12 thg 6, 2023

NGHĨA CỦA “KHOẢ” TRONG TỪ “KHUÂY KHOẢ”

           

Mái chèo khoả nước
Ảnh: St
                   HOÀNG TUẤN CÔNG
      

     Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên – NXB Khoa học Xã hội, 2011) thu thập và giải nghĩa: “khuây khoả. đgt. Nguôi dịu đi phần nào những nhớ thương, buồn thảm; khuây nói khái quát. Đi chơi cho khuây khoả vì sau những cuộc thay đổi trong gia đình bà cụ hay cả nghĩ.” (VN, 1-61)”.

         Thực ra, khuây khoả không phải là từ láy, mà là từ ghép đẳng lập: khuây nghĩa vợi đi, nguôi đi (như: Đôi mắt người Sơn Tây/U uẩn chiều lưu lạc/Buồn viễn xứ khôn khuây - Quang Dũng); khoả nghĩa tản ra, lấp đi (như khoả lấp; khoả cho kín hố trồng cây).

Khi dùng tay khua cho tan lớp váng hoặc rong rêu trên mặt nước để vốc/múc lấy nước trong uống, cũng gọi là “khoả (Nước trong khoả múc một vùa/Thương em cho trọn một mùa tháng giêng - Cdao). Nếu khoả, khua đi nói về động tác hữu hình, thì hiểu theo nghĩa bóng, khoả/khua chính xua - làm cho tan đi, mất đi - nói về cái trừu tượng (xua đi nỗi buồn, nỗi nhớ). Điều thú vị, là Đại Nam Quấc âm tự vị đã ghi cho khoả nghĩa “bỏ qua, không nhớ tới”; còn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức thì cho khoả nghĩa bóng là “che-lấp, giải sầu”:

-Đại Nam Quấc âm tự vị (Huình-Tịnh Paulus Của): “khoả. n. làm cho bằng, trang ra cho bằng; Khoả lấp: Che lấp, làm cho bằng phẳng • Dung thứ, che đậy, bỏ qua, không nhớ tới; Khoả sét: Vừa đầy, lấy tay mà gạt ngang mặt giạ; Khoả cho bằng mặt đất: Làm cho bằng mặt đất”.

         -Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên-Vietlex): “khuây • đg. nguôi đi, vợi đi nỗi buồn đau, thương nhớ. Đn: khuây khoả”; “khoả 2: đưa qua đưa lại, làm cho trải rộng đều ra trên bề mặt : “(...) ba người xúm dồn đất lại lấp kỹ cửa hầm xuống tầng dưới, khoả đi khoả lại cho thật liền mặt đất, không còn một dấu vết gì đáng nghi.” (Nguyễn Văn Bổng).

         -Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “khuây • bt. Nguôi, bớt dần nỗi buồn, nhớ, thương”; “khoả • đt. Gạt mặt nước cho bụi rác tản đi nơi khác: Nước trong khoả múc một vùa, Thương em cho trọn một mùa tháng giêng (CD). • Đùa qua kéo lại cho bằng mặt: Khoả đất, khoả thóc, khoả bã cho trâu đạp. • (B) Che-lấp, giải sầu: Khuây-khoả”.

         khoả có nghĩa là lấp đi, làm cho tan ra, nên còn có từ khuây lấp; lấp thay cho khoả, tạo thành từ đồng nghĩa hoàn toàn: khuây khoả = khuây lấp. Ví dụ: Tôi đã cố mà vẫn không thể nào khuây lấp được nỗi buồn:

-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “khuây lấp • đt. Cố-ý quên: Khuây-lấp cho rồi, nhớ chi cho buồn”.

-Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên): “khuây lấp • đgt. Cố ý quên đi cho khuây khoả: Chuyện đó đã khuây lấp từ lâu, nhắc lại chi nữa”.

Lại có từ khuây lảng, cũng là ghép đẳng lập, lảng [lảng tránh] thay cho khoả [khoả lấp], mà Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) giảng: “khuây lảng • trt. X. Khuây-khoả: Đi chơi khuây-lảng”.

Từ khoả lấp cũng là ghép đẳng lập (khoảlấp) có nghĩa là tản đất đá, hay vật chất dạng bột, dạng hạt, cho khuất lấp đi, che kín đi:

-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê): “khoả lấp • đg. làm che lấp đi bằng một sự việc khác để đánh lạc sự chú ý: “Ban ngày ông làm vườn, đêm thức viết hồi ký. Tôi biết ông lấy công việc khoả lấp những nỗi niềm.” (Trần Văn Thước)”.

Một số ngữ liệu khác:

Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong mềm. Tôi khoả đất rồi chạy lại chỗ nấp của mình” (vtruyen.vinaphon). “Cạnh đó, trong một hố khoảng 1 m2 có 8 thanh đá chôn ngay ngắn xếp chồng lên nhau, 4 thanh lớn nằm lớp dưới và 4 thanh nhỏ nằm ở lớp trên, sau đó khoả đất lại.” (Nhadan.com.vn-2010).

Như vậy, khuây khỏa không phải là từ láy, mà là từ ghép đẳng lập, trong đó xét nghĩa đồng đại, cả hai thành tố “khuây” và “khoả” đều có khả năng độc lập trong hành chức.

                                                               HTC/6/2023

Trích "Viết lúc nông nhàn", phần Phê bình, khảo cứu "Từ điển từ láy tiếng Việt.

 

2 nhận xét:

  1. Khỏa là che lấp, vậy trong chữ khỏa thân thì chữ khỏa nên được hiểu sao ta.

    Trả lờiXóa
  2. Là "che thân", phải là loã thể mới đúng nghĩa "khoả thân"

    Trả lờiXóa