Tường của một căn nhà hoang ở thôn Nhân Lý Ảnh: HTC |
Mãi
chiều tà chúng tôi mới về đến trụ sở Đội. Tại văn phòng, anh Đội trưởng đang ngồi
trước bàn giấy xét xử mấy vụ xin ly hôn.
Anh Đội trưởng tên gì, quê quán ở đâu, tôi không dám tò mò hỏi. Các đội viên cũng chỉ gọi là "đồng chí Đội trưởng". Anh tuổi chừng 30, người khôi ngô tuấn tú, nghe đâu là bộ đội, chức vụ đại đội trưởng, được điều động làm công tác CCRĐ. Anh có quyền cho mấy chị đã lấy chồng là con địa chủ được ly hôn, nhưng bản thân họ phải thuộc thành phần bần cố trung nông, do cán bộ địa bàn cấp giấy chứng thực.
Có đến 4 chị ngồi xổm dưới nền nhà,
lưng dựa vào tường, chờ anh Đội trưởng…Sự lo lắng hiện rõ trên nét mặt họ. Anh
nói:
-Trước đây ai cũng thích lấy chồng nhà
giàu, bây giờ mới thấy khổ, liền rẫy ra. Tôi không muốn làm khó dễ cho mấy chị, nhưng địa chủ đã bị mất hết tất cả, giờ còn dâu con, lẽ nào cũng bị Đội làm mất nữa hay sao. Về
quan điểm lập trường giai cấp, họ đáng tội mà các chị cũng đáng thương. Suy xét
kỹ, vì tình thương giai cấp, Đội đồng ý cho các chị được theo ý muốn.
Mấy chị dâu địa chủ mừng rỡ cảm ơn Đội
rối rít:
-Xin anh cho chúng em mấy chữ làm bằng!
Anh Đội trưởng nghiêm sắc mặt, giọng
chỉ huy đanh thép:
-Lời tôi nói là khẩu lệnh, ai dám
trái?
Các chị đứng dậy vái chào anh Đội trưởng,
chân bước giật lùi khỏi cửa.
Trời đã nhá nhem tối. Tôi cũng được ăn
cơm chung với Đội. Bữa ăn thường chỉ có rau muống luộc chấm tương. Ít khi được
ăn đậu phụ rán chấm tương Bần. Món thịt lợn năm thì mười hoạ mới có. Cá thì cá
sông, cá hồ vùng Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Giang, Văn Lâm, Kim Động, Khoái Châu…Chúng
tôi ăn cả châu chấu rang kho tương, thịt nhái, loại nhái sọc sau trận mưa rào,
nhảy rào rào hai bên bờ đê…
Trong đội cải cách xã Thanh Long có
anh Thắng quê huyện Tĩnh Gia giáp Quảng Xương quê tôi. Tôi chỉ lo Đội
cử anh về Thanh Hoá điều tra tôi. Cái tội trốn Cải cách khó thoát tù “mọt gông”.
Anh Thắng có chuyện trò với tôi một vài lần qua loa rồi thôi, vì anh thường bận
quấn quýt với cô du kích X. có chồng đang ở quân ngũ. Cô X. làm cấp dưỡng cho
Văn phòng Đội. Anh Thắng đi cơ sở, ít “ba cùng”, thường phải kiếm cớ về Văn phòng để
đùa nghịch…Các anh Đội trưởng, Đội phó biết hay không biết chuyện, cũng không
nói năng gì. Còn tôi, tôi không dám nhìn họ, luôn tìm cách lảng tránh…
Sau hôm lên Đoàn uỷ duyệt hồ sơ, anh
Đoàn Hưng Nông bảo tôi cùng xuống cơ sở điều tra vụ án Nguyễn Văn Dương bắn chết
địa chủ.
Chúng tôi nghiên cứu hiện trường xảy
ra vụ án. Trên tường chỗ giam giữ tên địa chủ (bị trói ngồi ở cột hiên nhà) nham
nhở nhiều vết đạn. Ông chủ nhà cho biết đấy là vết đạn trước đây lính nguỵ đi
càn quét, nhưng theo đơn tố cáo là bằng chứng tên Dương từ ngoài sân bắn vào.
Tên địa chủ bị trói ngồi trên hè gạch, hai tay quặt ra đàng sau, dây thừng buộc
néo chặt vào gốc cột hiên nhà. Chắc bị can Dương phải quỳ gối ngoài sân bắn
vào. Không còn nghi ngờ gì nữa! Hồ sơ bị can Dương, chúng tôi đã làm đúng, mặc
dù Dương không khai nhận mình đã bắn tên địa chủ. Hôm du kích giải Dương lên
Văn phòng Đội, anh Đội phó bảo Dương ký tên và điểm chỉ dưới “Biên bản hỏi cung”
lần thứ ba. Dương ngạc nhiên hỏi:
-Giấy tờ gì đây?
Thực tế Dương chưa hề được biết, được
nghe đọc “Biên bản hỏi cung” theo quy định pháp lý rằng: “Biên bản hỏi cung này
đã được đọc lại cho bị can nghe và công nhận là đúng…”
Anh Nông xoè bàn tay trái che lấp nội
dung trang giấy, ngón tay phải trỏ chỗ cho Dương ký tên, điểm chỉ.
Anh Dương cầm bút, ngón tay run run, hỏi:
-Có phải ký vào giấy đi tù không?
Anh Nông Đội phó đã trực tiếp hỏi cung
can phạm, trả lời:
-Phải!
Thấy Dương còn chần chừ, anh Đội trưởng
quát:
-Ký đi!
Dương sợ lại bị giam trói hành hạ vì
ngoan cố, đành phải nguệch ngoạc một chữ rồi điểm chỉ. Mặt Dương đỏ tía, cổ
vươn dài ra, gân nổi lên như cổ gà chọi.
Chúng tôi nghiên cứu lại hiện trường.
Anh Nông xem xét mọi thứ, hỏi han ông chủ nhà rất kỹ. Tôi thì ngờ nghệch đâu biết
gì, anh Nông bảo sao làm vậy. Anh Nông ngửa mặt lên mái hiên nhà, phát hiện ra
mấy viên ngói vỡ phía trên đầu chỗ tên địa chủ bị trói, hỏi tôi:
-Cậu
xem có phải ngói mới vỡ hay vỡ đã lâu?
Tôi
bắc ghế, đứng lên quan sát, nói to:
-Đúng
là ngói mới vỡ!
Anh
Nông bảo:
-Vậy
thì bị can ngồi trong hiên bắn ngược lên, nhưng có lẽ phải ở đàng sau?
Chúng
tôi cùng đi đi lại lại cố tìm lời giải đáp. Tôi chợt nghĩ ra:
-Có
thể bị can ôm súng ngồi gác nhưng ngủ quên, tên địa chủ đưa chân khều lấy khẩu
súng kẹp giữa hai đầu gối rồi dùng ngón chân hay ngón tay bóp, ấn cò. Súng đã nạp
đạn sẵn, miệng súng dí vào cổ, ấn cò một cái là đạn xuyên qua đầu, bay vọt lên
mái hiên…
Anh
Nông bật cười:
-Cậu
nói cứ như là tiểu thuyết trinh thám!
Đúng.
Hồi nhỏ tôi vớ được gì đọc nấy: Trinh thám tiểu thuyết của Thế Lữ (Gói thuốc lá, Lê Phong phóng viên), Phạm
Cao Củng (Người nghìn mặt, Ba hồi kinh dị),
cả truyện dịch của Tàu (Hoàng giang nữ hiệp,
Tây Vực ngoại ký)…
Nghĩ
ngợi một lát, anh Nông nói:
-Cậu
lý giải thế nghe cũng có nhẽ, nhưng chúng ta thiếu biên bản khám nghiệm tử thi.
Hôm tên địa chủ ấy chết, đồng chí phụ trách địa bàn hoảng hốt chạy về Văn phòng
Đội báo cáo. Anh Đội trưởng đang bận nói: “Chết thì chôn! Tất cả các tên địa chủ
đều đáng tội chết!” Đồng chí ấy lập tức chạy về truyền lệnh đem chôn! Cho nên
không có khám nghiệm tử thi, bây giờ bắt đầu phân huỷ rồi, còn gio với trấu gì
nữa!
Tối
hôm ấy, Đội họp quần chúng thôn địa phương cho đấu tranh với Nguyễn Văn Dương,
và vận động làm đơn tố cáo bị can. Anh Nguyễn Văn Dương lại bị giải ra trước quần
chúng. Anh một mực chối tội giết địa chủ C., còn tại sao nó chết thì không biết.
Dương chỉ nhận ngủ quên, khi nghe tiếng súng nổ mới giật mình tỉnh dậy…Bị can
gan lỳ lắm, trước sau đều gân cổ gà chọi:
-Thà
chịu chết, chẳng thể nào nhận tội mình không làm!
Cốt
cán căn vặn Dương về tổ chức Quốc dân đảng và tổ chức sai giết địa chủ để bịt đầu
mối, chống phá CCRĐ. Bị can trả lời bằng giọng tự hào, mình là bộ đội kháng chiến,
từng chiến đấu ở Mặt trận Điện Biên, được tặng Huy chương, không biết đảng phái
nào. Xoay đi xoay lại cũng chỉ có vậy.
Đêm
đã khuya, anh Nông và tôi lần bước trên cầu ván bắc qua sông sang Nhân Lý. Anh
về Văn phòng Đội, nhà địa chủ Tống, tôi vào cái bếp dột nát mà cố nông chẳng có
ai thèm ở. Đàn muỗi đang giờ hoạt động u u ong ong. Tôi buông hai cánh màn cũ
rích làm phép rồi ngủ quên lúc nào không biết.
Sáng
sớm, tôi sang văn phòng. Hai anh Đội trưởng, Đội phó đang hội ý. Lúc sau, anh
Nông bảo tôi chữa lại biên bản hỏi cung sao cho hợp tình hợp lý. Tôi phải làm cật
lực cả buổi sáng để chiều du kích dẫn giải bị can lên văn phòng ký tên điểm chỉ
lại.
Bị
can tính ương bướng, lại gân cổ gà chọi lên:
-Đi
tù chưa đủ, muốn tử hình mới thoả mãn sao?
Anh
Nông vẫn dịu giọng:
-Chúng
tôi chỉ muốn cấp trên giảm nhẹ cho anh thôi!
Anh
Nông lại xoè bàn tay phải che tờ biên bản, tay trái chỉ chỗ ký cho bị can. Rồi
anh nắm tay bị can, dí ngón tay cái vào hộp dấu…Anh Đội trưởng đứng ngay trước
mặt bị can để gây áp lực…
Ngày
thứ tư, tôi cắp cặp theo anh Nông lên vùng Đông Cảo-Từ Hồ, nơi Trần Thiện Thính
tức Cúng đóng đồn trước đây.
Tôi
biết Thính qua một đêm thôn Nhân Lý tổ chức biểu diễn văn nghệ tại đình làng.
Thính người thôn Long Vỹ, cùng xã Thanh Long. Thính ôm đàn guitare tươi cười bước
lên sân khấu, vừa hát vừa đệm đàn hát ca khúc Quê hương ta (không rõ tác giả) tuyên truyền vận động đồng bào
không nên rời bỏ quê hương vào Nam theo địch. Tiếng đàn Thính rất điêu luyện,
giọng ca Thính rất ngọt ngào truyền cảm, những cung bậc luyến láy thật tài tình. Tôi sinh trưởng
ở Thanh Hoá, Khu 4 hậu phương, đất văn nghệ kháng chiến, mà quần chúng ít khi
được nghe cung đàn giọng hát như thế bao giờ.
Trần
Thiện Thính tức Cúng độ ngoài 30 tuổi, dáng người nho nhã, phong độ nghệ sĩ tài
hoa, không ngờ lại là ác ôn!
(còn tiếp) HTP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét