Tranh: Hoàng Tuấn Can |
Năm Dần, Tuấn Công Thư phòng xin cùng bạn đọc cà kê chuyện cọp, luận bàn về hổ trong thành ngữ tục ngữ.
Trong lời ăn tiếng nói dân gian, hổ vừa hiện lên với dáng vẻ của vị chúa tể oai hùng, tượng trưng cho quyền uy sức mạnh, lại vừa mang khuôn mặt của kẻ hung bạo, độc ác.
Hổ thị đam đam
Hổ tuy to lớn nhưng lại thuộc
họ nhà mèo. Dân gian cho rằng, chính mèo đã dạy võ cho hổ. Bởi thế, nó không đi
săn theo kiểu phối hợp bầy đàn, rượt đuổi, vây bắt con mồi như sư tử. “Con mèo
lớn khủng khiếp” này ưa độc lập tác chiến. Nó xuất quỷ nhập thần hệt những gì…sư
phụ đã dạy. Và sức mạnh của hổ trở nên vô song nhờ biết kết hợp nanh vuốt với
chiến thuật bí mật, bất ngờ, chắc thắng!
Thông thường, hổ lựa chọn mục
tiêu, rạp mình tiếp cận con mồi hoặc thu mình kiên nhẫn chờ đợi hàng giờ…. Nó tập
trung cao độ, quan sát con mồi không chớp mắt. Khi vừa tầm bật nhảy, chúa sơn
lâm mới bất ngờ thực hiện cú vồ chí tử khiến nạn nhân không kịp trở tay. Thành
ngữ Hổ
thị đam đam 虎視眈眈 - Nhìn đăm đăm như hổ,
ý chỉ cái ánh mắt chăm chú, nhìn xoáy vào ai như cái nhìn của mãnh hổ rình mồi vậy.
Ưng lập như miên, hổ hành tự bệnh
Ưng, cắt, đại bàng được mệnh
danh là chúa tể bầu trời, trong khi hổ được tôn xưng là chúa sơn lâm. Cả hai
loài cầm thú này đều có một đặc điểm chung: lúc bình thường thì thu mình, hiền
lành chậm chạp tựa hồ vô hại, nhưng khi lâm sự thì cực kỳ nhanh nhẹn, dũng
mãnh. Lão ưng giữ vẻ trầm ngâm trên mỏm đá cành cây, tư lự hàng giờ liền như một
triết gia hay nhà đạo đức. Trong khi lão hổ rời hang chuẩn bị cho “những chiều
lênh láng máu sau rừng” với dáng đi thất thểu như một kẻ ốm. Câu Ưng lập
như miên, hổ hành tự bệnh 鷹立如眠虎行似病 - Ưng đậu như ngủ, hổ đi tựa bệnh, ý nói kẻ có trí tuệ, sức mạnh thực
sự thường không khoa trương hay để lộ chân tướng.
Như hổ thiêm dực
Dân gian có câu Có sừng thì đừng có nanh. Tạo hoá không
cho ai tất cả, mà cũng không lấy đi của ai tất cả.
Tương truyền, khi dạy võ cho hổ,
mèo nhận thấy bản tính học trò độc ác nên còn ngón võ cuối cùng là leo trèo, sư
phụ mèo đã không truyền dạy, phòng khi kẻ hung bạo này phản thầy. Bởi thế tuy
trong thực tế chúa sơn lâm vẫn leo trèo được, nhưng vì “học lỏm” nên ngón nghề
này không giỏi. Dù rất mạnh, hổ vẫn có điểm yếu của mình. Thành ngữ Như hổ
thiêm dực 如虎添翼 - Như hổ thêm cánh, ý
chỉ hổ vốn dũng mãnh, nếu có thêm đôi cánh bay nhảy nữa thì sức mạnh ấy sẽ trở
nên vô song. Câu này thường được dùng với nghĩa đã mạnh càng thêm mạnh, đã hung
ác càng thêm hung ác.
Nhất sơn bất dung lưỡng hổ
Hổ chỉ ghép đôi khi đến mùa
sinh sản. Bình thường nó ưa sống đơn
độc, một mình làm chủ giang sơn. Thế
nên Sơn
sơn hữu lão hổ, xứ xứ hữu cường nhân 山山有老虎處有強人 - Ngọn núi nào cũng có một
con hổ, xứ nào cũng có một kẻ mạnh; Nhất sơn bất dung lưỡng hổ 一山不容二虎 - Một núi không thể có hai
hổ cùng chung sống.
Long bàn hổ cứ
Khi vồ mồi, tiếng gầm thét
kinh thiên động địa của hổ khiến muôn loài phải khiếp vía. Thế nhưng điều đó
chưa đáng sợ bằng lúc hổ ẩn mình đợi thời. Bởi vậy, dưới cái nhìn của nhà phong
thuỷ Long
bàn hổ cứ 龍蟠虎踞 là thế đất quý. Long bàn 龍蟠 (rồng cuộn) là thế ẩn tàng, đối
với hổ cứ 虎踞 (hổ ngồi) chỉ uy dũng mà không lộ tướng, ví
với vẻ hiểm yếu, hùng vĩ của cuộc đất đế vương hoặc chỉ nơi anh hùng hào kiệt
chiếm cứ.
Hổ cứ Tranh: Sưu tầm |
Hổ phụ vô khuyển tử
Hổ thuộc dòng dõi dũng mãnh
kiêu hùng. Dân gian mượn hổ để ví với trường hợp cha nào con nấy, cha tài giỏi
sinh con tài giỏi: Hổ phụ sinh hổ tử 虎父生虎子 - Cha hổ sinh con hổ; Hổ phụ vô khuyển tử 虎父無犬子 - Cha hổ không có con là chó; Hổ câu hữu thực ngưu chi khí 虎駒有食牛之氣 - Hổ con mới sinh đã có khí thế nuốt trâu. Thế nhưng trong thực tế
cũng có trường hợp đáng thất vọng, Cha giỏi
sinh con hèn: Hổ phụ sinh cẩu tử 虎父生狗子 - Cha hổ sinh con chó.
Hổ lạc bình dương bị khuyển
khi
Rừng núi là lãnh địa của hổ.
Những lúc ngủ vùi hay đi săn mồi, hổ đều cần địa hình cỏ cây, hang động để ẩn
mình, che chở. Bởi thế, một khi Điệu hổ ly sơn 調虎離山 - Đưa hổ rời núi; Hổ lạc
bình dương 虎落平陽 (Hổ xuống đồng bằng)
thì chúa sơn lâm chẳng khác nào kẻ bị bẻ hết nanh vuốt, đến con chó cũng coi
thường (bị khuyển khi 被犬欺). Hàm ý dân gian dù mạnh như
hổ mà bị mất điều kiện, địa bàn hoạt động thì cũng trở thành thất thế, khiến ai
cũng có thể xem thường, kể cả những kẻ vốn rất hèn mọn trong con mắt của kẻ bị
thất thế kia.
Hổ phụ sinh hổ tử Tranh: Hoàng Tuấn Can |
Nam thực như hổ, nữ thực như
miêu
Hổ thuộc họ nhà mèo, lại “thọ
giáo thầy mèo”, nên hầu như mọi tập tính đều giống mèo. Thế nhưng riêng nết ăn,
hổ và mèo lại đối lập nhau hoàn toàn. Mèo ăn uống nhỏ nhẻ, từ tốn bao nhiêu thì
hổ ngốn ngấu, ăn tươi nuốt sống con mồi nhanh bấy nhiêu. Thế nên dân gian có
câu Lang
thốn hổ yết - 狼吞虎嚥 - Ăn như hổ sói; Ăn như hùm đổ
đó…
Hổ độc bất ngật nhi hổ
Hổ cực kỳ hung bạo, độc ác. Độc
ác hung bạo đến mức tưởng như chúng không có tình mẫu tử hay đồng loại. Tuy
nhiên, Hổ độc bất ngật nhi hổ 虎毒不吃兒虎 - Hùm dữ không ăn thịt con; Hổ lang dã hữu phụ tử tình 虎狼也有父子情 - Hổ sói cũng có tình cha con.
Dân gian mượn hình tượng dã thú
để lên án những kẻ đối xử độc ác với chính đứa con rứt ruột đẻ ra. Làm người mà
tình mẫu tử không bằng hổ dữ…
HTC/ Tết Nhâm Dần/2022
Hay và bổ ích ạ!
Trả lờiXóa