9 thg 4, 2016

THỬ ĐI TÌM TÁC GIẢ ĐÔI CÂU ĐỐI THỦ TƯỚNG TẶNG GS VŨ KHIÊU (I)

Thủ tướng và GS Vũ Khiêu trong lễ mừng thọ
Ảnh: Dân trí
Hoàng Tuấn Công

Năm trước (2014) ông Hoàng Minh Tuyển-Phó ban liên lạc họ Hoàng Việt Nam có gửi đến TCTP đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu, nhân dịp Cụ mừng thọ 100 tuổi:

“Sơn hà linh khí tại
Kim cổ nhất hiền nhân.”

 Tuy đã viết một bài khá dài [nhấn vào đây để đọc] gọi là “cắt nghĩa” theo đề nghị của ông HMT, nhưng thú thực, cho đến bây giờ chúng tôi cũng chưa hiểu rõ tác giả muốn gửi gắm ý tứ gì trong đôi câu đối trên. (Thế nên, tôi có kết thúc bài viết ấy bằng câu: “mong sẽ được GS Vũ Khiêu-Bậc thầy về cổ văn, hoặc chính tác giả câu đối Chúc thọ GS giảng giải tường tận những chữ nghĩa mà chúng tôi và độc giả còn băn khoăn, chưa biết hiểu thế nào cho đúng, cho hay!”

Phần I
Từ mấy đôi câu đối của GS Vũ Khiêu ở Thanh Hóa

Đứng trước một đồ vật, công trình nào đó mà không hiểu chúng được tạo ra để làm gì, hoặc được tạo ra như thế nào, người ta thường đi tìm chủ nhân, tác giả tạo ra nó. Vì không hiểu đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu nói gì nên không ít lần chúng tôi tự hỏi: Vậy, ai là tác giả đôi câu đối?

Thử đặt ra một trong 3 khả năng sau:

1.Câu đối của Thủ tướng:
Thời “lều chõng”, câu đối là thể văn đầu tiên mà “học trò là học trò con...” đã biết làm. Tuy nhiên, ngày nay không phải người cầm bút nào cũng có thể làm được câu đối. Huống chi Thủ tướng là một chính khách, không thuộc lớp Nho học, tuy có tài hùng biện, nhưng không thường viết, lại trăm công ngàn việc, đâu có thời gian ngồi tìm ý tứ, chữ nghĩa soạn câu đối mừng thọ. Bởi vậy, soạn câu đối mừng thọ cho một cá nhân nào đó nằm ngoài khả năng, và không phải việc của Thủ tướng.

2.Câu đối do một tác giả X nào đó:
Liệu bộ phận tham mưu (hoặc chính Thủ tướng) có tự làm khó cho mình khi chủ động lựa chọn món quà mừng thọ một người nổi tiếng giỏi về câu đối, là một đôi câu đối? Soạn thế nào để vừa hợp ý Thủ tướng, vừa hài lòng GS Vũ Khiêu? Nếu là bậc túc Nho, uyên thâm chữ nghĩa, liệu có chịu nhận hoặc soạn một đôi câu đối “thất đối” như vậy để ca ngợi GS Vũ Khiêu? Ngược lại, với kẻ vô danh tiểu tốt, liệu có được “chọn mặt gửi vàng” hoặc dám cầm bút để soạn câu đối cho đương kim Thủ tướng tặng vị GS lừng danh chữ nghĩa như cụ Vũ Khiêu?

3. Từ "Vô danh thị" đến "Hữu danh thị".
Khi tạm loại trừ hai khả năng (1) và (2) chúng tôi thử xếp Câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu vào diện “vô danh thị” (khuyết danh). Vậy, có cách nào để tìm ra tác giả của một tác phẩm khuyết danh không? Thưa là có thể. Ấy là vận dụng khoa Văn bản học. Lấy một (hoặc một số) tác phẩm đã biết tác giả (gọi là tác giả A) đối chiếu với tác phẩm X (khuyết danh), từ đó tìm ra những đặc điểm chung về: bút tích; hành văn; từ ngữ tác giả quen dùng, ưa dùng; hình tượng, điển tích tác giả hay vận dụng; thậm chí là những từ ngữ tác giả hay dùng sai,v.v...Qua đó, có thể xác định một cách khá chính xác tác phẩm X có phải cùng tác giả A hay không.

Đối chiếu nội dung đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu với các câu đối, chúc văn, văn tế, văn bia... khác của GS Vũ Khiêu chúng tôi thấy có một số đặc điểm chung, dễ nhận thấy như:

[1]-GS Vũ Khiêu ưa dùnghay dùng sơn hà đối với kim cổ:
-Câu đối Thủ tướng mừng thọ GS Vũ Khiêu:

SƠN HÀ LINH KHÍ TẠI
KIM CỔ NHẤT HIỀN NHÂN.

So sánh với một số câu đối, chúc văn của GS Vũ Khiêu:

-Câu 1: Câu đối của GS Vũ Khiêu về Thanh Hóa:
“Khí vượng sơn hà, đế bá vương hầu hoa mãn địa
Danh oanh kim cổ, anh hùng hào kiệt thế xung thiên.”

Ở đây, kiểu đối sơn hà-kim cổ giống hệt câu đối Thủ tướng mừng thọ GS.

-Câu 2: câu đối của GS Vũ Khiêu về Tổ quốc, Bác Hồ ở Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ tại Hàm Rồng- Thanh Hóa:

“Thu hết tinh hoa kim cổ lại
Vươn cao khí thế nước non này.”

-Câu 3: câu đối của GS Vũ Khiêu đề Văn miếu Trấn Biên -Đồng Nai:

“Thu hết tinh hoa kim cổ lại
Xây cao văn hiến nước non này.”

Hai đôi câu đối trên có hơi khác một chút: “kim cổ” được đối với “nước non”. Điều này cũng dễ hiểu, GS Vũ Khiêu không dùng: “Xây cao văn hiến “sơn hà” này” vì đây là câu đối Nôm (câu 1 và câu 2 là câu đối Hán) Tuy nhiên “nước non” hay sông núi, giang sơn cũng có nghĩa tương đương như “sơn hà”.  Như vậy, dù “kim cổ-sơn hà” hay “kim cổ-nước non” vẫn là cùng kiểu đối, cách đối quen thuộc của GS Vũ Khiêu.

Có người sẽ nói: đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. GS Vũ Khiêu đối được thì người khác cũng có thể dùng các chữ ấy được. Đúng thế! Vậy, chúng ta thử đi tìm xem người khác có đối, hoặc hay đối như vậy không. Ấy là tra cứu trong sách “5.000 hoành phi câu đối thường dùng” (Chủ biên Trần Lê Sáng-NXB Văn hóa thông tin-2006). Đây là cuốn sách sưu tầm, tập hợp 5.000 hoành phi câu đối thường dùng (tron đó hoành phi chiếm 350 bức), nguồn khá đa dạng: các tư gia, từ đường, các dòng họ, đền nghè, miếu mạo, chùa chiền, lăng mộ, danh lam thắng cảnh,...; từ câu đối Nôm đến câu đối Hán; từ loại câu đối dân gian, khuyết danh, không rõ tác giả, nguồn gốc, đến câu đối có tác giả, chú thích rõ hiện đang treo ở đâu,v.v...Nội dung câu đối cũng vô cùng phong phú: câu đối chúc tụng, mừng thọ, phúng viếng, câu đối thờ, ca ngợi non sông đất nước, các anh hùng hào kiệt, từ cổ chí kim...Kết quả: chúng tôi không thấy có cặp từ: “sơn hà” đối với “kim cổ” nào.

Vậy, trong “5.000 hoành phi câu đối thường dùng”, “sơn hà” (hoặc “giang sơn”) và “kim cổ” thường được đối với gì? Chúng tôi thấy như sau:

-SƠN HÀ: sơn hà đối vũ trụ (tỉ lệ nhiều); sơn hà đối nhật nguyệt (nhiều); sơn hà-xã tắc (nhiều) sơn hà-bạch nhật; sơn hà-thiên địa; sơn hà-miêu duệ; sơn hà-lăng miếu;; sơn hà-thảo thụ; sơn hà-điện các; GIANG SƠN: giang sơn-miếu mạo; giang sơn-nhật nguyệt; giang sơn-hà nhạc...

-KIM CỔ: kim cổ-hậu lai; kim cổ-sơn xuyên;; chí kim-tự cổ; tả hữu-cổ kim; đông tây-kim cổ; vũ trụ-cổ kim (nhiều)...

Nhìn chung, trong thể văn biền ngẫu hoặc câu đối, xưa nay “sơn hà” thường đối với “xã tắc”; “xã tắc” đối “giang sơn” (hoặc sơn xuyên) tức cùng nói về lãnh thổ, Tổ quốc, dân tộc...Điển hình như:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”
(Tức sự-Trần Nhân tông)

Xã tắc dĩ chi điện an
Sơn xuyên dĩ chi cải quan”
( Trích “Bình Ngô đại cáo”)

-“Thục triều xã tắc tôn thiên trụ
Hương lĩnh sơn hà tráng đế cư”

-“Bảo Việt sơn hà vân trục Bắc
Phù trần miếu xã nhật thăng Đông”
 (Nguồn: “5.000 hoành phi câu đối thường dùng”)

[2]- GS Vũ Khiêu hay dùng các từ “kim cổ”; “sơn hà”, thích dùng “kim cổ” hơn “cổ kim” (dù hai từ này đồng nghĩa):

-Câu 1: câu đối GS Vũ Khiêu đề Văn miếu Trấn Biên:
“Xây cao Văn miếu, tiếp thu thành tựu bắc nam
Mở rộng học đường, khai thác tinh hoa kim cổ.”

-Câu 2: Văn tế đồng bào bị chết vì nạn đói năm 1945:
“Điêu tàn khắp cả
Bắc Nam,
Đói rét chưa từng
kim cổ”.

-Câu 3: GS Vũ Khiêu tặng Nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh (năm cụ 70 tuổi):
“Nửa mắt nhìn đời, thu cả tinh hoa trời đất lại,
Bảy tuần thưởng Tết, bày đầy cảnh sắc cổ kim chơi.”

-Câu 4: Chúc văn giỗ Tổ Hùng vương:
“Sánh đôi tài sắc: Kim cổ kỳ phùng
 Hợp một âm dương: Uyên ương tuyệt mỹ!”

-Câu 5: Đề đền thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu (thành Cửa Bắc):
“Trung vị quốc, nghĩa vị dân, lưỡng phiến đan tâm huyền nhật nguyệt
Sinh ư Nam, tử ư Bắc, thiên thu
chính khí vượng sơn hà.”

-Câu 6: Văn bia tưởng niệm Lý Thái Tổ ở Hoa Lư – Ninh Bình (Nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Đông Đô –Hà Nội, chuẩn bị cho kỷ niệm 1.000 năm Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long):
Sơn hà Đại Việt, một dải hùng cường
Văn hiến Thăng Long, ngàn thu truyền tụng.”

-Câu 7: câu  đối nhà thờ họ Vũ phương Nam:
“Vũ tộc dựng cơ đồ, muôn dặm sơn hà lưu sự nghiệp
Nam phương xây miếu tổ, chân trời góc bể nhớ công ơn”.

[3]-GS Vũ Khiêu hay dùng “khí” hoặc “linh khí”:

-Câu 1: GS Vũ Khiêu “giáng bút” ở Đền Nội-Bình Đà:
“Lớp lớp cháu con, tu nhân, dưỡng trí
Đất Bình Đà ngút ngàn linh khí...”

-Câu 2: Chúc văn Giỗ Tổ Hùng Vương của GS ngày 10/3 năm Canh Thìn (2000):
“Trống đồng vang lên,
Trời đất ngút ngàn
linh khí!”

-Câu 3: Câu đối ở Thanh Hóa:
Khí vượng sơn hà, đế bá vương hầu hoa mãn địa
Danh oanh kim cổ, anh hùng hào kiệt thế xung thiên.”

Lại nói về từ “linh khí”:

Trong thực tế có quan niệm về cái gọi là “linh khí”. “Hán Việt từ điển” (Đào Duy Anh) giải nghĩa “linh khí” là “cái khí thiêng liêng”. Tuy nhiên, trong thơ văn, câu đối, người ta rất hiếm khi dùng “linh khí” để ca ngợi về con người hoặc vùng đất nào đó. Qua tra cứu “5000 hoành phi câu đối thường dùng” chúng tôi hay gặp: 
+nguyên khí (Thiên thu tổ quốc vượng nguyên khí; Nhất thống giang sơn vĩnh thái bình).
+thụy khí (Tạc dạ hòa phong lai mãn hộ; Kim triêu thụy khí đáo doanh môn).
+ anh khí (Nhật nguyệt tường quang điều ngọc chúc; Giang sơn anh khí ủng trùng vân); 
+thục khí (Xuân đáo chu thiên đào thục khí; Thời lai quán địa mộc vinh ba) hòa khí (Vi nhân hòa khí xuân vô hạn; Xử sự công bình lộc tự nhiên).
+ tráng khí (An Nam tráng khí sơn  hà tại; Bình Bắc dư linh thảo mộc tri) v.v...


Chúng tôi không dám chắc mình đã không bỏ sót bất kỳ một đôi câu đối nào trong số 4.650 đôi câu đối Hán Nôm trong sách. Tuy nhiên, chỉ cần tra cứu tới 90% mà không gặp “sơn hà-kim cổ”, không gặp “linh khí” thì đã có thể kết luận cách đối, cách dùng từ này rất hiếm gặp. Ấy thế mà nó lại khá đậm đặc trong văn chương, chữ nghĩa của GS Vũ Khiêu.

                                                                HTC/2015

                                           (HẾT PHẦN I)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét