Hổ năm Dần ở Phú Thọ Ảnh: St |
Mỗi năm Tết đến, thiên hạ lại được một phen cười vỡ bụng khi ngắm nhìn những con
giáp đại diện cho năm, được các địa phương trưng ra ngoài phố xá, quảng trường
để…nghinh Xuân. Điển hình của Tết Nhâm Dần 2022 là “hổ lai cẩu” ở Phú Thọ, rồi
hổ buồn thiu “khóc hờn” ở Bạc Liêu…
Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng, hàng ngàn năm trước, dân gian đã cảnh báo chuyện Vẽ hổ không thành hổ mà thành chó - Hoạ hổ bất thành phản loại cẩu 畫虎不成反類狗 !
Sách
Hậu Hán thư – Mã Viện truyện có chép lời tướng Mã Viện
khuyên cháu (hai anh em Mã Nghiêm, Mã Đôn) rằng: “Đỗ Quý Lương hào hiệp, hiếu
nghĩa, lo cái lo của người, vui với cái vui của người, kẻ xấu người tốt đều
không mất lòng. Khi cha Đỗ Quý Lương mất, người trong mấy quận đều đến viếng.
Ta mến trọng ông ấy, nhưng không muốn bọn mày bắt chước…Bắt chước Quý Lương
không thành chỉ khiến thiên hạ chê cười, đó gọi là vẽ hổ không thành hổ mà lại thành chó vậy”.[1]
Hổ oai hùng, tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh; trong khi chó thể hiện cho sự nhỏ bé, thấp kém. Hai hình tượng này đối lập nhau hoàn toàn.
Về diện mạo, hổ và chó cũng khác
nhau rất lớn. Thế nhưng qua tay kẻ vụng, thì hổ lại biến thành...chó một cách vô
cùng hài hước. Thế nên câu Hoạ hổ loại cẩu 畫虎類狗, hay Hoạ hổ bất thành phản loại cẩu 畫虎不成反類狗, ví thử muốn làm điều gì to
tát, ghê gớm, nhưng chung quy thất bại, trở thành trò cười cho thiên hạ; cũng
chỉ việc bắt chước mà không thành, không nên gì.[2]
"Hoạ hổ thành cẩu" ở Phú Thọ Ảnh: ST |
Dân gian lại có câu “Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt, tri nhân tri diện
bất tri tâm” 畫虎畫皮難畫骨;知人知面不知心. Không ít người hiểu đơn giản
theo nghĩa đối dịch là: Vẽ hổ thì vẽ được
da hổ chứ khó vẽ được xương hổ.
Quả tình, cốt 骨 vốn có nghĩa là xương. Nan hoạ cốt 難畫骨 là khó vẽ
xương. Nhưng thực ra cốt 骨 còn có nghĩa là cốt cách, khí chất, trạng thái tinh thần bên
trong...Và bì 皮 có nghĩa là da. Nhưng bì còn có nghĩa là bì tướng 皮相, tức tướng mạo, vẻ bề ngoài của sự vật. Theo đây, Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt, phải được hiểu là: vẽ hình tướng, vẻ ngoài của hổ thì dễ, vẽ được phong
cốt của hổ mới khó.
Vì sao vậy? Vì sao trong
muôn vàn con vật, dân gian lại chọn hổ để làm điển hình cho cái khó của hoạ cốt? Ấy là bởi ở “phong cốt hổ”.
Hổ dữ tợn, dũng mãnh vô song.
Ta tưởng như cứ vẽ hổ nhe nanh múa vuốt là thành hổ. Nhưng không! Sức mạnh của
hổ không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài, mà ẩn tàng bên trong.
Ưng lập như miên, hổ hành tự bệnh 鷹立如眠虎行似病 (Ưng đậu như ngủ, hổ đi tựa bệnh).
Chim ưng đậu yên quan sát con mồi để “xuất kích” mà trông hiền lành như đang ngủ;
còn hổ rời hang cho cuộc săn đẫm máu mà dáng điệu thất thểu như một kẻ ốm. Ấy
là kẻ có trí tuệ, sức mạnh thực sự thường ẩn mình chứ không khoa trương hay để
lộ chân tướng.
Hổ buồn thiu khóc hờn ở Bạc Liêu Ảnh: ST |
Hổ nhe nanh múa vuốt, gầm thét
vang động núi rừng khiến muôn loài phải khiếp sợ. Thế nhưng điều đó cũng chưa
đáng sợ bằng lúc hổ thu mình toạ khán. Bởi vậy, nhà phong thuỷ dùng hình ảnh Long bàn hổ cứ 龍蟠虎踞 (Rồng cuộn hổ ngồi) để đặt
tên cho thế đất quý, mang sức mạnh tiềm
tàng, uy dũng mà không lộ diện.
Như vậy, vẽ hổ mà vẽ vụng sẽ
thành chó. Nhưng ngay cả vẽ hổ giống hổ, thì có khi cũng chỉ mô tả được vẻ bề
ngoài của hổ, chứ không lột tả được vẻ oai hùng, sức mạnh ghê gớm tiềm ẩn bên
trong của hổ. Thế nên, kẻ bất tài chớ nên vẽ hổ. Bởi Hoạ
hổ bất thành phản loại cẩu!
HTC/17/1/2022
[1] - Nguyên văn: 後漢書-馬援傳: “杜季良豪俠好義,憂人之憂, 樂人之樂, 清濁無所失,父喪致客,郡畢至,吾愛之重之,汝曹效也…效季良不得, 陷為天下輕薄子, 所謂畫虎不成反類狗者也".
[2] - Nguyên văn giải thích của Hán ngữ đại từ điển: 畫虎不成反類狗: 比喻好高鶩遠,終無成就,反貽笑柄;喻仿效失真,反而弄得不倫不類].
Các bài viết của anh Hoàng Tuấn Công thì bài nào cũng hay cũng chính xác, nhưng trong bài viết này tôi xin phép được chỉnh anh Tuấn một chử, chỉ một chử thôi, đó là chử BÀNG trong BÀNG LONG tức là rồng cuộn, rồng nằm trong tư thế cuộn tròn, tôi không biết chử Hán nên theo tôi viết đúng theo Hán Việt thì là Long bàng hổ cứ! Trước thềm năm mới chúc anh HTC và gia đình một năm mới an khang thịnh vượng .
Trả lờiXóa