Bác Lê Bá Chương ở TCTP Ảnh: HTC |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Bác
Lê Bá Chương (Quảng Xương - Thanh Hoá)
gửi Tuấn Công Thư Phòng bức thư như sau:
“Tuấn Công thân mến!
Như đã có dịp trao đổi với Tuấn Công về những băn
khoăn thắc mắc của chúng tôi và cũng là những băn khoăn thắc mắc của nhiều
người trong đó có nhiều thân nhân liệt sĩ, các cựu chiến binh, mỗi lần họ đến
viếng nghĩa trang và vào thắp hương tại nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ
huyện Quảng Xương.
Những băn khoăn thắc mắc đó là: không hiểu đôi câu
đối này nhằm ca ngợi ai? Rõ ràng là không hề ca ngợi liệt sĩ! Mà chỉ ca ngợi
những người “vào tử ra sinh” trong đó có những kẻ “ham sống sợ chết”, những kẻ
đầu hàng giặc, những kẻ chiêu hồi. Một câu đối như vậy tại sao lại đặt tại nhà
tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ - những người đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự
do của Tổ Quốc. Như vậy liệu có “mủi lòng” các liệt sĩ và thân nhân của họ
không?
Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi và trực tiếp đối
thoại với các vị lãnh đạo huyện về những sai sót của đôi câu đối, nhưng kết quả
vẫn chìm trong im lặng! Ngày 1/8/2016, thay mặt chi hội thơ Đường luật huyện
Quảng Xương, chúng tôi đã gửi kiến nghị đến thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND
huyện Quảng Xương. Sau hơn 1 tháng rưỡi chờ đợi trả lời, đến ngày 16/9/2016,
tôi nhận được một phong bì, ngoài phong bì đề “UBND huyện Quảng Xương kính gửi
công dân Lê Bá Chương”
Bên trong phong bì có 2 văn bản sau:
Văn
bản thứ nhất: “Báo cáo về quá trình sưu tầm đôi câu
đối trong nhà tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ huyện”.
Nơi nhận là:
- Thường vụ Huyện ủy (để b/c)
- Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND
huyện (để b/c);
- Lưu LĐ TB &XH.
Văn bản này do phòng Lao động Thương binh và Xã hội
kính báo cáo thường trực UBND huyện. Như vậy, phải chăng là họ đã gửi nhầm địa
chỉ?? (ý bác Chương: bác là người thắc mắc về đôi câu đối, nhưng lại không được huyện trả lời đích danh - HTC chú thích).
Văn
bản thứ hai “Về
đôi câu đối trong nhà tưởng niệm Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang
liệt sĩ huyện Quảng Xương”. Người viết: ký tên Nguyễn Đức Xuân. Lại một lần
nữa văn bản lại gửi nhầm địa chỉ. Văn bản thứ hai này chỉ là ngụy biện vu vơ,
thiếu hiểu biết, cứ như Nguyễn Đức Xuân là tác giả đôi câu đối này vậy. Vì thế
cũng không cần bận tâm và bàn luận làm gì.
Trở lại văn bản thứ nhất, “Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương” cho biết:
“Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện
Quảng Xương đã liên lạc với công ty TNHH Mỹ thuật Hiền Oanh (La Xuyên – Yên
Ninh- Ý Yên- Nam Định) đề nghị Công ty giúp đỡ tìm câu đối, sau đó công ty đã
gửi về đôi câu đối và trao đổi là do Giáo sư Vũ Khiêu viết.
Vào thời điểm
đó, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương cũng đã tìm hiểu
câu đối đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ một số nơi khác, thì được biết tại Nghĩa
trang liệt sĩ huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũng có khắc một bộ câu đối (có
bộ câu đối kèm theo báo cáo), phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Duy
Xuyên thông báo đây là bộ câu đối do Giáo sư Vũ Khiêu đề tặng, trong đó có câu
đối:
“Vào tử ra sinh
vững thế anh hùng trên xứ Quảng
Đội trời đạp đất
lừng danh dũng sĩ dưới trời Nam”
Phòng Lao
động - Thương binh và Xã hội huyện Quảng
Xương đã báo cáo nội dung đôi câu đối sưu tầm được với Thường trực Huyện ủy,
thường trực HĐND – UBND huyện và đã được chấp nhận cho khắc để treo tại Nghĩa
trang liệt sĩ huyện với nội dung:
“Vào tử ra sinh
vững thế anh hùng trên đất Quảng
Đội trời đạp đất
lừng danh dũng sỹ dưới trời Nam”
Phải chăng ca ngợi những người còn sống là sở trường
và sức mạnh của giáo sư Vũ Khiêu! Điều đó được thể hiện qua bộ 3 câu đối mà
giáo sư đề tặng huyện Duy Xuyên để đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện. Trong đó
có câu:
“Thu hết tinh
hoa kim cổ lại
Dựng xây văn hiến
nước non này”
Hình như câu này không phải là câu đối? mà chỉ là
một mệnh lệnh, hoặc một lời khuyên răn mà thôi. Một câu đối mặc dù đã được thông
báo là do giáo sư Vũ Khiêu đề tặng huyện Duy Xuyên ấy thế mà được báo cáo và dễ
dàng chấp nhận để đặt tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Quảng Xương mà không cần
suy nghĩ liệu có đúng không? Có “đạo văn” không? Chúng tôi chợt nhớ đến một
truyện ngắn của nhà văn Linh Tâm với tựa đề “Kẻ trộm chữ nhà thờ” mà người dân quê tôi cho đến nay vẫn thường đàm tiếu.
Biết anh là người am hiểu về chữ nghĩa, câu đối,
chúng tôi mong được anh cắt nghĩa chu đáo
nội dung và những câu chuyện xung quanh câu đối này.
Cảm ơn anh nhiều!
T/M. Chi hội
thơ Đường luật huyện Quảng Xương
CHI
HỘI TRƯỞNG
Lê
Bá Chương”
Qua đường bưu điện, Bác Lê Bá Chương cũng gửi phát
nhanh cho tôi:
1. Bản “Kiến
nghị điều chỉnh một số điểm chưa phù hợp của đôi câu đối đặt tại nghĩa trang
liệt sĩ huyện Quảng Xương” của Lê Bá Chương.
2. Văn bản “Báo cáo về quá trình sưu tầm đôi câu đối
trong nhà tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện” của “Phòng LĐ - TB &
XH” huyện Quảng Xương.
3. Bài viết “Về
câu đối trong nhà thờ tưởng niệm Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang
Liệt sĩ huyện Quảng Xương” của Nguyên Bí thư Huyện uỷ Quảng Xương (thời kỳ
2005 - 2014).
Thưa bác Lê Bá Chương và bạn đọc!
Thực ra vấn đề này bác Lê Bá Chương đã gọi điện cho
tôi từ dạo tháng 8/2016. Tôi đã có trao đổi vắn tắt với bác Chương và tưởng như
vậy là xong. Tuy nhiên, sau đó, nhiều lần bác Lê Bá Chương lại gọi điện trao
đổi, hẹn đi hẹn lại. Lúc tôi rảnh thì bác lại ra Hà Nội với cháu, khi bác về thì tôi lại bận. Cuối cùng rồi bác cháu cũng có dịp gặp nhau. Bác Chương trực tiếp đưa tôi đưa bài phân tích về đôi câu đối nói
trên, cùng một số tài liệu liên quan. Tôi phần vì bận, phần vì không còn hứng
thú gì khi viết về chuyện chữ nghĩa liên quan đến GS Vũ Khiêu nữa (sau khi đã
viết 5 bài đăng trên Tuấn Công Thư Phòng). Bởi vậy, một lần nữa tôi chỉ trực tiếp trao
đổi riêng với bác Chương, chứ không viết bài.
Thế nhưng bác Chương với tư cách là độc giả của TCTP
vẫn tha thiết đề nghị tôi viết một bài nhận xét đăng công khai trên TCTP. Hôm
nay, ở cái thế không thể từ chối được, và dù đang rất bận, nhưng để không phụ
lòng bác Lê Bá Chương, cũng là thể hiện sự trân trọng tinh thần trách nhiệm của
bác, tôi xin đưa ra một số ý kiến về đôi câu đối: “Vào tử ra sinh vững thế anh hùng trên đất Quảng, Đội trời đạp đất lừng danh dũng sỹ dưới trời
Nam” như sau:
1 - Thành ngữ “Vào sinh ra tử” hay “Vào tử ra sinh” chỉ
là hai dị bản đồng nghĩa, mà Từ điển
tiếng Việt (Trung tâm từ điển học Vietlex) đã giảng: “vào sinh ra tử •
xông pha nơi trận mạc nguy hiểm, luôn cận kề cái chết: “Giấn mình trong áng can qua, Vào sinh ra tử hoạ là
thấy nhau.” (TKiều)”.
Chúng tôi chưa thấy cuốn từ điển tiếng Việt nào thu thập dị bản "Vào tử ra sinh", nhưng trong Hán ngữ có tồn tại các dị bản:
Chúng tôi chưa thấy cuốn từ điển tiếng Việt nào thu thập dị bản "Vào tử ra sinh", nhưng trong Hán ngữ có tồn tại các dị bản:
- Vào sinh ra tử (Nhập sinh xuất tử - 入生出死)
- Ra tử vào sinh (Xuất tử nhập
sinh - 出死入生).
- Vào tử ra sinh
(Nhập tử xuất sinh 入死出生).
Trong đó, dị bản
“Vào tử ra sinh” 入死出生, được “Hán điển” (zidic.net) thu thập và
giảng là: “形容冒着生命危险 - Hình dung mạo trước sinh mệnh nguy hiểm”,
nghĩa là: hình dung phải đối mặt với sự hiểm
nguy cho tính mệnh.
Như vậy, không
phải “Vào sinh ra tử” mới có nghĩa là xông pha nơi hiểm nguy; còn “Vào tử ra
sinh” là hèn nhát, “ham
sống sợ chết”, “những kẻ đầu hàng
giặc, những kẻ chiêu hồi”
như lo ngại của bác Lê Bá Chương. Có nghĩa thành ngữ này không được hiểu theo
cách diễn giải: “Vào sinh ra tử” (lúc vào thì sống, lúc ra thì hi sinh [ra tử]);
còn “Vào tử ra sinh” (đáng lẽ phải liều mình [vào tử] thì lại bỏ chạy để bảo
toàn mạng sống [ra sinh]).
2. Theo tôi, điều
đáng nói ở đây là tác giả đôi câu đối vận dụng thành ngữ “Vào tử ra sinh” để ca
ngợi các anh hùng liệt sĩ không phù hợp. Bởi “Vào sinh ra tử”, hay “Vào tử ra
sinh” là nói đến người đã từng xông pha nơi trận mạc, nhiều lần gặp hiểm nguy,
cận kề cái chết, chứ không phải nói đến người đã chết, đã hi sinh. (Xin đọc lại
nội dung giải thích của Từ điển tiếng Việt
và Hán điển).
3.
Thành ngữ “Đội trời đạp đất” mà tác giả vận dụng cũng rất khiên cưỡng. Bởi “Đội
trời đạp đất” (dị bản “Đầu đội trời, chân đạp đất”), là nói đến lối sống ngang
tàng, tự do, phóng túng, hành động theo lí tưởng, mục đích cá nhân, không chịu
sự ràng buộc, sai khiến của bất cứ ai. Chúng ta hãy xem một cuốn từ điển giải
thích thành ngữ “Đội trời đạp đất”:
-“Từ điển tiếng Việt”
(Trung tâm từ điển học Vietlex): “đội trời
đạp đất • ví lối sống và hành động hết sức tự
do, ngang tàng, không thừa nhận bất cứ một uy quyền nào trên đời : “Đội trời
đạp đất ở đời, Họ Từ, tên Hải, vốn người Việt Đông” (TKiều)”.
- “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên):
“đội trời đạp đất • Sống một cách ngang tàng vùng vẫy. Đội trời đạp đất ở đời, Họ Từ tên Hải vốn
người Việt Đông (K)”.
- “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”
(Nhóm Vũ Dung - Vũ Thuý Anh - Vũ Quang Hào): “Đầu đội trời, chân đạp đất [Chân đạp đất, đầu đội trời; Đạp đất đội
trời; Đội trời đạp đất] Đáng bậc hào kiệt ở đời, khí phách ngang tàng, cứng
cỏi, không chịu sống khuất phục. Đội trời
đạp đất ở đời, Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông (Truyện Kiều)”.
Có thể nói, Nguyễn Du vận dụng rất sát đúng thành ngữ “đội trời đạp đất”
khi nói về nhân vật Từ Hải - người anh hùng “Chọc trời khuấy nước mặc dầu, Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Hay
những vị như “Anh hùng Lương Sơn Bạc” cũng là những nhân vật được xem là “Đội
trời đạp đất”. Có nghĩa họ là những cá nhân, anh hùng xuất chúng nổi lên cát cứ
chống lại triều đình. Trong mắt người dân thường bị áp bức, bóc lột, thì những
người dám đứng lên lập riêng một “giang san” là những anh hùng, hào kiệt, nhưng
với triều đình, họ chỉ là “giặc cỏ”, “lục lâm thảo khấu” không hơn, không kém.
Và cuối cùng, những vị “Đầu đội trời, chân đạp đất” này thường bị thu phục hoặc
chịu thất bại. Trong khi đó, anh hùng liệt sĩ là những người có danh nghĩa
chính thống, chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc, nhân dân. Họ sống, chiến đấu có tập
thể, có chỉ huy, tổ chức kỉ luật rất chặt chẽ, chứ đâu được phép ngang tàng, tự
do phóng túng theo mục đích, lí tưởng cá nhân như các anh hùng hảo hán “đội
trời đạp đất”?
[Đáng
chú ý, GS Vũ Khiêu cũng đã từng dùng thành ngữ “Đạp đất đội trời” khi biên soạn
“Câu đối tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ
nhân 100 năm ngày sinh (1911 - 2011)” như sau: “Mười lăm tuổi ra đi, đạp đất đội trời, nặng bầu nhiệt huyết, trong học
sinh, hăng hái biểu tình, xung phong bãi khoá...” (Tư liệu trên FB của Nhà
báo Kiều Mai Sơn - Báo Nông nghiệp Việt Nam)].
4.
Như vậy, có thể thấy GS Vũ Khiêu vận dụng hai thành ngữ làm mệnh đề chính cho
đôi câu đối, nhưng cả hai thành ngữ đều không hợp, nếu không nói là sai lạc khi
khắc hoạ hình tượng các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc.
Hãy
tưởng tượng, nếu đưa đôi câu đối “Vào
tử ra sinh vững thế anh hùng trên đất Quảng, Đội trời đạp đất lừng danh dũng sỹ dưới trời
Nam” treo trong phòng truyền thống của Hội
cựu chiến binh (xã, huyện, tỉnh) nào đó, người ta sẽ thấy nội dung không hề
“sái”, ngược lại, nó có vẻ hợp hơn là đặt trong nghĩa trang liệt sĩ. Vì toát
lên trong ý tứ của hai vế đối là nói về những người từng “vào sinh ra tử”, kinh
qua trận mạc rồi trở về sau cuộc chiến, chứ không phải những người đã vĩnh viễn
nằm lại ngoài chiến trường.
Như vậy, có nghĩa GS Vũ Khiêu đã soạn
một đôi câu đối có nội dung ca ngợi cựu chiến binh để đem thờ các anh hùng liệt
sĩ? Theo tôi, căn cứ vào chữ nghĩa thì vấn đề đúng là như là vậy.
Về luật đối, tôi đồng ý với ý kiến bác Lê Bác Chương: vế sau lặp lại hai chữ "trời", thế nhưng vế trước lại không có chữ đối lại tương ứng là "không chỉnh".
Về luật đối, tôi đồng ý với ý kiến bác Lê Bác Chương: vế sau lặp lại hai chữ "trời", thế nhưng vế trước lại không có chữ đối lại tương ứng là "không chỉnh".
Thưa bác Lê Bá Chương và bạn đọc.
Đôi câu đối “Vào tử ra sinh vững thế anh hùng trên đất Quảng, Đội trời đạp đất lừng danh dũng sỹ dưới trời
Nam” khiến tôi liên tưởng đến một đôi câu đối khác [mà trong bài viết “Về đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu”,
tôi có nói là hợp với “cung bái (kính viếng) hơn là cung hạ (kính mừng)”]. Đó
là đôi “Sơn hà linh khí tại, Kim cổ nhất
hiền nhân”. Đôi “câu đối” này do Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng tặng GS Vũ Khiêu
nhân dịp GS mừng thọ 100 tuổi. (Trong bài “Thử đi tìm tác giả đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu”, tôi đã chứng minh giả
thuyết GS Vũ Khiêu chính là tác giả đôi câu đối. Có nghĩa GS biên soạn để Thủ
tướng tặng lại cho chính mình).
Sở dĩ tôi liên tưởng vì thấy chuyện kỳ
quặc: Câu đối “kính mừng” mà nội dung cứ như là “kính viếng”; còn câu đối thờ
anh hùng liệt sĩ thì nội dung lại cứ như là ca tụng những người lính trở về sau
cuộc chiến vậy!
Về đôi câu đối của GS Vũ Khiêu:“Thu hết tinh hoa kim cổ lại, Dựng xây văn hiến nước non này” tôi đã
có dịp nói đến trong bài “Về một số đôi câu đối GS Vũ Khiêu biên soạn cho Thanh Hoá” (đăng làm hai kì). Trong đó,
tôi đã dẫn chứng cùng một đôi câu đối này, nhưng GS Vũ Khiêu đem “cho” rất
nhiều nơi: từ đền thờ Hồ Chủ tịch, đến nhà mẫu giáo, từ khu đô thị mới cho đến
đền thờ các anh hùng liệt sĩ...từ Bắc chí Nam, từ trẻ đến già, người chết lẫn
người sống, thôi thì đủ cả. Và nội dung của nó hay ho đến mức nào, tôi cũng đã
phân tích khá kĩ rồi. Kính bác Lê Bá Chương và bạn tham khảo theo đường link
tôi đã dẫn.
Còn chuyện huyện Quảng Xương “sưu tầm”
câu đối ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, rồi đổi “xứ
Quảng” (Quảng Nam) thành “đất Quảng” (Quảng Xương), theo tôi là không nên, nếu
không nói là sai. (Cho dù thực tế nội dung đôi câu đối đem gán ghép vào bất cứ
vùng đất nào trên đất nước Việt Nam đều “hợp”). Một việc quan trọng như vậy dĩ
nhiên cũng không nên nhờ cậy vào một cơ sở Mỹ nghệ, chỉ chuyên về đục đẽo, sơn
thếp. Tuy nhiên, công bằng mà nói đây cũng là tình trạng chung về chữ nghĩa ở
các đình chùa miếu mạo hiện nay. Nghĩa là hoành phi, câu đối là hạng mục, nội
dung quan trọng của một công trình tưởng niệm, hoặc di tích lịch sử, nhưng
thường không được dự trù kinh phí hoặc xem là hạng mục chính để đặt người sáng
tác, biên soạn. Thế nên mới có chuyện khoán trắng cho thợ mộc, thợ nề sao chép,
gán ghép lung tung làm hỏng cả chữ lẫn nghĩa, gây bao cảnh chướng tai gai mắt.
Chuyện Phòng LĐTB và XH huyện Quảng
Xương đem tên tuổi GS Vũ Khiêu ra giống như một sự đảm bảo cho nội dung đôi câu
đối (nguyên văn qua điện thoại, bác Chương gọi là “đem ngáo ộp ra doạ tôi”)
cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Vì câu đối của GS Vũ Khiêu dở như thế nào, và
càng ngày càng dở ra sao, không ít người biết rõ. Thế nhưng cũng không ít người
vẫn sùng bái, đến “xin” câu đối như xin lộc trời, một thứ lộc “trăm năm mới có”.
Thế nên mới có chuyện GS Vũ Khiêu “sản xuất” không kịp, phải xào xáo, sao chép nội
dung câu đối của chính mình để “cho” khắp trong Nam ngoài Bắc; rồi “dân gian”
lại “xào lại” nhân lên thêm nữa, khiến cho chữ nghĩa ở “xứ Quảng” ( Nam), bỗng
chốc biến thành “đất Quảng” (Xương) là thế.
Xin có đôi lời nhận xét gửi tới bác Lê Bá Chương cùng bạn đọc TCTP.
Chúc bác Lê Bác Chương mạnh khoẻ, sáng tác nhiều bài thơ vui giống hôm nào
đến chơi thăm Tuấn Công Thư phòng bác đã ngâm nga:
“CẢNH
ÔNG GIÀ
Bà đi thăm cháu tận nơi xa
Giao lại mình tôi chức quản nhà
Sáng sáng lo mồi ba ả vịt
Chiều chiều liệu bữa bốn o gà
Cơm ăn hai bận, cơm lưng bát,
Nước uống vài lần, nước cả ca
Quanh quẩn ra vào thơ với thẩn.
Ai ngưởi thấu hiểu cảnh ông già”.
HTC/26/11/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét