Lúa mống Ảnh: ST |
HOÀNG TUẤN CÔNG
“Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên – NXB Khoa học xã hội – 2013) thu thập và giải nghĩa: “MẦM MỐNG dt. Cái mới chớm nở, mới phát sinh. Những mầm mống của sự chia rẽ bè phái”.
Thực ra, “mầm mống” là từ ghép đẳng lập: “mầm” là phần mới nhú ra từ hạt, sinh trưởng thành cây sau này, nghĩa rộng, nghĩa bóng là nguồn cơn, cái gốc, cái khởi phát vấn đề (như ươm mầm; gieo mầm; mầm ác; lúa mầm = lúa ngâm cho nứt thành mầm rồi luộc lên cho vịt ăn, hoặc làm mồi đánh cá rô); “mống” cũng có nghĩa là mầm (như lên mống; mọc mống; lúa mống = lúa chín bị ngập nước, hoặc vì không thu hoạch, phơi sấy kịp nên bị lên mầm).
“Mầm mống” đồng nghĩa với từ gốc Hán “manh nha” 萌芽:
-Từ điển Vietlex: “manh nha • 萌芽 đg. mới có mầm mống, mới nảy sinh: manh nha tư tưởng
chống đối”.
-Từ điển Lê Văn Đức: “manh nha • dt. Mộng, mầm : Hột giống ngâm nước thì đâm manh-nha. •
đt. Nứt mộng, nảy mầm: Hột giống vừa manh-nha. • (B) Phát-sanh, nảy ra: Mầm-mống
cách-mạng thường manh-nha nơi giai-cấp cùng khổ bất-mãn”.
Trong từ “mầm mống”, thì
“mầm” và “mống” đều có thể đứng độc lập, giống như “chồi” và “mống” trong từ
ghép đẳng lập “chồi mống” mà Từ điển Lê
Văn Đức giải thích: “chồi mống • dt. (Đ): Nh. Chồi. Cây giăm cả
tháng, không mọc chồi mống chi cả”:
-Từ điển Vietlex:
“mầm • d. bộ phận mới nhú ra từ hạt, củ hoặc cành để về sau lớn lên
thành cây, thành cành: thóc nảy mầm ~ ươm mầm ~ gieo những mầm xanh hi vọng
(b). Đn: mậm, mống”; “mống • d. 1
mầm mới nhú: mống khoai ~ “Chờ anh đã có công chờ, Chờ cho mống vượt
lên bờ trổ hoa.” (Cdao)”.
-Từ điển Lê Văn Đức:
“mầm • dt. Mộng, chồi non : Đậm mầm, nẩy mầm; Sáng ngày đem lúa ra
ngâm, Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra (CD). • (B) Gốc, sự mới ướm phát : Gây
mầm, mầm cách-mạng, mầm nội-loạn”; “mống • dt. Chồi, mộng: Chồi mống, mầm-mống,
mọc mầm mọc mống”.
Tham khảo: Ngoài “mầm”, “mống”, còn các
từ đồng nghĩa như “mộng” (mầm mộng; thóc mọc mộng); “mậm” (khoai mậm = khoai lên mầm ở củ; thằng
mậm = thằng cu, thằng bé với ý "cái cu", "cái chim" của nó tựa như cái "mậm" cái "mầm" để làm giống [tiếng Thanh Hoá]); “nanh” (mầm ở trong hạt vừa mới nhú ra tựa như cái [răng] nanh: thóc nứt nanh; Mùa nứt nanh chiêm xanh đồng-Tục ngữ).
Như vậy, việc thu thập "mầm mống" vào "Từ điển từ láy tiếng Việt", cho dù theo định nghĩa nào, thì cũng hoàn toàn sai.
HTC/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét