Cổng vào đền Nguyễn Nghi (Thanh Hóa) Ảnh: Vietnamnet |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Độc giả Lương Đình Thăng (Thị xã Nghi Sơn) hỏi: “Gần đây, tôi có
đọc được bài viết “Hưởng thọ hưởng dương” của ông BT, thấy nhiều băn khoăn có
phần giống tôi. Đại khái ông BT viết:
“Từ sau năm 1975 hay gần đây tôi thấy người ta dùng chữ hưởng dương dành cho người mất dưới 60 tuổi và hưởng thọ là người mất trên 60 tuổi, có nghĩa là ranh giới của thọ được bắt đầu ở tuổi 60? Tôi hỏi tại sao lấy cái mốc đó? Thì được trả lời là từ bản nhạc “60 năm cuộc đời”?? […] Tôi ra nghĩa trang xem lại bia mộ những người thân quen đã quá vãng, thì thấy có ba loại:
1/
Ghi là thọ và hưởng thọ bất kỳ lứa tuổi nào.
2/
Ghi hưởng dương áp dụng cho người mất
dưới 20 tuổi, chưa lập gia đình. Cũng thấy những người dưới 60 tuổi dùng
chữ hưởng dương, xem kỹ thì đây là
những người mất sau năm 1980.
3/ Đa số
bia mộ không ghi tuổi chết mà ghi ngày tháng năm sinh và ngày tháng từ trần mà
thôi.
Thực lòng mà nói trong tâm cảm của ta khi đọc trên một bia mộ thấy
ghi chữ thọ hay hưởng thọ ta cảm nhận được sự thanh thản, bình thường. Trong khi
gặp phải chữ hưởng dương cảm thấy
buồn buồn, thương tiếc, hay nói khác đi là cảm nhận một cách nặng nề, vì nói rõ
ra đó là đoản thọ, yểu mệnh […]. Sao ta không dùng chữ thọ mà lại dùng chữ hưởng dương
để mỗi lần nhìn thấy, là mỗi lần đau đáu trong lòng […]”.
Xin cho biết, việc phân biệt hưởng
dương và hưởng thọ như vậy có
đúng không, và có nên phân biệt như vậy không?”
Trả lời:
Quả tình, trong thực tế có sự phân biệt về cách dùng hưởng dương và hưởng thọ, cho dù hai từ này là đồng nghĩa.
1-“Dương” và “thọ”
Chữ “dương” 陽 trong “hưởng dương” 享陽 là gì?
Chữ dương trong hưởng dương, là gọi tắt của hai chữ dương thọ 陽壽, trong đó, dương chỉ dương gian, dương thế. Mà dương thọ 陽壽 lại
có nghĩa là “chỉ số năm con người sống trên thế gian” [chỉ
nhân tại thế gian đích thọ mệnh - 指人在世間的壽命 - Hán ngữ đại từ điển]. Theo đây, chữ
dương, hay dương thọ, là số tuổi, số năm
sống của một người; “hưởng dương”
là hưởng số tuổi, hay số năm trên dương
thế, bất kể dài hay ngắn.
Chữ “thọ” trong “hưởng thọ” là gì?
-Hán ngữ đại từ điển ghi cho thọ tới 14
nghĩa, trong đó, có một số nghĩa hữu quan như: 1. Số tuổi, niên hạn sống của một người; cũng chỉ kì hạn sử dụng của
sự vật [niên thọ; hạn thọ. Diệc chỉ sự
vật đích sử dụng kì hạn-年壽;壽限.亦指事物的使用期限]; 2. Nghĩa rộng chỉ năm, tuổi;
3. Sinh nhật; 4. Trường thọ; sống được với số tuổi cao,v.v…
-Hán Việt từ điển (Trần Văn Chánh), giảng nghĩa thứ 2 của thọ là “tuổi đời (khoảng thời gian của đời sống)”,
và lấy ví dụ “thọ mệnh 壽命 - tuổi thọ”.
Vì chữ thọ trong hưởng thọ (danh từ), chỉ có nghĩa là số tuổi, niên hạn sống của một người không
kể dài hay ngắn, sống lâu hay mất sớm, nên để chỉ sống lâu, người ta phải dùng
chữ trường thọ, hay hạc thọ.
Trong một số ngữ cảnh như: Bí
quyết sống thọ, Cả hai cụ đều thọ, Sống
thọ nhưng phải khỏe mạnh thì mới đáng sống, thì thọ (tính từ) mới có nghĩa là sống
lâu, trường thọ.
2-“Hưởng dương” và “hưởng thọ”
Trong số hơn 10
cuốn từ điển tiếng Việt và từ điển Hán Việt chúng tôi có trong tay, chỉ duy nhất
Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ
biên (Trung tâm Từ điển học Vietlex – Bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt)
thu thập từ hưởng dương với lời giảng
là: “đã được sống trên cõi đời [thường nói về người chết trẻ]”, và lấy ví dụ: “Bà Tư theo ra đến nơi thấy nắm đất lè tè, có dựng một bia bằng
đá khắc tên Lê Thị Thơm, sinh năm 1970, hưởng dương hai mươi tám tuổi (…)”.
Mục từ “hưởng thọ”, được
từ điển này giải thích là: “sống được bao
nhiêu năm cho đến lúc mất [thường nói về người đã già]”, và lấy ví dụ “ông
cụ hưởng thọ 80 tuổi”.
Như vậy, căn cứ vào cách giảng trong phần chính văn của Từ điển Hoàng
Phê, thì hưởng dương và hưởng thọ, mang nghĩa trung tính, và chỉ khác nhau về diễn
đạt, chứ không khác nhau về nội dung. Có chăng, đó là sự phân biệt về cách dùng
ở phần phụ chú (do từ điển cập nhật
từ thực tế đời sống những năm gần đây): hưởng
dương (“thường nói về người chết trẻ”); còn hưởng thọ (“thường nói về người đã già”).
3-Vì sao lại có sự phân biệt “hưởng dương” và “hưởng thọ”?
Như trên đã nói, chữ thọ
trong hưởng thọ không có nghĩa là
sống lâu, mà chỉ có nghĩa là số tuổi,
niên hạn sống của một người, bất kể dài hay ngắn. Bởi vậy, trước kia, người
ta dùng thọ, hoặc hưởng thọ để nói về thời gian đã sống
của một người, mà không phân biệt là già hay trẻ (đúng như lời nhận xét của ông
BT). Điều này hãy còn được nhiều cuốn từ điển ghi nhận:
-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) giảng chữ “thọ” là “đã sống được”, và lấy ví dụ: “ông cụ thọ tám mươi”; “Rồi
đó vua Lê tắt thở, thọ 28 tuổi.”.
-Từ điển tiếng Việt (Văn
Tân chủ biên) giảng “hưởng thọ” là “sống
được” và lấy ví dụ: “Lê-nin hưởng thọ
54 tuổi”.
-Hán ngữ đại từ điển giảng “hưởng thọ” là “niên hạn tại
thế, nói về năm tuổi sống trên dương thế.” (nguyên văn: hưởng hữu đích thọ mệnh, vị tại thế đích
niên tuế - 享壽: 享有的壽命,謂在世的年歲], mà không kèm theo ghi chú
là dùng cho người chết ở đội tuổi nào.
Vậy, vì sao vốn trước đây dùng từ thọ, hoặc hưởng thọ cho
tất cả những người đã mất, không phân biệt già trẻ, nhưng sau lại có thêm từ hưởng dương dành riêng cho người chết
trẻ?
Ngọn nguồn của sự phân biệt này là ở chỗ, người ta hiểu lầm chữ thọ, trong hưởng thọ, có nghĩa là sống
lâu, trường thọ[*]. Bởi hiểu lầm chữ thọ
trong hưởng thọ là sống lâu, nên đối với người chết trẻ,
người ta không dùng từ hưởng thọ (với
nghĩa suy diễn thiếu chính xác là hưởng
sống lâu), mà tìm ra một từ khác
là hưởng dương, với nghĩa được được sống trên dương thế bao nhiêu
năm.
4-Có nên phân biệt “hưởng dương” và “hưởng thọ”?
Một số ngữ liệu như: “vua Lê tắt thở, thọ 28 tuổi”, hay “Lê-nin hưởng thọ 54 tuổi”, cho thấy, về
nguyên tắc, người ta có thể dùng thọ,
hoặc hưởng thọ như trước đây, mà
không cần tính đến người quá cố ở độ tuổi bao nhiêu. Tuy nhiên, một khi từ ngữ
đã có sự phát triển, biến đổi theo thực tế đời sống, được cộng đồng chấp nhận
và từ điển thu thập, thì chúng ta nên theo, để tránh rắc rối phức tạp. Đặc
biệt, trong chuyện “ma chê cưới trách”, thì càng nên thận trọng để tránh lời ra
tiếng vào không cần thiết. (Nên tham khảo giải thích và phụ chú về hưởng dương và hưởng thọ như từ điển Hoàng Phê đã cập nhật, mà chúng tôi trích dẫn
trên đây).
5- Bao nhiêu tuổi thì gọi là “thọ”, “hưởng thọ”?
Độ tuổi có thể gọi là thọ,
và mức độ thọ, nhiều tài liệu không thống nhất về cách tính. Tuy nhiên, nếu cần
có một cái mốc nào đó để làm căn cứ, thì có thể lấy cách tính thông dụng: hạ thọ (60 tuổi), trung thọ (70 tuổi);
thượng thọ (80 tuổi),v.v… Theo đây, người mất từ 60 tuổi trở lên, là có thể gọi
là hưởng thọ; dưới 60 tuổi gọi là hưởng dương. Trường hợp người mất trên 40 - 50 tuổi, đã có con, có cháu, và tang quyến không muốn dùng chữ hưởng dương, thì vẫn có thể dùng chữ thọ, hưởng
thọ, với nghĩa “đã sống được”, ví như: “Ông Nguyễn Văn A,
mất ngày…tháng…năm…,thọ 52 tuổi”, “Bà Nguyễn Thị B, mất ngày…tháng…năm…, hưởng thọ
58 tuổi”,v.v…như các cụ ta trước đây vẫn dùng, và không có gì sai. Khi lập bia mộ, nếu không muốn
dùng từ hưởng dương, hưởng thọ, hay thọ, kèm số tuổi cụ thể, thì chỉ cần ghi năm sinh, năm mất là được.
Hoàng Tuấn Công
Chú thích:
[*]-Ví như Từ điển từ và ngữ
Việt Nam (GS. Nguyễn Lân) giảng: “hưởng thọ • đgt. (hưởng: nhận được;
thọ: sống lâu) Nói người già đã sống được bao nhiêu năm trước khi chết”.
Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.
Trả lờiXóaBiết nói biết, không biết nói không biết, là người biết.
Mấy quyển từ điển ấy không trả lời được việc ra đời của "từ mới", nảy ra gần đây, "hưởng dương" nhỉ.
Hoàng Phê có chỉ ra được "hưởng dương" được dùng từ lúc nào, những ai dùng trong tác phẩm nào ...v..v... không.