21 thg 6, 2024

Một số điểm không ổn của đề thi Ngữ văn, tuyển sinh vào lớp 10 THPT (tỉnh Thanh Hóa năm 2024)

 

Đề Văn thi lớp 10
(Thanh Hoá 2024)
             HOÀNG TUẤN CÔNG

Hôm trước, khi đọc qua đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 THPT (tỉnh Thanh Hóa, 2024) tôi giật mình vì thấy ngữ liệu có nhiều vấn đề đáng bàn, trong khi những câu hỏi đưa ra với thí sinh cũng không ổn. Thế nhưng đề văn này lại được đánh giá là “ngữ liệu hay”, “gần gũi, hướng đến lẽ sống nhân văn, cao đẹp được nhiều người khen hay”(!)

Xin trích một vài lời “khen hay” của giáo viên Văn dành cho đề thi:

-“Nhận định về đề thi Ngữ văn năm nay, cô giáo Đinh Thị Hoài Anh, giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường THCS Minh Khai cho rằng: Đề thi vào lớp 10 THPT công lập tỉnh Thanh Hoá năm học 2024-2025 đảm bảo cấu trúc, bám sát chương trình sách giáo khoa, cơ bản, vừa sức.

Đối với phần đọc hiểu: Ngữ liệu hay, câu hỏi rõ ràng, không đánh đố.

Phần nghị luận xã hội bàn về ý nghĩa của việc biết sống vì người khác, vấn đề gần gũi và hướng đến lẽ sống nhân văn, cao đẹp […]”

-“Phân tích sâu hơn về đề thi, cô giáo Trịnh Thị Hải, Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hoá), cho biết: Đề thi môn ngữ văn năm nay ngữ liệu hay, đảm bảo tính vừa sức, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc…”.

 (Trích bài “Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tỉnh Thanh Hóa: Đề thi Ngữ văn gần gũi, hướng đến lẽ sống nhân văn, cao đẹp” – Báo Thanh Hoá, 13/06/2024). https://baothanhhoa.vn/ky-thi-vao-lop-10-thpt-cong-lap-tinh-thanh-hoa-de-thi-ngu-van-gan-gui-huong-den-le-song-nhan-van-cao-dep-216666.htm

Trở lại với đề thi môn Ngữ văn.

Người ra đề lấy đoạn ngữ liệu trích từ “Huyền thoại phần mía ngọn” của Đoàn Công Lê Huy với những yêu cầu như sau:

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Mùa hạ năm nay mưa nhiều. Dưới bầu trời mưa luôn có người vui có người buồn. Người vui vì trời đỡ oi hơn, không khí lành lại sau cơn mưa giông chiều. Người buồn vì gánh tào phớ lướt thướt, hi vọng tan dần theo làn mưa.

Người vui vì khoai sắn mọc trên đồi, người buồn vì nước mắt rơi trên những đồng muối hòa theo hạt mưa rơi.

Cuộc đời này luôn có vui có buồn, như cái áo luôn có mặt trái mặt phải […] Làm sao để niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người kia. Làm sao để công nghiệp hóa một ngôi làng nhưng lại không ung thư hóa dân làng. Làm sao để tăng lợi nhuận đầu tư nhưng đừng đổ chất thải ám hại môi trường sống. Làm sao để tăng trưởng, để giàu có hơn, nhưng đừng bức tử nguồn nước cho mai sau, đừng để những con kênh thành kênh nước đen, đừng để những dòng sông thành sông chết…

Niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người kia. Chỉ có thể là thế khi mình biết nghĩ đến người khác […] Tôi có đọc một truyện ngắn của Tổng thư kí tòa soạn báo Sinh viên Việt Nam – Hoa học trò mang tên “Huyền thoại phần mía ngọn”. Câu chuyện trả lời câu hỏi khi nào em lớn? Câu trả lời khi nào em biết nhận phần ngọn mía, để phần mía gốc cho người khác. Ấy là khi em lớn, vịt con xấu xí sẽ biến thành thiên nga.

(Trích Huyền thoại phần mía ngọn, theo Yêu xứ sở thương đồng bào, Đoàn Công Lê Huy, NXB Kim Đồng, 2016, tr. 82 – 85).

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Theo tác giả, vì sao dưới bầu trời luôn có người vui, có người buồn?

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ trong những câu văn sau: Làm sao để công nghiệp hóa một ngôi làng nhưng lại không ung thư hóa dân làng. Làm sao để tăng lợi nhuận đầu tư nhưng đừng đổ chất thải ám hại môi trường sống.

Câu 4. Em có đồng tình với ý kiến: Em lớn là khi biết nhận phần phía ngọn, để phần mía gốc cho người khác không? Vì sao?”

 PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản trong phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của việc biết sống vì người khác”.

Như đã nói ở trên, đề thi này có nhiều điểm không ổn:

1.

Xưa nay, cùng một điều kiện thời tiết (nắng hay mưa, nóng hay lạnh), nhưng kẻ vui, người buồn; kẻ hưởng lợi, người “lãnh đủ”. Điều đó hoàn toàn bình thường, bởi trên thế gian có muôn vàn ngành nghề, mỗi ngày diễn ra muôn vạn hoạt động của con người. Tùy vào ngành nghề, hoạt động mà chuyện nắng-mưa, nóng-lạnh được xem là niềm vui hay nỗi buồn, thuận lợi hay khó khăn.

 

Trời nắng nóng, người kinh doanh du lịch biển thì hốt bạc, trong khi dân chăn nuôi trồng trọt thì khốn khổ. Khác ngành nghề đã đành, nhưng có khi cùng một nghề mà kẻ làm ruộng cao thì mong mưa, người cấy ruộng thấp lại mong nắng; thậm chí là cùng một người, một nghề, nhưng khi hái dâu thì thích trời râm, lúc ươm tơ lại cầu trời nắng. “Mưa Xuân rả rích như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được tưới tắm, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trượt. Trăng Thu vằng vặc trên trời, thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng ngoạn, ngâm vịnh, nhưng kẻ trộm cắp lại ghét vì ánh trăng sáng tỏ!” (điển tích “Lời thị phi” của Tàu). Câu chuyện này đã diễn ra hàng ngàn năm trước, và sẽ tiếp tục diễn ra tới ngàn năm sau, không có cách gì dung hoà được. Bởi thế, từ xa xưa dân gian đã xem đây là sự đời, lẽ thường tình ở đời và tổng kết nên nhiều câu tục ngữ rất thú vị:

         - Tục ngữ Hán: “Thái tang nương tử yếu tình thiên, chủng điền ca ca yếu vũ thiên” (Cô nàng hái dâu cầu trời nắng, anh chàng làm ruộng muốn trời mưa).

 

-Tục ngữ Tày: “Trời vân vũ, người Kinh chết đói, người Nùng được ăn” (Vạ lài mèo Keo thai giác Hác đảy kin); “Ngày mưa tốt cho người uống rượu nhưng không hay cho đứa đi chăn trâu” (Vẳn phân đây kin lẩu tọ xẩu lạo đếnh vài). “Gieo lúa nương mong mưa, cấy ruộng mong nắng” (Ván rẩy ngòong phân mà đăm nà ngòong đét rọn).

 

-Tục ngữ Việt: “Quạ ăn dưa bắt cò dãi nắng” (Nắng nóng, quạ được chén những trái dưa ngọt lành, trong khi môi trường kiếm ăn của cò lại bị khô hạn, cá tôm chết hết cả); “Kẻ ăn rươi, người chịu bão” (Mùa rươi, kẻ ở đồng sác, cửa sông thì thu lợi từ rươi, còn người ở vùng khác thì phải chịu mưa bão). “Hái dâu mong râm, được tằm mong nắng”,v.v…

 

2.

Mở đầu bằng câu chuyện kẻ vui người buồn trong mưa, tác giả bỗng dẫn dắt, liên hệ với một vấn đề không hề liên quan, đó là công nghiệp hoá và ô nhiễm môi trường: “Cuộc đời này luôn có vui có buồn, như cái áo luôn có mặt trái mặt phải […] Làm sao để niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người kia. Làm sao để công nghiệp hóa một ngôi làng nhưng lại không ung thư hóa dân làng. Làm sao để tăng lợi nhuận đầu tư nhưng đừng đổ chất thải ám hại môi trường sống….”.

 

Như đã phân tích ở trên. Nắng mưa là quy luật của muôn đời. Niềm vui của người được mát mẻ trong mưa hoàn toàn không phải là nguyên nhân khiến cho kẻ bán tào phớ bị ế khách; anh chàng được mùa khoai sắn hoàn toàn vô can trước “người buồn vì nước mắt rơi trên những đồng muối hòa theo hạt mưa rơi”. Trong khi “công nghiệp hóa một ngôi làng”, lại là nguyên nhân trực tiếp của “ung thư hóa dân làng”; tương tự “tăng lợi nhuận đầu tư”, là thủ phạm khiến “chất thải ám hại môi trường sống….”.

 

Một khi đã khẳng định “cuộc đời này luôn có vui có buồn, như cái áo luôn có mặt trái mặt phải…”, thì có nghĩa người ta không thể thay đổi cái “luôn” mang tính quy luật đó. Tuy nhiên, với nắng mưa thì sự dung hoà giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa lợi và hại đối với tất các ngành nghề, hoạt động là không thể. Trong khi nếu làm chủ công nghệ tiên tiến và tuân thủ luật pháp, đảm bảo nguyên tắc phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường thì người ta hoàn toàn có thể “công nghiệp hóa một ngôi làng nhưng lại không ung thư hóa dân làng”,v.v...

 

Như vậy, đem niềm vui nỗi buồn sau cơn mưa ra để liên hệ, so sánh với phát triển công nghiệp gây ô nhiễm môi trường là hoàn toàn lạc điệu, mâu thuẫn và thậm chí gây hiểu lầm rằng tác giả đang biện minh cho ô nhiễm, cho ung thư....

 

 3.

Tác giả tiếp tục dẫn dắt, liên hệ và đưa ra cách giải quyết mâu thuẫn “Niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người kia” bằng lời khẳng định: “Chỉ có thể là thế khi mình biết nghĩ đến người khác […] Tôi có đọc một truyện ngắn của Tổng thư kí tòa soạn báo Sinh viên Việt Nam – Hoa học trò mang tên “Huyền thoại phần mía ngọn”. Câu chuyện trả lời câu hỏi khi nào em lớn? Câu trả lời khi nào em biết nhận phần ngọn mía, để phần mía gốc cho người khác. Ấy là khi em lớn, vịt con xấu xí sẽ biến thành thiên nga”.

 

Sau một loạt những ý tứ lủng củng, luận điểm phi logic, đây chính là đoạn mà người ra đề căn cứ để đặt câu hỏi “Theo tác giả, vì sao dưới bầu trời luôn có người vui, có người buồn?"

 

Có lẽ đa số thí sinh sẽ “theo” chính nội dung của trích đoạn trích này để trả lời: "Cuộc đời này luôn có vui có buồn, như cái áo luôn có mặt trái mặt phải..", và "Niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người kia. Chỉ có thể là thế khi mình biết nghĩ đến người khác”! 

Thế nhưng câu hỏi đặt ra là người được hưởng mát mẻ khi trời mưa, sẽ “nghĩ đến” kẻ bán tào phớ bằng cách nào? Anh chàng trồng “khoai sắn mọc trên đồi”, sẽ “nghĩ đến” kẻ dưới “đồng muối” ra sao? Không lẽ “nghĩ đến” bằng cách cầu trời đừng mưa xuống và nhận phần thua thiệt, nóng bức, khô hạn về mình? Còn chuyện “công nghiệp hóa một ngôi làng nhưng lại không ung thư hóa dân làng”, “tăng lợi nhuận đầu tư nhưng đừng đổ chất thải ám hại môi trường sống….”, là xuất phát từ trình độ khoa học kĩ thuật, sự tuân thủ luật pháp về bảo vệ môi trường,…chứ đâu phải chuyện nhường nhịn, “biết nghĩ” đến người khác? Kinh doanh, phát triển kinh tế sao lại đi kêu gọi sự “hi sinh” của bên này để nhường lợi ích cho bên kia? Khi “em” còn nhỏ thì tội tình gì mà gọi “em” là “vịt con xấu xí”; lí lẽ nào để buộc “em” phải chọn phần “mía ngọn” mới được gọi là “thiên nga”?

 

4.

Câu 4 của đề thi được đặt ra theo hướng mở: Em có đồng tình với ý kiến: Em lớn là khi biết nhận phần phía ngọn, để phần mía gốc cho người khác không? Vì sao?”

 

Như vậy, thí sinh có quyền làm bài theo hai hướng: đồng ý hoặc không đồng ý. Tuy nhiên, theo truyền thống “Bất nguyện văn chương cao thiên hạ, chỉ nguyện văn chương trúng thí quan” (Chẳng mong văn chương đạt trình độ cao, chỉ mong văn chương trúng ý giám khảo), thì thí sinh sẽ “đoán ý giám khảo” mà chọn cách “đồng tình với quan điểm Câu chuyện trả lời câu hỏi khi nào em lớn? Câu trả lời khi nào em biết nhận phần phía ngọn, để phần mía gốc cho người khác”. Điều này gần như chắc chắn. Vì sao? Vì ngay sau buổi thi, chính giáo viên Văn đã “đoán ý giám khảo” và nhận xét là “phần nghị luận xã hội bàn về ý nghĩa của việc biết sống vì người khác, vấn đề gần gũi và hướng đến lẽ sống nhân văn, cao đẹp”; “môn ngữ văn năm nay ngữ liệu hay, đảm bảo tính vừa sức, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc…”. Và chẳng phải báo chí cũng đã kịp thời lên bài, giật tít “Đề thi Ngữ văn gần gũi, hướng đến lẽ sống nhân văn, cao đẹp” đó sao?

 

Chuyện ca ngợi đức tính nhường nhịn không có gì mới lạ. Xưa kia khi trẻ con học “Tam tự kinh” đã phải biết đến câu “Dung tứ tuế, năng nhượng lê” (Khổng Dung bốn tuổi đã biết nhường quả lê ngon nhất cho bố mẹ). Tuy nhiên, đây là chuyện hiếu thảo, chuyện đối đãi trong gia đình, giữa những người ruột thịt với nhau, hoặc ứng xử mang tính xã giao trong một số tình huống cụ thể ngoài xã hội, chứ không thể nâng lên thành một giá trị mang tính phổ quát, nền tảng đạo đức của con người được.

 

Một xã hội văn minh là phải biết hướng đến sự công bằng, bình đẳng. Tất cả mọi người đều phải được hưởng thành quả xứng đáng với công lao động của mình, chứ không phải là khuyến khích con người ta nhẫn nhịn, chịu đựng, suốt đời chấp nhận thua thiệt về mình, nhường hạnh phúc cho người khác. Ca ngợi sự nhẫn nhịn, chịu đựng, thực chất là một kiểu phỉnh nịnh, lừa mị, lợi dụng lòng tốt, biến người ta thành kẻ suốt đời cặm cụi phục vụ cho kẻ khác mà không một lời kêu than, oán trách.

 

Đạo đức mà chúng ta nên dạy cho học sinh, ngoài các giá trị truyền thống về luân lý gia đình và phẩm cách làm người, thì cũng cần phải cảnh giác với các diễn ngôn mang tính hủ Nho để hướng đến những chuẩn mực văn minh: đó là ý thức pháp luật, tôn trọng sự thật, lẽ phải, xây dựng tinh thần công chính, ý thức công lợi. Nên hết sức tránh những giáo điều độc hại, dù cố ý hay vô tình nuôi dưỡng bất công bằng thái độ ngụy tín vi tế luôn mang những cái tên mỹ miều như “chịu thương, chịu khó”, “nhẫn nhục”, “hi sinh”, “biết sống vì người khác”,…Nếu không sẽ bị xem là “vịt con xấu xí” thay vì “thiên nga” cao đẹp,v.v...

 

Đến đây, vấn đề đặt ra là giả sử có thí sinh nào đó chọn “không” khi trả lời câu hỏi: “Anh/Chị có đồng tình với quan điểm Câu chuyện trả lời câu hỏi khi nào em lớn? Câu trả lời khi nào em biết nhận phần phía ngọn, để phần mía gốc cho người khác không? Vì sao?”, thì bài làm của thí sinh này sẽ như thế nào?

 

Không có cách nào khác, thí sinh đó buộc phải bác bỏ toàn bộ những gì mà tác giả Đoàn Công Lê Huy đã trình bày, dẫn dắt, triết lí trong đoạn ngữ liệu phi logic, lời văn lủng củng, ý sau đá ý trước ấy. Và như vậy, điều này đồng nghĩa với việc thí sinh bác đi toàn bộ đề thi Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 THPT của tỉnh Thanh Hóa năm 2024.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu người ra đề có chuẩn bị sẵn một đáp án như vậy và chấp nhận để thí sinh có điểm trong sự lựa chọn này?(*)

Hoàng Tuấn Công

 

 

Chú thích:

(*) Với thí sinh nhận ra sự phi logic, lủng củng trong ý tứ trình bày của ngữ liệu thì sẽ phát sinh tâm lý hoang mang. Có thể thí sinh này vẫn lựa chọn làm bài theo hướng “đoán ý giám khảo” để lấy điểm, nhưng kết quả sẽ không thể nào tốt được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét