Từ năm đi học xa, Tết Trung thu năm nào tôi cũng cố về nhà,
nhưng không khí Tết kém vui dần, vì ông nội tôi đã mất năm 1946, chú thím tôi
ra ở riêng nhà bên cùng với bà nội tôi. Nhà tôi chỉ còn lại bốn người, vẫn trải
chiếu giữa sân với mâm “cỗ Tết” đơn sơ rau muống luộc, cá đồng om mẻ. Đặc biệt
không bao giờ thiếu món củ chuối bung lươn. Đêm ấy, nằm bên mẹ, tôi lại được
nghe tiếng ru ngâm giọng ấm áp, ngọt ngào như tuổi còn ấu thơ:
Đang
cơn bình địa nổi ba đào
Ai
đem củ chuối mà ngào với lươn
Tất cả đã xa xưa lắm rồi! Bây giờ gia đình tôi chỉ có nỗi
buồn đau, khi âm thầm, lúc sôi động như vô tận. Trên khoảng sân rộng trở nên
mênh mông. Chỗ “ngày xưa” trải chiếu cả đại gia đình ngồi ăn Tết thưởng trăng,
nay đám gạch bát sắc nâu tươi đã hoá màu tiết đọng thâm sì. Đó là đại dấu tích,
một vết thương tích lớn về trận hoả thiêu độc nhất vô nhị đối với kho sách vở
của gia đình tôi tích luỹ qua nhiều đời. Chúng bị kết án là tàn tích phong
kiến đế quốc, là tài liệu tuyên truyền phản cách mạng, mặc dù rõ ràng giấy trắng,
mực đen, nội dung là tuyên truyền, giáo dục cách mạng. Cho cả đến cuốn gia phả
họ Hoàng và quyển học bạ lớp 7 phổ thông, giấy chứng nhận học lực của tôi cũng
thành tro bụi. Họ vô tình hay cố ý triệt tiêu từ nguồn gốc gia đình, dòng họ
đến cả tương lai, hi vọng của tôi, nếu tới lúc nào đó có thể hi vọng chút tương
lai hết sức bé nhỏ?
Càng nghĩ càng buồn! Tôi nhớ một câu hát cũ: “Ôi ta buồn ta
đi lang thang...” Riêng tôi, tôi đâu có được đi lang thang để khuây khoả nỗi
buồn mênh mang không bờ bến? Tôi chỉ được ra đến ngõ, nếu tôi vượt quá giới
hạn, ông chó đá ngồi canh giữ tà ma sẽ nhắc tôi dừng bước. Chủ tịch Lời đã sai
công an Lưỡng đến nhà tôi truyền lệnh: Hễ ra khỏi ngõ nửa bước, cứ trói nghiến
lại, điệu cổ hắn lên xã lập biên bản tội chạy trốn, để bỏ tù mọt gông, tiệt hết
giống nòi phản động!
Tôi đã bắt đầu nhận ra bản chất Lê Quang Lời. Mồm miệng ông
thở ra khói, ra lửa. Lời lẽ ông có sắt của gươm, có thép của súng, có đồng của
đạn. Súng đạn còn ở đâu nữa, ở ngay mồm ông, cất giấu trong bụng ông! Không
biết thời gian làm lính bảo an tay sai cho Pháp-Nhật, ông đã lập thành tích
phản dân hại nước gì? Vậy mà ông quyết đấu tranh đến cùng, mình là đảng viên
đầu tiên của Đảng bộ xã Quảng Hoà?! (Việc này, năm 2008, tôi làm sách “Địa chí
huyện Quảng Xương” nên biết rõ).
Vườn nhà tôi ở phía trước nhà, rộng khoảng hơn hai sào ta.
Vốn xưa kia nó là cồn cây, mả củi của ông tộc trưởng họ Lê Văn, nằm chung thân
đất với sân và nhà. Đằng sau cái nhà trên của gia đình tôi, là ngõ ống dài đi
vào khu nhà thờ họ Lê Văn. Thế đất “chó ỉa đầu làng” của nhà tôi phải trải qua
200 năm, các cụ ra sức cải tạo, mở mang mới thành một thế đất được nhiều người
khen là đẹp.
Buồn quá, tôi thơ thẩn ra sân, càng buồn hơn, tôi lại thẩn
thơ ra vườn. Vườn rộng, nhưng là vườn tạp. Tuy vậy, thở ấu thơ đến thời niên
thiếu, nó là thế giới kì diệu, hấp dẫn, một khu rừng tuyệt vời đối với tôi. Tôi
không thể nhớ hết có bao nhiêu giống cây cỏ. Hồi nhỏ, chúng tôi hay chơi trò đố lá. Mỗi đứa ra vườn hái một
ôm lá cây và cỏ đem vào sân để đố nhau, đoán xem là lá cây, cỏ gì. Nhiều thứ lá
bị bứt khỏi cây, rất khó nhận ra. Bạn nào đoán trúng nhiều thì thắng, được búng
tai bạn thua ba cái. Cả bọn vỗ tay cười vang. Bởi vậy, kiến thức về thế giới
thực vật nhờ vào quan sát của chúng tôi được nâng cao, không trông chờ ở sự chỉ
bảo của người lớn. (Ngày nay, mấy đứa cháu tôi học trên thành phố về thăm quê
ra vườn không phân biệt được rau diếp với rau cải, cây tỏi với cây hành!)
Thực ra, nếu cần thiết, tôi
chịu khó tốn công một chút vẫn
hình dung hình dáng, vị trí từng cây, cỏ ra sao, cả những loài dây leo, do đó,
bây giờ, khi viết cuốn “Bàn về y học dân gian” (chưa có điều kiện xuất bản)
khỏi tốn công hỏi han tìm kiếm, ví dụ: Dưa chuột rài quả bé tí chữa bệnh thận,
dây bòng bong tưng tứng trị thương tích,v.v...
Sau thời gian bận học hành xa nhà, vườn cây cỏ nhà tôi vẫn
thuỷ chung xanh tốt, rậm rà chờ đợi. Cây dung ngày nhỏ cho tôi nhiều quả ăn lúc
đói lòng. Cây sắn thuyền bắt đầu có quả chín tím đỏ giữa những chùm xanh chíu
chít như sung. Hai cây dừa vô tư đứng nghiêng nghiêng soi gương mặt ao, lá dài
thướt tha, nhàn nhã phe phẩy ghẹo trêu đàn cá mè nổi lên hớp không khí. Giữa
vườn, một đám chè xanh vài ba chục cây tuổi tác nhiều năm, cánh hoa trắng muốt,
nhuỵ vàng thơm ngát. Thân chè rêu mốc, gỗ làm nõ điếu hút kêu giòn giã, gọt
miệng sáo diều thả bay lên trời vang vọng tiếng vi vu, xen lẫn âm thanh ru ru
như cồng chiêng, lúc mơ hồ, khi thoảng hoặc như chốn tiên cung, thượng
giới...Sớm sớm, bà nội tôi bắc ghế cao hái chè, đủ uống trong ngày. Các cụ quen
uống nước chè xanh đặc, gọi là đặc “cặm tăm”. Chè vừa đun xong, đun trong ấm
đất, rót ra bát tô, mùi thơm toả hương, khói bay nghi ngút, các cụ uống ngay,
vừa thổi phì phù, vừa hít hà, tận hưởng hương vị đất trời đã cho con người một
loài cây lá đặc biệt!
Đứng giữa bờ vườn sát ngõ đăng đối với phía bên kia là cây
núc nác:
Vào rừng không biết lối ra
Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm
Đó là chuyện của ai kia, với nhà tôi, các cụ xem núc nác là
cây quí. Vỏ nó chính là vị hoàng bá nam làm thuốc, thay cho hoàng bá bắc phải
tìm mua của Trung Quốc, công dụng không khác gì nhau. Chợ Nguyễn xã tôi thường
bán nhiều cá nhám tươi, dân biển đưa lên, giá rẻ, thịt nạc, chỉ có một cái
xương sống là xương sụn, cũng cứng như đầu của nó, nhai mềm sần sật. Bộ lòng cá
nhám nấu dấm rất ngon. Cá nhám chửa đẻ con. Trong bụng con cá nhám có thể chứa
đến gần chục cá con, cũng cho ta nồi dấm mẻ, dấm khế, không thứ cá nào sánh
nổi. Nhưng nhược điểm của cá nhám là mùi khai, thành ra, “cái nết đánh chết cái đẹp”! Bà nội tôi kho thịt
cá nhám với lá núc nác, dùng lá núc nác trị cái “nết khai” của nó. Thực ra, chỉ
hạn chế được phần nào thôi. Muốn cá nhám hoá thơm tho, ăn ngon tuyệt, phải
nướng cháy lớp da. Đây là thủ phạm gây ra mùi khai, vị nồng khó chịu. Cho nên,
cá nhám ăn gỏi rất ngon, không kém gì cá đuối, cá lanh...Tất nhiên, phải lột bỏ
lớp da nhám xàm xạp. Bà nội tôi cũng biết điều này. Nhưng tính cụ là vậy, bỏ cả
bộ da con cá to đi, cứ thấy tiêng tiếc không đành! Thế mới có câu “sống mỗi
người mỗi nết...”
Theo quan niệm xưa, cây núc nác kị tà ma quỉ quái. Nó đứng
ở đâu, lũ ấy đều không dám bén mảng tới gần. Thế mà một cây núc nác phía bên
kia bờ ngõ, cao đến 3 thước tây đang tươi tốt bỗng dưng bị héo rũ dần rồi chết!
Nói bị sâu ăn rễ hay đục thân? Điều này ít xảy ra với giống cây gỗ xơ. Bố tôi
trên đường lên huyện Nông Cống thăm chú Ngãi ở xã Thượng Vạn, làng Lê Xá, đi
qua Đò Sòng, hay ghé vào chơi với ông thầy Mù, làng Bến (nay thuộc xã Hoàng
Giang). Ông bị mù từ lọt lòng, cha mẹ nhân đó đặt tên Mù. Càng lớn lên ông càng
thông minh, mẫn tiệp. Cha mẹ cho đi học, ông không đọc được chữ, cũng không
biết viết, nhưng chỉ nghe qua một lần bạn học, thầy giảng là nhớ nhập tâm ngay,
không sai nửa chữ. Thầy cho học Kinh Dịch, ông thuộc từ đầu chí cuối. Thế là
ông thành thầy bói và bói rất giỏi, nổi tiếng gần xa. Nhờ nghề này, ông tự kiếm
sống, không phải ăn bám vào ai.
Người ta nói: Thầy bói “nhãn nhập tâm” nên thông minh sáng
suốt, thấy hết, biết hết việc đời. Tôi nghĩ không phải người mù nào cũng được
như vậy. Đặc biệt, tai người mù rất thính, thính đến mức nếu đã được gặp gỡ một
hai lần, chỉ cần nghe tiếng bước chân đủ biết người ấy là ai, lạ hay quen, nếu
quen thì đích thị là ai.
Lần ấy, bố tôi vào thăm chơi, thầy Mù không cần gieo quẻ,
chỉ bấm đốt ngón tay rất nhanh rồi nói: “Nầy anh kí Thuỳ, tôi biết anh vô đây
thăm tôi, không có ý hỏi tôi việc chi, nhưng chỗ thâm giao, tôi biết chi thì cứ
nói. Nhà anh có một cái cây bị chết do đứa cường tà xâm nhập nhà ta để quấy
phá, nên các pháp sư bắt trói giam giữ đã lâu. Anh cứ để mặc hắn ở đó với cái
cây chết, không cần bận tâm!”
Bố tôi cười: “Anh Mù làm thầy thiên hạ rõ xứng danh lắm!”.
Thầy Mù bật cười to: “Mù tôi không xứng còn ai mới xứng!”
Khi trở về nhà, bố tôi đem chuyện kể lại với ông nội tôi.
Nghe xong, cụ im lặng, không nói gì.
Cây núc nác cứ đứng như trời trồng, cành lá trơ trụi, trên
ngọn teo tóp dần, trông rất chướng mắt. Ai nói chuyện chặt đốn đi, ông nội tôi
nghiêm mặt; “Hãy cứ để đó!”. Kì lạ thay! Chừng một năm sau, cây núc nác ấy dần
dần sống lại! Vì thế, trong gia đình tôi ai cũng bảo: Giống núc nác thiêng
thật!
Hai cây núc nác bao năm đứng đầu ngõ, trước lối vào sân để
trấn ngự tà ma, quỉ quái, một cây cao, một cây thấp (do bị làm cột trói cường tà), đến cải cách ruộng
đất thì hết thiêng. Số là năm 1956, Đội tịch thu nhà tôi chia cho hai nông dân:
Lê Văn Tốn và anh Nậu tôi (lúc này đã đổi họ Hoàng sang họ Lê). Hai anh chia
nhà cửa, sân, vườn, chặt cả cây núc nác cho khỏi vướng.
Đầu năm 1957, Tốn và Nậu đều sinh hạ hai đứa con trai,
nhưng cùng mắc dị tật. Con anh Tốn không có lỗ đít, con anh Nậu chỉ có cuống
lưỡi. Thiên hạ kháo nhau, thành ra đứa biết ăn không biết ỉa, đứa biết ỉa không
biết ăn! Hai anh vô cùng lo lắng, rủ nhau lên bói thầy Mù. Thầy Mù bảo đặt tiền
quẻ, bói mỗi người một quẻ, rồi khẽ lắc đầu: “Một nhà hai chủ, đều vô gia cư, ở
đỗ nằm nhờ cái đất lạ lắm, lắm phật thánh, cũng nhiều yêu quái, nên sinh ra nửa người, nửa ma, phải
tìm nơi lễ tạ mà sớm tìm chỗ ở khác!”.
Hai anh phát hoảng, nghe nói điện thờ Phúc Tâm (nay thuộc
xã Quảng Vọng, Quảng Xươgn) thiêng lắm, lén rủ nhau đi xuống đó lễ tạ thần
thánh. Anh Nậu xin chuyển đến ở cái bếp nhà địa chủ đang bỏ không. Anh Tốn xin
ruộng đắp đất lập trại ở Bái Cốc. Nhà tôi thành ngôi nhà bỏ hoang, không ai dám
dòm ngó tới. Ban ngày chuột đàn chạy rúc
rích, ban đêm lũ mèo động hớn, con đực ghẹo con cái gào thét thảm thiết, con
cái sung sướng rít lên từng hồi rùng rợn như ma khóc, quỉ hờn! Trong thời gian
này, bố mẹ tôi ở đâu? Cả hai ông bà trú dưới mái lều thấp tịt, bé tí bên bờ ao đình,
nép mình bên gốc cây vông. Xóm làng, anh em họ hàng đều xa lánh vì sơn bị liên
luỵ. Nhìn qua khoảng ao rộng là bố mẹ tôi có thể thấy rõ ngôi nhà cũ thân yêu đã
bắt đầu dột nát. Từng mảng tàu kè cùn xám xịt sụt rơi chưa nỡ lìa xa mái lợp,
đu đưa trước gió như vẫy gọi người thân...
HTP/2016
Trí nhớ bác tuyệt thế, Hồi cải cách em mới 5 tuổi vùng Bắc ninh có lẽ ccrđ sau trong đó cũng rất khốn khổ nhưng bon đội không dám tàn bạo đến thế.Tuy vậy lúc 5 tuổi em cũng phải tù ở Hỏa lò rồi.
Trả lờiXóa