27 thg 10, 2023

TỪ “DỞ NHƯ HẠCH” ĐẾN “ĐỒ ĐẨY (ĐĨ) HẠCH”

 

Đồ họa trên trang Bestie.vn và bài viết
cho rằng cụ Vương Hồng Sển 
giải thích 
câu "Dở như hạch" như trong bài viết
           HOÀNG TUẤN CÔNG


    Thành ngữ “Dở như hạch” không được bất cứ cuốn từ điển nào chúng tôi có trong tay thu thập thành một mục riêng. Tuy nhiên, trong thực tế đời sống, thì nó lại được dùng khá nhiều, và cũng là chủ đề bàn luận khá sôi nổi.

1-Giải thích của cụ Vương Hồng Sển?

Nhìn chung, các diễn đàn đều trích dẫn cách giải thích (được cho là) của cụ Vương Hồng Sển trong sách “Ăn cơm mới nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc” (Vương Hồng Sển - NXB Trẻ - 2012). Ví dụ bài Câu “Dở như hạch” ra đời như thế nào?trên các trang Sài Gòn Xưa (saigonxua.net), Tạp chí Đáng Nhớ (dangnho.com) hay Dở như hạch trên Blog Phạm Ngọc Hiệp1. Xin trích:

Hồi nhỏ  hay nghe câu “Dở như hạch” mà không hiểu …. “Hạch” là gì?

Chà và “Hạch” là nhóm người Chà chuyên thức đêm giữ cửa và canh gác mấy hãng buôn, họ từ Á Rập đến và thường theo đạo Hồi nên dân Saigon còn gọi là người Hồi.

Cụ Vương Hồng Sển giải thích : bởi thấy danh tánh của họ đều có chữ Hadj đứng đầu nên Dân Saigon bèn đặt luôn cho họ một cái tên rất kêu là “hạch gác cửa”. Nhóm Chà hạch này ngoài chuyên môn làm nghề gác dan (gardien), thì chẳng biết làm ăn gì khác, cho nên cái câu “dở như hạch” là từ nhóm người Chà hạch này mà ra.”.



                              Dẫn lời cụ Vương Hồng Sển trong một kênh 
Youtube

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong sách “Ăn cơm mới nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc”, cụ Vương Hồng Sển không giải thích câu “Dở như hạch”, mà chỉ đề cập đến hai chữ “chà hạch”, như sau:

   “… Chà hạch là bọn người chuyên môn thức đêm giữ cửa và canh gác hãng buôn. Nguyên lai họ đến từ xứ Ả rập nhưng vì ông bà ta không rành địa dư, vẫn thấy danh tánh của họ đều viết chữ Hadji đứng đầu, bèn đặt luôn một cái tên rất kêu nhưng gột rửa không ra, và đó là “hạch gác cửa”,v.v…”.

Điều quan trọng chúng tôi muốn nói, là dù cụ Vương Hồng Sển hay ai, thì cách giải thích “câu “dở như hạch” là từ nhóm người Chà hạch này mà ra”, đều gượng ép. Bởi, nếu chuyên/giỏi về "nghề gác cửa”, hay gì đó, ngoài ra không biết làm nghề khác, thì cũng là chuyện bình thường. Đâu có gì là dở, mà lại dở đến mức điển hình về dở? Các cụ xưa dạy “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Bởi vậy, nếu đánh giá, phải nhìn vào tay nghề của người ta, chứ không thể lấy lĩnh vực người ta không quen để bàn luận hay/dở.

2-“Dở như hạch” trong Việt Nam tự điển

Như đã viết ở trên, thành ngữ “Dở như hạch” không được bất cứ cuốn từ điển nào chúng tôi có trong tay thu thập thành một mục riêng. Tuy nhiên, Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức), mục HẠCH có giảng hai nghĩa: 1. (danh từ) là “Người da đen ở Việt-nam, thường làm nghề gác cửa”, và lấy ví dụ “Oai như hạch”; 2. (tính từ) được giải nghĩa là “tệ, xấu-xí, dở”,   lấy ví dụ “Dở như hạch; Hạch quá!”.

Cách trình bày của Lê Văn Đức trong mục từ HẠCH trên đây, chỉ giúp chúng ta biết chắc chắn rằng, với nghĩa 1 (danh từ), thì thành ngữ “Oai như hạch” là gắn với người Hạch “làm nghề gác cửa”. Tuy nhiên, với nghĩa 2 (tính từ), ta không thể biết vì sao “hạch” lại mang nghĩa “Tệ, xấu-xí, dở”, và thành ngữ “Dở như hạch”, hay ngữ liệu “hạch quá!” có liên quan gì đến người “Hạch” hay không.

Vậy, “hạch” trong “Dở như hạch” có nghĩa là gì?

Thông thường, với những câu thành ngữ, tục ngữ chứa đựng những “từ khóa” bí ẩn, cách “giải mã” thường cho kết quả chính xác, đó là chúng ta tìm lấy một vài dị bản mà trong đó “từ khóa” ấy đã được xác định nghĩa một cách rõ ràng.

3-Từ “Dở như hạch” đến “Đồ đĩ hạch”

Trước đây, gia súc, gia cầm được nuôi cả năm trời mới giết thịt. Bởi vậy, đối với những con không giữ lại làm giống, nông dân thường thiến đi với mục đích chuyên thịt. Con vật sau khi thiến sẽ trở nên hiền lành hơn, không động dục, không chạy nhảy, phá phách, nên không hao tổn năng lượng, và sẽ nhanh lớn, chóng béo. Đặc biệt, với chó đực, gà trống, nếu không thiến đi, để chúng chạy rông thì rất dễ mất.

Khi thiến chó, gà, lợn,…những con sau khi thiến, tuy không còn khả năng truyền giống, nhưng vẫn động dục và đòi giao phối, thì tiếng Thanh Hóa gọi là bị “hạch”, hoặc “thiến hạch”, tức thiến sót, thiến không trọn. Chữ “hạch” gốc Hán có nghĩa là “hạt”, ở đây chỉ cái mẩu tinh hoàn, hoặc cái hoa (buồng trứng của lợn cái) còn sót lại, chưa lấy hết khi thiến, khiến con vật vẫn động dục2. Ví dụ, “Đợt này thiến năm con gà trống, thì mất hai con bị hạch”; “Ông A thiến gà hay bị hạch lắm, thôi gọi ông B đi!”; “Con chó này thiến hạch nên vẫn chạy rông khắp xóm, rồi cũng có hôm nó bắt mất!”.

Chó đực “thiến hạch” vẫn chạy rông khắp xóm; gà trống bị “hạch” vẫn đi tìm mái; và với lợn “thiến hạch” thì vẫn động dục khi đến chu kì. Chúng ở trong tình trạng chẳng khác nào “lại cái”, “lại đực”.

Với chủ nuôi, các con vật bị “thiến hạch” đặt họ trong tình huống rất “dở”, đó là khả năng truyền giống của con vật không còn, trong khi mục đích kinh tế (nhanh béo), dễ quản lí (không hung dữ, phá phách), của vật nuôi cũng không đạt được. Bởi thế, giết thịt thì gầy, mà để nuôi thì tốn, không hiệu quả.

Với chính bản thân con vật bị “thiến hạch”, thì lại càng “dở”, “tệ”, càng “không ra gì”, “chẳng đâu vào đâu”. Vì tuy nó vẫn “ham muốn”, vẫn động dục, chạy nhảy, vẫn có “tính hăng” và có nhu cầu giao phối, đạp mái, nhưng lại ở trong tình trạng “khóc dở mếu dở”, vì “bất lực”. Con vật “thiến hạch” chỉ chạy lăng xăng, loay hoay, ngửi ngửi hít hít, đôi lúc lại cẫng lên chứ “chẳng làm ăn gì được”!

4-Từ “hạch” trong “thiến hạch”, đến “tệ, xấu xí, dở”

Chữ “hạch” trong “Dở như hạch” có nguồn gốc như vậy, nên chúng ta thường thấy trong cách nói thông tục, nó vừa là lời than vãn, vừa như lời chửi thề. Ví dụ: “Đời như hạch!” (đời quá chán); “Làm ăn như hạch!” (làm ăn chả đâu vào đâu; làm ăn quá tệ, quá dở); hay “như hạch!” (chẳng ra làm sao cả). Trong đó, cách nói “Như hạch!”, có nghĩa tương tự ngữ liệu “Hạch quá!” mà từ điển của Lê Văn Đức đã dẫn.

 Đó là hạch với nghĩa “tệ”, “dở”. Còn cái nghĩa  xấu-xí” của “hạch”Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng, xuất hiện khá nhiều trong tiếng nói thông tục của người Thanh Hóa. Ví dụ, tiếng chửi mấy cô gái (thường là trẻ tuổi) thiếu đứng đắn, hoặc tỏ ra “vô duyên”: “Mấy con hạch!”, “Mấy con đẩy (đĩ) hạch!”; “Đồ đẩy (đĩ) hạch!”. Đây là kiểu chửi thậm tệ, ngoa ngoắt của dân gian, ám chỉ kẻ bị chửi mắng chẳng khác nào chuyện vì có “tính đĩ” nên bị người ta “thiến” đi rồi, mà vẫn còn “xí xớn”, “nhắt nhảy”3, tựa như bị “thiến hạch” vậy!

Như vậy, “hạch” trong câu “Dở như hạch”, nghĩa gốc chỉ súc vật bị thiến sót, về sau được hiểu là dở, tệ, xấu xí. Từ “hạch” với nghĩa này hãy còn tồn tại, rơi rớt ở một vài địa phương Thanh Hóa, trong đó có vùng Quảng Xương. Trong khi với con cháu của lớp người vào Nam mở cõi, và một số nơi khác, “hạch” vẫn tồn tại trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, nhưng nghĩa của nó thì lại bị tuyệt tích, khiến người ta nhận lầm nó có gốc gác từ “hạch” trong “chà hạch”, một từ chỉ “người da đen ở Việt-nam thường làm nghề gác cửa”!

                                             Hoàng Tuấn Công/26/10/2023

 

 

Chú thích:

1.Bài trên Blog của bác Phạm Ngọc Hiệp tổng hợp khá đầy đủ. Sau đây xin trích đoạn: “…“dở như hạch” có nghĩa là rất dở, dở tệ, dở quá xá, hay như dân miền Nam nói là dở òm, dở ẹc (ẹt), dở khẹc... […] Thời còn nhỏ đám nhóc tì chơi đùa hay chê bai nhau như thế “nó chơi dở như hạch”, mà không phải chỉ đám nhóc, tôi cũng nghe người lớn nói thế. Vào sân Cộng Hòa (sân Thống Nhất bây giờ) coi đội Tổng Tham Mưu đá với đội Quan Thuế, nghe người lớn bình luận “thằng đó hồi này đá dở như hạch, trái đó ngon ăn dzậy mà đá không dzô” […] nhưng “hạch” là gì mà dở thế thì phải công nhận từ hồi nhỏ đến giờ tôi không hiểu. Cũng có thắc mắc đi hỏi người lớn chẳng có ai giải đáp, mà trong sách vở kể cả tự điển chỉ thấy giải thích “hạch” có mấy nghĩa. Đại khái hạch là “bắt bẻ, vặn vẹo đòi thế nọ thế kia” […]hoặc là “cục nổi ở cổ, bẹn, nách” như nổi hạch. Cũng có nghĩa là khảo sát, như sát hạch trong kỳ thi. Gần đây tôi mới biết thêm một nghĩa nữa trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của. Heo hạch, giải nghĩa là: Thứ heo đực, dái lớn mà nhỏ con, có thiến đi nó mới lớn. Tất cả giải thích về chữ “hạch” ở trên, kể cả “heo hạch” trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, tôi thấy có vẻ như chẳng liên quan gì đến chữ “hạch” có nghĩa là... “dở như hạch”.

Thời may mấy ngày trước đọc trong sách của Vương Hồng Sển(*), cụ có giải thích về câu “dở như hạch”. Thời xưa cách nay bảy tám chục năm trong miền Nam có từ “Chà và” phiên âm từ chữ “Java”, gọi tắt là “Chà” để chỉ chung bọn người da ngăm đen từ vùng Hạ Châu (còn gọi là Nam Đảo, vùng Indonésia, Malaysia...). […] Chà hạch, đây là bọn người chuyên môn thức đêm giữ cửa và canh gác hãng buôn […] chữ “hạch” là phiên âm của “Hadj” […]. Bọn Chà hạch này ngoài chuyện chuyên môn làm nghề gác cửa, […], họ dở ẹc chẳng biết làm ăn chuyện gì khác, cho nên cái câu “dở như hạch” là từ bọn người Chà hạch này mà ra.”. 

Nguyên chú: (*) Quyển Hậu Giang - Ba Thắc, Vương Hồng Sển, NXB Trẻ - 2012.

2. Cần phân biệt: cùng là chữ hạch , nhưng “hạch” trong “lợn hạch” = lợn đực, lại có nghĩa là hòn cà, hòn dái; còn “hạch” trong “thiến hạch”, chỉ cái mẩu, cái hạt của hòn cà, hay buồng trứng còn sót lại, khiến con vật bị thiến không hoàn toàn mất hết bản năng giao phối.

3. “Nhắt nhảy” trong tiếng Thanh Hóa có nghĩa là theo đuổi, tán tỉnh, xí xớn.

2 nhận xét:

  1. Huế quê tui xưa có nói tới thịt heo là "hôi hạch" ăn rất dở vì "heo nọc" bị thiến sót hoặc thiến nhưng chưa đủ thời gian để con heo đào thải "cái tính nọc" của nó

    Trả lờiXóa
  2. ... từ thịt dở như thịt heo hạch dẫn tới thành ngữ "dở như hạch" thì cũng không phải là xa lạ

    Trả lờiXóa