17 thg 12, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 32)

 

Ảnh minh hoạ: ST
                   HOÀNG TUẤN PHỔ
          Hai người khách đã lên giường nằm ngủ sớm, chắc khá mệt sau ngày đường lặn lội cát bụi. Vài tiếng ngáy vô tư cất lên rồi vụt tắt.

Tôi ăn xong, bà quán rót cho tôi hơn nửa bát nước vối cuối cùng trong ấm. Chao ôi! Chát đến khén cả họng. Thấy tôi nhăn mặt, bà nhẹ nhàng cười: “Chịu khó uống chát. Đàn bà sinh đẻ chuyên trị nước chè vối đặc khắm để tiêu cơm, tiêu độc!”.

Tôi liền “vâng ạ” để thay cho lời cảm ơn bà. Tôi nghĩ đất này ma thiêng nước độc, nên dân gian dùng nước vối để trị độc là đúng sách lắm!” Lại chợt hỏi: “Có phải vùng này nhiều trộm cướp lắm không, thưa bà?”.

Bà quán hơi đăm chiêu: “Thì cũng nghe đồn vậy. Nhưng mà chưa thấy bao giờ. Mí lại, loại người nghèo trên răng dưới khố thì có vặn răng cũng chỉ còn trơ lại cái lợi như hai ông bà già chúng tôi đây”.

Nói xong, bà nháy tôi một cái, đưa mắt ra ngoài cửa: “Nghĩ mà thương mấy ông bà đang nằm ngoài thềm chiếu đất kia, đêm hôm sương gió! Tiếc cái quán nghèo này, một cơn gió mạnh thổi bay vèo, trong nhà chỉ có mấy người mà đã không còn chỗ đặt bước chân! Khổ quá! Ông giời ăn ở chẳng cân, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra!”

          Tôi thích bà  già hay ví von, đế thêm vào: “Quả ông trời không có mắt, cho nên chỉ ai đói mới biết thương người nghèo”.

          Tôi xin phép  bà đi nghỉ. Ông quán kêu mệt đã lên giường nằm từ lúc mới lên đèn. Chả trách ông ăn ít nên mới còn thừa sét bát cơm nguội phần tôi, cũng đỡ đói lòng trong khi bụng cao dạ dốc. Nói như các cụ “cẩn tắc vô ưu”, tôi dựng chiếc xe đạp vào mé đuôi cánh phản nằm cho gọn, cẩn thận vặn bốn cái tai hồng của hai bánh xe bỏ vào túi áo. Như vậy, nếu kẻ gian cầm khung xe đạp xách lên thì lập tức hai bánh xe mất tai hồng bị long ra rồi rơi xuống chân người nằm. Tôi thầm khen mình đã nghĩ ra một mẹo hay…

          Trời sáng rõ lúc nào không biết. Chúng tôi thức dậy vào lúc mặt trời đã ló dạng. Ánh nắng xuân ấm áp, tươi đẹp xuyên qua dãy núi đá nhấp nhô ngọn cao ngọn thấp uốn lượn hình rồng rắn, vẽ lên chân trời những nét cong mềm mại rất tự nhiên.

Con người vốn rất hữu tình. Trời đất sao quá vô tình. Cho nên mọi tôn giáo, học thuyết do con người sinh ra đều mộng huyễn và không tưởng. Theo triết lý dân gian, cái mồm và cái bụng con người quyết định tất thảy, không phải ông trời đâu, chớ đổ oan cho ông ấy như lời bà chủ quán tối hôm qua…

Thằng chân bì với thằng tay

Tao đi cả ngày chả được miếng mô!

Thằng tay cũng đứa ngây ngô:

Tao làm cũng để đút vô thằng mồm!

Thằng mồm cong lưỡi nhảy chồm:

Thằng bụng ngốn sạch thằng mồm tiếng oan!

Thằng bụng tức giận không ăn

Thằng tay lủng liểng, thằng chân rụng rời!

Thôi đành đất phải chịu trời

Thằng vai gánh vác để nuôi thằng mồm!

          Tôi tiếc không sẵn giấy bút để chép tặng bà bài ca dao hài hước của dân gian mà mẹ hát ru tôi hồi nhỏ. Từ biệt túp lều tranh bé nhỏ có bà quán già nghèo mà tốt bụng, tôi không quên chào các bạn đồng hành…khất để lên đường trước. Trên đường còn vắng, chưa thấy bóng ô tô, xe bò, chỉ thấy thưa thớt mấy nhóm người vào thung cắt cỏ trâu.

          Trước lúc tôi dắt xe ra khỏi cửa, trả tiền trọ, bà chủ lấy có năm xu, còn tiền bát cơm dứt khoát không nhận. Thong thả đạp xe, tôi nhớ chuyện “Bát cơm Phiếu Mẫu trả ơn ngàn vàng”, sự tích trong “Hán Sở tranh hùng”.

Hàn Tín thuở thiếu thời nhà nghèo, mẹ già, cha mất sớm, hàng ngày đến chợ làm nghề khuân vác, gánh gồng thuê. Hàn Tín sức khoẻ nổi tiếng khiến bọn đàn em rất khâm phục, tôn làm đại ca. Ở chợ ấy cũng có một gã đồ tể sức khoẻ vật nổi trâu. Hôm ấy anh ta bán thịt lợn xong sớm, uống bát rượu ngon, vỗ ngực xưng là anh hùng trong thiên hạ, đang vừa đi vừa múa con dao bầu, mồm ca hát nghêu ngao, chợt gặp Hàn Tín, liền đón chặn lại hỏi: “Tao nghe nói mày xưng là đại ca làm vương tướng đất này, bây giờ tao thách mày có giỏi đâm tao ba nhát, nếu không dám, mày phải chui lòn háng tao ba lần!”

Nói xong, gã đồ tế đứng dạng chân, đưa dao bầu cho Hàn Tín. Anh ta cởi phăng áo quẳng xuống đất, tụt quần đến tận bẹn, ưỡn bộ ngực vú vê thay lảy, giơ cái bụng béo nung núc những mỡ và ngửa mặt lên trời quát lớn: “Đâm tao đi! Nào đâm đi!”

          Người đi chợ thấy trò lạ, kéo nhau lại đứng xem vòng trong vòng ngoài, bọn đàn em thích thú vỗ tay reo hò, nhảy nhót cổ vũ Hán Tín: “Đâm đi! Đại ca đâm đi! Đại ca cứ đâm một nhát vào giữa cái bụng mỡ cho lão ta hết thói xưng hùng xưng bá!”

          Hàn Tín cầm con dao bầu của tên đại bợm chuyên chọc tiết lợn, đâm cổ trâu, đưa ngón tay cái lên gại gại vào lưỡi: “Chà! Sắc bén lắm!” Bỗng Hàn Tín ném con dao bầu xuống đất, và trước con mắt ngạc nhiên của mọi người, Hàn đại ca cúi xuống, luồn nhanh thoăn thoắt ba lần qua háng gã đồ tể!

          Mọi người cười ầm lên, ai cũng chê họ Hàn thế mà nhát gan! Hàn Tín lẳng lặng bỏ đi, như không có chuyện gì xảy ra.

          Nghe tin Lưu Bang chém rắn trắng khởi nghĩa ở đất Bái, xưng là Bái Công chống lại nhà Tần, Hàn Tín tìm đến đầu quân. Trên đường đi, Hàn Tín hết tiền gạo, phải xin ăn, được bà Phiếu Mẫu cho bát cơm nguội. Hàn Tín cảm ơn bà lão: “Nếu cháu có ngày làm nên, cháu sẽ xin tạ ơn bà ngàn vàng!”.

          Đi theo Lưu Bang, Hàn Tín giúp Bái Công làm nên nghiệp lớn, phá  Tần diệt Sở, thống nhất nước Tàu. Lưu Bang lên ngôi Hoàng đế mở đầu nhà Hán (tức Hán Cao Tổ), cắt đất phong hầu cho quan tướng có công lớn. Hàn Tín được phong đất Hoài Âm làm Hoài Âm hầu. Ông trở về thăm mẹ thăm quê, biếu bà Phiếu Mẫu đúng một ngàn vàng! Gã đại bợm vẫn làm nghề đồ tể bán thịt chợ quê. Mọi người ai cũng tin lão ta chuyến này chắc chết! Điều bất ngờ lại xảy ra: Hán Tín chủ động đến nhà gặp tên đồ tể. Ông không đâm chết gã đại bợm mà cầm tay cảm ơn: “Nhờ ông bắt luồn háng mà tôi mới được phong tước hầu như ngày nay!” Lão đồ tể cả kinh sụp xuống chân Hàn Tín lậy tạ. Hàn Tín kéo tay ông ta đứng dậy phong làm tướng cầm quân đánh dẹp các loạn đảng tàn dư quân Tần, quân Sở…

          Tôi nhớ lại điển tích bát cơm Phiếu Mẫu đã trở thành một thành ngữ dân gian, đâu dám nghĩ có ngày mình sẽ trả ơn bà quán cháo, vì tự biết mình bất tài, ít đức, chẳng qua có chút học vấn, lấy sách để tự dạy mình trong cuộc sống. Nhưng chuyện xưa đọc đã quá lâu ngày (65 năm), nay đem kể lại, nội dung chắc không sai, còn lời văn không thể y nguyên như sách cũ, mong độc giả thứ lỗi.

          Tôi nghĩ chuyện Hàn Tín là bài học lớn, một tấm gương sáng: Trả ơn không trả oán, biết cất nhắc người tài, nhẫn nhục điều nhỏ để thành công việc lớn. Nếu tôi phải đi ăn mày để sống có ích cho mai sau, tại sao không dám thay chiếc xe cọc cạch này bằng bộ đồ bị gậy?

          Nghĩ ngợi lan man, thị xã Ninh Bình đã đến lúc nào không biết, tôi tìm một hàng ăn. Trên đường tôi đã qua, người đi lại thưa thớt, đến đây phố phường cũng vắng vẻ. Có lẽ năm mới còn bận hội hè chưa mấy ai làm ăn, buôn bán. Hàng cơm đóng cửa! Hàng nước bán bánh chưng treo lủng lẳng. Phía trên bàn nước có một dãy bát úp, chắc chưa có người mở hàng. Tôi ngồi vào ghế dài, hỏi mua một cái bánh chưng. Tính tôi ngày Tết thích ăn bánh chưng chấm mật, nhưng không có mật đành dùng với kẹo bột. Bánh nhạt thếch, có lẽ bánh cũ luộc lại. Nhân đậu xanh thêm miếng thịt lợn bằng đốt tay. Tóm lại, bánh tuy cũ nhưng ăn cũng được, và gặp chỗ có nhân thấy ngon ngon.

Trong dân gian, người ta hay đố vui: “Món gì ngon nhất?”. Câu trả lời: “Nhất đói là ngon!” Đã lâu lắm tôi không được ăn bánh chưng vì ngày Tết mới có. Nhà tôi qua 4 cái Tết không gói bánh chưng. Đến mùng 3 của cái Tết thứ tư, hôm kia tôi mới được nếm một miếng bánh chưng nhà dượng Phú, gói bằng nếp con hơi cứng và nhân chỉ là một củ hành! Bây giờ lại chỉ ăn sét bát cơm nguội ở Quán Cháo từ tối qua, thấy bánh này ngon là phải. Một cái bánh nhỏ bằng lòng bàn tay, mấy  lượt lá chuối, với người ta thì dính ruột, tôi quen ăn ít, nên đã cảm thấy lửng dạ, nếu mua thêm lại nhiều quá, thôi đành đói một chút, cũng chịu được, trong lúc này giảm chi bớt tí nào hay tí ấy.

(còn tiếp)

                                                                   HTP/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét