31 thg 3, 2017

ĐẢ THẢO KINH XÀ?

ÔngTrịnh Xuân Thanh - Anh hùng lao động
thời kì đổi mới (2011), Nguyên CTHĐQT PVC
 PCTUBND tỉnh Hậu Giang, khi đang trong quá
trình bị điều tra về tội tham ô tài sản và nhiều 
tội danh khác đã đào thoát ra nước ngoài
 một cách nhẹ nhàng êm thấm
Ảnh: ST
       HOÀNG TUẤN CÔNG

    Sáng thứ bảy, bên ấm trà Long Đậu, ngọt giọng nhấp chén, thong dong lướt web. Chợt thấy lại ảnh mấy "đồng chí" nhà ta đào thoát ra nước ngoài. Chao ôi, các đồng chí ấy trốn đi êm ru như rắn trườn trong cỏ vậy! Lại nữa, đang bị truy nã quốc tế mà sao phong thái phởn phơ, ung dung đến lạ! Bỗng nhớ đến thành ngữ gốc Hán “Đả thảo kinh xà” (打草驚蛇).
           “Đả thảo kinh xà” (Đập cỏ cho rắn sợ), xuất phát từ tích như sau:
 Đời Đường có viên quan huyện Vương Lỗ hay ăn của đút, tham ô, sách nhiễu dân ghê gớm. Một lần, dân chúng họp nhau, làm một lá đơn kiện tên thuộc hạ của Vương Lỗ phạm pháp nhận của hối lộ. Vương Lỗ xem thì thấy trong đơn kiện liệt kê rất nhiều tội trạng, tất cả đều không khác gì tội của mình, nên vừa xem vừa run lẩy bẩy, rồi buột miệng nói: “Cái này...cái này...chẳng phải là đang nói về ta hay sao?”.


          Họ Vương càng xem đơn càng kinh sợ, không còn biết phải phê đơn thế nào cho đúng, tự dưng viết ra trên giấy tám chữ: “Nhữ tuy đả thảo, ngô dĩ xà kinh打草,吾已蛇惊, nghĩa là tuy ngươi đập cỏ, nhưng ta lại tưởng mình là con rắn hoảng sợ trong đám cỏ đó.

          Về sau, thành ngữ này được dùng với nhiều nghĩa:

1. Trừng phạt người này, để cảnh cáo kẻ khác.
2. Hành động thiếu thận trọng, sở hở, khiến đối phương đào thoát.
3. Chưa đủ sức để diệt trừ được kẻ ác đã nôn nóng, lớn tiếng, khiến kẻ ác được phòng bị và quay trở lại làm hại chính mình.
4. Biết kẻ ác đang ẩn nấp đâu đó, nhưng không đủ sức diệt trừ, nên đánh động để đối phương biết mà chuồn đi. (Kế này hay được áp dụng trong thực tế: Khi phải lội vào đám cỏ cây rậm rạp, người ta thường xua đập, tạo ra tiếng động lớn, để nếu có rắn trú ẩn, thì chúng sẽ trườn đi).

          “Đả thảo kinh xà” cũng là một kế hay. Tuy nhiên, với rắn độc thì đánh ra đánh, đập ra đập, vì dân gian cho rằng, giống rắn độc hay trả thù. Đánh rắn mà không chết, nó sẽ quay lại báo thù, hậu hoạ khôn lường. Thế nên có câu “Đả xà bất tử, hậu hoạn vô tận” [打蛇不死後患無盡].

          Không biết "các đồng chí của ta" bị "đánh" hay chỉ bị "đập", mà đào tẩu êm ru như vậy. Có phải “Đả thảo kinh xà” hay không?  Nếu có thì rơi vào nghĩa thứ mấy?

                                                                                  HTC/3/2017

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét