9 thg 9, 2023

“DÙI” TRONG “ĐÁNH TRỐNG BỎ DÙI” CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

 

Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh trống
khai trường (năm 2017)
Ảnh: Trang tin ĐT ĐBTPHCM

HOÀNG TUẤN CÔNG


           Độc giả Bùi Văn Đông (Tủ sách Gia đình Văn Bùi – Yên Mô - Ninh Bình) hỏi: “Mới đây, tôi đọc được một bài viết trong đó tác giả NKM có giải thích câu “Đánh trống bỏ dùi”, đại khái như sau:

Ông bà ta lấy hình ảnh người đánh trống để minh họa cho câu tục ngữĐánh trống bỏ dùi” […]. Cố nhiên đánh trống xong, dù là trống chầu, trống trường, trống lệnh, trống thu không, trống lễ hội v.v..., đánh xong thì không ai lại cứ cầm mãi cái dùi trống làm gì. Nhưng cái hình tượng ấy lại được chuyển vào một ngụ ý rất triết học, để nói về một hiện tượng tâm lý xã hội. Đó là việc làm chớt chat, không đến đầu đến đũa, không đến nơi đến chốn. Đánh trống bỏ dùi trở thành một tục ngữ, một thành ngữ để nói cái hiện tượng và hành vi xã hội của con người.

Tôi chuyên môn Toán, nhưng thấy cách giải thích nghĩa đen trên đây có vẻ không ổn. Vậy đề nghị chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa cho biết, dùi trong câu Đánh trống bỏ dùi có phải như tác giả giải thích không?”

Trả lời: Trước tiên, để xem dùi trong thành ngữ Đánh trống bỏ dùi có nghĩa là gì, chúng ta hãy xem từ điển giải thích như thế nào.

 Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương – NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010) thu thập và giải thích như sau: “Đánh trống bỏ dùi Đánh xong trống là vất dùi đi ngay. Hay dùng để chê những kẻ chỉ nghĩ tới cái hôm nay chứ chẳng hề nghĩ gì tới cái mai kia”.

Như vậy, cách giải thích nghĩa đen của tác giả NKM giống với cách giải thích của từ điển, nghĩa là “dùi” ở đây là cái dùi đánh trống. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tác giả NKM đã đúng.

         Trước tiên, phải nói rằng, Đánh trống bỏ dùi là một thành ngữ chứ không phải tục ngữ. Việc tác giả Nguyễn Đức Dương thu thập câu này vào Từ điển tục ngữ Việt để giải nghĩa là có sự nhầm lẫn trong việc nhận diện thành ngữ và tục ngữ. Tuy nhiên, sự nhầm lẫn này cũng không quan trọng lắm. Điều chúng tôi muốn nói ở đây, là soạn giả đã hiểu sai từ “dùi” (tiếng trống), thành “dùi” (cái dùi đánh trống), nên giảng sai nghĩa đen, rồi dẫn đến sai luôn nghĩa bóng.

         Trong các cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay, chưa thấy cuốn nào ghi nhận “dùi” với nghĩa là tiếng trống, hay một lần đánh trống. Tuy nhiên, một số cuốn từ điển uy tín, đã gián tiếp ghi nhận như sau:

         -Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của): “trống hồi một: trống đánh một hồi, lại một dùi (việc cần cấp)”.

         -Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “trống hồi một • dt. Tiếng trống đánh liên-tiếp, ban đầu to sau nhỏ dần đến dứt, rồi lại (đánh thêm) một dùi nữa”.

         Riêng Từ điển Việt-Bồ-La , đã dành cho dùi hai mục từ riêng biệt:

         -“Dùi: cái gậy mà người ta dùng để đánh. Lếy dùi mà đánh: Anh hãy cầm lấy gậy mà đánh. Một dùi, hai dùi v.v. Đánh một gậy, đánh hai gậy.

         -Dùi: cái dùi chuông. Một dùi, hai dùi: Một lần đánh kêu, hai lần đánh kêu v.v. Cùng một nghĩa về tiếng đổ giờ của đồng hồ”.[**]

Đặc biệt, có hai cuốn từ điển trực tiếp thu thập, giảng nghĩa thành ngữ Đánh trống bỏ dùi một cách chính xác và rõ ràng như sau:

-Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên): “đánh trống bỏ dùi Làm việc không đến nơi đến chốn, bỏ dở dang một cách thiếu trách nhiệm, ví như người đánh trống báo các hiệu lệnh lại chỉ đánh các hồi trống mà bỏ qua các dùi trống lẻ sau các hồi trống liên tục ấy, làm cho người ta nghe mà không biết trống đánh để làm gì (dùi: là các tiếng trống lẻ, phân biệt với hồi: ba hồi chín dùi, ba hồi ba dùi)”.

-Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung – Vũ Thúy Anh – Vũ Quang Hào): “đánh trống bỏ dùi (dùi 1: Thanh tròn, ngắn, thường bằng gỗ, dùng để đánh vào trống cho phát ra tiếng kêu; dùi 2: Những tiếng trống lẻ sau hồi trống dài liên tục, là tín hiệu góp phần phân biệt các hiệu lệnh khác nhau của hồi trống). Làm việc không đến nơi đến chốn, bỏ dở giữa chừng, thiếu trách nhiệm”.

Trở lại câu hỏi của độc giả Bùi Văn Đông.

Vì hiểu sai dùi với nghĩa là tiếng trống, thành dùi nghĩa là cái dùi đánh trống, nên chính tác giả NKM cũng cảm thấy vô lí về mặt nghĩa đen, nên viết: “Cố nhiên đánh trống xong, dù là trống chầu, trống trường, trống lệnh, trống thu không, trống lễ hội v.v..., đánh xong thì không ai lại cứ cầm mãi cái dùi trống làm gì”.

Riêng tác giả Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương), từ chỗ hiểu sai nghĩa của từ dùi, dẫn đến giảng sai luôn nghĩa bóng. Cụ thể, tác giả cho rằng, câu Đánh trống bỏ dùi là “dùng để chê những kẻ chỉ nghĩ tới cái hôm nay chứ chẳng hề nghĩ gì tới cái mai kia” (hẳn hàm ý của tác giả là đánh trống xong vứt/bỏ dùi đi, thì ngày mai/lần sau lấy gì mà dùng). Tuy nhiên, nghĩa của thành ngữ này không nói tới “kẻ chỉ nghĩ tới cái hôm nay chứ chẳng hề nghĩ gì tới cái mai kia”[*].

Như vậy, về nghĩa đen, mỗi khi đánh vào mặt trống một dùi, thì đồng thời một tiếng trống vang lên. Bởi vậy, một dùi đánh vào mặt trống, đồng nghĩa với một tiếng trống vang lên, và “bỏ dùi” trong Đánh trống bỏ dùi, có nghĩa là bỏ đi tiếng trống/lần đánh trống với những tiếng lẻ sau cùng, chứ không phải sau khi đánh xong thì vứt/bỏ cái dùi đánh trống đi. Cách ví von này của dân gian ám chỉ thái độ làm việc không đến nơi đến chốn, xướng ra và hăng hái huy động mọi người làm, nhưng đến giữa chừng, hoặc về cuối thì chính mình lại bỏ dở.

                                                                 Hoàng Tuấn Công/8/9/2023


Chú thích: [*] - Ngoài Từ điển tục ngữ Việt, thì Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) cũng mắc cái sai giống Nguyễn Đức Dương, khi cho rằng “dùi” trong Đánh trống bỏ dùi, là “đồ dùng bằng gỗ để đánh…”. Cụ thể từ điển này giảng và lấy ví dụ như sau: “dùi • Một thứ đồ dùng bằng gỗ để đánh để đập <> Dùi trống, dùi đục. Văn-liệu: Đánh trống bỏ dùi.”.

[**] - "Dùi" trong "dùi chuông" của đồng hồ, đồng nghĩa với "vồ".  

4 nhận xét:

  1. Khai sáng, cảm ơn tác giả

    Trả lờiXóa
  2. Hay quá. Thật rõ ràng với một thành ngữ thường hiểu sai từ "dùi". Cảm ơn Bác Hoàng Tuấn Công.

    Trả lờiXóa
  3. Vậy thầy dùi là gì

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn t.g.,từ trước tới giờ cứ hiểu dùi là vật dùng để đánh trống...?

    Trả lờiXóa