6 thg 10, 2023

NGHĨA CỦA “MẠI” TRONG TỪ “MỀM MẠI”

 


Hình ảnh clip 
cô giáo dạy
 về từ láy "mềm mại" theo SGK
Ảnh: HTC  
              HOÀNG TUẤN CÔNG
     

Mềm mại là từ được các nhà biên soạn từ điển, nghiên cứu về từ láy, cũng như sách giáo khoa xếp vào diện từ láy.

Cụ thể, Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên – NXB Khoa học Xã hội - 2011) thu thập và giải nghĩa: “MỀM MẠI tt. 1. Mềm và gợi cảm giác dễ chịu khi tiếp xúc, chạm phải. Bàn tay mềm mại. Tấm lụa mềm mại. “…gương mặt như đóng khung trong làn tóc đen mềm mại có đôi mắt to, sáng ngời ngời”. (Ma Văn Kháng). 2. Dịu dàng, uyển chuyển, đầy tính chất uốn lượn, gợi cảm giác đẹp. Dáng điệu mềm mại. Giọng ca mềm mại và ấm”.

Sách Hình thái học trong từ láy tiếng Việt (Phan Ngọc) phân tích rõ ràng như sau: “Mềm” là chính tố, nghĩa là “không cứng” và gây cảm giác dễ chịu: miếng thịt mềm. “Mại” là láy, không xuất hiện độc lập, đi với “mềm” gây cảm giác thú vị. Bàn tay mềm mại, cách đối xử mềm mại. Từ Hán Việt “mại”, có nghĩa là bán, trong thương mại, mại bản là đồng âm”.

Sự thực, mềm mại là từ ghép đẳng lập (xét nghĩa đồng đại của phương ngữ):

-Mềm thì có lẽ khỏi phải bàn thêm, vì nghĩa từ vựng của nó dễ nắn bóp, dễ biến dạng dưới tác động cơ học (như tóc mềm; kẹo mềm).1

-Mại gốc Hán là một chữ có tự hình là , với âm đọc hiện thời cũng là mại.  Hán điểnHán ngữ đại từ điển giảng mại có là nghĩa là lão ; mà lão được hiểu với số nghĩa như: tuổi tác nhiều, đã qua thời gian lâu dài, cũ kĩ, lỗi thời,v.v…Ví dụ lão mại 老邁 (già cả); suy mại (già yếu).

Trong phương ngữ Thanh Hóa, mại đồng nghĩa với ải, mục, thường dùng để chỉ những vật chất vốn rắn, hoặc dẻo dai, như vật liệu tre pheo, gỗ lạt,v.v… cho đến các sản phẩm làm từ tre nứa, gỗ như rổ rá, bàn ghế, thậm chí là đồ nhựa, cao su,v.v… nhưng trải qua thời gian sử dụng quá lâu, hoặc trải mưa nắng, đã trở nên lão hóa, mềm nhũn, dễ mủn nát, rã mục. Theo đây, trong tiếng Thanh Hóa, mại là từ độc lập trong hành chức, ví như: Cái rổ này đã mại ra mất rồi; Chiếc chiếu bị mưa nắng đã mại, đụng vào là mủn ra; Bó lạt này chẻ đã lâu, nay bị mại rồi, không dùng được. Theo đây, phương ngữ Thanh Hoá còn có từ ghép đẳng lập mục mại, chỉ những vật dụng đã trải qua thời gian quá lâu, hoặc không được chăm sóc, giữ gìn, nay trong tình trạng mềm, mục, mủn ra.2

Tất cả các cuốn từ điển chúng tôi có trong tay (kể cả từ điển phương ngữ), không có cuốn nào trực tiếp ghi nhận mại với nghĩa là mềm. Tra cứu thêm trong kho ngữ liệu (do Trung tâm Từ điển học Vietlex chia sẻ với chúng tôi), thì không có từ mục mại; tra riêng từ mại, thì có 9956 kết quả, nhưng không có mại nào mang nghĩa là mềm, ải, hay mục ra. Tuy nhiên, nhiều cuốn từ điển đã gián tiếp ghi nhận, khi mô tả một loài cá mình mềm có tên là mại:

-Từ điển Lê Văn Đức: “mại • Loại cá nước ngọt nhỏ con và mềm: Cá mại”.

-Việt Nam tự điển: “mại • Loài cá nhỏ, mình mềm, ở nước ngọt. Cũng nói là mài-mại <> Mềm như con mài-mại, nhũn như con chi-chi. Văn-liệu: Khôn như mại, dại như vích (T-ng)”.

-Từ điển Văn Tân: “mại • d. loài cá nhỏ, mình mềm, ở nước ngọt”.3

Đáng chú ý, trong tiếng Mường (Thanh Hóa), để chỉ sự mềm, mục, hỏng, lão hóa của gỗ, tre, luồng, đồng bào cũng dùng từ mại, hay mài (tùy theo cách phát âm). Ví dụ, khi thấy cây luồng vừa to vừa thẳng, có vẻ như luồng tốt, nhưng thực chất là luồng non, hoặc sâu, hỏng, đã qua xử lý để làm hàng, thì người Mường nói với nhau: “Má lế, cân ni mại ôi!” (Đừng lấy, cây này hỏng rồi!).4

Như vậy, mại là một từ Việt gốc Hán, vốn chỉ sự già yếu, lão hóa, lỗi thời; sau được dùng với nghĩa là mềm, mủn, mục, ải, hỏng. Hiện nay, mại với tư cách là một từ có khả năng độc lập trong hành chức, chỉ còn tồn tại trong tiếng Mường và phương ngữ Thanh Hóa. Điều này cho thấy, mại là một từ cổ, đã xuất hiện từ thời còn là Việt-Mường chung, sau đó, khi Việt - Mường tách ra, thì với nhánh Việt, từ mại dần trở nên mờ nghĩa, mất nghĩa trong ngôn ngữ toàn dân, và chỉ còn tồn tại với tư cách là phương ngữ; trong khi với nhánh Mường, thì mại vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến nay. Điều này một lần nữa cho thấy, Thanh Hóa là địa phương hãy còn lưu giữ được khá nhiều từ cổ, mà ở những vùng khác đã bị mai một, mờ nghĩa, hoặc hoàn toàn không còn tồn tại trong đời sống.

Hoàng Tuấn Công/2023

(Trích bản thảo Viết lúc nông nhàn)

Chú thích:

1.Gốc Hán là chữ miên 綿 có nghĩa là mềm, mềm yếu.

2.Sẽ có người thắc mắc, tại sao mại với nghĩa là mềm, bở nát ra vì mục, ải, khi đi với mềm lại có nghĩa mềm và có cảm giác dễ chịu khi sờ đến? Chúng tôi đã nhiều lần nói đến điều này. Với phần lớn từ ghép đẳng lập, sau khi hợp nghĩa, thì từng thành tố sẽ không còn giữ nguyên nghĩa gốc riêng biệt, vốn có nữa, mà nó sẽ tạo ra một nghĩa mới. Ví dụ, đối với từ ghép đẳng lập xô xát. vốn có  nghĩa là đẩy mạnh cho đổ, ngã; còn xát, có nghĩa là cọ, chà, xoa trát vào thật mạnh. Thế nhưng, khi hợp nghĩa với nhau, thì nó lại có nghĩa là cãi cọ, xung đột, đánh nhau. Theo đây, thông thường, với một từ ghép, thì nghĩa của nó không đơn giản là nghĩa của từng thành tố cấu tạo từ cộng lại với nhau.

3. Chúng ta không khẳng định có phải vì loài cá này mình mềm, mà được gọi là cái mại hay không, nhưng qua giải thích của từ điển, ít ra ta cũng thấy rằng, trong ý thức của người biên soạn từ điển, mại đồng nghĩa với mềm.

4.Ngữ liệu do Lê Văn Tách (người Mường Thanh Hóa, cựu sinh viên Khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội-K33, cung cấp. Xin chân thành cảm ơn anh).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét