Thầy đồ và học trò xưa Ảnh: ST |
Vụ bé Vân An (8 tuổi, TPHCM) bị người tình
của bố đẻ bạo hành đến chết khiến báo chí và mạng xã hội lại bùng lên chuyện
đúng sai trong quan niệm giáo dục “Thương
cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” của ông bà ta xưa.
Dù phản đối hay ủng hộ, thì hầu như đa số đều hiểu roi vọt đơn giản là đánh đòn. Đây cũng là cách hiểu của Nhà giáo Nhân dân, Nhà biên soạn từ điển Nguyễn Lân. Ông giải thích: “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi: Cách dạy cũ là dùng roi vọt, nhưng ngày nay cách dạy đó là lỗi thời vô nhân đạo, vì dạy con không phải biến con thành một kẻ nô lệ.” (trích Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam).
Cách hiểu trên đây
xét về nghĩa đen không sai. Tuy nhiên, căn cứ nghĩa của cả hai vế, thì dân gian
không dừng lại ở đó.
-“Cho
roi cho vọt” theo nghĩa đen:
Roi vọt là một
trong sự lựa chọn trong việc dạy dỗ con cái từ hàng ngàn năm trước. Sách Nhan
thị gia huấn 顏氏家訓
(thời Nam Bắc triều), đã
có câu: “Si nộ phế ư
gia, tắc thụ tử chi quá lập kiến – 笞怒廢於家, 則豎子之過立見 (Trong nhà mà thiếu mất việc đánh đòn thì trẻ nhỏ mau
chóng mắc lỗi).
Dân gian có câu
“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Thực tế khi con cái, học trò nhỏ chưa hiểu
được sự lý, lại phải đứa cá tính cứng đầu cứng cổ mà khoa giáo dục tâm lý hoàn
toàn bất lực, thì việc đánh đòn được
xem là “công cụ hỗ trợ” cần thiết để thay đổi ý thức của trẻ nhỏ.
Một kiểu đánh đòn mang tính răn đe trẻ nhỏ Ảnh: ST |
Tuy nhiên, cách đòn
roi với trẻ nhỏ của ông bà ta xưa kia chủ yếu mang tính chất doạ nạt, giơ cao
đánh khẽ. Có khi chỉ là rút đánh “soạt” cái roi mây hoặc quát to “Đem cái roi
ra đây!” để đe nẹt. Khi cần thiết đòn roi thực sự thì dân gian cũng có phương
pháp. Đó là bắt nằm sấp và quất vào mông. Roi mây tiết diện nhỏ chỉ gây đau
rát phần mềm chứ không ảnh hưởng đến ngũ tạng của trẻ nhỏ. Mặt khác, tư thế nằm sấp cũng đề phòng trẻ tránh đòn mà roi gậy vô tình lại vụt đúng vào chỗ hiểm.
Nhiều đứa trẻ lót
mo cau nằm đợi lãnh đòn trách phạt. Cha mẹ biết mẹo giảm đòn đau của con nhưng
cũng đánh bài lờ. Ông thầy có tiếng dữ đòn, nhưng cũng dừng ở mức vụt vào mông,
hoặc lấy thước dần vào tay để rèn cặp chữ nghĩa. Một khi trẻ biết lỗi, có tiến
bộ, thì hình ảnh cái roi mây treo trên phên vách chỉ mang tính biểu tượng, nhắc
nhở con cái về gia pháp mà thôi.(*)
Những điều trên lý
giải tại sao không ít người kể về việc bị cha mẹ, thầy dạy đánh đòn như một kỷ
niệm đẹp và lòng biết ơn vì đã nghiêm khắc dạy dỗ mình nên người.
-“Roi vọt”, “ngọt bùi” theo nghĩa bóng:
Trong thực tế có
nhiều bậc cha mẹ lấy việc nhìn thấy con cái được đủ đầy, vui sướng, ăn ngon mặc
đẹp làm mãn nguyện, hạnh phúc. Chuyện chúng sẽ trưởng thành ra sao, lấy gì làm
hành trang khi tự lập thì có khi không tính đến, hoặc không biết dằn lòng gác
lại tình cảm để nghiêm khắc dạy dỗ con cái. Theo cách nói của dân gian, việc
chiều chuộng ấy chẳng khác nào “ghét”, hại con. Hiểu theo nghĩa bóng, “cho
roi, cho vọt” là sự rèn cặp,
dạy dỗ nghiêm khắc của cha mẹ đối với con cái để chúng nên người, chứ không
dứt khoát là dùng đòn roi, gậy gộc để đánh đòn. Tương tự, “cho ngọt, cho bùi” được hiểu là
sự nuông chiều, ôm ấp, làm thay cho con tất cả, thậm chí bỏ qua cả những lỗi lầm đáng ra phải trách phạt, khiến con cái
trở nên hư hỏng, chứ không phải là cho ăn
uống những thứ bánh trái có vị ngọt bùi.
Dân gian thường
dùng lối nói thậm xưng để tạo hiệu quả trong truyền đạt thông tin. Ví như câu Thương
con cho miếng tiết, giết con cho miếng gan, thì nghĩa bóng là kinh
nghiệm nuôi dưỡng trẻ nhỏ: Gan động vật rất khó tiêu, cho chúng ăn gan chẳng
khác nào “giết” chúng, chứ không phải “giết con” thật.
Chúng ta còn gặp lối nói thậm xưng trong một số câu tục ngữ về giáo dục như Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn, Hay chữ chẳng bằng dữ đòn! Vậy, có ông thầy nào chẳng cần “hay chữ”, chỉ cần “dữ đòn” mà lại có trò giỏi? Những câu trên chủ yếu được nhấn mạnh về nghĩa bóng của vế thứ hai: Muốn việc dạy và học có kết quả, điều trước tiên ông thầy phải nghiêm khắc. Thế nên tục ngữ gốc Hán cũng có câu đề cao tính kỷ luật, quy phạm trong giáo dục như Nghiêm sư xuất cao đồ 嚴師出高徒 (Thầy dạy phải nghiêm khắc mới có trò giỏi). Tương tự câu Si nộ phế ư gia, tắc thụ tử chi quá lập kiến trong Nhan thị gia huấn, thì “si nộ” (đánh đòn) ở đây ngoài nghĩa đen là đòn roi, thì nghĩa bóng cũng là sự nghiêm khắc trong dạy dỗ con cái.
Như vậy, dù hiểu
theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, thì việc đánh
đòn trong chốc lát để răn đe, giáo dục, uốn nắn, xuất phát từ
tình cảm yêu thương, trách nhiệm của cha mẹ hoàn toàn khác với tính chất dùng đòn roi để hành hạ trong thời gian dài, ngõ hầu thoả mãn sự hung bạo, độc ác, ghét bỏ, hận thù của người lớn trong
nhiều vụ bạo hành trẻ nhỏ đến mức xảy ra án mạng. Đó mới thực sự là thứ “cho roi cho vọt” cần phê phán, loại bỏ triệt
để trong đời sống, cần sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Hoàng Tuấn Công/31/12/2021
........
(*)-Dĩ nhiên trong thực tế cũng có những ông bố bà mẹ "dữ đòn" thật sự, ít nhất là trong cơn giận dữ. Và tai nạn, rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra trong tình huống mất kiểm soát. Mặt khác, không phải bao giờ "đánh đòn" cũng có tác dụng tích cực, mà ngược lại có thể gây phản tác dụng, và tạo nên tổn thương về tâm lý cho trẻ.
Rất đúng ạ!
Trả lờiXóa