HOÀNG TUẤN CÔNGThực nghiệm giã hành
Ảnh: HTC
Cách giải thích của từ điển:
1-“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “lanh
chanh như hành không muối Ngđ: Một kinh nghiệm:
giã hành củ, phải cho vài hột muối, nếu không củ hành sẽ nhảy ra ngoài cối.
Ngb: Hấp tấp vội vàng, nhanh nhảu đoảng, vô duyên”.
2-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) thu thập dị bản: “Không muối thì hành lanh chanh”, và giải thích: “Hễ vắng mặt muối là hành đâm ra lanh chanh ngay. Hay dùng để than phiền về những kẻ hay làm hỏng việc khi chẳng có người theo dõi do quá nhanh nhảu (Chú thích: Lanh chanh vt. Ưa làm những việc vốn chẳng phải là phận sự chính của bản thân mình (do quá nhanh nhảu)”.
Xét cách giảng nghĩa đen của Nhóm
Vũ Dung không có cơ sở thực tế. Vì:
-Nếu muối có thể khiến hành không “nhảy ra ngoài cối” khi giã, thì phải có tác động hoá học giữa hai
loại này. Nói cách khác, hành và muối phải nhuyễn vào nhau thì tác động hoá học
mới diễn ra. Nhưng một khi hành và muối đã quyện vào nhau, thì còn lo gì hành “nhảy ra” khỏi cối?
-Nếu cho rằng, bỏ muối lẫn vào hành, tạo ma sát để hành khỏi nhảy
ra khỏi cối cũng không đúng. Vì trong thực tế, giã hành không khó đến mức phải
cần dùng tới muối, một loại phụ gia có thể khiến người ta phải thay đổi mục
đích sử dụng của hành.
Ảnh thực nghiệm giã hành không muối của tác giả bài viết |
-Sau khi trực tiếp thực nghiệm, chúng tôi thấy: giã hành bỏ muối
hay không, đều không có gì khác biệt.
Kết luận: “kinh nghiệm: giã
hành củ, phải cho vài hột muối, nếu không củ hành sẽ nhảy ra ngoài cối”,
của Nhóm Vũ Dung là hoàn toàn phi thực tế.
Về giải thích của “Từ điển
tục ngữ Việt”: “Hễ vắng mặt muối là hành đâm ra lanh chanh ngay”, thực chất chỉ mới
diễn đạt lại câu nói của dân gian, chứ
chưa giải thích nghĩa đen, mà nghĩa bóng cũng không chính xác.
Hành được giã nát một cách dễ dàng mà không cần bỏ muối Ảnh thực nghiệm của HTC |
Một số cách giải thích khác trong đời sống:
-Khi muối dưa hành mà
không bỏ muối, thì hành sẽ nổi lên lềnh bềnh, nên gọi “Lanh chanh như hành không muối”. Tuy nhiên, về nguyên lý hoá học,
củ hành bao giờ cũng dễ nổi trong môi trường nước muối hơn là nước lã. Và như
thế, sự thực hoàn toàn ngược lại: có muối
thì hành mới “lanh chanh” (nổi lềnh
bềnh)!
-Lại có ý kiến cho rằng, “lanh
chanh như hành không muối”, chỉ ai đó “đoảng tính”, muối dưa hành mà lại
quên không…bỏ muối. Nhưng muối dưa hành
hay muối dưa cải, mà không…bỏ muối thì
có gì khác nhau về độ “đoảng tính”?
Vậy “Lanh chanh như hành
không muối”, hay “Không muối thì hành
lanh chanh” được hiểu nghĩa đen như thế nào?
Chúng tôi cho rằng, nghĩa đen các thành ngữ, tục ngữ này dựa trên tầm
quan trọng của muối và hành. Theo đây, so với hành thì muối quan trọng hơn rất
nhiều. Mọi món ăn có thể thiếu gia vị, nhưng không thể thiếu muối. Nhưng trong
thực tế, cũng có lúc hành lại “tiếm ngôi” đầu của muối.
Xin bắt đầu từ câu hỏi: vậy thì khi nào “hành có muối”, và khi nào thì “hành không muối”?
Hành có muối khi
người ta chế biến các món mà muối và hành được bỏ ngay từ đầu và bỏ cùng lúc để
ướp, nấu. Trong những trường hợp này, muối là nguyên liệu không thể thiếu, còn hành chỉ là một trong nhiều gia vị (như
gừng, tỏi, ớt, mì chính, đường…). Bởi
vậy, khi xuất hiện cùng lúc với muối,
thì hành là thứ yếu, không có gì nổi bật, thậm chí có cũng được, không có cũng
chẳng sao. Việc ướp hành chung với mắm muối và đồ nấu cũng chẳng cần phải vội
vàng hay theo một quy trình ngặt nghèo nào cả. Tuy nhiên, khi “hành không muối” thì mọi chuyện lại
khác.
Vậy khi nào thì “hành
không muối”?
“Hành không muối” là khi
người ta phải phi thơm hành mỡ để làm dậy mùi các thức xào nấu, trước khi cho
mắm muối vào, hoặc chiên hành để làm gia vị, nhân bánh,v.v… Để đảm bảo cho hành
được chín vàng thơm lừng, chảo mỡ phải sạch, tuyệt đối không dính muối mặn. Khác
với khi “hành có muối”, lúc này hành không
chỉ quan trọng nhất mà còn đi trước tiên, mắm muối trở thành kẻ “tham gia” sau cùng.
Vậy, vì sao dân gian lại liên tưởng “hành không muối” giống như một kẻ “lanh chanh”, lau chau nào
đó?
Cách xào nấu thường ngày không giống đầu bếp chuyên nghiệp. Nghĩa
là thay vì đập hành, chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng rồi mới bắc chảo mỡ, thì có khi
người ta lại làm ngược lại; trong khi chờ chảo khô, mỡ nóng lên, thì
tranh thủ bóc và đập hành.
Bóc củ hành tưởng nhanh mà khó. Lắm khi chảo mỡ đã nóng xèo xèo mà
tay còn lật đật với mấy lớp vỏ hành cứng đầu. Đập vội được củ hành thì lớp thân
trong của nó lại văng ra tứ tung, trong khi chảo mỡ ngày càng nóng sôi, thúc
giục người ta phải nhanh tay…
Khi bỏ hành vào thì động tác phi hành phải cũng phải thật nhanh để
chảo mỡ nóng già không làm hành bị cháy…Ấy là chưa kể nếu không chuẩn bị sẵn
sàng mấy thứ nguyên liệu (như cà chua, rau, thịt…) cho vào sau khi hành đã được
phi thơm, thì bất kể bắc chảo mỡ trước hay sau khi đập hành, chỉ cần chậm tay,
lơ là chút là hành “đi tong”. Lắm khi vì vội vàng với cái anh hành “lanh chanh” này mà bị dao thớt làm cho đau,
bằng không thì hành cũng quá lửa, cháy đen sì, hỏng việc! Và “trật tự” chỉ được
“vãn hồi” sau khi có sự xuất hiện của bước gia giảm, thêm mắm thêm muối.
Dưới cái nhìn nhân cách hoá của dân gian, “hành không muối” giống như kẻ lanh chanh, lau chau, lúc
nào cũng rối rít, tỏ ra nhanh nhảu, và kết quả đôi khi là
vô duyên, hỏng việc!
Điều thú vị là cùng một sự vật, hiện
tượng, cùng xuất phát từ một nghĩa đen, nhưng dân gian đã tạo nên một bản là
tục ngữ, một bản là thành ngữ:
-Bản là tục ngữ “Không muối thì hành
lanh chanh”: đúc kết một thực tế mang tính quy luật: khi thiếu vắng nhân tố
chính yếu, thì cái thứ yếu tự dưng nổi bật lên. Giống như khi “không muối”
thì hành được dịp thể hiện vai trò quan trọng, mà “Từ điển tục ngữ Việt” của Nguyễn Đức Dương đã diễn giải theo nghĩa
hiển ngôn là: “Hễ vắng mặt muối là hành
đâm ra lanh chanh ngay”. Câu này đồng nghĩa câu “Có voi voi to; chẳng có voi bò lớn”,
hay “Có núi núi lớn; chẳng có núi cồn cao” (thiếu vắng cái cao lớn thật
sự, thì cái nhỏ bỗng dưng thế chỗ). Cái hay của câu “Không muối thì hành lanh chanh” ở chỗ dân gian nhân cách hoá củ
hành để lột tả điệu bộ, tính cách bắng nhắng, thích thể hiện ta đây của kẻ hãnh
tiến, “thằng chột làm vua xứ mù”!
-Bản là thành ngữ “Lanh chanh như hành không muối”: đơn thuần
ví von, so sánh dáng vẻ, điệu bộ lau chau, hấp tấp vội vàng của ai đó giống như
“hành không muối”. Câu này đồng nghĩa
với câu “Lanh chanh như đứa ở mới đến”: đứa ở mới đến thì hăng hái, lau chau,
cái gì cũng tỏ ra nhanh nhảu, nhiệt tình, biết việc (Dị bản “Lau chau như đứa ở
mới đến, ngổng nghến như đứa ở đầy năm”).
Dân gian thường dựa vào sự quan sát các
sự vật, hiện tượng xung quanh đời sống sinh hoạt hàng ngày để đặt nên thành ngữ
tục ngữ. Bởi vậy, nghĩa đen thường bao giờ cũng tương ứng với nghĩa bóng. Trường hợp
này, cái cách mà “hành không muối” tham gia vào món ăn gợi nên điệu bộ
của kẻ “lanh chanh”, đúng như nghĩa mà “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê -
Vietlex) đã giảng: “lanh chanh • t. có dáng điệu hấp tấp, vội vã, muốn tỏ ra nhanh nhảu. tính
hay lanh chanh ~ Đn: lau chau”.
HTC/5/2021
Riêng bài viết này, chứng dẫn của HTC chưa thuyết phục. Chuyện đơn giản thế này:Lúc cần tận dụng hết hương vị cay, nồng của hành để tẩm ướp thức chế biến thì hành phải tươi. Muối sẽ khiến hành và các loại rau củ mềm, biến dạng, biến chất. Chính lúc này, hành sẽ 'lanh chanh' vì không xuất hiện muối. Yếu tố phi, kho, nấu, chiên, xào...không được kéo vào khi diễn ý. Thân ái.
Trả lờiXóaTôi chưa thấy ai giã hành (bằng cối lon như được mô tả), mà chỉ thấy đập hoặc thái, trong đó đập hành rồi băm/thái là phổ biến nhất. Trân trọng!
Trả lờiXóaCa dao tục ngữ hay nói ngược lại. Bạn nghĩ sao " Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa".
Trả lờiXóaCách giải thích này em thấy chưa hợp lý lắm. Người già khu Nghệ An quê em thường nói câu này khi giã loại hành tăm(củ nén, củ ném), loại củ nhỏ và tròn nên giã không có muối thì dễ văng ra ngoài thật. Thời xưa hay giã hành để nấu những món cần nhiều hành như cá đồng kho, lươn hay giã hành đắp bụng khi đau bụng theo mẹo dân gian
Trả lờiXóaHành chăm, hay hành tăm (loại hành trắng, củ tròn) càng dễ giã, vì nó mềm, dễ bẹp. Kho cá hay kho nấu lươn, thì cũng lắm cũng chỉ cần một vốc hành, có thể đập bẹp hay giã nát một cách dễ dàng, nhanh chóng mà không cần gì đến muối. Bạn thử tự mình thực nghiệm sẽ thấy câu chuyện thực hư thế nào.
Xóahttps://youtu.be/P8e0LgfahU0 em cũng hay giã hành tăm nhưng không tiện thực nghiệm quay lại. Anh Tuấn xem qua video này từ phút 9:27 tới cảnh giã hành tăm sẽ thấy có vài củ văng ra ngoài lúc đầu. Người giã cần cẩn thận nhẹ nhàng vì mạnh tay là hành nhảy lanh chanh, nếu muốn làm nhanh và nhiều(nấu bán hàng) thì mỗi lượt giã cần cho thêm muối hạt để tăng ma sát và điều hướng lực, tránh hành bị ép vào thành cối văng ra. Hành tươi cũng sẽ cứng dễ văng hơn hành khô.
XóaAnh thử xem qua xem hợp lý không ạ.