Mắm cá cơm hoà toàn có thể gắp được Ảnh: ST |
Trên báo Thanh Hoá (số thứ ba, ngày 4/10/2022), mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” có bài “Liệu cơm gắp mắm” của Hoả Diệu Thuý (HDT). Đây là câu tục ngữ khá quen thuộc, tưởng chừng không có gì cần phải bàn thêm nữa. Tuy nhiên, tác giả bài viết đã đặt vấn đề khá thú vị về cách hiểu cặn kẽ nghĩa đen, nghĩa bóng câu tục ngữ. Tiếc rằng, do thiếu am hiểu về thực tế đời sống cũng như lời ăn tiếng nói của dân gian, nên tác giả đã giải quyết vấn đề theo lối cảm tính, tuỳ hứng, tiền hậu bất nhất, dẫn đến những sai sót đáng ngạc nhiên. Để tránh "dĩ hư truyền hư", chúng tôi xin lần lượt trao đổi lại một số điểm như sau:
1-“Liệu cơm gắp mắm” là tục ngữ,
không phải thành ngữ:
Tác giả HDT viết: “Trong kho tàng thành ngữ tục ngữ Việt Nam có một thành ngữ gây
băn khoăn trong cách diễn đạt: Liệu cơm gắp mắm”.
Thực ra “Liệu
cơm gắp mắm” là tục ngữ, không phải
thành ngữ. Bởi ở đây, dân gian đúc kết kinh
nghiệm thực tế, và đưa ra một lời
khuyên. Thành ngữ không có chức năng này.
2-Lẫn lộn giữa “nước mắm” và “mắm”:
Tác giả cho rằng, mắm là “sản phẩm ở dạng nước (ủ lâu) hoặc dạng bột sền sệt đã nhuyễn từ nguyên
liệu”, bởi thế, cả hai thứ này đều không thể “gắp” được.
Thực ra, đã gọi là “sản phẩm ở dạng nước”, thì chính xác đó là nước mắm, chứ không phải “mắm”. Bởi cá tôm dù “ủ lâu” đến mức nào, nhuyễn tới mức nào, thì nó vẫn ở dạng “bột sền sệt”, do bản chất vẫn là hỗn hợp
của xương, thịt, vây, vảy… của cá
tôm, chứ không thể trở thành “sản phẩm ở
dạng nước” hoàn toàn được. Theo đây muốn mắm trở thành “sản phẩm dạng nước”, tất phải qua công
đoạn lắng, lọc, chắt… để tách nước mắm cá khỏi bã cá. Loại nước mắm này dĩ nhiên không thể “gắp”
được.
3-Mắm có gắp được không?
Xưa kia, thức ăn khan hiếm, phương tiện bảo quản
không có, nên khi làm mắm cá thì người ta có thể bắt đầu ăn ngay từ khi sản
phẩm còn ở dạng cá ướp muối (cá tươi
bảo quản bằng muối), cho đến dạng cá muối
(cá bắt đầu ngấm muối nhưng chưa phân huỷ). Hai loại này khi ăn, người ta phải
chưng lên.
Sau dạng cá
ướp muối và cá muối nói trên, là cá mắm (giai đoạn cá bắt đầu phân huỷ,
thịt rữa ra khỏi xương, đã có mùi thơm của mắm, nhưng chưa thật sự ngấu). Tiếp
giai đoạn cá mắm là mắm cá (cá đã phân huỷ mạnh, rã, nhuyễn
ra thành mắm).
Mắm cá ở dạng
hỗn hợp, dù ngấu đến mấy vẫn rất đặc, có lẫn cả xương thịt cá đã nục, ít nhiều
vẫn còn sự liên kết nhất định. Bởi thế, người ta vẫn dùng đũa “gắp mắm” để đưa
đẩy miếng cơm như thường. Với loại mắm ngấu “dạng bột sền sệt đã nhuyễn từ nguyên liệu”, thì vừa gắp vừa vếch đầu đũa lên có thể lấy được cả cái lẫn nước “sền sệt”
từ chĩnh, vại ra bát nhỏ.
Trong thực tế, người ta vẫn dùng đũa để vừa gắp vừa vếch những chất đặc “sền sệt” như mẻ, mắm cá, mắm tôm... Thế nên, nếu “gắp” (danh từ) chỉ lượng thức
ăn trong một lần gắp, thì “đũa” cũng
có một nghĩa là lượng mắm mỗi lần
dùng đũa “gắp”. Ví dụ, khi gia giảm cho một nồi bung, dân gian định lượng bằng
cách “đong” khá chính xác là “Cho một đũa
mắm tôm, ba đũa mẻ…”. Đũa ở
đây chính là một lần chụm hai đầu đũa
lại với nhau để vừa gắp vừa vếch ra một lượng nhất định, thay vì lấy bằng thìa. Bởi thế, không nên máy
móc cho rằng, “gắp” chỉ dùng để chỉ việc kẹp những vật ở dạng rắn vào khoảng
giữa hai chiếc đũa. Ấy là chưa nói đến từ gắp
mang nghĩa khá rộng. Ví dụ “gắp thăm” được hiểu là bốc, rút, lấy ra một cái thăm. “Gắp lửa bỏ bàn tay” còn có dị bản
là “Bốc lửa bỏ bàn tay”. Điều này cho thấy, gắp
có nghĩa rộng tương đương như lấy. Theo
đây, căn cứ vào từ “gắp” để xác định “mắm”
ở đây là mắm cá hay cá khô, như tác giả bài viết là thiếu cơ
sở.
4- Gắp vào
bát, hay gắp ra bát?
Sau khi nói đến hai loại mắm “ở dạng nước (ủ lâu) hoặc dạng bột sền sệt đã nhuyễn từ nguyên liệu”,
tác giả “ngẫu hứng” viết tiếp: “mắm rất
mặn vì được bảo quản bằng muối, nếu không đủ mặn, mắm sẽ mau hỏng. Vì thế mới
có lời khuyên “liệu cơm gắp mắm”, ước lượng cơm để trộn mắm, nếu quá tay, có
khi phải bỏ cơm vì mặn quá không ăn nổi”.
Đoạn này, tác giả có hai điểm sai cơ bản:
-Hiểu sai
nghĩa đen câu tục ngữ:
Xưa kia, nhà nông thiếu thốn đến từng hạt muối trắng. Với thức ăn thì càng thiếu thốn, khan hiếm. Tương cà, mắm mặn phải chia ra ăn dần ăn dè trong cả năm (Thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản – Tục ngữ). Câu tục ngữ Có cà thì thôi gắp mắm, Có dưa thì chừa rau, khuyên người ta phải tằn tiện, vén khéo, có cái này ăn thì cái kia phải để dành. Thế nên ông Lê Văn Bài (Thanh Hoá) mới có đôi câu đối:
Tích cốc phòng cơ, chớ xa hoa, hãy nhớ thiên tai còn khắc nghiệt,
Liệu cơm gắp mắm, không lãng phí, đừng quên đất nước vẫn chưa giàu.
Và ông quan triều Lê Nguyễn Minh Triết (1578 – 1673) thuở hàn vi từng có bài thơ Hà tiện, trong đó “Dặn vợ có cà đừng gắp mắm”:
“…Dặn vợ
có cà đừng gắp mắm,
Bảo con
bớt gạo bỏ thêm khoai.
Thế gian
mặc kẻ cười hà tiện,
Ta chẳng
phiền ai chẳng luỵ ai.”
(Hà tiện)
Riêng với mắm, mỗi bữa ăn người ta phải trù liệu, để “gắp ra” sao cho vừa đủ dùng cho cả nhà. Nếu gắp quá nhiều, mắm
thừa (đã đụng đũa) thì không thể bỏ lại vào chĩnh/vại (bỏ mắm cũ vào dễ hỏng cả
chĩnh mắm); mà để lại ăn bữa sau thì không bảo quản được. Mắm ăn thừa úp đầu
chạn cuối chạn, cuối cùng bỏ đi rất phí phạm. Thế nên dân gian mới có câu ca:
Liệu cơm mà gắp mắm ra,
Liệu cửa
liệu nhà em lấy chồng đi
Nữa mai
quá lứa nhỡ thì
Cao thì
chẳng tới thấp thì chẳng thông.
(Ca
dao)
Hãy lưu ý các cụm từ “liệu cơm” và “gắp mắm ra” của
dân gian.
Cơm ở đây bao
gồm tất cả đồ ăn thức uống trong một bữa ăn. Ví dụ “Nấu cơm cho ba người ăn” là
chuẩn bị bữa ăn cho ba người. “Liệu cơm” có nghĩa là tính toán nhu cầu thức ăn
tương ứng với số người ăn cơm. Bởi thế “gắp mắm” không phải là “gắp” để bỏ vào bát của người ăn cơm, “để trộn mắm” với cơm trong bát, mà là “gắp mắm” từ trong chĩnh/vại ra bát nhỏ, để dùng làm thức ăn chung cho bữa
cơm của cả nhà. Và “Liệu cơm gắp mắm”
ở đây là lời khuyên phải biết tiết kiệm,
tính toán, trù liệu, tránh tình trạng
“gạo thiếu cơm thừa” (cái này mới là đáng để đúc kết thành tục ngữ), chứ không
phải khuyên người ta cách ăn mắm sao cho vừa miệng, “nếu quá tay, có khi phải bỏ cơm vì mặn quá
không ăn nổi”, như tác giả HDT viết.
-Tuỳ hứng,
phi logic:
Tác giả HDT nêu ra hai loại mắm “ở dạng nước (ủ lâu) hoặc dạng bột sền sệt đã
nhuyễn từ nguyên liệu”, rồi khẳng định, đã là mắm thì không thể “gắp” được. Ấy thế, nhưng ngay sau đó -
thật bất ngờ - tác giả lại cho cái thứ “mắm
rất mặn” “dạng nước” và “dạng bột sền sệt” kia “trộn” vào cơm, rồi khẳng định “Vì thế mới có lời khuyên “liệu cơm gắp mắm”,
ước lượng để trộn mắm, nếu quá tay, có khi phải bỏ cơm vì mặn quá không ăn nổi”!
Vậy người ta lấy mắm bằng cách nào? Dùng thìa để múc mắm rồi “trộn” vào
cơm chăng? Nếu như thế thì làm sao gọi là “gắp
mắm”, theo như cách đặt vấn đề tìm hiểu từ “gắp” của tác giả nữa? Mà có cái
thứ văn hoá ẩm thực của tầng lớp dân chúng nào mà khi ăn mắm lại trộn cả một
lúc vào bát cơm mà ăn như ăn canh vậy?
5-Tiền
hậu bất nhất:
Ở đoạn trên, tác giả lấy cách ăn “trộn mắm” vào cơm, để giải thích cho
nghĩa đen thành ngữ “liệu cơm gắp mắm”.
Ta tưởng như vấn đề đã được giải quyết xong. Ấy thế nhưng ngay ở đoạn sau, tác
giả lại tiếp tục đặt vấn đề “tại sao có
thành ngữ “liệu cơm gắp mắm?”. Rồi cũng rất bất ngờ, tác giả lại đưa một
cách giải thích khác: “mắm trong “gắp
mắm” là cá khô. “Liệu cơm gắp mắm” ở đây không phải gắp “nước mắm” mà là gắp
“con mắm” (cá đã phơi khô)”(!)
Vậy không rõ ở phần trên, tác giả “trộn mắm” là trộn loại mắm gì vào cơm?
Xin lưu ý, chỉ có mắm ở “dạng nước” và “dạng bột sền
sệt”, khi trót trộn “quá tay”,
thì người ta mới “phải bỏ cơm vì mặn quá
không ăn nổi”. Còn với loại cá khô “cứng
cá, không bị vỡ nát khi khô”, như tác giả viết, thì người ta trộn cá còn
nguyên con vào cơm bằng cách nào, và để làm gì? Nghĩa đen của nó ra sao? Không
lẽ đối với “mắm” (con cá khô nguyên
con), cũng phải “liệu cơm” trong bát
để “gắp mắm” vì một khi đã trót gắp con cá vào bát rồi thì không gắp ra được nữa?
6-Từ
nghĩa đen đến nghĩa bóng:
Từ nghĩa đen “ước
lượng để trộn mắm, nếu quá tay, có khi phải bỏ cơm vì mặn quá không ăn nổi”,
tác giả cho rằng:
“Nghĩa bóng của thành ngữ là: tính toán khả
năng thực tế để quyết định một sự hợp tác, thay đổi nào đó theo hướng có lợi,
tích cực hơn, nhưng phải tránh mạo hiểm, nếu không lại “xôi hỏng bỏng không”
(xưa, mỗi hạt gạo quý như hạt ngọc – “ngọc thực” nên có lời gia huấn gắn với
thực tiễn sát sườn này). Lời nhắc nhở hãy biết lượng sức, suy nghĩ thực tế,
tránh ảo tưởng, bốc đồng này tương ứng với nghĩa răn dạy ở vế sau: Liệu con gả
chồng! Hãy thận trọng tìm mối thông gia, tìm sự phù hợp, chớ trèo cao ngã đau”.
Thực ra làm gì có “sự hợp tác”, “tránh mạo hiểm”, “xôi hỏng bỏng không” nào ở đây?
Câu “Liệu cơm
gắp mắm”, như chúng tôi đã phân tích ở trên, vốn có nghĩa đen là ước lượng,
trù liệu để lấy lượng thức ăn sao cho tiết kiệm, vừa đủ; nghĩa bóng, nghĩa rộng
là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể
mà trù tính, hành động cho sát hợp. Ví dụ, ít người ăn mà lại
nấu cơm quá nhiều, hoặc ngược lại, nhiều người ăn mà lại nấu cơm quá ít, thì đều
có thể gọi là không biết liệu cơm gắp mắm.
Sở dĩ tác giả hiểu thành“sự hợp tác”, “tránh mạo hiểm”, “xôi hỏng bỏng không” là do sự nhầm
lẫn, khi cho rằng “thành ngữ này còn vế
thứ 2: Liệu con gả chồng, đầy đủ là: Liệu cơm gắp mắm, liệu con gả chồng!”.
Thực ra, “Liệu cơm gắp mắm” và “Liệu con gả chồng” là hai câu tục ngữ tồn tại độc lập và nó mang nghĩa khác nhau. Đôi khi trong cách vận dụng, thì người ta ghép hai câu này lại với nhau tựa như hai vế, trong đó vế thứ nhất “Liệu cơm gắp mắm” chỉ mang tính chất đặt vấn đề; còn nghĩa muốn truyền đạt khi nói, lại nằm ở vế thứ hai “Liệu con gả chồng”. Có nghĩa, đến chuyện gắp mắm còn phải tính toán sao cho phù hợp với thực tế, huống hồ chuyện gả chồng cho con. Bởi vậy, khi gả chồng cho con, phải tự lượng sức, biết mình biết người, kẻo “Già lừa nhỡ lứa”. Việc đồng nghĩa hai câu làm một, và cho rằng “Liệu cơm gắp mắm” là “lời nhắc nhở hãy biết lượng sức, suy nghĩ thực tế, tránh ảo tưởng, bốc đồng này tương ứng với nghĩa răn dạy ở vế sau: Liệu con gả chồng!...” là hoàn toàn thiếu căn cứ.
Hoàng Tuấn
Công/10/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét