Dây leo bòng bong hay mọc ở bụi rậm Ảnh: HTC |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Tục
ngữ “Mồ cha chẳng khóc khóc đống mối;
mồ mẹ chẳng khóc khóc bối bòng bong” khá thông dụng và dường như không
có gì cần phải bàn cãi về nội dung, ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, xét cách giải
thích của các nhà biên soạn từ điển lại thấy vấn đề không phải như vậy.
- “Từ điển thành ngữ - tục ngữ
-điển tích Việt Nam” (Nhóm biên soạn Lê Văn Đức, Hiệu đính Lê Ngọc Trụ, xuất
bản tại Sài Gòn trước 1975, gọi tắt là Lê Văn Đức): “Mồ cha chẳng khóc, khóc đồng mối thng [thành ngữ - HTC chú thích].
Con người dầu tình cảm dồi dào mà dùng lầm chỗ, thì sau này, tình cảm ấy không
còn nguyên như trước. Một người đã trung thành với kẻ xấu, một người đã đem hết
chân tình mà thương kẻ bất trinh thì dầu về sau, gặp được bạn tốt hay gái hiền,
tình cảm cũng đã sứt mẻ mà không còn đằm thắm như trước. đt (điển tích - HTC chú thích). Người kia sinh tại nước Yên, lớn
lên sang nước Sở; lúc già trở về xứ cũ. Khi đi ngang qua nước Tấn, bạn cùng
đường chỉ vào mà nói: “Đây là nước Yên”. Người ấy ngùi ngùi đổi sắc mặt. Chỉ
vào nền xã, anh bạn bảo: “Đây là nền xã làng anh”. Anh ta ngậm ngùi than thở.
Chỉ một nhà bên đường, người bạn bảo “Đây là nhà cha anh”. Anh ta rơm rớm nước
mắt. Chỉ vào gò mối bảo: “Đây là mồ cha anh”. Anh ta bụm mặt khóc oà. Cả bọn
đều cười rồ lên, khiến anh ta lấy làm bẽn lẽn. Nhưng khi về đến nước nhà thật,
trước mồ mả ông cha thật, anh ta hờ hững, không còn được như trước nữa”.
- “Từ điển tục ngữ Việt”
(Nguyễn Đức Dương NXB Tổng
hợp TP Hồ Chí Minh, 2010, gọi tắt là Nguyễn Đức Dương): “Mồ
cha chẳng khóc khóc đống mối; mồ mẹ chẳng khóc khóc bối bòng bong. Mồ cha chẳng khóc,
lại khóc mấy nấm đất do mối đùn; mồ của mẹ chẳng khóc, lại khóc mấy cái búi
bòng bong. Hay dùng để chê trách những kẻ quá tin vào lời đám thầy địa lý/thầy
cúng tới độ chỉ đi than khóc các thứ vớ vẩn, mà chẳng thèm ngó ngàng gì tới mồ
mả của cha mẹ mình”.
“Bối bòng bong”
được Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương chú thích là “búi xơ vót ra từ các
đôi đũa tre cắm trên bát cơm cúng đặt trên quan tài người mới chết”.
-“Từ điển thành ngữ
và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân - NXB Văn học - 2016): Mồ mẹ không khóc, khóc mối bòng bong
(bòng bong là đám xơ tre vót ra và rối) như câu: Mồ cha không khóc khóc đống
mối”. Mục “Mồ cha không khóc khóc đống
mối (đống mối là đống đất do mối đùn lên) Chê người tha thiết đến một việc
không phải phận sự của mình)”.
Sau
đây, chúng tôi xin đưa ra lời nhận xét về cách giải thích của các nhà biên soạn
từ điển.
- Với Lê Văn Đức, việc gắn ý nghĩa câu
tục ngữ với tích “người nước Yên” bên Tàu, theo chúng tôi là lạc đề. Bởi dù có
lúc “người nước Yên” kia bị lừa, khóc đống mối, tưởng đống mối là mộ cha mình,
nhưng câu chuyện này không nhằm chê bai sự lầm lẫn ấy, mà nói lên đặc điểm con người ta: cùng một sự việc xảy ra, cảm xúc bột phát tự nhiên lúc ban đầu rất khó lặp lại. Do
đó cách giải thích “Con người dầu tình cảm dồi dào mà dùng lầm
chỗ, thì sau này, tình cảm ấy không còn nguyên như trước” chỉ phù hợp khi gắn với câu chuyện “người
nước Yên” hồi hương, chứ không phải là ý nghĩa của câu tục ngữ Việt “Mồ cha
chẳng khóc, khóc đồng mối”.
- Cách giảng của Nguyễn Đức Dương đúng hướng hơn, nhưng lại
có “vấn đề” về cách hiểu nghĩa đen và nghĩa bóng.
Thứ nhất: “bòng bong” không phải là “búi xơ vót ra từ
các đôi đũa tre cắm trên bát cơm cúng đặt trên quan tài người mới chết”. Xơ
và toàn bộ cái đũa tre cắm trên bát cơm cúng gọi là “đũa bông” chứ không phải
là“bòng bong”. Còn phoi tre (kiểu như phoi bào nhưng dài mà mảnh
hơn, quăn hơn) do người ta vót nan tre, nứa để đan đồ đựng rồi vò thành đống
cũng gọi là “bòng bong”, nhưng không phải là “bòng bong” trong câu tục ngữ đang
xét. Có câu “Rối như búi bòng bong” cơ mà! Mấy cái xơ của đũa tre (cắm trên bát
cơm cúng) vót ra tuy cong tít nhưng một đầu vẫn dính vào chiếc đũa nên xơ nào
ra xơ ấy (tức có đầu mối) chứ đâu có rối?
Thực ra, “bòng bong” trong câu tục ngữ là một
loại dây leo, hay mọc ở các bụi rậm (đặc biệt là những nơi đất mối đùn), mầu nâu, mảnh như sợi miến mà dai, quấn
nhằng nhịt vào nhau (phương ngữ Thanh Hoá gọi là dây “tưng tứng”). Sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”
(Đỗ Tất Lợi) chép về loại “bòng bong” này như sau: “THÒNG BONG 長葉海金沙 [trường diệp hải
kim sa-HTC phiên âm] còn gọi là bòng bong, dương vong, thạch vĩ
dây. Tên khoa học Lygodium flexuosum Sw. Thuộc họ Thòng bong Schizaeaceae”.
Sách này tiếp tục mô tả: “Thòng bong là một loại quyết có hiệp rất dài, mọc
leo. Thân rễ bò, lá dài (...). Mọc phổ biến ở các bụi rậm, bờ rào. Thu hái gần
như quanh năm...”.
Ở
thôn quê, người đi kéo tép đồng bằng te, thường bứt những sợi dây bòng bong ở
bụi bờ phủ lên trên chiếc rá đựng tép. Mục đích là khi hất tép từ chiếc te vào
rá, thì tép vẫn lọt xuống bởi các kẽ hở của búi bòng bong, nhưng tép lại không
nhảy ra được do vướng búi bòng bong nhằng nhịt kia. Nông dân còn dùng cả búi
lớn bòng bong, cuộn tròn lại để cọ rửa dụng cụ cày bừa, hoặc kì cọ, tắm rửa cho
trâu sau buổi cày. Sợi bòng bong dai, dài, đan quấn vào nhau thành cái búi cọ
rửa rất bền, tiện lợi, dùng lâu dần thì đen bóng. Thành ngữ “Rối như bối bòng
bong” chính là nói đến loại “bòng bong” này.
Trở lại với câu tục ngữ. Cái tổ mối đùn nó lùm lùm gần
giống như một nấm mồ vô chủ. Còn cái bụi rậm nhằng nhịt những búi
(bối) bòng bong cũng tựa như một ngôi mộ bị thất lạc, lâu ngày hóa hoang rậm.
Thế nên, ông thầy bói đi tìm mộ, hoặc người đi tìm mộ thất lạc cứ ngỡ mồ mả tổ
tiên ông bà bấy lâu không ai chăm sóc, nên gia chủ mới nhận ngay cái tổ mối,
bối bòng bong ấy mà khóc lóc, hương khói khấn vái. Nếu hiểu như Nguyễn Đức
Dương “bòng bong” là “búi xơ vót ra từ các đôi đũa tre
cắm trên bát cơm cúng đặt trên quan tài người mới chết”, thì lúc này
con cháu đang than khóc chung quanh quan tài, làm sao có thể nhầm ra mộ tổ tiên
người khác được? Mà chết chưa chôn thì lấy đâu ra mộ?
Còn nếu hiểu “bòng
bong là đám xơ tre vót ra và rối” như
cách giải thích của GS Nguyễn Lân, thì “đám xơ tre” ấy thường được phơi ngoài sân, hè cho khô để nhóm bếp, chẳng có lí nào lại nhầm
với “mộ mẹ” của ai đó bị thất lạc được. Cách giải thích của GS Nguyễn
Lân, ngoài hiểu sai nghĩa đen của “bòng bong”, thì cách giảng nghĩa bóng “Chê
người tha thiết đến một việc không phải phận sự của mình” cũng quá chung
chung.
Theo chúng tôi, câu tục ngữ “Mồ cha
không khóc, khóc đống mối, mồ mẹ không khóc, khóc bối bòng bong” xuất phát
từ thực tế nghĩa đen là xưa kia do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chiến tranh,
loạn lạc, hoặc trải qua nhiều đời, mộ phần của cha ông thường bị thất lạc, mất
dấu tích. Bởi vậy nhiều trường hợp, người ta phải nhờ vào thầy bói đi tìm mộ,
hoặc tự đi tìm mộ.
Với thầy bói, vì muốn cho xong việc nên
có khi thầy chỉ đại vào đống mối, hay bụi bòng bong rậm rạp nào đó giông giống
cái mộ để gia chủ lấy cơ sở hương khói, khấn vái. Có những nhà mộ tổ tiên bị
mưa gió bào mòn, mất dấu, không xác định được toạ độ chính xác. Khi thấy đống
mối đùn, hoặc cái gò cao cây cối rậm rạp ở gần khoảng đất nhớ chừng chừng, thì
cứ ngỡ đó chính là mộ tổ tiên. Sau một thời gian hướng khói, khấn vái, đến khi
tình cờ (như dời chuyển mộ, cải táng) mới té ngửa là lâu nay “khóc đống mối”, “khóc
bối bòng bong”. Nghĩa là câu chuyện không phải “Hay dùng để chê trách những
kẻ quá tin vào lời đám thầy địa lý/thầy cúng tới độ chỉ đi than khóc các thứ vớ
vẩn, mà chẳng thèm ngó ngàng gì tới mồ mả của cha mẹ mình”. Bởi “mồ mả
của cha mẹ mình” có bị thất lạc thì mới phải nhờ đến thầy đi tìm, chứ đâu
phải có mồ mả sờ sờ ra đấy nhưng “chẳng thèm ngó ngàng”?
Về nghĩa bóng, tục ngữ thường được
dùng để mỉa mai, chê cười, phê phán thói “thấy người sang bắt quàng làm họ”, nhận lầm
nguồn gốc tổ tông, hoặc “thương vay, khóc mướn”, tức thương xót không phải lối,
thương xót không đúng chỗ; tôn thờ, dành tình cảm xót thương sâu nặng cho đối
tượng không xứng đáng, không liên quan gì đến huyết thống, hay quan hệ họ hàng với
mình; trong khi đó, tổ tiên, dòng tộc của mình thì lại không quan tâm, để ý.
HTC/11/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét