Một cảnh trong phim Tây du kí Ảnh: ST |
Trong chương trình Vua tiếng
Việt (7/10/2022), MC Xuân Bắc giới thiệu Tiến sĩ Đỗ Thanh Nga (Cố vấn của Vua tiếng Việt) giải thích câu Lộng giả thành chân cho người chơi và khán
giả nghe. Tiến sĩ giải thích cặn kẽ như sau:
“Đây là câu thành ngữ Hán Việt. LỘNG có nghĩa là trò đùa; GIẢ có nghĩa là cái điều không có thật; THÀNH là biến thành; CHÂN là sự chân thật”. Tiếp theo, Tiến sĩ giảng nghĩa cả câu là: “Trong cuộc sống đôi khi có những điều người ta nói đùa thái quá thì đến một lúc nào đấy cái điều tưởng như là đùa ấy nó sẽ biến thành thật. Nó cũng mang một cái hàm ý là trong cuộc sống những điều giả dối cứ tiếp diễn thì dần dần nó cũng biến thành bản chất thật sự của con người đó”.
Không chỉ Tiến sĩ Đỗ Thanh Nga, mà lâu nay, phần lớn các sách đều
giải thích “lộng” có nghĩa là đùa, đùa cợt,
và giải thích cả câu là: điều nói đùa mà
thành sự thật, hoặc đùa quá hoá thật.
Thậm chí có sách (Từ điển tục ngữ Việt
– Nguyễn Đức Dương) lại giải thích “lộng” ở đây có nghĩa là “lộng hành”: Cái giả cứ mặc sức lộng hành, thì dần dà sẽ
trở thành cái chân. Thành thử, mỗi tác giả nói mỗi phách, mỗi sách giải
thích mỗi kiểu. Được cái nọ thì mất cái kia, không có cuốn nào giải thích chính
xác và đầy đủ.
Vì sao vậy?
Có một nguyên nhân quan trọng, đó là các soạn giả mới đoán nghĩa, chứ chưa tìm về xuất xứ, và đặt câu thành ngữ vào ngữ cảnh sử dụng.
Lộng giả thành chân là một thành ngữ gốc
Hán. Mà đã gọi là gốc Hán (có nguồn gốc,
xuất xứ từ Hán ngữ), thì trước tiên phải tìm về cái gốc, xem nó được hiểu và
dùng như thế nào, sau đó mới tính đến nghĩa phái sinh, nghĩa mới của thành ngữ,
nếu có.
1-Tìm về gốc Hán
Theo Hán điển, thành ngữ “Lộng giả thành chân” vốn xuất xứ từ tác phẩm Lộng bút ngâm của Thiệu Ung đời Tống, trong đó có câu “Lộng giả tượng chân, chung thị giả/Tương cần bổ chuyết tổng thâu cần - 弄假像真终是假,将勤补拙总轮勤 - nghĩa là “Biến giả thành thật, thì cuối cùng cái thật ấy cũng là giả/ Lấy cần cù để bù cho tối dạ, thì kẻ tối dạ sẽ thành thông minh”.
Về sau, Lộng giả thành chân 弄假成真 được hiểu theo hai nghĩa: ban đầu có ý làm giả, sau trở thành thật;
biến giả thành thật. Cụ thể, Hán ngữ đại từ điển giảng 2 nghĩa rõ ràng như sau:
1) Vốn
có nghĩa lấy giả làm thật, sau chỉ việc ban đầu có ý làm giả, kết quả lại hoá
thành thật (Bản vị dĩ giả tác chân, hậu vị nguyên ý tác giả, kết quả biến
thành chân sự - 本謂以假作真,後謂原意作假結果變成真事).
2) Chỉ việc biến giả thành thật (Vị biến giả vi chân - 謂變假為真).
Chữ “lộng” trong “Lộng giả thành chân” có nghĩa là làm, khiến cho – nghĩa (nghĩa thứ 13 mà Hán ngữ đại từ điển ghi nhận). Bởi thế, trong Hán ngữ còn có các câu
như: “Giả tố chân, thời chân diệc giả,
chân tố giả thời giả diệc chân -假做真时真亦假,真做假时假亦真”, nghĩa là: Biến giả thành thật, thì
cái thật ấy cũng là giả; thật làm thành giả, thì cái giả ấy vẫn là thật. Câu
này có một dị bản, trong đó chữ tố 做 được thay bằng tác 作: Giả tác chân thời chân diệc giả, chân tác giả thời giả diệc chân - 假作真時真亦假, 真作假时假亦真.
Theo đây, lộng 弄, tố 做,
hay tác 作 đều có nghĩa là làm cho, khiến cho.
Chồng sách 7 cuốn từ điển này, mỗi cuốn giải thích câu "Lộng giả thành chân" mỗi kiểu; không có cuốn nào giải thích đúng hoàn toàn. Ảnh: HTC |
2-Đặt
vào ngữ cảnh
-Về nghĩa 1, ban đầu có ý làm giả, sau lại trở thành thật:
Một trang Hán ngữ nọ minh hoạ bằng ví dụ: Hai người đóng giả
yêu nhau, đến chăm sóc, an ủi mẹ già đang bệnh nặng, cuối cùng, lộng giả thành chân, họ trở thành vợ chồng
thật (他倆本來是假裝男女朋友來安慰病危的母親, 最後弄假成真, 真的成為夫妻). Bản gần nghĩa với câu này là Giả hí chân tố 假戲真做 (Đóng giả mà thành thật; Diễn
mà y như thật).
Nghĩa 1 này có thể ứng với một câu chuyện lộng giả thành chân khác. Ví như có anh chàng muộn vợ, Tết đến mới thuê
một cô đóng giả người yêu về ra mắt gia đình. Bố mẹ anh rất vui mừng và quý mến
cô gái. Cô gái khi tiếp xúc với gia đình cũng mến người, mến cảnh…Từ đây, chàng trai
cũng nảy sinh tình cảm một cách tự nhiên. Cuối cùng thành ra yêu thật, lấy nhau
thật. Tình huống này có thể gọi là Lộng giả thành chân. Và lộng ở đây hoàn toàn
không phải là đùa, mà nằm trong ý đồ làm giả, đóng giả, nhưng sau trở thành thật, ngoài sự tính toán ban đầu.
-Với nghĩa 2, chỉ việc biến giả thành thật:
Hán ngữ đại từ điển dẫn ngữ liệu trong Tây du ký hồi thứ 95: “Hành Giả túm lấy Công chúa lớn tiếng mắng: “Đồ nghiệt súc! Ngươi lộng giả thành chân, chừng ấy chưa đủ, còn muốn lừa dối cả thầy ta sao!” [nguyên văn: 揪住公主罵道:‘好孽畜!你在這裏弄假成真,只在此這等受用也盡彀了,心尚不足,還要騙我師父].
Sở dĩ Hành Giả mắng Công chúa là “Đồ nghiệt súc! Ngươi lộng giả thành chân chừng ấy chưa đủ…”, là bởi
kẻ “nghiệt súc” này vốn là yêu khí, nhưng “biến
giả thành thật”, đội lốt Công chúa. Và việc quỷ giả làm người đối với Hành
Giả đã là quá đáng lắm rồi, giờ còn muốn lừa dối cả thầy Đường Tăng nữa.
Nghĩa này tương đương với câu chuyện Lộng giả thành chân - biến giả
thành thật trong ngữ cảnh sau: “…Đồ
giả có vẻ thật đến nỗi những nhà chuyên môn thiếu kinh nghiệm không phân biệt nổi.
Sự “lộng giả thành chân” làm khó dễ trong việc quản lý sưu tầm loại sản phẩm
văn hoá vật thể đặc biệt này” (báo Lao
động 11-8-1999 - ngữ liệu của Trung
tâm từ điển học Vietlex).
Ngoài ra, chúng ta có thể ra hàng loạt ngữ liệu khác trên báo chí
như:
- “Giả mạo trang thông tin của
các cơ quan công quyền - một âm mưu “lộng giả thành chân” […] những kẻ cố ý ngụy
tạo hết sức tinh vi, kiên trì “biến giả thành thật”, thậm chí có những hành vi
giả dối được lặp đi lặp lại, tái diễn thường xuyên, liên tục để lôi kéo sự nhẹ
dạ, cả tin của người khác, khiến người khác tưởng là thật” (Phúc Nội - Báo
QĐND, 2019).
-“Ca sĩ hát sai lời: Ý thức
kém […] Giống như câu “lộng giả thành chân”, dần dà họ mặc định cái sai
thành đúng”
(Vietnamnet – 2022).
-“Báo Phụ Nữ TP.HCM xin gửi đến
độc giả những phân tích của tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới
Chính phủ, người có vai trò rất quan trọng trong Hiệp định biên giới Việt -
Trung - về chiêu trò “lộng giả thành chân” này của nhà cầm quyền Trung Quốc
trong âm mưu độc chiếm Biển Đông…” (Báo Phụ nữ TPHCM, 2019).
Như vậy, câu thành ngữ gốc Hán đang xét có hai nghĩa, thì cả hai
nghĩa mà Hán điển và Hán ngữ đại từ điển giảng, đều được vận
dụng trong tiếng Việt, giống hệt trong tiếng Hán. Trong đó, nghĩa 2 được vận dụng
khá nhiều.
3-“Lộng giả thành chân” và “Bỡn quá hoá thật”
Trong tiếng Việt, chữ “lộng” với nghĩa là “làm”, không phải là một
từ có khả năng độc lập trong hành chức, và rất ít được sử dụng với tư cách là một
yếu tố cấu tạo từ gốc Hán; trong khi “lộng” với nghĩa là chơi đùa, đùa cợt, được
nhiều người biết đến qua những từ như trào
lộng, lộng ngữ, lộng ngôn…Bởi thế, người ta phỏng đoán lộng trong Lộng giả thành
chân có nghĩa là đùa cợt, lộng hành. Từ đây, câu Bỡn quá hoá thật được cho là bản đối dịch của Lộng giả thành chân.
Tuy nhiên, “Đùa/bỡn quá hóa
thật”, là một câu tục ngữ Việt. Ví dụ A và B trêu đùa nhau. A nói đùa thái
quá, xúc phạm đến B, khiến B cáu, thế rồi lời qua tiếng lại, thành ra cãi nhau to,
đánh nhau thật. Theo đây, Đùa/bỡn quá [thì]
hóa thật, là một câu tục ngữ (tổng
kết kinh nghiệm mang tính qui luật), trong khi Lộng giả thành chân lại là một thành ngữ (chỉ đơn thuần là một nhận
xét). Chẳng qua vì lầm lẫn nên người ta ngỡ nó là bản đối dịch của Lộng giả thành chân
Có thể đưa ra một số dẫn chứng. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung – Vũ Thuý Anh – Vũ
Quang Hào), thu thập thành ngữ Lộng giả
thành chân và hướng dẫn xem Bỡn quá
hoá thật. Mục Bỡn quá hoá thật”
sách này giảng: “Bỡn quá hoá thật [Đùa
quá hoá thật] Đùa quá mức sinh ra mất lòng nhau”.
Tham khảo thêm Đại từ điển
tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên), ta thấy sách này giảng tương tự: “Bỡn quá hoá thật: Đùa quá mức sinh ra mất
lòng nhau: tưởng là chuyện vặt, ai dè bỡn
quá hoá thật”.
Về câu Bỡn quá hoá thật,
ở Thanh Hoá còn có một dị bản là “Bỡn quá hoá rồ”, nghĩa là đùa bỡn quá trớn thì sẽ sinh khùng, có những hành động việc làm
quá khích (rồ).
Như vậy, Bỡn quá hoá thật (Bỡn quá hoá rồ) là một câu tục ngữ Việt, trong khi Lộng giả thành chân, lại là một thành ngữ gốc Hán. Việc gán ghép chúng với nhau chẳng khác nào Hồn trương ba, da hàng thịt, hay nói một cách hài hước là “Hồn của Ta, da của Tàu” vậy.[*]
Hoàng Tuấn Công/5/2023
[*] Sau khi Hoàng Tuấn Công chỉ ra lỗi trong cách giải thích của TS Đỗ Thanh Nga, thì trên mạng xã hội đã nổ ra một cuộc tranh luận khá sôi nổi về cách hiểu thành ngữ "Lộng giả thành chân". Nhiều người vẫn cho rằng, "lộng" đây có nghĩa là "đùa cợt", "Lộng giả thành chân" nghĩa là bỡn quá hóa thật. Thậm chí có người còn cho rằng, "giả" trong "Lộng giả thành chân" có nghĩa là "người", chứ không phải "giả" có nghĩa là không thật; lộng giả thành chân, nghĩa là "kẻ gây chuyện hài hước, tầm phào lại biến thành sự thật. Cả câu có thể hiểu là giỡn quá hóa thật, đùa mà ra thật". Đây là cách giải thích mà người ta gọi là "cưỡng từ đoạt lí". Và nếu ai cũng làm theo cách này, thì ngôn ngữ sẽ loạn.
Khá hay, dễ hiểu. khảo cứu công phu, đáng trân trọng.
Trả lờiXóaHơi lạc đề . Nhưng đọc cái của khỉ này "Cách tiếp cận “phê phán là can thiệp nội bộ” thường không mang lại hiệu quả tích cực trong việc cải thiện nhân quyền.
Trả lờiXóaThay vào đó, cách tiếp cận “phản ánh không đúng thực tế” có vẻ khách quan và khoa học hơn" tớ hổng hiểu gì hít chơn hít chọi lun
Bác rành tiếng Việt hơn tớ, giải thích dùm thằng chả viết cái con cá sặc gì được không ?