28 thg 6, 2024

TỪ NGUYÊN CỦA “KHĂM” TRONG TỪ “CHƠI KHĂM”

 

Đào khăm bắt cá
Ảnh: ST
        HOÀNG TUẤN CÔNG

Trong tiếng Việt, “khăm” được hiểu là hành động ác ngầm, độc ngầm, những mưu mẹo hoặc thủ đoạn kín đáo, nặng thì gây tai hại, nhẹ thì khiến người khác phải lâm vào hoàn cảnh khóc dở mếu dở. Ví dụ: Tôi không ngờ bị hắn chơi khăm, Bị chơi khăm một vố nhớ đời, Lão ta khăm lắm.v.v…

 

         Mặc dù “chơi khăm” được xem là đồng nghĩa với “chơi xỏ”, nhưng “chơi xỏ” không thể hiện được tính chất ác ngầm, gài bẫy như “chơi khăm”. Vậy từ “khăm” từ đâu mà ra?

 

Xin bắt đầu từ cái hố “bẫy cá”, mà nhiều nơi gọi là “hầm nhảy”, “hầm cá”, “dậy” hay “rậy/rạy” cá; còn một số vùng như Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống (Thanh Hoá) thì gọi là “khăm”.

 

Vào vụ tháng mười khi lúa sắp chín, nước trên ruộng gần cạn hết, lựa khoảng đất giáp ranh đang còn nước giữa hai thửa ruộng để “đào khăm”.

 

“Khăm” đánh cá là một cái hố được đào sâu xuống đất, miệng khăm to chừng bằng cái chậu nhôm cỡ vừa, thành khăm thẳng đứng. Bờ của hố khăm phải đắp hơi nhô cao để tránh nước chảy vào; miệng khăm được miết cho đất bùn nhẵn thín và hơi thoai thoải ra phía ngoài để cá dễ lóc qua. Ban đêm, cá đi theo rãnh nước để kiếm ăn, gặp bờ khăm, chúng liền lóc tới để vượt qua thì bất ngờ bị rơi tọt xuống hố khăm và không sao thoát ra được.

 

Người ta còn đào khăm ở giữa bờ ngăn cách hai ruộng lúa (chênh nhau về độ cao thấp càng tốt). Ba đêm, cá tìm đường từ ruộng cạn xuống ruộng sâu, khi gặp bờ khăm thì chúng lóc, hoặc nhảy qua, nhưng hụt đà và rơi xuống. Con sau tiếp con trước, cứ thế qua một đêm có khi khăm đầy những cá.

 

Thông thường, người ta đào khăm từ chiều tối rồi về nhà ngủ. Đến rạng sáng hôm sau thì chủ khăm ra tha hồ bắt các loại cá như cá rô, cá chuối (cá quả), đang lúc nhúc trong khăm mang về cho kịp buổi chợ, gọi là “cá đánh khăm”, phân biệt với cá đánh lưới, cá câu, cá kéo vó….

 


Đôi khi cá đánh khăm bị kẻ khác dậy sớm và lấy trộm trước khi chủ khăm ra ruộng. Lẽ thường, giữa cánh đồng lúa mênh mông, rất khó biết được ở chỗ nào đang có hố đánh khăm. Tuy nhiên, do kẻ gian đã để ý bóng người đi đánh khăm từ chiều tối hôm trước, hoặc bằng kinh nghiệm của kẻ từng đánh khăm, chỉ cần lượn trên bờ, lắng nghe tiếng quẫy, lóc của cá dưới hố khăm là có thể lần tới hốt trọn. 

Trở lại với từ nguyên của “khăm”.

“Khăm” là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn từ chữ “khảm” 欿, hoặc khảm (hai chữ này thông nhau) nghĩa là huyệt, hầm, hố, hố bẫy.

 

Thuyết văn giải tự giảng chữ “khảm” là “Hầm, hố. Khoảng trũng lõm xuống, từ chỗ cao mà lõm xuống phía dưới. Bởi vậy, cái hố bẫy gọi là “khảm” (nguyên văn: Khảm: hãm dã. Hãm giả, cao hạ dã. Cao hạ giả, cao nhi nhập ư hạ dã. Nhân vị tỉnh vị khảm - : 陷也. 陷者, 高下也. 高下者, 高而入於下也. 因謂阱謂坎).

Như vậy, chữ “khăm” trong “đào khăm”, “đánh khăm” là do chữ khảm” 欿, hay khảm có nghĩa là hầm, hố bẫy mà ra.

 

Về mối quan hệ A↔Ă, trong bài “Hàng ngày và hằng ngày” chúng tôi đã chứng minh rằng: “Với những từ gốc Hán, chúng ta cũng thấy sự biến âm A→Ă khá nhiều, ví dụ: đam đam 耽耽đăm đăm; đàm chằm (ao đầm, chằm bãi); đảng đẳng (đảng sâm 黨參đẳng sâm),v.v…”. Và có thể kể thêm như cảm →dám; đảm →chăm,v.v…

 

Đến đây, chúng ta đã có thể đi đến kết luận. Chữ “khăm” trong từ “chơi khăm” vốn từ chữ khảm 欿/ , nghĩa gốc là cái hố, cái bẫy. Người ta vốn đào khảm/ khăm để bẫy bắt thú, rồi sau vận dụng cả vào việc bẫy bắt cá. Về sau nữa, “khăm”, “chơi khăm” được dùng cả với nghĩa là “bẫy người”. “Bẫy người” ở đây không phải là đào hố, hầm để “bẫy”, mà được hiểu theo nghĩa bóng, tức là “ác ngầm, hay gây điều tai hại, oái oăm, khó xử cho người khác, thường bằng những mưu mẹo hoặc thủ đoạn kín đáo”,bày ra những trò ác ngầm để hại người khác” (Từ điển tiếng Việt – Hoàng Phê-Vietlex), một kiểu “chơi” chẳng khác nào việc đào một cái hầm, cái hố để dụ cho thú rừng, hoặc cá rơi tọt xuống mà mắc nạn vậy.

 

Hoàng Tuấn Công/28/6/2024

        

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét