30 thg 1, 2023

TRAO ĐỐI NGẮN VỀ MỘT CÂU CHUYỆN DÀI: “TÍNH CÁCH NGƯỜI THANH HOÁ VÀ SỰ KỲ THỊ VÙNG MIỀN”

 

Nhà nghiên cứu Thái Hạo (trái) trong buổi
trò chuyện tại Tuấn Công Thư Phòng
TCTP: Năm mới Quý Mão, Nhà nghiên cứu Thái Hạo ghé chơi Tuấn Công Thư Phòng. Nhân đây, chủ nhân TCTP có cuộc trao đổi ngắn về một câu chuyện dài “Người Thanh Hoá và sự kỳ thị vùng miền”. Xin trân trọng gửi tới độc giả một phần của cuộc trò chuyện này.

-Hoàng Tuấn Công: Thưa ông Thái Hạo, tôi có đọc một số bài viết ông đề cập đến những thói hư tật xấu mang tính cố hữu của người Việt. Gần đây nhất là bài “Tiếng cười, tiếng chửi và tiếng nói”. Vậy ông có bài viết nào về tính cách của người Thanh Hoá không?

-THÁI HẠO: “Người Thanh Hóa?” là câu hỏi mà tôi đã không ít lần nhận được từ bạn bè trên nhiều vùng đất nước; và tôi đã luôn nói ra cảm nhận, cái nhìn của mình, tuy vậy lại chưa bao giờ viết về chủ đề này. Việc có nhiều người đặt câu hỏi về “Tính cách người Thanh Hóa” có lẽ vì họ thấy tôi quê Thanh Hóa, mà những sự đồn đoán, những “lời ong tiếng ve” về người Thanh Hóa thì họ lại đã nghe nhiều, mà chưa rõ thực hư thế nào. Chính vì những “tin đồn” không ít kia mà nhu cầu “kiểm chứng” từ một người bản quán trở nên rất lớn chăng?

 -Hoàng Tuấn Công: Vậy, ông có ý định viết một vài bài về vấn đề khá rắc rối, phức tạp này không?

-THÁI HẠO: Thực tình, tôi chưa nghĩ đến việc viết một bài về sự kỳ thị đối với dân tỉnh này tỉnh nọ vì tôi cho rằng đó là một thái độ rất ngu xuẩn bị sinh ra bởi việc gọt sạch các điều kiện sống và các yếu tố lịch sử, giao lưu - tiếp xúc, lại thiếu hiểu biết về sự đa dạng văn hóa vùng miền và một tinh thần đa nguyên văn hóa. Cái đáng lên án không phải là những khác biệt, và điều cần bảo vệ là sự nghiêm minh của luật pháp, chứ không phải là câu chuyện tính tình. Sống và làm ăn với nhau, dù là với bất cứ ai, thì nên văn minh bằng cách sòng phẳng, đừng cả nể và tỏ ra hào phóng để khi không được đáp lại như ý thì quay ra thất vọng và chỉ trích rồi quy chụp. 

        Tôi có bạn bè thân quý trên khắp mọi miền đất nước, và chưa từng gắn cho dân một tỉnh nào một cái nhãn để rồi cư xử với họ như một thể thống nhất. Và tôi không tài nào hiểu nổi rằng lại có một lối ứng xử mang tính kỳ thị vùng miền như thế giữa thế kỷ 21 này.

        “Phân biệt” xuất phát từ những khảo sát để thấy sự khác biệt thì rất nên, vì nó làm thành cơ sở cho việc sửa đổi, chung sống, “dụng nhân như dụng mộc”..., nhưng “phân biệt đối xử” như một sự kỳ thị thì đích thị là một lối quan niệm và ửng xử tệ hại.

-Hoàng Tuấn Công: Ông nhìn nhận thế nào về sự phân biệt đối xử, sự kỳ thị (đôi khi chỉ là những lời nhận xét, đồn đại…) đối với người Thanh Hoá, đặc biệt là những người lao động Thanh Hoá đang làm ăn ở các tỉnh ngoài?

-THÁI HẠO: Tôi là một người Thanh Hóa, sinh ra ở quê, lớn lên thì đi học 6 năm ở Huế, rồi đi làm và định cư ở vài tỉnh miền Đông Nam bộ; suốt chừng ấy thời gian tha hương, tiếp xúc với bạn bè và đồng nghiệp ở nhiều vùng miền, thực tình tôi chưa thấy ai có ác cảm hay sự kỳ thị đối với bản thân mình. Ngược lại, đôi lúc tôi còn thấy mình được tôn trọng, yêu quý và được đón nhận trong tình bè bạn rộng lớn. Từ khi có mạng xã hội, trong mấy năm nay tham gia vào thế giới ấy, sự gặp gỡ lại càng quảng đại hơn. Trong danh sách bạn bè FaceBook của tôi có rất nhiều người thuộc các miền khác nhau, phía Bắc, Tây Nguyên, Nam bộ, người Kinh, người dân tộc ít người, người Việt trong nước cho đến người Việt ở hải ngoại, nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận phải một thái độ phân biệt công khai nào với cái gốc tích Thanh Hóa của mình, mà hơn thế, chính tôi cũng luôn nhận được tình cảm yêu mến của bè bạn khắp nơi.

-Hoàng Tuấn Công: Là người đã từng có nhiều năm học tập và công tác ở các tỉnh phía Nam, ông có nhiều bạn bè và đồng nghiệp là người Thanh Hoá không? Ông có cảm nhận thế nào về những người đồng hương của mình nơi đất khách?

-THÁI HẠO: Nơi làm việc mà tôi gắn bó lâu dài nhất là một trường THPT chuyên ở một tỉnh miền Đông Nam bộ, ở đó, có tới khoảng hơn ¼ cán bộ, giáo viên, nhân viên là người Thanh Hóa; trong đó hiệu trưởng và gần một nửa số tổ trưởng chuyên môn cũng là người Thanh Hóa, nghĩa là người Thanh Hóa đi làm ăn xa là rất đông. Và thêm một điều nữa, là họ có tinh thần cầu tiến, đầu tư cho chuyện học hành, chuyện chuyên môn một cách khá bài bản, nghiêm túc. Ở trong môi trường ấy, tôi cũng không thấy người Thanh Hóa bị ghét. Trong môi trường làm việc này thì có điều tôi phải nói thật, là người Thanh Hóa có tính cách mạnh mẽ nhưng khá độc đoán, và “quân phiệt”. Riêng chuyện bè phái thì tôi lại không hề thấy ở họ. Họ rạch ròi và không vì “đồng hương” mà bênh vực mù quáng.

-Hoàng Tuấn Công: Tôi hiểu rằng, dù có lý lịch xuất thân Thanh Hoá, nhưng những người thuộc tầng lớp trí thức hay lao động trí óc sẽ ít bị ảnh hưởng bởi sự kỳ thị, phân biệt vùng miền hơn. Nguyên do, họ có thể tự khẳng định, tìm được chỗ đứng vững chắc nhờ trình độ, năng lực chuyên môn của mình. Nhưng ở trên, khi nói về sự phân biệt đối xử, sự kỳ thị đối với người Thanh Hoá, tôi có nhấn mạnh “đặc biệt là những người lao động Thanh Hoá”. Ý tôi, “người lao động” ở đây là những người làm công nhân, hoặc lao động chân tay tự do. Tôi biết ông đã từng có thời gian sống cùng những người Thanh Hoá làm công nhân cạo mủ cao su, hay trong các xưởng máy. Ông có cho rằng, bà con sẽ chịu sức ép nhiều hơn không, và đã bao giờ nghe họ phàn nàn về sự kỳ thị vùng miền chưa, thưa ông?

-Thái Hạo: Nếu thực sự có sự kỳ thị/phân biệt thì có lẽ với bộ phận này, biểu hiện (phân biệt/kỳ thị) nhiều hơn và rõ hơn, thưa anh. Nhưng mà tôi cũng chỉ  nghe nói, chứ chưa được chứng kiến tận mắt. Đến đây, tôi nghĩ vẫn đề có lẽ đã hé mở cho chúng ta một lối ra: học vấn. Học vấn càng cao ứng xử càng đẹp thì sự kỳ thị càng dễ biến mất. Lúc này tôi đang nghĩ đến câu nói của cụ Phan Châu Trinh: “chi bằng học”. Mà điều này thì lại không phải chỉ dành riêng cho một ai cả.

-Hoàng Tuấn Công: Tôi nghe nói người Thanh Hoá bị kì thị tới mức nhiều người khi học tập, công tác, lao động ở tỉnh ngoài nảy sinh tâm lý tự ti, đến độ không muốn người khác biết gốc tích Thanh Hoá của mình, kể cả người có học hàm học vị đàng hoàng. Khi học tập, công tác ở tỉnh ngoài, ông thấy thế nào?

THÁI HẠO: Chắc trên thực tế là có hiện tượng như anh vừa nêu. Bản thân tôi từng nghe nhưng cũng chỉ là nghe nói lại chứ chưa từng chứng kiến một trường hợp cụ thể nào như thế cả. Câu hỏi của anh làm tôi nhớ đến một người bạn đại học là dân Cơ Tu. Trong đợt kiến tập tại trường Quốc Học Huế, tôi làm trưởng nhóm, trước khi tôi lên phát biểu và giới thiệu về nhóm mình thì người bạn ấy ghé vào tai và nói nhỏ “Bạn giới thiệu tên thôi nhé, đừng nêu dân tộc”. Tôi ngạc nhiên và dần hiểu ra, khi mặc cảm do sự kỳ thị hoặc những thang bậc giá trị xã hội bị đảo lộn thì con người thường có xu hướng tự vệ bằng cách chối bỏ nguồn gốc của mình và đồng thời sẽ học theo kẻ “thống trị” để dự phần vào giới “thượng lưu” kia.

-Hoàng Tuấn Công: (Cười) Ồ. Ông đưa ra ví dụ và lý giải thú vị quá!

-THÁI HẠO: Vâng (Cười). Tôi nghĩ, đó là một phản ứng tâm lý có tính quy luật. Và giả sử có người Thanh Hóa nào đã “sinh tâm lý tự ti, đến mức không muốn người khác biết gốc tích Thanh Hoá của mình” thì điều đó cũng là hiểu được, nếu trên thực tế ở vùng họ sinh sống hay làm việc, người Thanh Hóa đang bị kỳ thị ở mức nặng nề. Dù thế, cũng xin được nhắc lại, những nơi tôi đã đi qua, đã sống thì chưa từng gặp một “người Thanh Hóa” nào hành xử như thế cả!

-Hoàng Tuấn Công: Năm 2016, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức tọa đàm “Xây dựng phương pháp nghiên cứu tính cách vùng miền: Trường hợp tính cách người Thanh Hóa”. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm là báo cáo viên. Trong tham luận của mình, GS. Thêm đã “hệ thống hóa thành bảy tật bệnh của người Thanh Hóa: ăn cắp vặt, gian dối, hám lợi, ích kỷ, hiếu thắng, hay gây gổ, cực đoan, ngông nghênh”. Ông có nhận xét gì về điều này?

-THÁI HẠO: (Cười), Tôi nghĩ, giáo sư Thêm sẽ ít tự tin hơn về kết luận của mình nếu mang những “tật bệnh” ấy mà soi vào dân ở bất cứ tỉnh nào. Nghĩa là phải nhìn những “tật bệnh” ấy từ góc độ cá thể và chỉ từ cá thể; lúc ấy mà mang gốc tích của những cá thể ấy ra để gán cho dân của cả một tỉnh thì không tỉnh nào không “ăn cắp vặt, gian dối, hám lợi, ích kỷ, hiếu thắng, hay gây gổ, cực đoan, ngông nghênh” cả! Trong logic học, kết luận này của giáo sư Thêm là một lỗi tư duy, gọi là lỗi ngụy biện khái quát vội vàng.

Tôi không phủ nhận kết luận của giáo sư Thêm, nhưng tôi không chấp nhận “phương pháp” của ông, vì thực ra nó chưa trình bày được một phương pháp nào cả, đó chỉ là những phán xét cảm tính không có cơ sở dữ liệu khoa học cũng như các phương pháp xã hội học khoa học.

-Hoàng Tuấn Công: Vậy xin hỏi, với bản thân mình thì ông tự ti, tự tin, hay tự hào khi là người Thanh Hoá?

-THÁI HẠO: Phải thú nhận rằng, bản thân tôi không hề tự ti về quê quán Thanh Hóa của mình, mà còn có phần ngược lại nữa. Không phải vì những cái nhãn như “đất vua” hay “địa linh nhân kiệt” mà người ta hay dùng để tự hào, mà vì tôi hiểu rằng, con người ở đâu cũng có tốt có xấu, tôi không muốn mang vác cả một tỉnh hay một quốc gia trên lưng mình. Giá trị của một con người là do họ tự kiến tạo và chịu trách nhiệm, không nhân danh, không vay mượn, không “tự hào ké”. Ngô Bảo Châu là một người Việt Nam, nhưng không vì thế mà tôi lấy làm tự hào; các quan chức cấp cao người Việt làm ra những việc thương luân bại lý đến mức bị kỷ luật hoặc tù tội, thì cũng không phải vì thế mà tôi lấy làm xấu hổ cho bản thân mình. Nếu có điều gì đó đáng xấu hổ (hay tự hào) thì chỉ là về chính bản thân mình đã chưa sống xứng đáng với tư cách công dân của một đất nước, là tạo ra nhiều giá trị và sẵn sàng phê phán chính quyền một cách mạnh mẽ hơn.

-Hoàng Tuấn Công: Vậy, theo ông, tính cách của người Thanh Hoá về cơ bản có gì khác so với các vùng miền khác, mà gần gũi nhất là các tỉnh lân cận và vùng đồng bằng Bắc Bộ?

-THÁI HẠO: Thanh Hóa là “đất Mường”, nơi đây đủ xa với Hán để không phải chịu một ảnh hưởng trực diện và thô bạo, lại là vùng đất chuyển tiếp với Đàng Trong, vì thế Thanh Hóa có vị trí và địa hình để giữ được những căn tính vừ hoang sơ, mạnh mẽ, vừa không quá xa các thành tựu văn minh để có điều kiện tiếp thu. Tính cách Thanh Hóa, vì thế, với tôi, vừa là một tồn lưu bền bỉ từ những buổi đầu dựng nước, vừa là một sự năng động và thích nghi sống còn. Tính cách ấy, làm ra một chân dung tinh thần vừa bảo thủ, vừa linh động, vừa quyết liệt - cực đoan vừa mềm dẻo tùy thời. Thêm nữa, Thanh Hóa, cũng giống như nhiều tỉnh miền Trung, không được tự nhiên ưu đãi nhiều mặt, do đó, việc mưu sinh/sinh tồn là một thách thức lớn. Chính những ràng buộc ấy đã làm ra một Thanh Hóa vừa không đầu hàng số phận, luôn khao khát vươn lên vừa cũng vì thế mà đầy “quyền biến” thủ thuật. Nhưng tự trong sâu thẳm, tôi thấy, người Thanh Hóa sống có nghĩa khí, nhất là trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, họ dám từ bỏ, xả bỏ và lì lợm theo đuổi lối sống của mình.

-Hoàng Tuấn Công: Dân gian có câu “Không có lửa làm sao có khói”. Không lẽ bỗng dưng thiên hạ lại có thành kiến với người Thanh Hoá, mà không phải là một địa phương nào khác. Vậy theo ông, xuất phát từ đâu mà người ta lại có ác cảm với người Thanh Hoá, lâu dần trở thành định kiến?

-THÁI HẠO: Tôi nghĩ, sự “ác cảm” với “người Thanh Hóa” của một bộ phận cư dân Việt ngày nay là một sản phẩm hậu kỳ, nếu không nói là rất gần đây thôi. Từ sau 1975 với các đợt di cư lớn của chính sách Kinh tế mới và nhất là từ sau Đổi mới, do điều kiện sống khó khăn, lại đông dân, người Thanh Hóa túa đi khắp nơi và ở đâu trên các vùng đất mới họ cũng chiếm một tỉ lệ lớn, điều đó gây ra những phức tạp tỉ lệ thuận với số dân.

Từ vùng khó khăn đi ra, cộng với lối sống cầu tiến và sự quyết liệt trong tính tình ít nhiều mang tính duy lợi, người Thanh Hóa thường nổi trội ở những mặt nào đó, đặc biệt là trên con đường công - danh. Bên cạnh đó, trong cái cộng đồng người Thanh Hóa đông đảo ở những vùng đất mới kia cũng sẽ có một bộ phận tìm cách khẳng định mình hay mưu cầu danh lợi một cách không đẹp, đôi khi chính bộ phận này đã làm lu mờ đi cái phần vốn lớn hơn rất nhiều đang mưu sinh và tạo lập tương lai một cách tử tế. Ở đây, tôi nghĩ là cần một thống kê xã hội học nghiêm túc để làm cơ sở cho những kết luận (nếu vẫn muốn một kết luận), thay vì chỉ nhìn vào vài hiện tượng cá nhân/ cá thể/ cá biệt như cách mà người ta đặt ngón tay sát vào mắt mình để không còn nhìn thấy được đồng ruộng sông biển phía trước nữa.

Hoàn cảnh sống (cả tự nhiên, xã hội, thiết chế...) quyết định tính cách con người, sự nghèo đói do thiên nhiên khắc nghiệt và quản trị kém cỏi đã sinh ra những tính tình nhất định, vì một lý do rất chính đáng: QUYỀN SỐNG, bản năng sống. Nghĩa là, nếu có nét tính cách nào đó của người Thanh Hóa (và một số tỉnh miền Trung có cùng hoàn cảnh) là không tốt thì tôi tin rằng, chỉ cần khi sự giàu mạnh có mặt, những biểu hiện ấy sẽ tự nhiên biến mất mà không cần phải “tuyên truyền” gì cả. Người miền Tây Nam bộ có phần hào phóng là vì họ được sống giữa những trù mật của đất đai, tôm cá, suốt đời không lo bão tố, gió lào, lũ cuốn...

-Hoàng Tuấn Công: Trên đây chúng ta nói đến sự kỳ thị, thành kiến đối với người Thanh Hoá chủ yếu trong cách ứng xử, đối đãi mang tính chất cá nhân với nhau trong đời sống sinh hoạt hay công tác. Tuy nhiên, trong thực tế, đã có lúc tình hình trở nên nghiêm trong hơn rất nhiều. Đó là sự kỳ thị, phân biệt đối xử mang tính chất tập thể, và trở thành một thứ luật bất thành văn nhắm vào cộng đồng người lao động xuất thân Thanh Hoá. Theo ông, vì đâu mà dẫn đến cơ sự này?

THÁI HẠO: Đấy chính là một trong những điều khiến tôi rất băn khoăn. Cách đây 10 năm tờ Dân trí có bài Sự thật đằng sau việc lao động “Thanh NghệTĩnh” bị tẩy chay”, trong đó nêu một lý do rất đáng suy ngẫm: “là việc lao động Thanh Nghệ Tĩnh lợi dụng sự đông đảo về số lượng kết bè cánh để tạo ra những cuộc đình công trên diện rộng” Đây chính là lý do quan trọng mà người Thanh Hóa (và Nghệ - Tĩnh) bị nhiều công ty, xí nghiệp từ chối, có khi ngấm ngầm, có lúc công khai. Điều đáng chú ý với tôi không là “nguyên nhân” được bài báo nêu ra ở trên, mà là cái nhìn của họ (báo chí) với nguyên nhân ấy. Việc người lao động đấu tranh bằng đình công là một quyền chính đáng được pháp luật bảo hộ, tuy nhiên như chúng ta đều biết về sự xung đột lợi ích của các ông chủ với người lao động, đặc biệt là trong thiết chế còn nhiều bất cập như ở Việt Nam thì nguy cơ thiệt thòi vì yếu thế của người lao động lại càng lớn, và trên thực tế nó đang là một sự thật hiển nhiên. 

        Phần lớn công nhân là người ít học nên không có đủ hiểu biết để đấu tranh với giới chủ, lại làm việc trong môi trường mà công đoàn không độc lập, thì phải nhìn việc đấu tranh bằng đình công, bằng biểu tình của người lao động là một cách tự bảo vệ quyền lợi chính đáng mà chỉ có những người có dũng khí và khát vọng công bằng mới có thể đứng lên. Tuy nhiên, báo chí đã nhìn nhận điều ấy như một cái gì xấu xa để gọi là “con sâu”, là “lợi dụng” là “lôi kéo”... Như vậy, báo chí và dư luận xã hội nói chung đang vô tình hay cố ý bóp méo vấn đề và đứng về phía giới chủ để góp phần dìm đi một lối đấu tranh lành mạnh cần được bảo vệ. Theo tôi, những cách diễn ngôn như báo Dân trí và báo chí nói chung cùng với dư luận như đã nêu ở trên đã góp phần không nhỏ vào việc làm xấu đi hình ảnh người Thanh - Nghệ - Tĩnh, ít nhất là trong lĩnh vực lao động ở các công ty, xí nghiệp.

        Thêm nữa, có những nhà máy công khai thông báo không tuyển lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh (lý do thì như đã nêu ở trên!), đó là một hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Xin hỏi, các cơ quan chấp pháp ở đâu khi làm ngơ/dung túng cho những hành xử thô bạo và phản văn hóa như thế, nhất là khi chúng ta đã biết rõ một phần nguyên nhân về tính lợi ích không lấy gì làm tử tế của các công ty ấy đối với người lao động?!

-Hoàng Tuấn Công: Người Thanh Hoá (cụ thể là về phía chính quyền, người dân đang sinh sống trong tỉnh và những người học tập, công tác, lao động ở tình ngoài) phải làm gì để xoá bỏ định kiến của mọi người?

-THÁI HẠO: Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, trưởng thành, trước hết là một nghĩa vụ cá nhân. Mỗi người phải tự hoàn thiện bản thân mình trước hết, tạo ra giá trị cả vật chất lẫn tinh thần. Trước khi đòi hỏi một sự tôn trọng thì từng người phải có ý thức tự trọng cái đã. Tôi vẫn hay phát biểu rằng, “tự hào ít thôi, chúng ta còn nhiều thói xấu cần phải sửa để trở nên văn minh”.

Bên cạnh đó, cũng cần nhìn rõ rằng, kỳ thị là sản phẩm tồi tệ của bất cứ xã hội nào, nó bị gây ra bởi định kiến, bởi lỗi tư duy; và, nó (kỳ thị) là một ứng xử vi phạm pháp luật. Để văn minh hóa một cộng đồng thì luật pháp phải có những chế tài và chính sách rõ ràng, cụ thể, nghiêm minh hòng ngăn chặn tình trạng này. Đó cũng là hành xử của tất cả các quốc gia tiến bộ trên thế giới.

Có câu “chính quyền nào thì dân ấy”, theo tôi trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể thì nó đúng quá nửa. Nghĩa là, cái cách mà chính quyền hành xử với dân trên tinh thần có tôn trọng pháp luật hay không, có đảm bảo các giá trị văn minh hay không, sẽ tất yếu chi phối đến hành vi của người dân. Không thể có một dân chúng lành mạnh nếu họ bị cai trị bởi một bộ máy thiếu tử tế. Và nếu quan sát rộng ra, thì dường như người dân Việt Nam đang ngày càng có những biểu hiện của sự xuống cấp trong tính tình, trong lối sống, trong tâm hồn và văn hóa của mình. Tại sao??

Về cụ thể, đến đây, tôi muốn nêu ra vài ví dụ về phương pháp nhằm xây dựng hình ảnh người Thanh Hóa trong mắt bạn bè cả nước. 

Trong suốt thời gian 10 năm tôi ở Bình Phước, thường xuyên di chuyển qua địa phận Bình Dương, nhưng điều kỳ lạ là chưa từng gặp một đội cảnh sát giao thông nào trên quốc lộ 13, chỉ trừ tình huống là ở hiện trường các vụ tai nạn. Xin nhớ là 10 năm! Họ không “núp lùm” để “vồ” người đi đường, có thể camera sẽ được sử dụng để hạn chế chuyện “đánh quả lẻ” nhằm “ăn bánh mì của dân”. Cái cảm giác về sự an tâm và lành mạnh khi đi qua Bình Dương luôn rất lớn, và do đó, kéo theo niềm tin và thiện cảm về một chính quyền tử tế, trong sạch, vì dân. Tôi tin là chính quyền Thanh Hóa cũng sẽ làm được như thế, chỉ cần họ muốn làm.

Ví dụ thứ 2 mà tôi muốn nêu ra là Đà Nẵng. Chính quyền Đà Nẵng lập các trang mạng xã hội và để ở chế độ công khai cho người dân tự do đăng bài phản ánh những hư hỏng, tiêu cực, bất cập trong địa phương, và họ thường nhanh chóng có động thái xác minh, xử lý khi nhận được thông tin từ những trang mạng như thế. Đó chính là thực hành dân chủ và là một cách hay để người dân giúp chính quyền làm tốt vai trò của mình đồng thời tự hoàn thiện bộ máy. Đó cũng là cách để người dân lấy lại tự tin, nâng cao vai trò làm chủ và ý thức về trách nhiệm công dân của mình – tức cũng là đang tự hoàn thiện. Chính sách công trong sạch, thủ tục nhanh gọn, người dân thân thiện và có trách nhiệm, đó là những yêu cầu rất cơ bản để kiến tạo hình ảnh, thu hút đầu tư và hấp dẫn du lịch.

Người Thanh Hóa ở địa phương, tôi nghĩ, cần thành thật nhìn ra những hạn chế, những nét xấu trong tính tình của mình thì mới có cơ may tự thay đổi, vì đó là điều kiện tiên quyết.

-Hoàng Tuấn Công: Tôi đã từng có một bài viết khá dài chỉ ra nhiều điểm bất ổn trong những nhận xét, kết luận của GS. Trần Ngọc Thêm về “tính cách ngườiThanh Hoá” đăng trên Tuấn Công Thư Phòng. Sau khi đọc bài viết, một độc giả bình luận: “Anh phân bua sao chứ tôi thấy rõ ràng dân Thanh Hóa tới đâu ai cũng sợ, từ trong nước ra tới ngoài nước”.  Và có thể ngay sau đây thôi, khi ông cho phép Tuấn Công Thư Phòng đăng cuộc trò chuyện này lên, sẽ có thêm rất nhiều những nhận kiểu tương tự như vậy. Ông có suy nghĩ gì về điều này không?

-THÁI HẠO: Người Việt, trong mắt tôi, còn quá nhiều những hạn chế từ phong tục, tập quán, lối sống, tư duy, quan niệm..., cho đến việc tiếp cận với các giá trị văn minh của nhân loại. Vì thế, theo tôi, thay vì đặt vấn đề về người ở một tỉnh, một vùng nào đó thì nên xuất phát từ một cái nhìn bao quát hơn, đó là “tâm hồn dân tộc”. Trên tinh thần ấy, trong điều kiện hiện thời, ý thức về quyền công dân, quyền con người cho đến các giá trị cá nhân và sự độc lập cá nhân phải là quan tâm hàng đầu của giáo dục và sự kiến tạo tinh thần nòi giống từ mọi phương diện; vì chỉ có như thế, những nền tảng thuộc về con người mới có thể được đắp vững, hòng làm cơ sở cho việc kiến tạo một xã hội văn minh, thịnh vượng.

-Hoàng Tuấn Công: Nếu tôi lại tiếp tục với những câu hỏi thì có lẽ câu chuyện giữa chúng ta sẽ kéo dài đến bất tận. Bởi thế, xin đưa ra một ý cuối cùng: Nếu cần chia sẻ thêm với độc giả của Tuấn Công Thư Phòng, thì ông muốn nói điều gì thưa ông?

-THÁI HẠO: Nếu vậy thì xin chia sẻ với anh và độc giả TCTP chút tâm tư của tôi. Đó là, tôi rất dị ứng với những sự kỳ thị vùng miền. Vì sự dị ứng này mà tôi đã từng có những phản ứng gay gắt, làm mất một số bạn bè cũng vì nhìn thấy những sự kỳ thị như thế.

Một ví dụ: theo thời gian, từ sau 1975 đến nay, sự phân biệt, kỳ thị Nam - Bắc, như quan sát của tôi, thì hình như ngày càng phức tạp và trở nên nặng nề hơn. Bản thân tôi, vì nhìn nhận rằng tính cách vùng miền vốn là sản phẩn của những điều kiện sinh tồn, giao lưu, tiếp xúc, v.v., mà hình thành. Vì thế, ngoài những hành vi vi phạm pháp luật và chà đạp lên đạo đức phổ quát thì tính cách nên được tôn trọng như là một tất yếu và một đặc trưng văn hóa, chứ không phải là phán xét nhau. Hơn bao giờ hết, dân tộc Việt Nam đang cần được hàn gắn, “hòa giải” và chung tay kiến tạo các giá trị căn bản cho một xã hội thịnh vượng trong tương lai. Với tinh thần ấy, tôi chỉ có một khao khát, là tất cả người dân Việt Nam xích lại gần nhau, sống trong tình đồng bào bằng cảm thông, thấu hiểu cho một mục đích lớn và lý tưởng lớn, là văn minh cho Việt Nam mình.

    Cuối cùng, tôi muốn mượn lời cảm thán của nhà văn Nam Cao để tâm tình với độc giả của TCTP, như nói hộ nỗi khao khát sâu thẳm trong mỗi số phận luôn mong được thấu hiểu, để con người được yêu thương nhiều hơn trong cuộc đời này: "Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi . . . toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương..."

-Hoàng Tuấn Công: Xin chân thành cảm ơn ông Thái Hạo. Năm mới, xin chúc ông mạnh khoẻ, bút lực dồi dào. Chúc độc giả của Tuấn Công Thư Phòng một năm mới an khang!

                  Tuấn Công Thư Phòng, mùng 5 Tết Quý Mão - 2023

 


7 nhận xét:

  1. Bài hay quá! Cảm ơn hai anh!

    Trả lờiXóa
  2. "Hữu xạ tự nhiên hương"là chân lý!

    Trả lờiXóa
  3. Thanh Hóa nghệ An Hà Tĩnh
    là những người hay có hiệu ứng bè phái _ kể cả tích cực và tiêu cực : hiệu ứng đám đông.
    tôi không thích mấy tính nổi bật này.

    Trả lờiXóa
  4. Đối xử với người thế nào thì người sẽ đối xử lại như vậy, điều này luôn đúng.
    Một ngày lễ nọ, một gánh xiếc ở đâu đó ngoài kia vào Cần Thơ kiếm ăn.
    Đêm thứ nhứt, họ bán vé nhiều tới mức, khán giả chen lấn, người đứng sau không còn coi xiếc được nữa.
    Gánh xiếc thấy ngon ăn liền bán tiếp cho khán giả đã ở trong “chuồn” mỗi ghế $5000, nếu không cứ đứng sau mà coi cái lưng của người đứng trước.
    Gánh xiếc quá hả hê.
    Đêm thứ hai, gánh xiếc này ra giá hai loại: ngồi và đứng, và rồi khán giả vô không quá mười người, người coi ra về còn tiếc: biết dzị mua vé đứng thôi, vô đó muốn ngồi hay nằm hoặc nhảy múa cũng được.
    Ngày thứ ba, gánh xiếc chạy quanh thành phố quảng cáo từ sáng tới . . . hết giờ diễn luôn : “ghế ngồi miễn phí, mại dzô!”, số người “mại dzô chắc hơn mười người”, mặc dù người ta vẫn đi chơi lễ nườm nượp ngay trong sân hội đó.
    Đêm thứ tư, gánh xiếc biến mất, sân hội chợ rộng hơn, người đi chơi lễ đông hơn, vui hơn, thoải mái hơn. Và câu nói truyền miệng là: “thôi đi, tránh xa cái tụi đó đi.” hay “hết chỗ đi sao mà bây tính chui vô chỗ cái bọn … đó.”

    Trả lờiXóa
  5. Đến cả người nước ngoài còn kì thị người Thanh Hoá nữa kìa! Lâu lâu mới có dịp để bao biện cho quê mình thì cũng vừa vừa phải phải thôi ông Thái Hạo, làm quá phản tác dụng và ông là minh chứng cho cái nết của người Hoa Thanh Quế mà dân tình vẫn thường bảo nhau đó.

    Trả lờiXóa
  6. Ông Thái Hạo nói những tật xấu đó vùng nào cũng có chứ không riêng gì Thanh Hoá là một lập luận vô cùng ấu trĩ! Có nhưng có đến mức độ như thế nào thì mới bị xem là tính cách đặc trưng của vùng đó chứ không phải đem một cá nhân ra để quy chụp cả tỉnh. Không hiểu sao lớn như vậy mà lại có một lập luận như con nít.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái ông redrope này là ai mà ra cái giọng kẻ cả vậy nhỉ? Ông TH nói cũng có chừng mực thôi mà. Đâu đáng để redrope phải "dạy dỗ" như thế!

      Xóa