19 thg 12, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 34)

 

Đền Trang Liệt
Ảnh: St
             HOÀNG TUẤN PHỔ


        Không cần câu trả lời của tôi, cụ già dừng lại mở giỏ lấy ấm rót cho mình và cả cho tôi chén chè hương nụ vối:

          -Chúng ta đang nhớ lại chuyện hay sử cũ. Chúng ta không đi đâu mà phải vội vội vàng vàng, cứ thong thả mới gọi là thưởng thức cái hay và vẻ đẹp của nó phải không cậu? Hương vị chè nụ vối bây giờ mới thật ngấm. Cậu biết không? Đây mới là chè vối Kinh Bắc chính phẩm. Tiếc cậu không phải là người Kinh Bắc mà lại quê Thanh Hoá gốc Hưng Yên. Thanh Hoá là đất anh hùng nhưng mà cái anh vua Lê chúa trịnh dở ệt!

          -Dạ, cụ nói đúng lắm ạ! Ở đâu cũng có kẻ dở người hay! Được như đức thánh Bà Liệt, hổ phụ sinh hổ tử thực là hiếm có xưa nay.

          Cụ già biết tôi nhắc khéo:

          -Ờ ờ. Ở đâu chẳng có chuyện trăng mờ trăng tỏ…Ấy là họ Trần thuở còn hàn vi sống nơi thảo dã làm nghề đánh cá như ai. Có chàng họ Trần một hôm dậy sớm ra biển để sửa soạn lại đồ nghề, bỗng gặp một người con gái, tuy ăn mặc nâu sồng quê kệch mà đẹp. Chao ôi là đẹp! Đẹp như tiên giáng trần đang thướt tha váy áo loà xoà đi trên bãi cát dưới ánh trăng về sáng. Chàng không giữ nổi ham muốn xác thịt liền xông tới ôm ngang lấy tiên nữ vật ngã ngửa ra bãi cát…Nàng tiên không chút chống cự, dường như cũng thuận ý làm vừa lòng kẻ phàm phu tục tử! Thế mới kỳ lạ chứ! Ai bảo không phải duyên tiên kỳ ngộ do ông trời xui khiến? Sau phút thần tiên ấy mỗi người đi mỗi ngả…

          Vua Hạo Sảm nhà Lý chạy loạn nương náu vùng đất Sơn Nam Hạ, thấy Trần Thị Dung chị họ Trần Thủ Độ xinh đẹp, lấy làm vợ. Trần Thủ Độ cũng say đắm Thị Dung, khi ấy tập hợp đinh tráng, chiêu mộ quân binh giúp vua Lý dẹp loạn trở lại kinh thành Thăng Long. Vua Lý không con trai, truyền ngôi cho con gái Chiêu  Hoàng. Thủ Độ đưa con trai Trần Thừa là Trần Cảnh vào cung hầu hạ Chiêu Hoàng…Chiêu Hoàng yêu Trần Cảnh, lấy làm chồng. Thủ Độ bảo: Xưa nay đàn bà không ai làm được vua, sớm muộn cũng bị tiêu diệt! Chiêu Hoàng sợ, nhường ngôi cho chồng. Ngôi vua chuyển sang họ Trần. Trần Cảnh làm Hoàng đế, Trần Thừa giữ ngôi vị Thượng hoàng. Huệ tông đã chết, Thủ độ chiếm đoạt luôn Thị Dung làm vợ! Sự kiện lịch sử nhà Lý chuyển ngôi cho nhà Trần, thời học lịch sử năm đệ nhị Trung học, tôi biết qua “Việt Nam lịch sử giáo trình” của Đào Duy Anh. Đoạn này cụ chủ không kể, chỉ nói tiếp chuyện đức thánh Bà Liệt của làng quê mình:

          -Một buổi đầu xuân Thượng Hoàng Trần Thừa mở hội vật trong Kinh thành. Hội vật này được Thượng hoàng đặc biệt chú ý tới cặp đấu: một người tuổi trung niên nổi tiếng Long thành vật với một chàng thiếu niên độ mười sáu mười bảy tuổi, đã hai ngày không phân thắng bại. Thượng hoàng gọi riêng chàng thiếu niên vào cung hỏi chuyện được biết tên Bà Liệt, không có họ, mẹ cũng không biết bố là ai, chỉ ngờ người ấy họ Trần làm nghề đánh cá nhưng không biết rõ lắm nên không dám nói. Thượng hoàng sai thưởng riêng cho chàng đô vật thiếu niên, bảo cứ ra ở nơi công quán, chờ sáng mai tiếp tục thi tài…

Suốt đêm ấy Thượng hoàng không chợp mắt, cứ luẩn quẩn với cuộc tình không hẹn mà gặp. Cái đêm ngàn vàng không mua lại được, ánh trăng sao đẹp thế, người con gái sao đẹp thế! Tưởng trong giấc mộng thần tiên, nào ngờ chuyện lại xảy ra ở chính tại làng quê mình trên bãi cát quen thuộc hàng ngày mình vẫn đi về với cuộc sống lưới chài…Thượng hoàng thấy thằng bé giống mình như đúc, từ mặt mũi, đến dáng đi, cả tài nghệ…Lúc trẻ Thượng hoàng cũng là một đô vật nổi tiếng…

Hôm đấu vật thứ ba, tay đô vật lớn tuổi kia không muốn chịu thua, định giở miếng “móc” vô cùng hiểm ác, nhưng sợ lộ vì miếng này đã có lệnh cấm, bèn chuyển sang miếng bóp cổ. Bà Liệt bóp cổ lại, nhưng tay ngắn không vươn tới cổ địch thủ. Thượng hoàng sợ Bà Liệt bị nguy hiểm tính mạng liền quát to: “Buông tay ra! Con ta đấy!”

Tay đô vật sợ bị tội vội buông tay, sụp ngay xuống vái lậy Thượng hoàng xin tha tội. Thượng hoàng gật đầu cười, sai thưởng cho cả hai đô vật. Rồi ngài giữ Bà Liệt ở lại, đưa vào cung riêng. Sau đó Thượng hoàng bảo vua Trần Cảnh phong cho Bà Liệt làm Vũ Đức vương, cho hưởng đất Bắc Ninh làm điền trang thái ấp…

-“Chà! Chuyện hay quá!” Tôi không kìm nổi thích thú thốt lên lời khen.

Cụ chủ thâu nõ điếu bát, nạp hai điếu thuốc lào, hai làn khói xanh lơ liên tiếp lượn lờ trong không gian sau hai tràng tiếng kêu rong róc giòn giã:

-Thuốc lào cái tang Yên Lãng Hải Dương phải nạp đôi hút kép như vậy mới đã!

Ông già chiêu nửa chén nước còn lại. Chắc nước đã nguội, tôi toan mở giỏ để hầu cụ chén khác, ông liền xua tay:

-Thôi, không cần, để tôi nói nốt. Chuyện lão vừa kể là chuyện có thật, chuyện lịch sử mà lị, chép trong Ngọc phả do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn thuật, để tại đền thờ đức thánh Cả “đại vương”. Còn chuyện truyền ngôn thì nhiều, cậu muốn nghe tôi cũng chẳng giấu. Đó là chuyện ông Thái sư Trần Thủ Độ cậy công cậy tài lấn lướt cả quyền vua. Thượng hoàng nhận con, Thái sư không cho nhận, bảo đó là con hoang! Thượng hoàng gọi nhà vua hỏi: “Thái sư bắt đầu làm Thái thượng hoàng từ bao giờ?” Ông Trần Cảnh không trả lời được, vì nhờ công Thái sư Trần Thủ Độ ngài mới có ngôi báu. Thượng hoàng lại nói: “Vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, nhược bằng không thì mất ngôi, mất nước!” Nhà vua vâng lời, hạ chiếu công nhận ngài Bà Liệt làm Hoàng đệ, vẫn phong vương kiến ấp như cũ.

Con đã được phong vương tất phải phụng nghinh mẹ về cung nhận tước Phu nhân. Thái sư sai cấm quân đóng cửa Hoàng thành không cho Bà phu nhân vào. Ông không thể chịu được người đàn bà xấu xí ma chê quỷ hờn ấy! Nhà vua đành cho kiệu đưa Phu nhân lên điền trang Bắc Ninh. Thượng hoàng tức giận mắng Thái sư là đồ vô luân, lấy chị làm vợ! Ông Thủ Độ đối phó lại bằng cách đứng giữa triều đình tuyên bố: “Từ nay nam nữ họ Trần chỉ được kết hôn nội tộc, đề phòng ngôi báu truyền ra họ ngoài như nhà  Lý đã chuyển ngôi cho họ nhà Trần. Ai không tuân lệnh xử tội chém bêu đầu”. Bởi vậy, từ đó nhà Trần đời đời hôn nhân nội tộc không thay đổi…

-Dạ thưa cụ, học sử nhà Trần 3 lần đại phá quân Nguyên xâm lược, tiếng tăm lẫy lừng, nhưng cũng có cái dở là anh chị em họ hàng lấy nhau! Bây giờ nghe chuyện cụ kể cháu mới được sáng tỏ đầu đuôi sự tình. Thì ra ở đời cái gì cũng có căn nguyên của nó.

Tiếng chuông đồ hồ quả lắc trên tường đánh chín tiếng như những dấu chấm lửng cho thiên chuyện còn dài, rất dài, nhưng có thể tạm dừng ở đây. Cụ chủ mỉm cười vui vẻ:

-Thế mà đã 9 giờ. Kể cũng chưa khuya, nhưng cậu khách rong ruổi suốt cả ngày chắc giờ đã mệt, nên ngủ sớm. Nếu sáng mai cậu chưa vội đi, thế nào bọn trẻ nhà tôi cũng có đứa về trông nhà, tôi sẽ đưa cậu về thăm làng tôi, đến xem đền thờ đức thánh Cả, có nhiều câu đối hay lắm. Rất tiếc trí nhớ tôi kém quá, chỉ lỗ mỗ thôi, không thể đọc ra vài câu để chúng ta cùng thưởng thức với nhau cho vui…

-Dạ, cháu rất cảm ơn cụ. Sáng mai cháu phải xin phép đi sớm.

-Phải, việc tìm lại đất tổ quê cha là quan trọng lắm! Bây giờ cậu đi nghỉ, giường phía trong kia hay là giường nào đó tuỳ ý. Các giường khách trước Tết chăn chiếu đều giặt giũ sạch sẽ để sẵn sàng đón khách năm mới.

-Vâng, thật may mắn cháu lại được làm người khách năm mới đầu tiên…

-Ừ, tôi cũng chúc cậu năm mới gặp được nhiêu may mắn!

-Vâng, cháu cảm ơn cụ!

Tôi đi nằm trước, cụ chủ sau đó cũng lên giường. Mấy tiếng ho khục khặc bật lên. Đó là bệnh thông thường, hiện tượng người già hay hút thuốc lào. Rồi tất cả đều im lặng, chỉ còn tiếng kêu tích tắc đều đều của chiếc đồng hồ kiên nhẫn không biết mệt mỏi trên tường.

Đêm ấy tôi ngủ rất ngon. Gần sáng bỗng mơ thấy đang đi chơi trên bãi cát phi lao chắn gió biển, gặp một con quỷ cái mặt xanh nanh vàng chạy lại ôm choàng lấy người, sợ quá, ú ớ kêu không được, giật mình tỉnh giấc, mở choàng mắt thì trời đã sáng.

Cụ chủ đang ngồi trầm ngâm trước bàn. Ngọn đèn hoa kỳ vặn nhỏ bấc vừa đủ sáng, soi rõ ấm giỏ ủ chè nụ vối và chén nước đang bốc khói. Tính người già dậy sớm vì ít ngủ, tiêu khiển bằng điếu thuốc lào và chén nước chè nóng. Biết tôi không nghiện chè, thuốc, cụ chủ mời ngồi xơi chén nước chè súc miệng. Lịch sự quá! Đúng là người Kinh Bắc có khác. Đất này cũng quê hương nhà Lý. Lắm chuyện kỳ lạ. Mẹ Lý Công Uẩn đi cấy thuê nhà chùa, đêm ngủ dưới mái tam quan, ông sư Lý Khánh Văn đi cúng về khuya, chỉ bước qua mà cảm động thụ thai! Lý Khánh Văn nhận Lý Công Uẩn làm con nuôi, cho học cả văn cả võ. Lớn lên Công Uẩn làm tướng rồi làm vua thay nhà Tiền Lê, truyền được 8 đời mới mất vào tay Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung, rồi chuyện Trần Cảnh làm vua, Trần Thừa làm Thượng hoàng nhận đứa con hoang trên bãi cát là Bà Liệt…

Tôi phải ngồi khoảng 30 phút để nghe tiếp câu chuyện kể thứ hai trong kho chuyện chắc đầy ắp của cụ chủ nhà.

Tôi bơm lại xe, móc túi lấy ra mấy hào bạc gọi chút tiền nhỏ mọn để mở hàng năm mới. Cụ giữ tôi lại ăn bánh chưng sáng với mình cho vui và nhất định không nhận số tiền, vì xem tôi là người khác gia đình trước lạ sau quen. Tôi cám ơn cụ, chúc mừng cụ năm mới vạn sự như ý và xin phép được biết quý danh. Cụ cười, nụ cười rộng mở như bông hoa đầu xuân nở xoè tươi tắn đầy hạnh phúc: “Tôi là Thanh, để kỷ niệm những năm ở Thanh Hoá đấy!”

Rồi cụ bắt tay chào tiễn tôi…

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét