huyện Yên Định) quê hương bản quán của hai anh em họ Khương: Công Phụ, Công Phục đều đỗ tiến sĩ đời Đường Đức tông (780 – 803). Làng Sơn Ôi thành lập trước thế kỷ VII, trên rẻo đất trông như bị kẹp giữa hai ngọn núi cao nhọn tựa hai ngọn bút lông, và chữ “Sơn Ôi” nghĩa là như vậy, vẫn tồn tại suốt chiều dài lịch sử biết bao dâu bể cho đến tận hôm nay. Một làng khác ra đời sớm hơn, làng Trường Xuân (nay thuộc xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn), trước thế kỷ VI, đời Tùy là đô trị quận Cửu Chân, nơi phát hiện tấm bia đá cổ nhất nước ta. Cùng với Trường Xuân hoặc sau Trường Xuân ít lâu còn các làng: Đồng Pho (nay thuộc xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn), Phù Liễn (nay thuộc xã Đông khê, huyện Đông Sơn), Y Xá (nay thuộc xã Đông Văn, huyện Đông Sơn)… Họ đến cư ngụ đất này, không phải từ Lê Ngọc, thứ sử Ái Châu đời Tùy (603 – 617) mà từ cụ tổ Lê Hầu, sau thời Tấn Vĩnh Gia (280 – 420). Nghĩa là trước Lê Ngọc hàng trăm năm, Trường Xuân đã nổi tiếng trong vùng, một làng cổ trung tâm của những làng cổ.
Càng về sau, dấu tích những ngôi làng cổ lưu lại càng nhiều hơn, đậm đặc hơn, như giáp Bối Lý, giáp Dương Xá (thế kỷ IX, X), hương Yên Duyên, hương Đại Lại, hương Ngọc Sơn, hương Lam Sơn (thời Lý, thời Trần)… Từ thời Lê sơ, làng xã như thi nhau ra đời với những quy định chặt chẽ của triều đình phong kiến. Những  hình ảnh “mái đình, giếng nước, cây đa”…xuất hiện trong thời kỳ này, đã trở thành biểu tượng chung của mọi ngôi làng Việt cổ. Bên cạnh cái chung, mỗi làng hình thành nét riêng, vẻ khác của mình, như các loại hình cư trú: làng bên sông, ven đồi, cạnh đường cái, giữa đồng chiêm, trên bãi biển,…từ đó xuất hiện các kiểu kiến trúc nhà cửa: nhà gạch, nhà đất, nhà gỗ, nhà tre, nhà lá, nhà bắt xối, nhà gác treo, nhà trống (chung quanh không che chắn), nhà rèm (cửa di động), nhà lộn thềm, nhà bít đốc,… Ven biển ăn sóng ở gió, có kiểu nhà lều, khi bão tố, người ta rút con sỏ, đánh sập mái xuống. Nơi sông ngòi hoặc đất trũng, có kiểu nhà trổ mái để chẳng may nước tràn vào, người ta dễ chui lên nóc…
Nhiều làng cổ không còn nhớ mình từ đâu, quá trình tồn tại và phát triển ra sao. Nhưng cũng may, không ít làng vẫn lưu truyền đời này qua đời khác vị thần tổ khai canh lập ấp, vẫn hương khói ngàn thu người công cao đức trọng với làng, trong làng. Hầu hết là truyền thuyết, những câu chuyện không hề bị thời gian phủ bụi, trái lại càng sáng lấp lánh trong tâm trí các thế hệ người già như dòng sông chảy mãi. Thần tổ lập làng có cả phụ nữ. Họ cũng được tôn thờ không kém nam giới.
Dạo khắp trung du, đồng bằng Thanh Hóa, đâu đâu cũng thấy hiện lên những bức tranh làng cổ đặc sắc.
Những làng cổ với tư cách làng thật sự của vùng bán sơn địa kết hợp đồng chiêm trũng cho ta nhiều hình ảnh thú vị. Họ cư trú trên gò, đồi, bái cao, nhà cửa phủ kín bái cao, đồi thấp, trùm lên một màu xanh như những hòn đảo nổi nênh giữa đồng chiêm trũng mênh mông mùa nước bạc. Họ ở chật, giáp mái kề hồi, liền sân chung ngõ, nhưng phân chia xóm mạc thành lớp lang, có những dòng họ chung cư trên một khoảng đất. Tính phòng thủ của những ngôi làng này khá rõ, lấy ruộng sâu làm hào, trồng tre sát mép làng làm lũy. Một con đường cái độc đạo xuyên qua giữa làng, tỏa lối đi hình xương cá về các ngõ xóm. Hai đầu đường độc đạo đóng mở theo ngày bằng hai cổng cái. Một số làng có hai đường bắt chéo chữ thập, mở ra bốn cổng. Đặc biệt, có làng mở tới 4 con đường, thành 8 hướng với 8 cái cổng như 8 con mắt quan sát, cũng là 8 lỗ châu mai phòng thủ. Làng Đa Quả (xã Hà Ninh, huyện Hà Trung) ngoài hai cổng canh còn có bốn đình tuần đinh, nơi ngủ tập trung của trai tráng trong làng. Các làng Thạch Bằng, Đông Trung, Thái Đường (hương Đại Lại xưa) đều phân chia các ngõ xóm rạch ròi để tiện kiểm soát. Xã Hà Châu, 3 làng: Nga Châu, Ngọc Chuế, Thạch Lễ có tới 9 lũy tre bao quanh, mỗi lũy mang một cái tên riêng nôm na và cổ kính: Bái Trâu, Đồng Vôi, Gò Đê, Nguồn Nguộn,… Làng chân núi, ven đồi, thông thường bố trí theo kiểu cài răng lược, phát triển chiều dài, lưng dựa vào núi, đồi, mặt hướng ra đồng ruộng phía trước để chăm sóc và bảo vệ cây trồng. Không có cổng làng mà có ngõ nhà, phân biệt ngõ trước, ngõ sau, ngõ trước nhìn ra đồng ruộng, ngõ sau mở lên nương rẫy trên sườn núi, lưng đồi. Người Kinh cũng làm ruộng bậc thang, trồng trọt các rau màu, củ quả để bù đắp lương thực thiếu hụt vì mỗi năm chỉ cấy được một vụ chiêm.
Làng trên những khu đất bằng phẳng thường ở gọn vào một nơi, để có ruộng trồng màu, và chung quanh là đồng điền mênh mông, bát ngát. Họ coi trọng địa lý phong thủy, cố gắng không làm mất hướng nhà của nhau và mỗi nhà chỉ có một ngõ mở ra phía trước. Nhà giàu làm cổng ngăn (bằng gạch hoặc gỗ), nhà bậc trung làm ngõ chống, nhà nghèo chỉ cần một ngọn rào tre rấp ngang ngõ khi đi vắng, và kéo dẹp một bên lúc trở về. Vì đất hẹp, rộng khác nhau, vườn tược phải tùy theo từng hoàn cảnh. Nhưng ao, giếng nhất thiết phải có. Ít nhất hai cái giếng công cộng, một đầu làng, một cuối làng. Còn ao thì làng nhiều, làng ít, đủ để rửa ráy, tắm giặt, phần lớn là ao chung: ao đình (làng), ao phe, ao giáp, ao họ. Ao còn có ý nghĩa về phong thủy. Đó là “tụ thủy”. Giếng cũng vậy. Nó còn là “mắt rồng”. Nếu không thế, làng không thể thịnh vượng.
Thời phong kiến, làng bên sông thưa thớt, do đê điều thấp, dễ vỡ, dễ tràn, chưa đủ sức ngăn nước lũ lụt. Cư dân miền sông phải tìm đất cao như gò, đồi, sau nhờ công trình đê điều vững chắc mới tiến dần xuống chỗ thấp. Họ cư trú chủ yếu trên những bái cao nội đê. Những người nghèo không có đất nội đê, đành chấp nhận ra ngoại đê, nơi đầu sóng ngọn gió. Làng nội đê tựa  lưng vào bờ đê, kéo dài theo bờ đê. Làng ngoại đê hướng ra sông, nơi mang mầm tai họa, cũng là nguồn sống thiết thân. Xã Hà Bắc (huyện Hà Trung) là một ví dụ kiểu làng từ chân núi phát triển thành làng bên sông. Tống Giang và Hoạt Giang tạo cho đất này một rốn nước, thành vùng Ba Bùi: Bùi Đà (Đà Sơn), Bùi Trạng (Trạng Sơn), Bùi Nga (Song Nga). Bùi Nga ở bao quanh chân Rú Nga, phát triển dần ra đê sông Tống. Bùi Trạng cư trú vòng chân Rú Cả tiến ra Bái La và phát triển thành vệt dài theo dọc chân đê. Làng Đà Sơn bọc ven Rú Đà, nhưng không ra đê mà vào đồi Nặm. Các làng này đều thờ thành thần hoàng Tống Quốc sư, vị thánh sư địa lý. Thế đất Ba Bùi được coi là bền vững ngàn năm, ba hòn núi: núi Nga, núi Đà, núi Trạng như ba hòn núc bắc thành bếp “thiên trù” nhà trời. Nhà ở chân núi dựa lưng vào núi, nhà ở chân đê dựa lưng vào đê, để có gió và nước phía trước, theo thuyết phong thủy.(1)
Có một mảnh đất bên cạnh sông Chu đời Đinh, Lê là Lỗ Di xứ, bị trận lụt lớn cuốn trôi cả làng, biến làng thành hồ. Vì thế, hồ này mang tên hồ Lỗ. Đời Trần đắp đê phòng lụt tốt, dân các nơi tìm đến tụ cư chung quanh hồ Lỗ, nhưng phải đến đời Lê Thái tổ mới chính thức thành lập làng với tên Đại Linh, xã Cổ Linh, nay thuộc xã Thọ Trường, Thọ Xuân. Đất Cảo Nhuệ có người cư trú từ trước đời Lý, nhưng vì đê điều chưa đắp, nạn lụt thường xuyên xảy ra, dân chúng bỏ đi hết. Thời Trần, triều đình chủ trương đắp đê phòng lụt, dân chúng tụ họp ở Mả Cử nội đê rồi dần dần phát triển, chiếm cứ dải đất ven sông từ tây bắc xuống đông nam (thị trấn huyện Thọ Xuân). Đầu đời Lê, làng Xuân Phố thành lập. Đời Khải Định một số dân Xuân Phố chuyển ra ở ngoại đê thành lập làng Đặng Phúc, sau đổi tên Cao Trường. Bởi ở ngoại đê đời sống khó khăn, từ năm 1978 – 1980, dân Cao Trường lại chuyển vào nội đê ở xen cư với Xuân Phố tức làng Xuân Phả, một “Láng” trong “Mười hai xứ Láng” ngày xưa.
Làng chợ, từ chợ phát triển thành làng. Tên làng thường có chữ “Thị” là chợ, như Đông Thị, Củi Thị (Hà Trung), Thị Thôn (Nông Cống),v.v… Dân cư làng chợ phần đông là tứ chiếng họp lại, sống chủ yếu bằng nghề buôn bán vặt. Điều kiện trở thành làng chợ phải có đất cát và thuận tiện đò giang. Cư dân làng chợ ít quan tâm đến kiểu đất, hướng nhà. Họ không có đất để  chọn, cũng không có hướng để tìm. Đời sống của họ Lê lệ thuộc vào chợ búa, sông nước, nên nhà cửa mở ra hướng chợ, hướng sông, được xem là “đắc lợi”.
            Làng chài, thường gọi phường chài, vạn chài. Dân cư làng chài cũng là dân tứ chiếng. Nhà ở đại đa số là con thuyền nan xảm vỏ sắn, quả cậy và giấy dó. Họ di chuyển nay đây mai đó, thời Lê mới được tập hợp thành đỗ theo quy định. Khi nguồn thủy sản cạn, họ chuyển cư lên đất liền, vừa chài lưới vừa buôn bán vặt, cấy rẽ làm thuê, hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm nghề thủ công, chống đò ngang đò dọc. Một số làng chài nổi tiếng trong lịch sử: phường Lam Vĩ (tham gia khởi nghĩa Lam Sơn), phường Biện Thượng (phò tá Lê Trung hưng)… Không ít làng chài chuyển lên bờ, rồi trở thành làng thuần nông, ví dụ phường chài Vạn Đề, phường chài Vạn Mắm sông Lèn,v.v…
Ở các huyện miền núi và tiếp giáp miền núi, như: Nông Cống, Như Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Thọ Xuân,…có những làng cổ ở chung hai, ba thành phần dân tộc. Ví dụ: làng Khổng Quánh (huyện Triệu Sơn) xưa kia có chòm Bừa (Mường), bản Sáo (Thái – chữ “sáo” là nhỏ), làng Khổng (người Kinh),v.v…
Tiềm hiểu tên  làng và cách đặt tên làng của làng cổ ở Thanh Hóa cũng là việc làm thú vị. Không phải chỉ có những làng được gọi là “kẻ” mới là cổ. Có những “kẻ” mới thành lập dưới thời Nguyễn. Nhiều làng cổ còn gọi bằng những từ tương tự “kẻ” như: “khả” (Khả Lam, Khả Lao, Khả Lập…), “cả” (Cả Trọng, Cả Mau, Cả Cát,…), “trang” (Bái Trang, Hoa Trang, Cồng Trang…). Đại đa số làng có tên nôm, tên chữ, tên nôm là tên thường gọi, tên chữ là tên ghi vào sổ sách, khai báo với cấp trên. Tuy nhiên trong sổ sách, ở Thanh Hóa có những làng vẫn giữ tên nôm, hoặc nửa nôm nửa Hán. Ví dụ: thôn Bến, thôn Chòm (huyện Nông Cống, huyện Quảng Xương) giáp Nổ, giáp Bụng (huyện Tĩnh Gia), thôn Côn Mừng (nửa Hán, nửa nôm – huyện Nông Cống),v.v…
Có đến gần 30 cách đặt tên làng: theo vị trí, theo phương hướng, theo tên người, theo họ người, theo tên đất, theo kiểu đất, theo loại đất, theo chất đất, theo địa hình, theo địa mạo, theo cây cỏ, theo rừng rú, theo núi non, theo sông suối, theo đặc điểm nơi ở, theo nguồn gốc, theo sự tích, v.v… Sau đây, nêu vài ví dụ:
- Kẻ Đanh, Bản Đanh
Huyện Yên Định thuộc vùng bán sơn địa, địa hình dốc thoải dần từ tây sang đông. Nhưng ở giữa huyện có một dải đất tương đối bằng phẳng thích hợp cư trú thành làng xã và gieo trồng cây lúa nước. Loại địa hình này, người ta quen gọi là “bái”. “Bái” khác “bãi” dải đất ven sông. Chữ “bái” được dùng như từ nôm, gốc Hán Việt, là nơi có cỏ, có nước, hoặc độ ẩm cao, cư trú và cấy trồng đều tốt. Nhiều địa danh “bái”: Bái Châu, Bái Trại, Bái Thủy, Bái Nhuyễn, Bái Đô (hay Đô Bái,… Cuối thời Hậu Lê, “xứ Bái” này đã thành lập 2 tổng: tổng Trịnh Xá với 12 xã, thôn, phường; tổng Bái Nhuyễn với 16 xã, thôn, trang; tổng cộng có tất cả 28 đơn vị hành chính cấp cơ sở. Riêng xã Bái Trại, các thôn: Đinh thôn, Trại thôn, Hoạch thôn, Đài thôn, Thị thôn (sau thành Bái Thủy), người địa phương quen gọi là “tứ xã Bản”, trong đó Bản Đanh nổi tiếng nhất, quê hương Thái bảo Lê Đình Kiên (tiến phong đại vương) người sáng lập Phố Hiến – Hưng Yên (Thứ nhất Kinh kỳ thứ nhì Phố Hiến). Bản Đanh là cách gọi tắt địa danh “Bái Trại Đanh thôn”, do thổ âm địa phương: từ “bái” biến âm thành “bản”, từ “đinh” lệch âm thành “đanh”. (ai thành an, i thành a; ví dụ: cây cải      cây cản, linh lợi    lanh lợi). Vậy, Đinh thôn hay Đanh thôn, làng Đinh hay làng Đanh, ngữ nghĩa không khác gì nhau). Chữ Hán, “đinh” này là cái đinh bằng sắt. Đinh thôn xuất hiện thời Hậu Lê, đến thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX vẫn không thay đổi, đầu thế kỷ XX mới thêm chữ “thiết” đằng trước thành Thiết Đinh hay Thiết Đanh. Hán tự có mấy chữ “thiết”, ở đây chữ “thiết” là sắt. Có lẽ các cụ xưa cho rằng như thế mới rõ nghĩa đinh bằng sắt (cứng, chắc) để phân biệt với các loại đinh bằng tre, đinh bằng gỗ.
Đinh thôn còn gọi Kẻ Đanh, thuộc vùng Quán Lào. Đặt tên làng là “đinh”, có thể người ta muốn nói con người ở đây cứng rắn trước mọi khó khăn, vững vàng trước mọi thử thách. Cũng có khả năng cách đặt tên làng dựa theo hình tượng hay địa hình đất đai. Trên bản đồ Đinh thôn  giống cái đinh bằng sắt, loại đinh thuyền. Một diều hơi lạ, làng Đanh, kẻ Đanh, Bản Đanh không thấy tên nôm, trong khi các “Bản” bên cạnh đều mang tên nôm, ngoài tên chữ, ví dụ: Thành Phú là Lào Ngoài, Lý Yên là Lào Trong, Châu Bối là Làng Bón, Thạch Đài là Bản Chùa, Hoạch thôn là Bản Voọc, … Theo gia phả họ Lê ở Thiết Đinh, ông Lê Huệ Nhỡn (Cao cao tổ họ Lê Huệ) thấy cạnh làng Bái Trại có Mả Thông cây cối um tùm bèn đem gia đình, họ hàng từ Bái Trại ra khai phá, di dân đến ở, lập thành trang ấp. Tiếp theo, ông Đinh Cẩn từ nơi khác (truyền thuyết là con cháu ngoại giáp Đinh Điền, công thần khai quốc đời Đinh) cũng đưa người tới khai phá khu Đồng Lách đầy cây cỏ rậm rạp kề bên, lập thêm xóm mới. Đất này vốn thuộc làng Bái Trại nên gọi là Bái Trại Ngoại để phân biệt với làng cũ Bái Trại Nội. Bái Trại Nội, Bái Trại Ngoại dân gian thường gọi “Trại Trong”, “Trại Ngoài”. Khi tách ra lập thôn mới Trại Trong vẫn giữ tên Bái Trại, Trại Ngoài là Ngoại thôn. Vậy, tên xưa nhất, hay nói cách khác, tên đầu tiên của Thiết Đanh là Ngoại thôn, thôn Ngoại (tên chữ) và gọi nôm na là làng Ngoài.
- Kẻ Gũ, Cụ thôn
Ven bờ bắc sông Lèn nổi lên một dãy núi đất, ngọn cao nhất chưa đến 60m, hai đầu đông, tây có hai gò đồi thấp chừng 2 – 3m. Đó là núi Gũ, hình dáng con rùa đang vươn cổ. Nhưng thuở xa xưa, núi Gũ chưa bị bào mòn, còn cao cao trông giống con gấu đang nằm nghỉ ngơi thảnh thơi. Con gấu tiếng Thanh Hóa cổ phát âm là con gẩu, hay con gậu. Gẩu, Gậu biến âm thành Gũ hay Gụ theo nguyên tắc âu     u, u     âu (ví dụ: đi tầu     đi tù, con tru     con trâu). Vậy, Kẻ Gũ chính là Kẻ Gẩu (Thanh Hóa không phân biệt rõ dấu hỏi với dấu ngã).
Cách đây khoảng hơn 1.000 năm, một gia đình họ Ngô, sau loạn Thập nhị sứ quân, đem gia nhân, nô lệ đến khai phá núi Gũ, lúc ấy còn rõ hình tượng một con gấu  hùng mạnh đang nằm nghỉ chờ đợi thời cơ. Đầu tiên họ thấy ở trên gò núi Dạ, chỉ là một chòm xóm nhỏ giữa khu rừng nguyên sinh mọc đầy giống cây cho gỗ quý và dưới chân núi trải dài đồng bãi cỏ tranh bạt ngàn. Người ta đốn gỗ làm cột kèo, đào đá xây tường, cắt tranh lợp nhà...chẳng mấy chốc nên nhà nên cửa. đất ruộng phì nhiêu, cấy lúa, lúa tốt. Sông nước lắm tôm cá, mặc sức thả lưới, buông câu. Những cánh bãi phù sa bồi đắp do sông Lèn, sông Hoạt thuận lợi cho việc trồng dâu nuôi tằm, trồng mía kéo mật. Nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm  cũng nhờ núi đồi, ao đầm mà phát triển. Từ một gia đình họ Ngô, thời gian trôi đi mang theo các dòng họ khác đến sinh cơ lập nghiệp: Nguyễn, Trần, Trịnh, Lê, Hoàng, Đào,...phủ lên thân gấu, mình rùa sức sống xanh tươi của một làng quê mới. Tự hào làng quê mình, họ đặt tên chữ là “Cụ”. Chữ “Cụ” Hán tự là đầy đủ tất cả, đầy đủ hoàn toàn.
Đời Lê Trung hưng, một số dân Nghệ An đi thuyền ra buôn bán đồ gốm, hàng sành sứ, mật mía, cá khô, nước mắm, mắm chượp,...thường xuyên qua lại sông Lèn, thấy cảnh đẹp, người vui, xin tạm trú ở doi đất dưới chân núi Gũ thuộc địa phận Cụ thôn. Sau dân cư đông thêm, họ chuyển đến chân núi Tra hình dáng cái yên ngựa, cũng dựa theo triền sông Lèn, chạy dài từ tây sang đông, lập thành làng Tra, sau đổi tên Đồng Tra làm người bạn hàng xóm “tắt lửa tối đèn” của Cụ thôn. Tuy Kẻ Gũ có thêm làng Đồng Tra, nhưng người ta cứ gọi chung Kẻ Gũ, và Đồng Tra cũng coi đó là niềm vinh hạnh. Bởi Kẻ Gũ là một làng đồi rộng lớn, phong cảnh tươi đẹp, cây cối đậm đà màu xanh mát mắt, dòng sông Hoạt uốn khúc hữu tình ôm lấy núi non uốn lượn nét cong mềm mại, sản sinh ra những đồi chè ngon, sắn bùi, mía ngọt, dứa thơm,... Mùa nào thức ấy, người Kẻ Gũ bày bán sản vật đồng quê đầy chờn ở ngay chợ Gũ họp trước đình Gũ. Làng Gũ nâng cấp lên xã, người ta đặt thêm chữ “Trị” đằng trước chữ  “Cụ”, thành Trị Cụ, bao gồm cả làng Đồng Tra. Trị Cụ là tên hán Việt, mang nghĩa đầy đủ hoàn toàn mọi thứ việc, ra đời ngay ở thời Lê Trung hưng.v.v...
Làng cổ! Làng cổ Thanh Hoá, làng cổ Việt Nam, mỗi ngôi làng, có thể nói là một đất nước, một thế giới thu nhỏ. Biết bao vấn đề phải đề cập tới về/trong một ngôi làng cổ! Ngoài những gì đã lược kê trên, còn những vấn đề quan trọng khác: dòng họ, tiếng nói, tín ngưỡng, đình miếu, chợ búa, đồng ruộng, ngành nghề, phong tục tập quán, văn nghệ, hương ước,v.v... Nhưng làng cổ, càng rất cổ, càng ít căn cứ, dữ liệu để nghiên cứu. Vì vậy, người làm sách đành phải bằng lòng với những gì còn có cứ liệu để khảo cứu, tìm hiểu.
Đôi ba dòng “Phác hoạ làng cổ Thanh Hoá” để đi vào “Những làng cổ tiêu biểu ở Thanh Hoá”, để có cái nhìn chung về làng cổ  Thanh Hoá những nét khái quát nhất, trong khi chưa có điều kiện biên soạn và xuất bản công trình nghiên cứu “Làng cổ xứ Thanh”.
Trong hàng ngàn ngôi làng cổ ở Thanh Hoá, chỉ chọn mấy ngôi làng cổ phù hợp dung lượng cuốn sách, là việc làm hết sức khó. Thế nào là “tiêu biểu”? Rất may, về phương diện lịch sử, Thanh Hoá đã có những đóng góp mang giá trị tiêu biểu trong quá trình dựng nước và giữ nước của các danh nhân tiêu biểu: Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Hồ Quý Ly, Lê Lợi, Nguyễn Hoàng,... Đó là những con người làm nên lịch sử, sinh ra và lớn lên từ những làng quê lịch sử tiêu biểu nhất.
(Đón đọc kỳ sau "Làng quê Bà Triệu")
HTP (trích từ sách "Những làng cổ tiêu biểu xứ Thanh"-Hoàng Tuấn Phổ-NXB Dân Trí-2010)
Chú thích:
(1) Đất Ba Bùi có giống củ từ và mật mía nổi tiếng. Phong dao có câu:
Rủ nhau đi cấy Ba Bùi,
Củ từ chấm mật mà vui không về.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét