Lối tắt Ảnh: ST |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Có một câu tục ngữ Việt hiện tồn tại ít nhất ba dị bản
được các nhà sưu tầm, biên soạn từ điển thu thập và giải nghĩa (chúng tôi nhấn
mạnh những chỗ khác nhau để bạn đọc dễ theo dõi): "Đường ĐI hay TỐI, nói dối
hay cùng"; "Đường TẮT hay TỐI, nói dối hay cùng"; và "Đường
TẮT hay RỐI, nói dối hay cùng".
-"Từ điển thành ngữ và tục
ngữ Việt Nam" (GS Nguyễn Lân) giải thích: "Đường ĐI hay TỐI, nói dối hay cùng Ý nói: kẻ nói dối một lúc nào đó sẽ bị lộ, không thể cứ tiếp tục dối mãi".
"Từ điển thành ngữ, tục
ngữ Việt Nam" (Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào): "Đường ĐI hay TỐI, nói dối hay cùng" [Đường TẮT hay TỐI,
nói dối hay cùng]. Nói dối quanh thì dễ bị
lộ tẩy, bộc lộ bản chất xấu; Không nên nói dối".
-"Thành ngữ tục ngữ lược
giải" (Nguyễn Trần Trụ): "Đường ĐI hay TỐI, nói dối hay cùng:
Đường đi mãi hay gặp trời tối, nói đến (sic) mãi thì hay gặp chỗ cùng. Cũng có người giảng: đi đường quanh quẩn thì
hay gặp trời tối, nói dối quanh quẩn thì hay gặp chỗ cùng".
"Từ điển tục ngữ Việt" (Nguyễn Đức Dương): "Đường ĐI [?] hay TỐI [?]; nói dối hay
cùng". Câu này được Nhà ngữ học
chú thích: "Chắc là TẮT và RỐI, chứ chẳng phải ĐI
và TỐI, nhưng đã bị chép nhầm",
đồng thời hướng dẫn xem giải
thích dị bản: "Đường TẮT hay RỐI;
nói dối hay cùng: Đường TẮT là thứ lối đi rất hay làm rối trí những ai chưa thạo;
nói dối là lối hành xử dễ đẩy kẻ nói dối tới bước đường cùng (một khi bị hỏi dồn)".
-“Tục ngữ lược
giải” (Lê Văn Hoè): “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng: Đường đi mãi thì
hay gặp trời tối, nói dối mãi thì hay gặp chỗ cùng, không còn nói dối được nữa.
Cũng có người giảng thế này, đi đường quanh quẩn thì hay gặp trời tối, nói dối
quanh quẩn thì hay gặp chỗ cùng”.
-"Tục ngữ ca dao Việt
Nam" (Vũ Ngọc Phan) ghi nhận:
"Đường ĐI hay TỐI, nói dối hay cùng".
-Sách "Tiếng Việt lý thú" (Trịnh Mạnh-NXB Giáo dục) lại đưa ra dị bản: “Đường vòng hay tối, nói dối hay cùng
-Sách "Tiếng Việt lý thú" (Trịnh Mạnh-NXB Giáo dục) lại đưa ra dị bản: “Đường vòng hay tối, nói dối hay cùng
Đi đường vòng thì xa có khi trời tối mà chưa đến nơi. Nói dối
thường gặp chỗ cùng, bế tắc không dối ai được nữa. Câu này khuyên ta nên đi
đường thẳng, không đi ngang về tắt ý khuyên làm những việc quang minh và nói
lời ngay thật”.
Như vậy, trong ba dị bản, thì dị bản đầu tiên "Đường
ĐI hay TỐI, nói dối hay cùng" phổ biến hơn cả. Tuy nhiên, theo chúng tôi, văn bản đúng của câu tục ngữ là: "Đường
TẮT hay TỐI, nói dối hay cùng", chứ không phải "đường ĐI hay tối",
hoặc "đường tắt hay RỐI".
Về nghĩa
đen: "đường tắt" là
con đường gần, nhưng quanh co, nhỏ hẹp, có khi cuối cùng là đường cụt, nên dễ dẫn
đến chỗ bế tắc, trở ngại, không tìm thấy lối ra ("tối"). Ngược lại với con đường "tắt", đường
"tối", là con đường "sáng", đường "quang" rộng rãi (đường thẳng, đường chính). Nhóm Vũ
Dung có ghi nhận dị bản "Đường TẮT hay TỐI...", nhưng tiếc rằng các
tác giả chỉ đưa vào phần tham khảo, xem như là một dị bản không phổ biến. Nhà
ngữ học Nguyễn Đức Dương đã có lý khi đưa ra nghi ngờ "Chắc là TẮT và RỐI, chứ chẳng phải ĐI và TỐI, nhưng đã bị chép nhầm" . Tuy nhiên ông đề xuất thay "hay tối" bằng "hay rối", theo chúng tôi
không cần thiết, vì "hay tối" mới chính xác. "Tối" trong câu tục
ngữ được hiểu là không thấy đường đi nữa, tức lâm vào đường cùng, đường cụt, hết
đường (Trong khi "rối trí"
đâu có nghĩa là lâm vào bước đường cùng, không có lối thoát?). Trái nghĩa với
đường "tối" là đường "sáng". Ví như có câu: "Đường quang không đi, đâm quàng bụi rậm".
"Quang" có nghĩa là "sáng", "đường quang" chính là con "đường sáng", đường
lớn.
Theo đó, tục ngữ Hán cũng có câu: "Đạo nhi bất kính-道而不徑-Đi đường, chớ nên theo lối tắt"; "Tiệp kính quẫn bộ-捷徑窘步-Đường tắt có lúc sẽ khiến bước chân trở nên lúng túng" ("kính"
徑, có
nghĩa là "đường tắt", "lối tắt"); Tục ngữ Tày: "Chiếu rải không ngay ngắn không ngồi;
đường khuất nẻo vắng vẻ không đi" (Vủc bố chính bố nẳng, tàng lẳc lặm bố
pây); "Đi tối lạc đường; nói dối hay cùng" (Pây đăm lạc tàng phuối
viàng hay chủn) ("Từ điển thành
ngữ, tục ngữ dân tộc Tày"-Triều
Ân-Hoàng Quyết-NXB Văn hóa dân tộc-1996). Ở đây, "đường tắt", "khuất
nẻo vắng", hay "đi tối",
đều không phải cách đi, "đường đi", đường lớn mà mọi người vẫn qua lại hàng ngày.
Nếu "đường đi" nói chung mà
"hay tối", thì biết lựa chọn con đường nào khác nữa?
Thành ngữ, tục ngữ thường có nhiều dị bản đồng nghĩa cùng tồn tại và có giá trị sử dụng như nhau. Tuy nhiên, trong 3 dị bản nêu trên, thì "Đường tắt hay tối, nói dối hay cùng" là dị bản chính xác nhất.
Thành ngữ, tục ngữ thường có nhiều dị bản đồng nghĩa cùng tồn tại và có giá trị sử dụng như nhau. Tuy nhiên, trong 3 dị bản nêu trên, thì "Đường tắt hay tối, nói dối hay cùng" là dị bản chính xác nhất.
Như vậy, nghĩa bóng câu tục ngữ là: đi đường không nên
lựa chọn con đường tắt, mà cứ con đường thẳng, đường cái, đường sáng, đàng
hoàng mà đi, sẽ không bao giờ hết lối,
hoặc gặp phải đường cụt (Hiểu rộng hơn là không nên nóng vội, lựa chọn cách làm
tắt, dễ dẫn đến bế tắc, dở dang, có khi còn lâu hơn cách làm theo lối thông thường);
cũng như thẳng thắn, trung thực, thì sẽ không bao giờ lâm vào thế cùng, bế tắc (không biết giải thích
ra sao về hành động việc làm gian dối của mình).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét