25 thg 12, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 40)

 

Từ nhà thờ họ Hoàng nhìn ra
là cánh đồng lúa nếp làng Nhân Lý
Ảnh: HTC
  
              HOÀNG TUẤN PHỔ


    Tôi bị Đội giam lỏng trong căn nhà bếp hai gian, không cửa sổ, cửa chính toang hoang, vì cánh cửa mất đã lâu, lỗ bản lề trông như cặp mắt toét.

          Không còn bếp núc gì. Chỉ có mấy hòn gạch vỡ ám khói đen, cái nồi đất sứt miệng và một cái giường hẹp, lưa thưa vài nan vạc trơ trọi, thiếu cả manh chiếu rách. Tôi ngồi ghé vào cạnh giường, ngửa mặt nhìn lên mái nhà dột nát. Một luồng ánh nắng rọi chiếu chính mặt. Quả đúng là “Chạy trời không khỏi nắng”! Lúc này tôi không giận ai, oán ai, biết phận mình nó thế, chỉ thấy buồn…

          Cái bếp tôi ở “toạ lạc” trước ngõ nhà bác Tống-giờ là Trụ sở Đội Cải cách xã Thanh Long. Ngày đầu tôi phải nhịn suông. Ngày thứ hai vẫn chẳng có gì ăn, tôi không dám đi đâu ngoài cái bếp dột nát, vì Đội đã bảo “không được đi đâu”!

          Đói quá, muốn kêu trời, nhưng ông bà nông dân thường nói “Nhất Đội nhì trời”! Mình có kêu cũng vô ích, không khéo lại nguy hơn.

Lúc này quê Thanh cũng đang tiến hành đợt cải cách ruộng đất cuối cùng giống như Hưng Yên. Nhà cũ do ông bà nội tôi để lại: nhà trên 3 gian một chái, cột kèo gỗ hàng tạp, lợp kè, vách sau dừng phên nứa, cửa trước bằng gỗ; nhà dưới (nhà ngang) 3 gian, 1 gian cổng trâu bò, 2 gian đàn bà con gái ở; thêm cái xối nối hai nhà làm buồng cất chứa đồ đạc thóc lúa. Cả hai nhà, Đội CCRĐ đều lấy chia cho 2 gia đình nông dân. Bố mẹ tôi xin ở nhờ cái đình Bắc, thấp nhỏ như cái điếm canh, được một tháng thì bị đuổi.

 Thương ông bà sống vạ vật dưới gốc cây trôi đầu làng, anh Viên Hải con địa chủ rủ hai người cùng thành phần, tìm kiếm ít tre nứa cũ che tạm một túp lều vịt bên bờ ao đình làng, tạm có chỗ chui ra chui vào, che mưa, tránh nắng. Ông bà sắm mấy chục cái te làm nghề kéo tép. Gà gáy đầu ra đồng đặt te, mờ sáng thu dọn te, được dăm ba bát tép, đem đi chợ Nguyễn bán mua gạo, mắm muối. Hôm nào bán ế vì biển lặng nhiều cá, mang tép về phơi khô, chờ khi biển động. Tép đồng kéo te sạch hơn tép vê nhủi, trăm con óng ả cả trăm, còn sống nhảy lao xao trong giành (một loại đồ đựng đan bằng nứa) trông rất ngon, rất dễ bán. Gần đấy có ông từ Năm hiền lành phúc hậu. Những hôm trời mưa gió, bố mẹ tôi không thể đi kéo te, ông thường cho gạo và cà muối. Nhưng ông phải chờ đêm tối vắng người, vội ném đùm gạo hay gói cà muối qua cửa vì sợ làng xóm trông thấy, quy cho là liên quan địa chủ phản động, sẽ bị mất hết quyền lợi!

          Trở lại chuyện tôi bị giam lỏng trong căn bếp ở Hưng Yên.

Sáng ngày thứ ba, tôi bò ra vườn khoai móc trộm củ, nhưng khoai mới có rễ. Tôi hái lá vào nấu canh. Nồi là cái niêu đất sứt miệng, nước múc ở góc đám vườn nhỏ trồng khoai lang, nước mưa từ rãnh luống chảy dồn lại một vũng. Tôi xếp lại mấy viên gạch vỡ, thế là thành bếp. May còn giữ được hộp diêm trong túi. Bụng tôi mỗi lúc một thêm nôn nao cồn cào. Nước mới réo, tôi đã bỏ rau vào. Tôi nghĩ vừa nấu vừa ăn, vào trong cái bụng đang sôi sùng sục, rau nào mà chả chín! Tôi liền múc canh vừa thổi phù phù vừa húp sùm sụp mấy miếng liền.

          Hồi 1953, tôi đã ăn cám thô, cố nuốt rồi uống ngụm nước, dần dần miếng cám cũng trôi khỏi họng. Vậy mà đối với canh rau khoai sống dở không muối lại nôn oẹ, làm cho cái bụng đang đói càng thêm đau quặn lại!

Đêm nằm trên cái vạc giường rách, tôi mê mệt thiếp đi trong cơn đói lả. Sáng hôm sau, một bóng người vụt qua, gói gạo đùm trong khăn mặt ném qua lỗ thủng tường noi sau bếp, kèm mấy quả cà muối gói bằng tờ giấy xé từ vở đã viết. Tôi không kịp nấu cơm, bốc gạo ăn cùng với cà muối. Chao ôi! Cái của ngọc thực sao mà thần tiên kỳ diệu đến thế. Mát ruột, khoẻ người, tỉnh hẳn lại. Tôi không phải bò mà lê bước ra vườn khoai lang, nằm rạp xuống vũng nước trong ừng ực một hồi…

Lúc này tôi mới nhặt lại tờ giấy gói cà, nhận ra nét chữ một học sinh tôi dạy lớp Ba, người cùng xóm này, độ mười sáu mười bảy tuổi, còn họ tên gì, tôi quên mất. Đến bây giờ, đã bao lần lục tìm trong ký ức vời vợi vẫn không nhớ nổi. Đành chịu lỗi với anh bạn trẻ. Với gói gạo, mấy quả cà, anh đã cứu sống tôi…

Đã cơn đói khát, bụng tôi no căng, đập bàn tay vào bình bịch như trống thủng. Ngồi nghỉ một lúc bên vũng nước, tôi lê bước đi về bếp, cái bếp giờ trở thành người thân yêu của tôi, nằm vật xuống cái giường khấp khểnh, ngủ thiếp đi, không phải vì đói lả, mà bởi no quá. Gạo sống vào bụng nở ra, cứ trương dần lên, may sao nó cũng tiêu hoá được tất cả…

Sáng dậy, đó là ngày thứ tư đẹp trời. Tôi nghe được cả tiếng chim hót xa xa. Bỗng nhớ anh Tỡi con địa chủ họ Hà, cuối năm ngoái rủ tôi đi Nam. Anh bảo đi dễ lắm. Anh sẽ dẫn tôi qua đường tắt lên phố Nối, nhảy xe hoả ra Hải Phòng, xuống bến, có sẵn tàu thuỷ đón vào Nam, đất thiên đường của Chúa…Tôi không đi, vì còn cha mẹ ở quê Thanh. Hơn nữa, đời tôi, tôi tin còn dài. Tôi phải sống trên đất Bắc để minh oan, để chứng minh gia đình mình không phản dân hại nước như đã bị quy sai, hiểu lầm. Nhưng cảnh ngộ chưa chết đói hôm nay, để ngày mai có thể đói đến chết, tôi nhận ra con đường minh oan còn khó hơn đường lên trời…

Tôi ngồi bệt xuống đất, nhón tay nhặt từng hạt gạo vãi đưa lên miệng. Không thể ăn ngấu nghiến như hôm qua, vì của ngọc thực mà cậu học trò tốt bụng giấu đem cho sắp hết. Hẳn anh bạn trẻ thương người đã phải dũng cảm lắm mới vượt qua cái lưới tai mắt của Đội vây bọc.

Đang nghĩ vẩn vơ, bỗng một người đàn ông lạ mặt dong dỏng cao xuất hiện trước khung cửa hẹp, tay cầm tờ giấy. Tôi giật nẩy mình. Hạt gạo chưa kịp nhai nuốt mắc lại cổ họng. Ông đã nhìn thấy tôi đang nhặt từng hạt gạo ăn sống. Một giọng Hà Thành dễ nghe cất lên:

-Tôi là cán bộ, Đội phó Đội Cải cách Thanh Long, vì bận nhiều việc quên bẵng chuyện anh đang ở đây. Thôi, bây giờ anh sang ngay văn phòng, tôi có việc cần đến anh…

(còn tiếp) HTP

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét