Mẹ và con Tranh: Mai Trung Thứ |
Độc giả Hoàng
Anh Thi (Hà Nội) hỏi: “Mấy năm nay rộ lên chuyện một số từ như “chén”, “nhá”, “tợp”, xuất hiện trong sách Tiếng Việt
lớp 1. Nhiều ý kiến phản đối quyết liệt, cho rằng đây là những từ “thô tục”,
không phù hợp với trẻ em tiểu học. Đơn cử, bài “Sách giáo khoa đầy “sạn”: Thu hồi, chỉnh sửa hay để đó cho qua…”
trên một tờ báo nọ đăng ý kiến của ông HMH, cho rằng:
“Quê tôi ở Nam Định, nhiều khi người ta vẫn dùng từ “nhá” với nghĩa là “ăn”. Nhưng chỉ những đám lôm côm nói với nhau: “Mày cố mà nhá cho hết cái đống ấy đi”. Một việc gì đó khó khăn, nặng nhọc người ta cũng dùng từ này để diễn tả: “Xem chừng vụ này nhá không trôi!”. Vì là từ thông tục, nên đôi khi người lớn sử dụng để quát trẻ con, chứ trẻ con không được dùng với người lớn. Trong học đường không được phép dùng những từ tương tự.
Với từ “chén”
cũng là từ kém văn hóa, thiếu tôn trọng. Người ta có thể nói: “Con mèo chén ba
con cá”. Nhưng trong các bài tập Tiếng Việt lớp 1, mèo và cá là con vật được
nhân cách hóa thành nhân vật của truyện ngụ ngôn thì không thể dùng từ “chén”
một cách mất lịch sự như thế được…”.
Một số bài báo
khác thì cho rằng “chén”, “tợp”, “nhá” là những từ “thô tục”, “nghĩa xấu”, và "Dạy từ thô tục cho học sinh lớp 1 là không phù hợp".
Thú thật, tôi
hơi băn khoăn, vì thường ngày tôi vẫn dùng những từ này. Vậy, xin chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa cho biết đây có
phải là những từ “kém văn hóa”, “thô tục” không? Và bắt nguồn từ đâu mà gọi ăn
uống là ‘chén’?”.
Trả lời:
Chúng tôi cho rằng, những ý kiến trên đây có phần nặng về cảm
tính. Sự thực, bản thân những từ chén, nhá,
tợp, không mang nghĩa mặc định là “kém văn hóa”, “mất lịch sự”, hay “thô tục”, mà tùy thuộc vào ngữ cảnh.
1-Từ “chén” đến... “chén”:
“Chén”, là một từ Việt gốc Hán, vốn từ chữ “trản” 盞 (chỉ loại chén nhỏ mà cạn lòng)1. Trong tiếng Việt, chén, vốn chỉ loại đồ đựng để uống rượu, sau có thêm nghĩa phái sinh,
chỉ uống rượu, ăn uống. Điều này cũng
không có gì lạ. Ví như chữ “bôi” 杯 trong Hán ngữ, vốn chỉ cái chén quý để rót rượu, sau có thêm nghĩa
là uống rượu.
Từ điển Việt-Bồ-La (1651) đã thấy
ghi nhận “chén”, ngoài nghĩa chỉ “chén ly”, thì “một chén” còn có nghĩa là “một
bữa rượu, một lần uống rượu”. Hay Từ điển Việt pháp của Génibrel (Dictionnaire
Annamite-Français - J.F.M. Génibrel
-1898) ghi nhận chén với nghĩa ăn uống: “đánh chén”, “chén đã quá say”.
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê - Vietlex)
xếp “chén” vào loại từ “thông tục” (tức phổ biến, giản dị, mộc
mạc, quen thuộc trong dân chúng), và giảng là “ăn, về mặt coi như một thú vui”. Tiếng Việt có từ “quá chén”, hay “mượn chén làm say”, cho thấy “chén”
vốn chỉ việc uống rượu. Mà uống rượu
thì thường “nhâm nhi”, “nhắm nháp” một cách thú vị, nên “chén” có nghĩa là “ăn, về mặt coi như một thú vui” là vậy.
Bản thân từ “chén” không
hề mang “nghĩa xấu”, “thô tục”, “kém văn
hóa” hay “mất lịch sự”.
Trong bài “Cảnh rừng Việt Bắc” (Hồ Chí Minh) có
câu: “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/Vượn
hót chim kêu suốt cả ngày/Khách đến thì mời ngô nếp nướng/Săn về thường CHÉN
thịt rừng quay/,…”. Chữ “chén”
ở đây nói lên cái thú sinh hoạt dân dã, giản dị nhưng không kém phần tao nhã nơi "non xanh nước biếc..."
Trở lại với chữ “chén” trong trong sách Tiếng Việt 1: “Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: - Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá”.
Từ "chén" trong sách Tiếng Việt 1 (nhóm Cánh Diều) Ảnh: ST |
Trong đoạn văn này, từ “chén”
cũng không hề có nghĩa “thô tục”, “kém văn hóa”, “mất lịch sự”, mà ngược
lại, nó có tác dụng để ám chỉ con cò đã ăn
một cách ngon lành cái thứ mà đáng ra không được phép ăn. Theo đây, nếu ta
thay “chén” bằng “xơi” – một từ mà Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến
đức), giảng là “Ăn, uống (tiếng lịch-sự
nói với bậc trên)” - thì cũng sẽ cho hiệu quả tu từ tương tự: phê phán, mỉa
mai cái sự ăn uống "trái đạo lí" kia của cò. Hoặc giả, trong ngữ cảnh như: Mười năm làm Giám đốc, hắn ta chén hết công quỹ rồi hạ cánh an toàn; Còn chút gì gọi là của công, hắn ta xơi hết!, v.v…thì “chén”, “xơi” ở đây đều mang nghĩa lên án, mỉa mai, và hiệu quả hơn
rất nhiều so với từ “ăn”.
2-Tiếng mẹ đẻ:
Nhá/nhai là từ Việt gốc Hán, đều bắt nguồn từ chữ nha 牙. Chữ nha, ngoài nghĩa là răng, còn một nghĩa nữa là ăn, cắn, nhai (như đã được Hán ngữ đại từ điển ghi nhận)2. Bởi vậy, nhai đồng nghĩa với nhá. Ví như ngày xưa, mẹ nhai cơm cho con, còn gọi là nhá cơm. Trong ca dao, thơ phú, từ nhá cũng không hề mang nghĩa "thô tục", "chỉ những đám lôm côm nói với nhau"(!): Cau xanh nhá lẫn trầu vàng/Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.” (Ca dao); “Nhá rau còn tiếc mùi canh ngọt/Nếm ếch còn tham có giống măng.” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Nhá với nghĩa là vậy, lẽ nào "trong học đường không được phép dùng"?
Nếu thay từ “nhá” trong câu“Mày cố mà nhá cho hết cái đống ấy đi”; “Xem chừng
vụ này nhá không trôi!”, bằng
các từ nhai, nuốt, xơi,…, sẽ thành: “Mày cố mà NHAI/XƠI cho hết cái đống ấy
đi”; “Xem chừng vụ này NUỐT không trôi!”, thì câu văn đâu có vì thế mà trở
nên “lịch sự” hơn?
Tương tự, từ “tợp” trong “chó tợp” (“chó tợp mỡ tha đi”) là một cách dùng từ rất “đắt” để chỉ sự đớp nhanh lấy miếng mồi của con vật, bởi nó còn gợi cả âm thanh của cú đớp mà từ ngậm, tớp, đớp, không có được.
Có ý kiến đề xuất, phải thay "tợp" bằng "ngậm". Tuy nhiên, đó là cách dùng từ không đắt. Ảnh: ST |
Tất cả những từ mà nhiều người e rằng “mất lịch sự”, “kém văn hóa”, “thô tục”, “không phù hợp với học sinh lớp
1”, thực ra đều là những từ thuộc “tiếng mẹ đẻ”. Ấy là những từ ngữ mà đứa trẻ được cảm nhận, lắng nghe khi
còn trong bụng mẹ. Sinh ra và lớn lên, qua cách học truyền khẩu, những từ
ngữ thông tục trong giao tiếp hàng ngày, sẽ là những từ ngữ đầu tiên
đứa bé học được từ mẹ đẻ, trước khi tiếp thu ngôn ngữ hàn lâm, văn
chương ở nhà trường.
Một ông Tây học tiếng Việt qua giáo trình, từ điển, thì sẽ dùng từ “ăn” trong mọi ngữ cảnh, thay cho tất cả những từ như chén, nhá, tợp, đớp. Trong
khi người Việt sẽ có sự phân biệt khi nào thì dùng ăn, khi nào thì dùng chén,
nhá, tợp, đớp…để tạo nên sự tinh tế, hiệu quả của điều mình diễn đạt. Ví dụ, một đứa bé
lên bốn, lên năm, nếu biết nói: “Đừng lại đó, chó nó tợp cho một miếng giờ!”,
hay “Cá đang nhao lên đớp mồi kìa!”, sẽ được đánh giá cao hơn nhiều về
độ tinh tế trong sử dụng tiếng mẹ đẻ, so với đứa bé dùng từ “cắn”, hay “ăn”
để diễn đạt. Và lẽ dĩ nhiên khi lớn lên, trình độ tiếng Việt của đứa bé thế nào, còn phụ thuộc vào sự tích lũy vốn liếng tiếng mẹ đẻ ra sao.
Như vậy, quan điểm của chúng tôi, với những từ như chén, nhá, tợp,v.v…nếu trẻ được dạy sử dụng đúng ngữ cảnh, tạo được hiệu quả diễn đạt, thì không có gì xấu và không cần hạn chế về độ tuổi tiếp cận. Vì như đã nói ở trên, trước tuổi cắp sách đến trường, tất cả những từ ấy, qua giao tiếp hàng ngày, trẻ đã được lắng nghe, tiếp nhận từ ông bà, cha mẹ, và sẽ ngày càng được tích lũy dày thêm.3
Hoàng Tuấn Công/10/2023
Chú thích:
1-
Về ngữ âm TR (trản) biến thành CH (chén), ta còn thấy trong rất
nhiều trường hợp khác, như: trà 茶→chè; tranh 爭→chanh (chanh/tranh nhau); thốc 瘯→chốc (ghẻ); thị 巿→chợ,v.v…Còn AN biến
thành EN, ta còn thấy trong các trường hợp như: hạn 限→hẹn (hẹn giờ); vãn 挽→vén
(vén áo lên); hàn 寒→hèn
(hèn mọn),v.v…
2-
Về ngữ âm, A (nha) biến thành Á (nhá), ta còn thấy trong nhiều
trường hợp, như: la 籮 → rá (cái rá); qua 過 → quá; ma 媽 →má,v.v…; còn A (nha) biến thành AI (nhai), ta còn thấy trong các
trường hợp khác, như ma 磨→ mài;
dã 野→dại; cá 个→ cái; nga 蛾→ ngài,.v.v…(Tham khảo "Tầm-nguyên tự-điển Việt-Nam" - Lê Ngọc Trụ - NXB TPHCM, 1993).
3-
Xin được nhắc lại, bản thân tiếng nói thì không có xấu tốt, vì nó
được sáng tạo để dùng vào đa dạng các hoàn cảnh khác nhau. Vì thế, thay vì phân
biệt từ xấu/ không xấu thì cần phân biệt tục/ không tục, bởi đây là một sự
phân biệt có giá trị ngôn ngữ học. Vậy một từ thế nào thì được gọi là “tục”? Đó
là từ dùng để chửi (văng tục), hoặc chỉ đích danh sự vật mà đáng ra phải kiêng
tránh. Và một người bản ngữ sẽ luôn thấy nó là tục, dù trong bất cứ ngữ cảnh
nào, có phát ngôn ra thành lời hay không, ví như: c-ứ-t, l.ồ-n, c-ặ-c, đ-é-o,
v.v….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét