31 thg 10, 2023

“THAM QUAN” VÀ “THĂM QUAN”

 

Đền thờ Nguyễn Nghi - Đông Sơn
TP Thanh Hoá
Ảnh: báo Thanh Hoá
      HOÀNG TUẤN CÔNG 
     

Độc giả Phùng Đình Đạt (Hà Nội) hỏi: 

“Gần đây tôi có đọc hai bài viết về từ “thăm quantham quan”.

Bài thứ nhất viết:

Rất nhiều người, bao gồm không ít vị có chức sắc hoặc bằng cấp cao, vẫn dùng từ “thăm quan” và khăng khăng rằng như vậy mới đúng. Nhiều lần, khi ai đó nói hoặc viết là “thăm quan” khu du tích, “thăm quan” ngôi chùa cổ hay địa điểm du lịch, tôi có góp ý rằng phải là “tham quan” mới đúng. Tuy nhiên, không ít người vẫn nhất quyết rằng họ không sai.

“Rõ ràng là chúng ta đến thăm và quan sát, ngắm nghía nơi này, nói thăm quan thì ai cũng hiểu, sao lại bảo là sai được?”, một cán bộ huyện từng nói với tôi. Nhiều người khác cũng hiểu theo cách của anh, đó là lý do lỗi này phổ biến đến vậy. Tuy nhiên, “thăm” theo nghĩa thăm nom mà anh ấy dùng là từ tố thuần Việt, sẽ không được kết hợp với từ tố Hán Việt để tạo thành một từ ghép. Trong từ “tham quan”, “tham” có nghĩa là can dự, tham gia vào, dự vào…, còn “quan” nghĩa là nhìn, xem (quan sát).” (trích báo VTC).

 

Bài thứ hai viết:

Từ điển Hán Nôm cũng ghi nhận từ đúng là “tham quan”, viết là 參觀, trong đó “tham” () là cùng một chữ với “tham” trong “tham gia”, “tham khảo”, vốn có hai nghĩa: 1. Xen vào, gia nhập, 2. Nghiên cứu; còn “quan” () cũng được sử dụng trong “quan sát”, “mĩ quan”, có 2 nghĩa: 1. xem, 2. Đối tượng được xem. Vậy dịch thuần ra, “tham quan” là đến tham gia, nghiên cứu cái mà mình muốn xem. (Tiếng Việt giàu đẹp).

Vậy xin chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa cho biết, những phân tích trên đây có đúng không?

Trả lời:

Cả hai trích đoạn bài từ hai bài viết trên đây đều có điểm đúng, và có điểm chưa đúng.

1-Tham trong tham quan có phải là tham gia”, tham dự”,…?

Thực ra, chữ “tham” trong “tham quan” không có nghĩa là “can dự, tham gia vào, dự vào…” (như giải thích của báo VTC), hay “xen vào, gia nhập” (như giải thích của Tiếng Việt giàu đẹp), mà có nghĩa là kiểm tra, khảo sát, tìm tòi, nghĩa thứ 5 mà Hán ngữ đại từ điển đã giảng (nguyên văn “tham: 5. kiểm nghiệm; khảo sách kiểm chứng - : 5. 檢驗;考索驗證).

Với từ tham quan 參觀, Hán điểnHán ngữ đại từ điển giảng: “Tham quan vốn chỉ sự quan sát, đối chiếu, hiện nay được dùng với nghĩa là quan sát thực địa”. Theo đây, tham quan trong tiếng Việt cơ bản cũng được hiểu tương tự như trong tiếng Hán: “đi xem tận nơi, tận mắt để mở rộng hiểu biết hoặc để học tập kinh nghiệm.” (Từ điển tiếng Việt - Hoàng Phê chủ biên – Vietlex). Chính chữ tham (với nghĩa kiểm tra, khảo sát, tìm tòi, xác minh), đã tạo nên ý “mở rộng hiểu biết hoặc để học tập kinh nghiệm”. Cũng là đến xem (quan sát), nhưng có sự suy xét, tìm tòi, đối chiếu, so sánh sự vật mình đang xem với những gì mình đã biết trước đó.

Cách giảng của VTC, hay Tiếng Việt giàu đẹp, có lẽ xuất phát từ sự suy diễn: các đoàn đi tham quan học tập thường có nhiều người tham gia, tham dự. Sự nhầm lẫn, suy diễn này tương tự Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân) khi giảng nghĩa của từng yếu tố Hán Việt trong từ “tham quan” là: “tham: dự vào; quan: xem xét”. Tuy nhiên, đi tham quan mà đi một mình, không “dự vào” với bất cứ đoàn nào, thì vẫn được gọi là tham quan như thường.

2. “Thăm trong thăm hỏi”, thăm nom có phải là thuần Việt”?

Câu trả lời là không phải. Thăm trong thăm nom, thăm hỏi, thăm viếng, là từ Việt gốc Hán, chính là chữ “tham” trong “tham quan” 參觀.

Hán ngữ đại từ điển giảng chữ tham có tới 12 nghĩa, trong đó ngoài nghĩa 5 (kiểm tra, khảo sát, tìm tòi), mà chúng tôi đã nêu ở trên, tham còn một nghĩa nữa liên quan đến vấn đề đang bàn, đó là thăm hỏi. Hán ngữ đại từ điển giảng nghĩa thứ 4 của tham là “vấn hậu - 問候”, nghĩa là thăm hỏi, hỏi thăm, vấn an.

Về mối quan hệ AM → ĂM (tham↔thăm), chúng ta có thể dẫn ra hàng loạt như: thám  → thăm (thám thân 探親 = thăm thân), thám sát 探察 = thăm dò; tàm → tằm (con tằm); đam đam 眈眈→ đăm đăm (nhìn đăm đăm, nhìn chằm chằm),v.v…

Như vậy, thăm trong thăm hỏi, thăm nom hoàn toàn không phải là “từ tố thuần Việt”, mà là một từ Việt gốc Hán chính tông. Mặt khác, “từ tố thuần Việt, sẽ không được kết hợp với từ tố Hán Việt để tạo thành một từ ghép” là một luận thuyết dĩ hư truyền hư, và đương nhiên không phải lí do để bác bỏ cách viết “thăm quan”.

3. “Tham quanthăm quan

Câu hỏi đặt ra là chữ thăm trong thăm hỏi và chữ tham trong tham quan, đều cùng có cùng một tự hình là , vậy viết là “tham quan” đúng, hay là “thăm quan” mới đúng?

Không có bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào chúng tôi có trong tay ghi nhận từ “thăm quan”. Điều này có lí do của nó, bởi tuy là cùng chung tự hình, nhưng “tham” mang nghĩa suy xét, tìm tòi, đối chiếu, so sánh, trong khi thăm (đã biến âm), lại chỉ có nghĩa đơn thuần là xem, thăm hỏi, thăm viếng (không bao hàm nghĩa quan sát thực địa để mở rộng hiểu biết hoặc học tập kinh nghiệm). Như vậy, cho dù khi viết “đi thăm quan học tập”, “đoàn thăm quan”, người ta không hiểu lầm thành đi hỏi thăm và học tập, đoàn đi xem và hỏi thăm, nhưng xét về chuẩn chính tả và sự trong sáng của từ ngữ, thì phải viết là “tham quan” mới đúng(*). Đây là sự phân công, quy ước chức năng biểu đạt của từ ngữ nói chung, và các yếu tố cấu tạo từ nói riêng. Nếu cứ tuỳ tiện thay đổi, thì tiếng Việt sẽ loạn.

Phải viết là “tham quan”, thay vì “thăm quan”, cũng như phải viết “tham vấn” thay vì “thăm vấn”, phải viết là “an ninh” thay vì “yên ninh” vậy. Về ý này, VTCTiếng Việt giàu đẹp đã đúng.

                         Hoàng Tuấn Công/10/2023

 

 (*)- Có ý kiến cho rằng, nên viết thăm quan thay vì tham quan để tránh nhầm lẫn với tham quan nghĩa là quan tham (quan lại tham nhũng). Tuy nhiên, điều lo ngại đó không có cơ sở, bởi ngữ cảnh sẽ giúp chúng ta phân biệt và không bao giờ hiểu lầm tham quan trong tham quan học tập thành tham quan với nghĩa quan tham (VD: Chúng tôi đi tham quan Huế; Chúng tôi không phải là tham quan.).

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét